VỀ TRỢ CẤP VÀ CÁC BIỆN PHÁP ĐỐI KHÁNG
CÁC THÀNH VIÊN, BẰNG HIỆP ĐỊNH NÀY, THOẢ THUẬN NHƯ SAU:
PHẦN I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Định nghĩa trợ cấp
1.1 Theo Hiệp định này, trợ cấp được coi là tồn tại nếu:
(a)(1) có sự đóng góp về tài chính của chính phủ hoặc một cơ quan công cộng trên lãnh thổ của một Thành viên ( theo Hiệp định này sau đây gọi chung là “chính phủ”) khi:
(i) chính phủ thực tế có chuyển trực tiếp các khoản vốn (ví dụ như cấp phát, cho vay, hay góp cổ phần), có khả năng chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (như bảo lãnh tiền vay);
(ii) các khoản thu phải nộp cho chính phủ đã được bỏ qua hay không thu (ví dụ: ưu đãi tài chính như miễn thuế )[1];
(iii) chính phủ cung cấp hàng hoá hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở chung, hoặc mua hàng ;
(iv) chính phủ góp tiền vào một cơ chế tài trợ, hay giao hoặc lệnh cho một tổ chức tư nhân thực thi một hay nhiều chức năng đã nêu từ điểm (i) đến (iii) trên đây, là những chức năng thông thường được trao cho chính phủ và công việc của tổ chức tư nhân này trong thực tế không khác với những hoạt động thông thuờng của chính phủ.
hoặc
(a) (2) có bất kỳ một hình thức hỗ trợ thu nhập hoặc trợ giá nào theo nội dung Điều XVI của Hiệp định GATT 1994;
và
(b) một lợi ích được cấp bởi điều đó.
1.2 Trợ cấp theo định nghĩa tại khoản khoản 1 phải chịu sự điều chỉnh của các quy định tại Phần II hoặc các quy định tại Phần III hoặc Phần V chỉ khi đó là một trợ cấp riêng theo các quy định tại Điều 2.
Điều 2
Tính riêng biệt
2.1 Để xác định liệu một trợ cấp theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 1 có được áp dụng riêng cho một doanh nghiệp hay một nhóm các doanh nghiệp hay ngành sản xuất ( theo Hiệp định này gọi là “các doanh nghiệp nhất định") trong phạm vi quyền hạn của cơ quan có thẩm quyềncấp trợ cấp hay không, các nguyên tắc sau sẽ được áp dụng:
(a) Khi cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp hay luật mà cơ quan đó thực hiện hạn chế rõ ràng diện các doanh nghiệp nhất định được hưởng trợ cấp , thì các trợ cấp đó sẽ mang tính riêng biệt.
(b) Khi cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp hay luật mà cơ quan đó thực hiện đặt ra các tiêu chuẩn khách quan hoặc điều kiện[2] được trợ cấp hay giá trị khoản trợ cấp, thì không được coi là có tính riêng biệt nếu khả năng nhận trợ cấp được mặc nhiên áp dụng và các tiêu chuẩn, điều kiện đó được tuân thủ chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hoặc điều kiện đó phải được thể hiện một cách rõ ràng trong luật, quy định hoặc tài liệu chính thức khác, để có thể nhận biết được.
(c) Cho dù bề ngoài không mang tính riêng biệt do kết qủa của việc áp dụng các nguyên tắc nêu tại điểm (a) và (b), nhưng nếu có lý do để tin rằng, trợ cấp đó trên thực tế mang tính riêng biệt, thì có thể xem xét đến các yếu tố khác. Các yếu tố đó là: chỉ một số lượng có hạn các doanh nghiệp được hưởng trợ cấp trợ cấp nhiều hơn cho một số doanh nghiệp nhất định, cấp số tiền trợ cấp chênh lệch lớn cho một số doanh nghiệp nhất định và việc này được cơ quan có thẩm quyền thực hiện một cách tuỳ tiện khi quyết định trợ cấp[3]. Khi áp dụng điểm này, cần tính đến mức độ của việc đa dạng hoá các hoạt động kinh tế trong phạm vi quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp, cũng như cần tính tới khoảng thời gian hoạt động của chương trình trợ cấp.
2. 2 Trợ cấp áp dụng hạn chế đối với các doanh nghiệp nhất định hoạt động tại một vùng địa lý xác định thuộc quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền cấp trợ cấp phải được coi là mang tính riêng biệt. Việc chính quyền ở tất cả các cấp quy định hay thay đổi thuế suất áp dụng chung không được coi là trợ cấp riêng biệt theo Hiệp định này.
2. 3 Bất kỳ trợ cấp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 3 sẽ được coi là trợ cấp riêng.
2. 4 Việc xác định tính riêng biệt của trợ cấp theo các quy định của Điều này phải được chứng minh rõ ràng trên cơ sở bằng chứng thực tế.
Điều 3
Những quy định cấm
3.1 Trừ khi có quy định khác tại Hiệp định nông nghiệp, các khoản trợ cấp sau đây theo định nghĩa tại Điều 1 sẽ bị cấm:
(a) quy định khối lượng trợ cấp, theo luật hay trong thực tế[4], dù là một điều kiện riêng biệt hay kèm theo những điều kiện khác, căn cứ vào kết quả thực hiện xuất khẩu, kể cả những khoản trợ cấp minh hoạ tại Phụ lục I[5];
(b) quy định khối lượng trợ cấp, dù là một điều kiện riêng biệt hay kèm theo những điều kiện khác, ưu tiên sử dụng hàng nội địa hơn hàng ngoại.
3.2 Mỗi Thành viên sẽ không cấp hay duy trì những khoản trợ cấp nêu tại khoản 1.
Điều 4
4. 1 Mỗi khi một Thành viên có lý do để tin rằng một khoản trợ cấp bị cấm đang được một Thành viên khác áp dụng hay duy trì, thì Thành viên đó có thể yêu cầu được tham vấn với Thành viên kia.
4. 2 Yêu cầu tham vấn nêu tại khoản 1 phải kèm theo một bản trình bày chứng cứ hiện có về sự tồn tại và tính chất của trợ cấp nói trên.
4. 3 Khi có yêu cầu tham vấn theo quy định tại khoản 1, Thành viên bị coi là đang áp dụng hay duy trì trợ cấp bị cấm sẽ tiến hành tham vấn trong thời gian sớm nhất có thể được. Mục tiêu tham vấn là nhằm làm rõ sự thật tình và đi đến một thoả thuận chung giữa các bên.
4. 4 Nếu trong vòng 30 ngày[6] kể từ ngày có yêu cầu tham vấn mà không đạt được một giải pháp được các bên chấp nhận, thì bất kỳ Thành viên nào tham gia tham vấn cũng có thể đưa vấn đề ra Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB "DSB") để ngay lập tức thành lập một ban hội thẩm , trừ khi DSB nhất trí quyết định không thành lập ban hội thẩm để giải quyết vấn đề đó.
4. 5 Ngay khi được thành lập, ban hội thẩm có thể yêu cầu sự trợ giúp của Nhóm Chuyên gia thường trực[7] ( theo Hiệp định gọi tắt là "PGE") để đánh giá xem biện pháp đang được nêu ra có phải là trợ cấp bị cấm không. Nếu được yêu cầu, PGE sẽ tiến hành xem xét ngay các chứng cứ về sự tồn tại và tính chất của biện pháp được nêu ra và sẽ tạo cơ hội để Thành viên đang áp dụng hay duy trì biện pháp đó chứng minh rằng biện pháp đó không phải là trợ cấp bị cấm. Trong thời hạn do ban hội thẩm quy định, PGE sẽ báo cáo kết luận lên ban hội thẩm. Kết luận của PGE về việc biện pháp được nêu ra có phải là trợ cấp cấm hay không sẽ được ban hội thẩm chấp nhận mà không được phép sửa đổi
4. 6 Ban hội thẩm sẽ nộp báo cáo cuối cùng cho các bên tranh chấp. Báo cáo sẽ được gửi cho các Thành viên trong vòng 90 ngày, kể từ ngày ban hội thẩm được thành lập và các điều khoản tham chiếu được chấp nhận
4. 7 Nếu biện pháp nêu ra được xác định là trợ cấp bị cấm, ban hội thẩm sẽ khuyến nghị Thành viên đang duy trì trợ cấp bỏ ngay trợ cấp đó. Ban hội thẩm sẽ nêu rõ trong khuyến nghị thời hạn để bỏ biện pháp đó.
4. 8 Trong vòng 30 ngày kể từ khi ban hội thẩm gửi báo cáo cho tất cả các Thành viên, DSB sẽ thông qua báo cáo, trừ khi một bên tranh chấp thông báo chính thức với DSB về quyết định kháng cáo của mình hoặc DSB nhất trí quyết định không thông qua bản báo cáo đó.
4. 9. Khi báo cáo của ban hội thẩm bị kháng cáo, Cơ quan Phúc thẩm sẽ có quyết định trong vòng 30 ngày kể từ khi bên tranh chấp chính thức thông báo ý định kháng cáo. Khi Cơ quan Phúc thẩm thấy rằng không thể có được báo cáo trong vòng 30 ngày, Cơ quan đó sẽ thông báo bằng văn bản cho DSB về lý do chậm trễ cùng với thời gian dự kiến sẽ nộp báo cáo. Trong mọi trường hơp, thời hạn giải quyết kháng cáo không được quá 60 ngày. Báo cáo phúc thẩm sẽ được DSB thông qua và các bên liên quan chấp nhận một cách vô điều kiện trừ khi, trong vòng 20 ngày kể từ ngày gửi báo cáo tới các Thành viên[8], DSB nhất trí quyết định không thông qua báo cáo phúc thẩm.
4. 10. Trong trường hợp khuyến nghị của DSB không được thực thi trong thời hạn được ban hội thẩm đề ra, tính từ ngày thông qua báo cáo của ban hội thẩm hoặc báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm, DSB sẽ cho phép Thành viên có khiếu nại áp dụng biện pháp đối kháng phù hợp[9] trừ khi DSB nhất trí quyết định từ chối yêu cầu được áp dụng biện pháp đó.
4. 11. Trong trường hợp một bên tranh chấp yêu cầu trọng tài theo khoản 6 Điều 22 của Thoả thuận về giải quyết tranh chấp (DSU), thì trọng tài viên sẽ xác định xem biện pháp đối kháng có thích hợp hay không[10].
4. 12. Để giải quyết các tranh chấp theo Điều này, ngoại trừ những thời hạn được quy định cụ thể tại Điều này, thời hạn quy định để giải quyết các tranh chấp đó sẽ chỉ bằng một nửa thời hạn quy định trong DSU.
PHẦN III: TRỢ CẤP CÓ THỂ ĐỐI KHÁNG
Điều 5
Tác động nghịch
Không một Thành viên nào thông qua việc sử dụng bất kỳ trợ cấp nào nêu tại khoản 1 và 2 của Điều 1 để gây ra tác động có hại đến quyền lợi của Thành viên khác, cụ thể như:
(a) gây tổn hại cho một ngành sản xuất của một Thành viên khác[11];
(b) làm vô hiệu hay gây phương hại đến những quyền lợi mà Thành viên khác trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng từ Hiệp định GATT 1994, đặc biệt là những quyền lợi có được từ những nhân nhượng đã cam kết theo Điều 2 của Hiệp định GATT 1994[12];
(c) gây tổn hại nghiêm trọng tới quyền lợi của một Thành viên khác[13].
Điều này không áp dụng với những trợ cấp được áp dụng với nông sản quy định tại Điều 12 Hiệp định nông nghiệp.
Điều 6
Tổn hại nghiêm trọng
6.1 Theo điểm (c) của Điều 5, tổn hại nghiêm trọng được coi là tồn tại trong trường hợp:
(a) tổng trị giá trợ cấp[14] cho một sản phẩm vượt quá 5%[15];
(b) trợ cấp để bù cho sự thua lỗ kéo dài trong hoạt động kinh doanh của một ngành sản xuất;
(c) trợ cấp để bù cho các hoạt động kinh doanh thua lỗ của một doanh nghiệp, trừ khi đó là một biện pháp nhất thời một lần và không lặp lại với doanh nghiệp đó và được cấp chỉ thuần tuý để cho phép có thời gian tìm kiếm một giải pháp lâu dài và tránh phát sinh một vấn đề xã hội gay gắt;
(d) trực tiếp xoá nợ như xoá một khoản nợ Nhà nước hay cấp kinh phí để thanh toán nợ[16].
6.2 Cho dù có các quy định tại khoản 1, sẽ không coi là có tổn hại nghiêm trọng nếu Thành viên áp dụng trợ cấp chứng minh được rằng việc trợ cấp được nêu ra không dẫn đến bất kỳ tác động nào nêu tại khoản 3.
6.3 Tổn hại nghiêm trọng hiểu theo nghĩa của của điểm (c) Điều 5 có thể phát sinh trong bất kỳ trường hợp nào khi:
(a) trợ cấp làm triệt thoái hay ngăn cản nhập khẩu các sản phẩm tương tự của một Thành viên khác vào thị trường Thành viên đang áp dụng trợ cấp;
(b) trợ cấp đã làm triệt thoái hay ngăn cản xuất khẩu các sản phẩm tương tự của một Thành viên khác từ thị trường của một nước thứ ba;
(c) trợ cấp đã làm hạ giá ở mức độ lớn của một sản phẩm được trợ cấp so với giá của sản phẩm tương tự của một Thành viên khác trên cùng một thị trường hay gây ra ép giá, đè giá hay giảm doanh số đáng kể trên cùng một thị trường.
(d) trợ cấp đã làm tăng thị phần trên thị trường thế giới của Thành viên đang áp dụng trợ cấp với một sản phẩm hoặc mặt hàng chưa chế biến được trợ cấp[17] so với mức thị phần trung bình của Thành viên đó trong ba năm trước đó hoặc trợ cấp như vậy duy trì một tốc độ tăng đều trong thời kỳ được trợ cấp.
6. 4 Theo điểm 3(b), sự triệt thoái hay ngăn cản xuất khẩu bao gồm bất kỳ trường hợp nào đã chứng minh được, tuỳ thuộc quy định của khoản 7, rằng có sự thay đổi tương quan thị phần bất lợi cho một sản phẩm tương tự không được trợ cấp (trong một thời gian đủ mang tính đại diện để chứng minh cho một xu thế tiến triển thị trường của sản phẩm liên quan, mà trong tình huống bình thường cũng phải tối thiểu là một năm). “Sự thay đổi tương đối thị phần” bao gồm bất kỳ một tình huống nào sau đây: (a) có sự tăng thị phần của sản phẩm được trợ cấp; (b) thị phần của sản phẩm được trợ cấp vẫn được giữ vững trong hoàn cảnh mà nếu không có trợ cấp sẽ bị giảm; (c) thị phần của sản phẩm được trợ cấp suy giảm, nhưng với tốc độ chậm hơn so với trường hợp không có trợ cấp.
6. 5 Theo điểm 3(c), hạ giá bao gồm những trường hợp, mà trong đó việc hạ giá này được chứng tỏ qua so sánh giá hàng được trợ cấp với giá của sản phẩm tương tự không được trợ cấp cung cấp vào cùng một thị trường. So sánh phải được tiến hành với cùng mức giao thương và với thời gian so sánh được, có tính toán đúng đến bất kỳ nhân tố nào khác tác động đến việc so sánh giữa các loại giá. Tuy nhiên, nếu so sánh trực tiếp không thể thực hiện được, có thể chứng minh có sự hạ giá trên cơ sở đơn giá xuất khẩu.
6. 6 Mỗi Thành viên trên thị trường được coi là có sự tổn hại nghiêm trọng sẽ, theo các quy định của khoản 3 - Phụ lục V, sẵn sàng cung cấp cho các bên tranh chấp theo các quy định tại Điều 7 và cho ban hội thẩm được thành lập theo khoản 4 Điều 7, mọi thông tin liên quan có thể có về sự thay đổi thị phần của các bên tranh chấp cũng như những thông tin về giá sản phẩm liên quan tới tranh chấp.
6. 7 Không được coi là có sự triệt thoái hay ngăn cản dẫn tới tổn hại nghiêm trọng nêu tại khoản 3, khi có bất kỳ trường hợp nào dưới đây tồn tại[18] trong thời kỳ được xem xét:
(a) cấm hay hạn chế xuất khẩu một sản phẩm tương tự từ Thành viên có khiếu nại hay nhập khẩu từ Thành viên có khiếu nại vào một thị trường một nước thứ ba có liên quan;
(b) chính phủ một nước nhập khẩu áp dụng độc quyền thương mại hay thương mại nhà nước đối với sản phẩm liên quan quyết định chuyển việc nhập khẩu, vì những lý do phi thuơng mại, từ nước có khiếu nại sang nhập khẩu từ một hay nhiều nước khác;
(c) có thiên tai, đình công, đình trệ giao thông hay những hoàn cảnh bất khả kháng khác tác động đáng kể đến sản xuất, chất lượng hay giá cả của sản phẩm dành cho xuất khẩu từ Thành viên có khiếu nại;
(d) có sự thoả thuận hạn chế xuất khẩu từ Thành viên có khiếu nại;
(e) tự nguyện giảm khối lượng hàng xuất khẩu liên quan của nước có khiếu nại (bao gồm , nhưng không giới hạn bởi, trường hợp các hãng thuộc Thành viên có khiếu nại chủ động phân bố lại việc xuất khẩu sản phẩm đó vào các thị trường khác);
(f) không tuân theo các tiêu chuẩn hay yêu cầu quy định của nước nhập khẩu.
6. 8 Khi không có những tình huống nêu tại khoản 7, tổn hại nghiêm trọng có thể được xác định trên cơ sở các thông tin mà ban hội thẩm được cung cấp hay có được, kể cả những thông tin được cung cấp theo các quy định của Phụ lục V.
6. 9 Điều này không áp dụng đối với trợ cấp được duy trì với nông phẩm theo quy định tại Điều 13 Hiệp định nông nghiệp.
Điều 7
Các chế tài
7. 1 i Trừ những trường hợp quy định tại Điều 13 Hiệp định nông nghiệp, bất kỳ khi nào một Thành viên có lý do để tin rằng một khoản trợ cấp nêu tại Điều 1 được một Thành viên khác áp dụng hay duy trì, dẫn đến thiệt hại, làm vô hiệu hoá, suy giảm hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho một ngành sản xuất của mình, Thành viên này có thể yêu cầu tham vấn với Thành viên kia.
7. 2 Yêu cầu tham vấn nêu tại khoản 1 phải nêu rõ bằng chứng hiện có về (a) sự tồn tại và tính chất của một khoản trợ cấp đã nêu, và (b) thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất trong nước, hay sự vô hiệu hoá, suy giảm hoặc tổn hại nghiêm trọng[19] gây ra với quyền lợi của Thành viên yêu cầu tham vấn.
7. 3 Khi có yêu cầu tham vấn theo khoản 1, Thành viên được coi là đang áp dụng hay duy trì trợ cấp sẽ tiến hành tham vấn trong thời gian sớm nhất có thể . Mục đích của tham vấn là nhằm làm rõ thực tế tình hình và đạt được một giải pháp giữa các bên.
7.4 Nếu việc tham vấn không đạt được giải pháp giữa các bên trong vòng 60 ngày[20], bất kỳ Thành viên tham vấn nào cũng có thể đưa vấn đề ra DSB và yêu cầu lập ban hội thẩm giải quyết trừ khi DSB nhất trí quyết định không thành lập ban hội thẩm. Thành phần và nhiệm vụ của ban hội thẩm sẽ được xác định trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban được thành lập.
7.5 Ban hội thẩm sẽ xem xét lại vấn đề và có báo cáo gửi các bên tranh chấp. Báo cáo sẽ được gửi tới mọi Thành viên trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hội thẩm được thành lập và điều khoản tham chiếu của ban được xác định.
7. 6 Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hội thẩm có báo cáo gửi các Thành viên, báo cáo sẽ được DSB thông qua[21] trừ khi có một trong các bên đang tranh chấp chính thức thông báo cho DSB về quyết định của mình sẽ kháng cáo hoặc DSB nhất trí không thông qua báo cáo.
7. 7 Khi một bản báo cáo của ban hội thẩm bị kháng cáo, Cơ quan Phúc thẩm sẽ ra quyết định trong vòng 60 ngày kể từ ngày bên kháng cáo chính thức thông báo ý định kháng cáo. Khi không có điều kiện quyết định trong vòng 60 ngày, Cơ quan Phúc thẩm sẽ thông báo bằng văn bản cho DSB lý do chậm trễ cùng với thời hạn dự kiến sẽ gửi báo cáo. Trong mọi trường hợp, thủ tục giải quyết kháng cáo cũng không quá 90 ngày. Báo cáo phúc thẩm sẽ được DSB thông qua vô điều kiện và được các bên tranh chấp chấp nhận trừ khi DSB nhất trí không thông qua báo cáo đó trong vòng 20 ngày kể từ ngày gửi báo cáo tới các Thành viên[22].
7. 8 Khi báo cáo của Ban hội thẩm hay báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được thông qua xác định có tồn tại bất kỳ trợ cấp nào dẫn tới những tác động có hại tới quyền lợi của một Thành viên khác theo nội dung của Điều 5, thì Thành viên cấp hay duy trì trợ cấp sẽ có những biện pháp thích hợp để loại bỏ tác động có hại đó hoặc loại bỏ trợ cấp.
7. 9 Trong trường hợp một Thành viên không thực hiện những biện pháp thích hợp để loại bỏ tác động nghịch đó hoặc loại bỏ trợ cấp trong vòng 6 tháng kể từ ngày DSB thông qua báo cáo hội thẩm hay báo cáo phúc thẩm, và khi không có thoả thuận về đền bù, thì DSB cho phép bên khiếu nại có biện pháp đối kháng, tương xứng với mức độ và tính chất của tác động có hại đã xác định được, trừ khi nhất trí quyết định từ chối yêu cầu đó.
7. 10 Trong trường hợp một bên tranh chấp yêu cầu trọng tài theo quy định tại khoản 6 Điều 22 của DSU, trọng tài sẽ xác định xem biện pháp đối kháng có tương xứng với mức độ và tính chất của tác động nghịch đã được xác định là có tồn tại không.
PHẦN IV: NHỮNG TRỢ CẤP KHÔNG THỂ ĐỐI KHÁNG
Điều 8
Xác định những trợ cấp không thể đối kháng
8.1 Những trợ cấp dưới đây được coi là không thể đối kháng[23]:
(a) trợ cấp không mang tính chất riêng biệt nêu tại Điều 2;
(b) trợ cấp mang tính chất riêng biệt như nêu tại Điều 2 nhưng đáp ứng mọi điều kiện nêu tại các điểm 2(a), 2(b) hoặc 2(c) dưới đây.
8.2 Cho dù có các quy định tại Phần III và V, những trợ cấp dưới đây là những trợ cấp không thể đối kháng:
(a) hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu do các hãng hay các cơ sở đào tạo cao học hoặc cơ sở nghiên cứu thông qua ký hợp đồng với các hãng thực hiện. Nếu[24], [25], [26] :
sự hỗ trợ không chiếm[27] quá 75% chi phí cho nghiên cứu công nghiệp[28] hoặc 50% chi phí cho phát triển sản phẩm tiền cạnh tranh[29], [30].
và với điều kiện là sự trợ giúp như vậy được hạn chế hoàn toàn trong:
(i) chi phí nhân sự (các nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên và cán bộ hỗ trợ chi sử dụng cho hoạt động nghiên cứu);
(ii) chi phí công cụ, thiết bị, đất đai và nhà cửa hoàn toàn và thường xuyên (trừ khi được sử dụng vào mục đích thương mại) sử dụng cho hoạt động nghiên cứu;
(iii) chi phí tư vấn và các dịch vụ tương đương chỉ sử dụng hoàn toàn cho hoạt động nghiên cứu, kể cả thanh toán cho nghiên cứu thuê bên ngoài, hiểu biết kỹ thuật, bản quyền, v. v. ;
(iv) chi phí bổ sung phụ trội phát sinh trực tiếp là hoạt động nghiên cứu;
(v) các chi phí điều hành khác (như là vật liệu, vật tư được cung cấp và các thứ tương tự) phát sinh trực tiếp từ hoạt động nghiên cứu;
(b) trợ giúp cho các vùng khó khăn trên lãnh thổ của một Thành viên theo chương trình chung phát triển vùng[31] và không mang tính chất riêng biệt (hiểu theo nghĩa của Điều 2) trong phạm vi vùng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp với điều kiện là:
(i) mỗi vùng khó khăn phải được xác định ranh giới một cách rõ ràng về địa lý với đặc điểm kinh tế và hành chính có thể làm rõ được;
(ii) vùng đó được coi là một vùng khó khăn trên cơ sở những tiêu chí vô tư và khách quan[32], nêu rõ ràng những khó khăn của vùng đó phát sinh từ những nhân tố không chỉ mang tính chất nhất thời; các tiêu thức đó phải được nêu rõ trong luật, quy định hay những văn bản chính thức khác để có thể cho phép kiểm tra;
(iii) các tiêu trí đó bao gồm việc xác định mức độ phát triển kinh tế dựa vào ít nhất một trong những yếu tố sau:
- một trong các chỉ tiêu thu nhập tính theo đầu người hoặc thu nhập hộ gia đình theo đầu người hoặc tổng sản phẩm quốc gia (GDP) tính theo đầu người và chỉ tiêu đó không được vượt quá 85% thu nhập trung bình của vùng lãnh thổ liên quan;
- chỉ số thất nghiệp, phải là mức thất nghiệp không dưới 110% mức thất nghiệp trung bình của vùng lãnh thổ liên quan; và được tính toán trong thời kỳ 3 năm; tuy nhiên cách tính đó có thể là một yếu tố phức hợp hay bao gồm nhiều yếu tố khác.
(c) hỗ trợ nhằm xúc tiến nâng cấp những phương tiện hạ tầng hiện có[33] cho phù hợp với yêu cầu mới về môi trường do luật pháp, hay các quy định đặt ra, làm cho các hãng phải chịu khó khăn hoặc gánh nặng tài chính lớn hơn, với điều kiện sự hỗ trợ đó:
(i) là một biện pháp nhất thời không kéo dài; và
(ii) giới hạn không quá 20% chi phí nâng cấp; và
(iii) không bao gồm chi phí thay thế và vận hành khoản đầu tư đã hỗ trợ, những chi phí này phải hoàn toàn do các hãng tự chịu; và
(iv) phải có liên hệ trực tiếp tới hay tương ứng với các chương trình giảm tiếng ồn và ô nhiễm của doanh nghiệp, và không bao gồm bất kỳ khoản tiết kiệm chi phí sản xuất nào có thể đạt được; và
(v) được cấp cho mọi doanh nghiệp có thể ứng dụng thiết bị mới hay quy trình sản xuất mới.
8. 3 Việc thực hiện Chương trình trợ cấp quy định tại khoản 2 phải được thông báo trước cho Ủy ban theo các quy định tại Phần VII. Mọi thông báo như vậy phải đủ mức rõ ràng để các Thành viên khác có thể đánh giá được tính phù hợp của chương trình với các điều kiện và tiêu trí quy định tại khoản 2. Các Thành viên hàng năm cũng sẽ thông báo cho Ủy ban những cập nhật mới nhất của các thông báo trên, và những điều chỉnh trong các chương trình đó, cụ thể là cung cấp thông tin về tổng số chi phí toàn cầu cho mỗi chương trình đó. Các Thành viên khác có quyền yêu cầu thông tin về những trường hợp cụ thể được trợ cấp theo những chương trình đã thông báo[34].
8. 4 Khi một Thành viên có yêu cầu, Ban Thư ký sẽ xem xét lại thông báo được thực hiện theo khoản 3, và khi cần thiết có thể yêu cầu Thành viên đang áp dụng trợ cấp cung cấp thêm thông tin về các chương trình đã thông báo đang được rà soát. Ban Thư ký sẽ báo cáo kết luận của mình cho Ủy ban. Khi có yêu cầu, Ủy ban sẽ nhanh chóng rà soát kết luận của Ban Thư ký (hoặc nếu trước đó không có yêu cầu Ban Thư ký rà soát, thì xem xét chính bản thông báo), nhằm xác định xem các điều kiện và tiêu chí nêu tại khoản 2 có được đáp ứng không. Thủ tục quy định tại khoản này phải hoàn thành chậm nhất vào phiên họp thường lệ đầu tiên của Ủy ban tiếp theo ngày tiếp nhận thông báo về chương trình trợ cấp, với điều kiện thông báo được tiếp nhận không dưới hai tháng trước phiên họp thường kỳ của Ủy ban. Khi có yêu cầu, thủ tục rà soát nêu tại khoản này cũng được áp dụng đối với những điều chỉnh đáng kể của chương trình đã được thông báo cập nhật hàng năm nêu tại khoản 3.
8. 5 Khi một Thành viên có yêu cầu, sự xác định của Uỷ ban nêu tại khoản 4, hoặc khi Ủy ban không xác định được, cũng như sự vi phạm các điều kiện đã được nêu trong thông báo với mỗi trường hợp riêng biệt sẽ được đưa ra trọng tài giải quyết và quyết định của trọng tài là ràng buộc. Trừ khi có quy định khác tại khoản này, thì DSU sẽ được áp dụng đối với thủ tục trọng tài được tiến hành theo khoản này.
Điều 9
Tham vấn và các chế tài được phép
9. 1 Trong quá trình thực hiện chương trình nêu tại khoản 2 Điều 8, cho dù chương trình đã phù hợp với các tiêu chí quy định tại khoản đó, nhưng nếu một Thành viên có lý do để tin rằng chương trình này đã dẫn tới những những tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của Thành viên đó, tới mức có thể gây thiệt hại khó có thể khắc phục được, thì Thành viên đó có thể yêu cầu tham vấn với Thành viên đang áp dụng hoặc duy trì trợ cấp.
9. 2 Khi có yêu cầu tham vấn nêu tại khoản 1, Thành viên đang áp dụng hay duy trì chương trình trợ cấp được nêu ra sẽ tiến hành tham vấn trong thời gian sớm nhất có thể. Mục đích của việc tham vấn là nhằm làm rõ sự việc và để đạt tới một giải pháp có thể được các bên chấp nhận.
9. 3 Nếu không đạt được giải pháp có thể chấp nhận trong vòng 60 ngày kể từ ngày yêu cầu tham vấn theo quy định tại khoản 2 thì thành viên yêu cầu tham vấn có thể đưa vấn đề ra trước Ủy ban để giải quyết .
9. 4 Khi một vấn đề được đưa ra trước Ủy ban, Ủy ban sẽ lập tức xem xét sự việc liên quan và các bằng chứng về tác động nêu tại khoản 1. Nếu xác định có tác động như vậy, thì Ủy ban có thể khuyến nghị với Thành viên đang áp dụng trợ cấp điều chỉnh chương trình trợ cấp sao cho triệt tiêu được tác động đó. Ủy ban phải có kết luận trong vòng 120 ngày kể từ ngày vấn đề được đưa ra trước Ủy ban như quy định tại khoản 3. Trong trường hợp các khuyến nghị nói trên không được tuân thủ trong vòng 6 tháng, Ủy ban sẽ cho phép Thành viên yêu cầu được áp dụng những biện pháp đối kháng tương xứng với tính chất và mức độ của tác động đã được xác định.
PHẦN V: CÁC BIỆN PHÁP ĐỐI KHÁNG
Điều 10
Áp dụng Điều VI GATT 1994[35]
Các Thành viên sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng việc đánh thuế đối kháng[36] với bất kỳ sản phẩm nào của bất kỳ Thành viên nào nhập khẩu vào lãnh thổ của một Thành viên khác phù hợp với các quy định của Điều VI Hiệp định GATT 1994 và phù hợp với các các quy định của Hiệp định này. Các loại thuế đối kháng chỉ được áp dụng căn cứ trên cơ sở điều tra đã được khởi tố và thực hiện[37] phù hợp với các quy định của Hiệp định này và Hiệp định về nông nghiệp.
Điều 11
Khởi tố và tiến hành điều tra
11.1 Trừ trường hợp quy định tại khoản 6, việc điều tra để xác định sự tồn tại, mức độ và tác động của việc được coi là trợ cấp sẽ được khởi xướng trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của hoặc thay mặt cho một ngành sản xuất trong nước.
11. 2 Đề nghị nêu tại khoản 1 phải bao gồm những bằng chứng về sự tồn tại của: (a) khoản trợ cấp và nếu có thể nêu rõ cả giá trị trợ cấp, (b) thiệt hại theo nghĩa của Điều VI Hiệp định GATT 1994 được giải thích theo Hiệp định này, và (c) mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu được trợ cấp với thiệt hại được cho là đã xảy ra. Một sự khẳng định giản đơn, không thuộc về bản chất thì không thể được coi là đủ để đáp ứng các yêu cầu của khoản này. Đơn yêu cầu sẽ phải bao gồm những thông tin mà người yêu cầu có được một cách hợp lý về những nội dung sau đây:
(i) Căn cứ của người yêu cầu và mô tả về khối lượng và trị giá của sản xuất trong nước về sản phẩm tương tự của người yêu cầu . Khi đơn yêu cầu được nộp nhân danh một ngành sản xuất trong nước, thì đơn yêu cầu đó sẽ xác định ngành sản xuất trong nước bằng một danh sách những nhà sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự (hoặc hiệp hội những nhà sản xuất trong nước về sản phẩm tương tự) và trong chừng mực có thể, mô tả khối lượng và trị giá sản xuất trong nước của sản phẩm tương tự mà những nhà sản xuất này sản xuất ra
(ii) mô tả đầy đủ về sản phẩm bị coi là được trợ cấp, tên nước hay những nước xuất xứ hoặc xuất khẩu sản phẩm đó, căn cứ của mỗi nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất nước ngoài đã biết và một danh sách những người nhập khẩu sản phẩm đó đã biết.
(iii) bằng chứng về sự tồn tại, số lượng và tính chất của trợ cấp.
(iv) bằng chứng về thiệt hại được coi là đã xảy ra đối với ngành sản xuất trong nước do sản phẩm nhập khẩu được trợ cấp gây ra do tác động của trợ cấp; bằng chứng đó phải có những thông tin về sự thay đổi trong khối lượng nhập khẩu hàng có trợ cấp, tác động của nhập khẩu đó với giá cả những sản phẩm tương tự trên thị trường trong nước và những tác động của hàng nhập khẩu đó đối với ngành sản xuất trong nước, được chứng minh bằng những yếu tố cùng chỉ số có liên quan thể hiện tình trạng của ngành sản xuất trong nước, như các vấn đề nêu tại các khoản 2 và 4 Điều 15.
11. 3 Cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra lại tính đúng đắn và đầy đủ của bằng chứng được cung cấp trong đơn để xác định xem bằng chứng đó có đủ để bắt đầu điều tra không.
11. 4 Việc điều tra theo quy định tại khoản 1 sẽ không được bắt đầu trừ khicơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở xem xét mức độ đồng tình hay phản đối của những nhà sản xuất trong nước những sản phẩm tương tự với yêu cầu đã xác định rằng đơn yêu cầu đã được nộp bởi[38] hoặc nhân danh ngành sản xuất trong nước[39]. Đơn yêu cầu được coi là được nộp bởi hoặc nhân danh một ngành sản xuất trong nước nếu được những nhà sản xuất có chung khối lượng sản xuất chiếm trên 50% của tổng lượng sản xuất sản phẩm tương tự của những nhà sản xuất thể hiện sự ủng hộ hay phản đối đơn yêu cầu. Tuy nhiên, việc điều tra sẽ không được tiến hành nếu tiếng nói của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ đơn đó không vượt quá 25% tổng khối lượng của ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nước.
1. 5 Cơ quan có thẩm quyền sẽ tránh không công bố đơn yêu cầu bắt đầu điều tra, trừ khi đã có quyết định bắt đầu điều tra.
11. 6 Trong trường hợp đặc biệt, khi cơ quan có thẩm quyền quyết định điều tra mà không nhận được đơn của và nhân danh một ngành sản xuất trong nước yêu cầu tiến hành điều tra, thì Cơ quan có thẩm quyền chỉ bắt đầu điều tra nếu đã có đủ bằng chứng về một trợ cấp, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả như đã nêu tại khoản 2 để chứng minh rằng việc bắt đầu tiến hành điều tra này là cần thiết.
11. 7 Bằng chứng của cả việc trợ cấp lẫn thiệt hại sẽ được xem xét cùng một lúc: (a) khi ra quyết định có bắt đầu điều tra không và (b) sau đó trong tiến trình điều tra, bắt đầu vào một ngày không chậm hơn ngày sớm nhất mà một biện pháp tạm thời có thể được áp dụng theo quy định của Hiệp định này.
11. 8 Trong trường hợp sản phẩm không được nhập khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ mà được xuất khẩu vào Thành viên nhập khẩu thông qua một nước trung gian, các quy định của Hiệp định này vẫn được áp dụng đầy đủ, và (những) giao dịch đó vẫn được coi là được tiến hành trực tiếp giữa nước xuất xứ và Thành viên nhập khẩu theo Hiệp định này.
11. 9 Đơn yêu cầu nêu tại khoản 1 bị từ chối và việc điều tra bị chấm dứt ngay lập tức khi cơ quan có thẩm quyền có liên quan thấy không đủ bằng chứng về việc tồn tại một trợ cấp hay tổn hại để tiến hành điều tra. Trong trường hợp trợ cấp chỉ ở mức tối thiểu (de minimis) hoặc khối lượng nhập khẩu được trợ cấp hiêệ tại hoặc trong tương lai, hoặc thiệt hại là không đáng kể, thì việc điều tra sẽ được chấm dứt ngay lập tức. Theo khoản này, khối lượng trợ cấp được coi là ở mức tối thiểu nếu thấp hơn 1% ị giá trị của sản phẩm.
11. 10. Việc điều tra không được làm ảnh hưởng đến thủ tục thông quan.
11. 11 Trừ trường hợp đặc biệt, thủ tục điều tra phải được kết thúc trong thời hạn một năm, và trong mọi trường hợp không quá 18 tháng, kể từ ngày bắt đầu.
Điều 12
Bằng chứng
12.1 Những Thành viên quan tâm và tất cả các bên quan tâm đến việc điều tra thuế đối kháng được thông báo về những thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu và được tạo mọi cơ hội để cung cấp mọi bằng chứng bằng văn bản mà họ cho là có liên quan đến cuộc điều tra.
12.1.1 Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nước ngoài và các Thành viên quan tâm nhận được phiếu hỏi được sử dụng trong điều tra về thuế đối kháng sẽ có ít nhất 30 ngày để trả lời[40]. Bất kỳ yêu cầu gia hạn trả lời thêm 30 ngày nữasẽ được chú trọng đúng mức, và, khi có lý do chính đáng Cơ quan có thẩm quyền sẽ được chấp nhận vào bất cứ khi nào có thể thực hiện được.
12.1.2 Tùy thuộc vào yêu cầu bảo vệ các thông tin không phổ biến, những bằng chứng được một Thành viên quan tâm hoặc một bên có quan tâm gửi tới bằng văn bản sẽ được sẵn sàng cung cấp nhanh chóng cho các Thành viên quan tâm hay các bên hữu quan tham gia vào cuộc điều tra.
12.1.3 Ngay khi mở cuộc điều tra, các cơ quan có thẩm quyền sẽ cung cấp bản đầy đủ đơn yêu cầu điều tra quy định tại khoản 1 Điều 11 tới các nhà xuất khẩu đã biết[41] và tới các cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu liên quan và khi có yêu cầu, sẽ cung cấp cho các bên quan tâm liên quan. Các bên cần chú trọng thích đáng việc giữ gìn thông tin không phổ biến quy định tại khoản 4.
12. 2 Các Thành viên và các bên quan tâm, khi giải trình được, cũng có quyền cung cấp những thông tin miệng. Sau khi cung cấp những thông tin miệng đó, các Thành viên và các bên quan tâm phải nộp thông tin đó bằng văn bản. Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ được dựa vào những thông tin và lập luận ghi trong hồ sơ của mình và đã sẵn sàng cung cấp cho các Thành viên và các bên quan tâm tham gia điều tra, có tính đến một cách đầy đủ yêu cầu bảo vệ thông tin không phổ biến.
12. 3 Khi có điều kiện, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tạo cơ hội đúng lúc cho các Thành viên và các bên có quan tâm được biết mọi thông tin liên quan tới phần trình bầy của mình, nếu không phải là những thông tin không phổ biến quy định tại khoản 4, và là những thông tin được các cơ quan có thẩm quyền sử dụng trong điều tra về thuế đối kháng, và để chuẩn bị trình bày trên cơ sở thông tin đó.
12.4 Mọi thông tin mang tính chất bí mật (ví dụ nếu bị tiết lộ sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh đáng kể cho một đối thủ cạnh tranh hoặc gây ra tác hại cho cá nhân đã cung cấp thông tin đó hay cho một người là nguồn để nhà cung cấp có được thông tin đó), hoặc thông tin được các bên trong cuộc điều tra cung cấp trên cơ sở tin bí mật, và có lý do chính đáng để cơ quan có thẩm quyền coi là thông tin bí mật. Các thông tin đó không được tiết lộ nếu không có sự cho phép cụ thể của bên cung cấp[42].
12.4.1 Cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu các Thành viên và các bên quan tâm cung cấp bản tóm tắt không mang tính chất bí mật về các thông tin bí mật đó. Bản cung cấp sẽ mô tả chi tiết đến mức cần thiết để cho phép hiểu một cách đúng mức về nội dung thông tin đã cung cấp được baỏ mật. Trong trường hợp ngoại lệ này, các Thành viên hoặc bên nói trên có thể chỉ ra rằng thông tin đó không thể tóm tắt được. Trong trường hợp ngoại lệ đó, bản trình bày về lý do không thể tóm tắt thông tin phải được cung cấp.
12.4.2 Nếu Cơ quan có thẩm quyền thấy rằng yêu cầu cầu giữ bí mật thông tin không được bảo đảm và nếu người cung cấp thông tin không đồng ý cho công bố thông tin hoặc không cho phép tiết lộ dưới hình thức tóm tắt hoặc khái quát thông tin, Cơ quan có thẩm quyền có thể bỏ qua thông tin đó trừ khi có nguồn thích đáng chứng minh thoả đáng rằng thông tin đó là đúng[43].
12. 5 Trừ trường hợp nêu tại khoản 7, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền có thể tự mình xác định tính chính xác của thông tin được các Thành viên hay các bên cung cấp mà căn cứ vào đó cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra các kết luận của mình.
12. 6 Cơ quan có thẩm quyền đang điều tra có thể tiến hành điều tra trên lãnh thổ của Thành viên khác khi cần thiết, với điều kiện là phải thông báo kịp thời cho Thành viên hữu quan biết và trừ khi Thành viên đó phản đối việc điều tra. Tiếp nữa cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành điều tra tại trụ sở của một công ty và có thể xem xét bản lưu chứng từ của một công ty nếu: (a) được công ty đó đồng ý và (b) Thành viên liên quan được thông báo và không phản đối. Thủ tục nêu tại phụ lục VI áp dụng đối với các cuộc điều tra tại trụ sở một công ty. Theo yêu cầu bảo vệ thông tin không phổ biến, cơ quan có thẩm quyền phải sẵn sàng cung cấp kết quả điều tra, hoặc tiết lộ nội dung về cuộc điều tra, theo quy định tại khoản 8, cho các công ty có liên quan và sẵn sàng cung cấp kết quả đó cho người nộp đơn yêu cầu điều tra.
12. 7 Trong trường hợp bất kỳ Thành viên hoặc bên có quan tâm nào từ chối cho phép tiếp cận hoặc không cung cấp những thông tin cần thiết trong thời hạn hợp lý hoặc cản trở đáng kể việc điều tra, thì quyết định ban đầu hay cuối cùng, mang tính khẳng định hay phủ định sẽ được đưa ra trên cơ sở các sự việc thực tế sẵn có.
12. 8 Trước khi ra quyết định cuối cùng, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho mọi Thành viên và bên có quan tâm về những sự việc chủ yếu đã được xem xét và là cơ sở để quyết định việc có áp dụng một biện pháp chính thức. Thông báo đó sẽ dành một thời gian đủ để các bên bảo vệ quyền lợi của họ.
12. 9. Theo Hiệp định này, thuật ngữ "các bên quan tâm" bao gồm:
(i) nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất nước ngoài hoặc nhà nhập khẩu một sản phẩm là đối tượng của cuộc điều tra, hoặc hiệp hội sản xuất kinh doanh mà đa số các thành viên là những nhà sản xuất hay xuất khẩu hoặc nhập khẩu sản phẩm đó; và
(ii) một nhà sản xuất một sản phẩm tương tự tại Thành viên nhập khẩu hoặc hiệp hội sản xuất kinh doanh mà đa số các thành viên sản xuất sản phẩm tương tự trên lãnh thổ của Thành viên nhập khẩu.
Danh mục này không ngăn cản các Thành viên cho phép các bên trong nước hay nước ngoài khác với các đối tượng nêu trên được coi là bên quan tâm.
12. 10. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tạo cơ hội cho người sử dụng trong ngành sản xuất sản phẩm đang được điều tra, và cho các tổ chức đại diện cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm được bán lẻ rộng rãi, được cung cấp thông tin liên quan đến cuộc điều tra về trợ cấp, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả.
12. 11. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét một cách hợp lý bất kỳ khó khăn nào mà các bên quan tâm gặp phải, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, trong việc cung cấp thông tin được yêu cầu, và sẽ dành cho họ sự trợ giúp khi có thể.
12. 12 Thủ tục nêu trên không nhằm ngăn cản cơ quan có thẩm quyền của một Thành viên khẩn trương tiến trình điều tra, ra quyết định ban đầu hay cuối cùng, mang tính chất khẳng định hay phủ định hoặc ngăn cản việc áp dụng những biện pháp tạm thời hay cuối cùng, phù hợp với các quy định của Hiệp định này.
Điều 13
Tham vấn
13.1 Ngay sau khi đơn yêu cầu theo quy định của Điều 11 được chấp nhận, và tại bất kỳ thời điểm nào trước khi mở cuộc điều tra, Thành viên có sản phẩm có thể là đối tượng của cuộc điều tra sẽ được mời tham vấn với mục đích làm sáng tỏ tình hình về những vấn đề nêu tại khoản 2 Điều 11và đạt được giải pháp do hai bên thoả thuận.
13.2 Hơn nữa, trong giai đoạn điều tra, Thành viên có sản phẩm có thể là đối tượng của cuộc điều tra đó sẽ được tạo cơ hội hợp lý để tiếp tục tham vấn, nhằm mục đích làm rõ tình hình thực tế và đi đến một giải pháp do hai bên cùng thoả thuận[44].
13.3 Trên tinh thần không gây ảnh hưởng đến nghĩa vụ tạo cơ hội hợp lý để tham vấn, các quy định về tham vấn này không nhằm ngăn cản các cơ quan có thẩm quyền của một Thành viên khẩn trương tiến trình điều tra, đi đến những quyết định ban đầu hay cuối cùng, mang tính định khẳng định hay phủ định hoặc ngăn cản việc áp dụng những biện pháp tạm thời hay cuối cùng, theo các quy định của Hiệp định này.
13.4 Thành viên dự định mở cuộc điều tra hoặc đang tiến hành một cuộc điều tra, khi được yêu cầu, sẽ cho phép (những) Thành viên có sản phẩm là đối tượng bị điều tra được tiếp cận các bằng chứng không không phổ biến, kể cả các bản tóm tắt không phổ biến của các thông số bí mật đang được sử dụng để bắt đầu hoặc tiến hành điều tra.
Điều 14
Tính toán tổng số trợ cấp về mặt lợi ích của người nhận
Theo Phần V, bất kỳ phương pháp nào được Cơ quan có thẩm quyền đang điều tra sử dụng trong tính toán mức lợi ích mà người nhận trợ cấp được hưởng theo khoản 1 Điều 1 phải được quy định trong luật quốc gia hoặc được nêu trong văn bản hướng dẫn thi hành của Thành viên liên quan và việc vận dụng vào mỗi trường hợp cụ thể phải minh bạch và được giải thích thích đáng. Hơn nữa, phương pháp tính toán phải phù hợp với các hướng dẫn sau đây.
(a) việc chính phủ góp vốn cổ phần không được coi là một lợi ích, trừ khi quyết định đầu tư có thể bị coi là không phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư thông thường (kể cả việc cấp vốn đầu tư có nhiều rủi ro) của các đầu tư tư nhân trên lãnh thổ Thành viên;
(b) một khoản vay từ nguốn vốn chính phủ sẽ không được coi là đem lại lợi ích, trừ khi có sự chênh lệch giữa khoản tiền mà công ty được vay trả cho chính phủ với số tiền lẽ ra phải trả cho một khoản vay thương mại tương tự có thể có được khi vay vốn trên thị trường. Trong trường hợp có sự chênh lệch, lợi ích là mức chênh lệch giữa hai khoản phải trả đó;
(c) bảo lãnh vay của chính phủ sẽ không được coi là đem lại lợi ích, trừ khi có sự chênh lệch giữa khoản tiền mà công ty được bảo lãnh vay trả cho khoản vay được chính phủ bảo lãnh với số tiền lẽ ra phải trả cho một khoản vay thương mại tương tự trong trường hợp không có sự bảo lãnh của chính phủ; Trong trường hợp này nguồn lợi là khoản chênh lệch giữa hai khoản tiền phải trả, có tính đến sự chênh lệch về lệ phí.
(d) việc chính phủ cung cấp hàng hoá hay dịch vụ hoặc mua hàng sẽ không được coi là đem lại lợi ích, trừ khi việc cung cấp đó được thanh toán với một số tiền ít hơn mức thích đáng hoặc thanh toán tiền mua hàng cao hơn mức thích đáng. Thanh toán thích đáng sẽ được xác định trong tương quan với điều kiện thị trường phổ biến đối với hàng hoá hoặc dịch vụ tại nước cung cấp hay tiến hành mua (kể cả giá, chất lượng, tính sẵn có, điều kiện thị trường, vận chuyển hay các điều kiện khác về mua và bán).
Điều 15
Xác định thiệt hại[45]
15.1 Việc xác định thiệt hại theo Điều VI Hiệp định GATT 1994 phải dựa trên bằng chứng khẳng định và với nội dung xem xét khách quan đồng thời (a) khối lượng nhập khẩu hàng có trợ cấp và tác động của nhập khẩu được trợ cấp đối với giá cả trên thị trường trong nước của sản phẩm tương tự[46] và (b) tác động tiếp theo của việc nhập khẩu đó với các ngành sản xuất trong nước của các sản phẩm đó.
15.2 Đối với khối lượng nhập khẩu hàng hoá được trợ cấp, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra sẽ xét xem có sự tăng trưởng đáng kể nhập khẩu hàng hoá có trợ cấp hay không, hoặc tính theo mức tuyệt đối hay tương đối, khối lượng sản xuất hoặc tiêu thụ tại Thành viên nhập khẩu. Đối với tác động của hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp lên giá, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra sẽ xét xem có sự giảm giá đáng kể do hàng nhập khẩu được trợ cấp hay không so với giá của sản phẩm tương tự tại Thành viên nhập khẩu, hoặc tác động của việc nhập khẩu đó có ép giá tới mức đáng kể hay ngăn cản giá hàng tăng lên, so với sự thay đổi giá cả bình thường nếu trong trường hợp khác hay không. Cũng không nhất thiết là một hay nhiều nhân tố đã kể trên đây sẽ có vai trò quyết định đối với việc xem xét nói trên.
15.3 Khi hàng nhập khẩu từ hai hay nhiều nước cùng là đối tượng điều tra chịu thuế đối kháng, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra có thể đánh giá tác động gộp của nhập khẩu từ các nước đó chỉ khi đã xác định được (a) tổng số trợ cấp được áp dụng liên quan tới nhập khẩu từ từng nước cao hơn mức tối thiểu (de minimis) nêu tại khoản 9 Điều 11và khối lượng nhập khẩu từ từng nước đó không phải là không đáng kể và (b) căn cứ vào những điều kiện cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu với nhau và điều kiện cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước dẫn đến việc đánh giá gộp các tác động của hàng nhập khẩu là thích hợp.
15.4 Việc xem xét tác động của hàng nhập khẩu được trợ cấp đối với ngành sản xuất trong nước sẽ bao gồm cả việc đánh giá mọi yếu tố và chỉ tiêu kinh tế liên quan ảnh hưởng tới tình trạng của ngành, kể cả sự sụt giảm sản lượng, số lượng bán ra, thị phần, lợi nhuận hay năng suất, thu hồi vốn đầu tư hay tỷ lệ khai thác công suất hiện tại hoặc tiềm tàng trong tương lai; những yếu tố ảnh hưởng giá cả trong nước; những tác động tiêu cực đối với luân chuyển vốn, lượng hàng dự trữ, việc làm, tiền lương, sự tăng trưởng, khả năng tăng vốn hay đầu tư, và trong trường hợp liên quan tới nông nghiệp, sẽ đánh giá việc các chương trình hỗ trợ của chính phủ có vì thế mà thêm nặng gánh hay không. Danh sách nêu trên chưa phải là tất cả và cũng không nhất thiết là một hay nhiều nhân tố đã kể trên đây có vai trò quyết định đối với việc xem xét nói trên.
15.5 Phải chỉ ra được rằng hàng nhập khẩu được trợ cấp, chính vì sự trợ cấp[47] đó đã gây thiệt hại nói trong Hiệp định này. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu được trợ cấp và sự tổn hại đối với một ngành sản xuất trong nước sẽ được dựa trên kết quả xem xét mọi bằng chứng liên quan trước cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền cũng xem xét bất kỳ yếu tố nào đã biết đến ngoài việc nhập khẩu được trợ cấp nhưng cũng gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước, và những thiệt hại do các yếu tố đó gây ra sẽ không được coi là do việc nhập khẩu được trợ cấp. Những yếu tố có thể liên quan như đề cập ở trên sẽ bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, khối lượng và giá cả hàng cùng chủng loại không được trợ cấp, giảm nhu cầu hay thay đổi cơ cấu tiêu thụ, việc hạn chế thương mại và cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước, sự phát triển của công nghệ và khả năng xuất khẩu và năng suất của ngành sản xuất trong nước.
15.6 Tác động của nhập khẩu được trợ cấp phải được đánh giá trong tương quan với sản lượng sản xuất trong nước một sản phẩm tương tự khi số liệu cho phép xác định sản lượng sản xuất đó trên cơ sở những chỉ tiêu như quy trình sản xuất, tình hình bán ra và lợi nhuận của nhà sản xuất. Nếu việc xác định sản lượng đó không thể thực hiện được, tác động của nhập khẩu được trợ cấp sẽ được đánh giá thông qua việc xem xét sản lượng của một nhóm hoặc chủng loại nhỏ hẹp nhất của sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm tương tự mà qua đó có thể có được thông tin cần thiết cho việc đánh giá.
15.7 Việc xác định mối đe doạ gây ra thiệt hại vật chất sẽ được dựa trên sự thật chứ không dựa trên sự suy đoán, quy kết hay khả năng xa xôi. Sự thay đổi hoàn cảnh có thể tạo ra một tình huống theo đó một trợ cấp có thể gây ra thiệt hại phải được nhận thấy trước một cách rõ ràng và sát thực. Khi ra một quyết định về mối đe doạ gây thiệt hại vật chất, cơ quan có thẩm quyền đang điều tra sẽ xem xét, nhưng không giới hạn bởi những yếu tố sau đây:
(i) tính chất của trợ cấp và những tác động về mặt thương mại có khả năng xảy ra;
(ii) sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nhập khẩu hàng được trợ cấp vào thị trường trong nước cho thấy khả năng nhập khẩu tăng mạnh;
(iii) khả năng của một nhà xuất khẩu đã sẵn sàng, hay sắp hoặc đã tăng lên đáng kể cho thấy khả năng gia tăng xuất khẩu sản phẩm được trợ cấp đến thị trường Thành viên nhập khẩu, có tính đến sự hiện diện những khả năng của những thị trường xuất khẩu khác trong tiếp nhận năng lực xuất khẩu bổ sung;
(iv) việc xem xét liệu nhập khẩu đang xâm thị với mức giá sẽ có khả năng gây tác động ép giá hay loại trừ trên thị trường trong nước, và có khả năng tăng nhu cầu nhập khẩu thêm nữa hay không; và
(v) lượng dự trữ của sản phẩm đang được điều tra.
Không nhất thiết là một hay nhiều nhân tố đã kể trên đây sẽ có vai trò quyết định, nhưng tổng thể các nhân tố đó sẽ phải dẫn đến kết luận rằng việc tiếp tục trợ cấp rất dễ xảy ra và có thể gây ra tổn hại vật chất, trừ khi một hành động bảo vệ được thực thi.
15.8 Đối với những trường hợp khi mà sự tổn thất bị đe doạ bởi hàng nhập khẩu được trợ cấp, việc áp dụng thuế đối kháng sẽ được xem xét và quyết định.
Điều 16
Định nghĩa ngành trong nước
16.1 Trong Hiệp định này, ngoại trừ trường hợp được quy định tại khoản 2, thuật ngữ “ngành sản xuất trong nước” được hiểu là nói đến những nhà sản xuất cùng một sản phẩm tương tự hay những nhà sản xuất có sản lượng chung chiếm đa số trong tổng sản xuất trong nước của những sản phẩm đó, trừ khi nhà sản xuất liên quan[48] tới những nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hoặc chính họ là nhà nhập khẩu những sản phẩm được coi là hàng nhập khẩu được trợ cấp hay nhà nhập khẩu những sản phẩm tương tự từ một nước khác, và trong trường hợp này, thuật ngữ “ngành sản xuất trong nước” được hiểu là các nhà sản xuất còn lại.
16.2 Trong những hoàn cảnh đặc biệt, lãnh thổ của một Thành viên có thể được phân định thành hai hay nhiều thị trường cạnh tranh và các nhà sản xuất trong phạm vi mỗi thị trường có thể được coi là một ngành sản xuất riêng biệt nếu (a) các nhà sản xuất trong phạm vi thị trường đó bán toàn bộ hay hầu như toàn bộ sản lượng sản phẩm của họ trên thị trường đó, và (b) nhu cầu của thị trường đó không được đáp ứng ở mức độ đáng kể từ nguồn sản xuất ngoài thị trường đó trên cùng lãnh thổ . Trong những trường hợp này, có thể xác định có tổn hại ngay cả khi phần lớn ngành sản xuất trong nước không bị tổn hại, với điều kiện là có sự tập trung nhập khẩu được trợ cấp vào một thị trường riêng biệt như vậy và hơn nữa là nhập khẩu được trợ cấp đó đang gây ra tổn hại cho những nhà sản xuất dại diện cho toàn bộ hay hầu như toàn bộ nền sản xuất trên thị trường đó.
16.3 Khi ngành sản xuất trong nước được hiểu là nói đến những nhà sản xuất trong một địa bàn nào đó, ví dụ như thị trường nói tại khoản 2, thuế đối kháng chỉ đánh vào những những sản phẩm đã nêu và được giao cho tiêu dùng trong địa bàn đó. Khi luật hiến pháp của Thành viên nhập khẩu không cho phép đánh thuế đối kháng dựa trên cơ sở nêu trên, Thành viên nhập khẩu có thể đánh thuế đối kháng không hạn chế chỉ khi (a) nhà xuất khẩu trước đó đã có cơ hội để ngừng xuất khẩu hàng vào địa bàn đó với giá có trợ cấp, hoặc là có sự bảo đảm quy định tại Điều 18 nhưng đã không khẩn trương đưa ra sự đảm bảo đó và (b) thuế đối kháng này không được chỉ đánh vào sản phẩm của những nhà sản xuất cụ thể cung cấp hàng cho khu vực này.
16.4 Khi hai hay nhiều nước, theo quy định tại điểm 8 (a) Điều XXIV Hiệp định GATT 1994, đã đạt tới trình độ hội nhập đến mức có những đặc điểm của một thị trường chung, thống nhất, ngành sản xuất của toàn bộ khu vực đó sẽ được coi là ngành sản xuất trong nước như nêu tại khoản 1 và khoản 2.
16.5 Các quy định của khoản 6 Điều 15 sẽ được áp dụng đối với Điều này.
Điều 17
Các biện pháp tạm thời
17.1 Các biện pháp tạm thời chỉ được áp dụng khi:
(a) việc điều tra được bắt đầu tiến hành phù hợp với các quy định của Điều 11, đã có thông báo công khai về việc điều tra này và các Thành viên và các bên quan tâm đã được tạo cơ hội thích đáng dể cung cấp thông tin và nhận xét;
(b) đã xác định sơ bộ rằng có tồn tại trợ cấp và việc nhập khẩu được trợ cấp đã gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước; và
(c) Cơ quan có thẩm quyền liên quan cho rằng các biện pháp đó là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại xảy ra trong quá trình điều tra.
17.2 Các biện pháp tạm thời có thể dưới hình thức thuế đối kháng tạm thời được bảo đảm bằng việc đặt cọc tiền tương đương với giá trị trợ cấp được tạm tính.
17.3 Các biện pháp tạm thời không được áp dụng trước quá 60 ngày, kể từ ngày bắt đầu điều tra.
17.4 Các biện pháp tạm thời chỉ được giới hạn trong thời gian ngắn nhất có thể, không vượt quá bốn tháng.
17.5 Các quy định có liên quan tại Điều 19 phải được tuân thủ trong quá trình áp dụng các biện pháp tạm thời.
Điều 18
Cam kết
18.1 Quá trình điều tra[49] có thể bị đình chỉ hay chấm dứt mà không áp dụng các biện pháp tạm thời hay thuế đối kháng ngay khi nhận được cam kết tự nguyện với nội dung:
(a) chính phủ của Thành viên xuất khẩu chấp nhận xoá bỏ hay hạn chế trợ cấp hoặc có những biện pháp khác có cùng kết quả; hoặc
(b) nhà xuất khẩu đồng ý xem xét lại giá sao cho Cơ quan có thẩm quyền đang điều tra thấy rằng biện pháp trợ cấp không còn gây ra thiệt hại. Việc tăng giá theo các cam kết này không cần cao quá mức cần thiết để triệt tiêu khối lượng trợ cấp. Có thể chấp nhận mức tăng giá thấp hơn khối lượng trợ cấp nếu thấy đã thích đáng để khắc phục thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất trong nước.
18.2. Không được yêu cầu cam kết hay chấp nhận cam kết trừ khi cơ quan có thẩm quyền của Thành viên đang nhập khẩu đã có sự xác định ban đầu là có trợ cấp và có thiệt hại do trợ cấp gây ra và trong trường hợp cam kết do nhà xuất khẩu thực hiện, đã được Thành viên đang xuất khẩu thoả thuận.
18.3 Các cam kết không cần thiết phải được chấp nhận nếu cơ quan có thẩm quyền của Thành viên nhập khẩu thấy việc chấp nhận của mình là không thực tế, ví dụ nếu số lượng các nhà xuất khẩu hiện tại hoặc tiềm tàng quá lớn hoặc có những lý do khác, kể cả lý do thuộc chính sách chung. Nếu có trường hợp như vậy phát sinh và khi có điều kiện thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ cho nhà xuất khẩu biết lý do tại sao việc chấp nhận cam kết là không thực tế, và ở mức độ có thể, sẽ tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu trình bày ý kiến của mình.
18.4 Nếu cam kết được chấp nhận, nhưng Thành viên xuất khẩu mong muốn hoặc Thành viên đang nhập khẩu quyết định hoàn thành cuộc điều tra thì cuộc điều tra sẽ được tiếp tục đến khi hoàn thành. Trong trường hợp cuộc điều tra đi đến kết luận không thuận đối với trợ cấp và sự tổn hại, bản cam kết sẽ tự động mất hiệu lực, ngoại trừ trường hợp kết luận đó chủ yếu là do có bản cam kết. Trong trường hợp đó, cơ quan có thẩm quyền liên quan có thể yêu cầu cam kết tiếp tục có hiệu lực một thời gian hợp lý phù hợp với các quy định của Hiệp định này. Trong trường hợp xác định là có trợ cấp và tổn hại thì cam kết vẫn tiếp tục có hiệu lực, theo những điều khoản của nó và các quy định của Hiệp định này.
18.5 Cơ quan có thẩm quyền của Thành viên đang nhập khẩu có thể gợi ý đưa ra cam kết về giá, nhưng nhà xuất khẩu không bị buộc phải đưa ra cam kết đó. Việc chính phủ Thành viên hay nhà xuất khẩu không đưa ra đề nghị có cam kết hoặc không chấp nhận lời đề nghị đó thì trong mọi trường hợp sẽ không ảnh hưởng đến việc xem xét đánh giá về vụ việc đó. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền được tự do xác định rằng mối đe doạ gây tổn hại sẽ càng trở nên hiện thực nếu việc nhập khẩu được trợ cấp vẫn được tiếp tục duy trì.
18. 6. Cơ quan có thẩm quyền của Thành viên nhập khẩu có thể yêu cầu bất kỳ chính phủ hay nhà xuất khẩu nào có cam kết đã được chấp nhận cung cấp định kỳ thông tin liên quan tới việc thực hiện cam kết và cho phép kiểm tra lại các số liệu liên quan. Trong trường hợp vi phạm cam kết, thì căn cứ vào Hiệp định này và các quy định của Hiệp định, cơ quan có thẩm quyền của Thành viên nhập khẩu có thể áp dụng ngay những biện pháp tạm thời trên cơ sở thông tin tối đa có được. Trong trường hợp đó, có thể đánh thuế đối kháng chính thức, theo Hiệp định này, đối với hàng nhập khẩu đã được đưa vào tiêu thụ không quă 90 ngày trước khi biện pháp tạm thời được áp dụng, ngoại trừ việc đánh giá mang tính hồi tố này không áp dụng đối với hàng nhập khẩu được đưa vào trước khi có sự vi phạm cam kết.
Điều 19
Áp thuế và thu thuế đối kháng
19.1 Nếu, sau khi đã cố gắng hợp lý để hoàn thành việc tham vấn, một Thành viên xác định chắc chắn rằng có trợ cấp và mức trợ cấp, và rằng thông qua trợ cấp, hàng nhập khẩu được trợ cấp đã gây ra tổn hại, thì Thành viên đó có thể đánh thuế đối kháng theo quy định của Điều này, trừ khi việc trợ cấp được rút bỏ.
19.2 Khi mọi yêu cầu để có thể áp dụng thuế đối kháng đã được thoả mãn, thì quyết định có đánh thuế đối kháng hay không và số tiền thuế đối kháng sẽ thu phải bằng mức trợ cấp hay thấp hơn mức trợ cấp, do cơ quan có thẩm quyền của Thành viên nhập khẩu đưa ra. Các Thành viên mong muốn rằng việc đánh thuế đối kháng trên lãnh thổ của tất cả các Thành viên sẽ không cứng nhắc và rằng mức thuế đối kháng nên thấp hơn tổng mức trợ cấp, nếu mức thuế đối kháng thấp hơn này là đủ để khắc phục thiệt hại với ngành sản xuất trong nước, và mong muốn rằng thủ tục lập ra cho phép các cơ quan có thẩm quyền tính toán đầy đủ đến và thể hiện được tính đại diện quyền lợi của mọi bên trong nước[50] liên quan mà quyền lợi của họ có thể bị tổn hại do việc áp dụng thuế đối kháng.
19.3 Khi thuế đối kháng được áp dụng đối với bất kỳ sản phẩm nào, thuế đối kháng phải được đánh, với mức thuế phù hợp với từng trường hợp, trên cơ sở không phân biệt đối xử với sản phẩm nhập khẩu từ mọi nguồn đã kết luận là có trợ cấp và gây ra thiệt hại, trừ hàng nhập khẩu từ những nguồn đã từ bỏ việc áp dụng trợ cấp hay từ những nguồn đã có cam kết theo quy định của Hiệp định này và đã được chấp nhận. Bất kỳ nhà xuất khẩu nào có hàng xuất khẩu phải chính thức chịu thuế đối kháng nhưng chưa bị điều tra với lý do không phải là từ chối hợp tác trong điều tra, sẽ có quyền yêu cầu được tiến hành xem xét lại khẩn trương để cơ quan có thẩm quyền đang điều tra xác định ngay một mức thuế suất đối kháng cụ thể áp dụng đối với nhà xuất khẩu đó.
19.4 Không đánh thuế đối kháng[51] đối với hàng nhập khẩu vượt quá số tiền trợ cấp đã được kết luận là có tồn tại, tính theo đơn vị của sản phẩm được trợ cấp và xuất khẩu.
Điều 20
Hồi tố
20.1 Các biện pháp tạm thời và thuế đối kháng sẽ chỉ được áp dụng đối với các sản phẩm đưa vào tiêu thụ sau thời điểm quyết định được đưa ra theo quy định của khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 19 có hiệu lực, tuỳ thuộc vào những ngoại lệ quy định tại Điều này.
20.2 Khi đã xác định được có tổn hại ( không phải là mối đe doạ về một tổn hại hoặc về việc gây chậm trễ cho việc thiết lập một ngành sản xuất trong nước), hoặc trong trường hợp đã xác định được có mối đe doạ gây tổn hại mà nếu không có biện pháp tạm thời thì hàng nhập khẩu được trợ cấp đã có thể bị xác định là có gây ra tổn hại, thuế đối kháng có thể được tính hồi tố đối với thời gian đã áp dụng biện pháp tạm thời, nếu có.
20.3 Nếu mức thuế đối kháng ở mức cao hơn giá trị đã đặt cọc bảo đảm bằng tiến mặt hay bằng bảo lãnh, sẽ không thu thêm số chênh lệch nữa. Ngược lại nếu mức thuế đối kháng thấp hơn giá trị đã đặt cọc bằng tiền mặt hoặc bằng bảo lãnh, thì khoản chênh lệch sẽ được hoàn trả ngay.
20.4 Trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khi đã xác định được là có mối đe doạ thiệt hại hay thực sự gây chậm trễ cho việc thiết lập một ngành sản xuất trong nước (nhưng thiệt hại chưa xảy ra) thuế đối kháng chính thức chỉ được áp dụng kể từ ngày xác định là có đe doạ gây thiệt hại hoặc thực gây chậm trễ, và bất kỳ khoản bảo đảm đặt cọc bằng tiền mặt nào trong thời gian áp dụng các biện pháp tạm thời sẽ được hoàn trả và các bảo lãnh sẽ được giải toả ngay.
20.5 Khi có xác định cuối cùng là không có trợ cấp và thiệt hại thì bất kỳ khoản bảo đảm nào đã đặt cọc bằng tiền mặt trong thời gian áp dụng các biện pháp tạm thời sẽ được hoàn trả và bất kỳ bảo lãnh, bảo đảm sẽ được giải toả nhanh chóng.
20.6 Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng khi hàng hóa trợ cấp đã được nêu ra, cơ quan có thẩm quyền thấy rằng thiệt hại là khó có thể khắc phục được do nhập khẩu với khối lượng lớn trong một thời gian ngắn sản phẩm đã được trợ cấp không phù hợp các quy định của GATT 1994 và của Hiệp định này và thấy cần thiết để ngăn ngừa tình trạng đó tái diễn, thì cơ quan có thẩm quyền có thể tính hồi tố thuế đối kháng đối với hàng nhập khẩu này, thuế đối kháng chính thức có thể được tính đối với hàng nhập khẩu đã đưa vào tiêu dùng trước đó nhưng không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tạm thời.
Điều 21
Thời gian áp dụng, rà soát thuế đối kháng và các cam kết
21.1 Thuế đối kháng sẽ có hiệu lực chỉ khi và ở chừng mực cần thiết để đối kháng lại việc trợ cấp đang gây ra thiệt hại.
21.2 Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét lại nhu cầu có tiếp tục đánh thuế đối kháng không, khi tự mình thấy cần hoặc theo yêu cầu của bên quan tâm có bằng chứng thực tế chứng minh nhu cầu cần xem xét lại việc đánh thuế với điều kiện là đã có một thời gian hợp lý kể từ khi áp dụng thuế đối kháng. Các bên quan tâm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét xem liệu việc tiếp tục áp dụng thuế đối kháng có còn cần thiết để đối với việc triệt tiêu tác dụng trợ cấp hay không, liệu tổn hại có khả năng tiếp diễn hoặc tái hiện hay không nếu như thuế đối kháng đã ngừng hoặc thay đổi. Nếu sau khi xem xét lại theo khoản này, cơ quan có thẩm quyền quyết định rằng thuế đối kháng không còn cơ sở, thì thuế đối kháng sẽ được chấm dứt ngay lập tức.
21.3 Cho dù có quy định tại khoản 1 và 2, thuế đối kháng sẽ được kết thúc vào ngày không chậm quá năm năm, kể từ ngày được áp dụng (hoặc kể từ ngày rà soát gần nhất theo quy định tại khoản 2, nếu việc rà soát bao gồm cả thuế và tổn hại, hoặc theo quy định của khoản này) trừ trường hợp trước khi đến ngày đó, cơ quan có thẩm quyền khi tự mình tiến hành rà soát, hoặc theo yêu cầu có đầy đủ bằng chứng hợp lệ của hoặc thay mặt cho ngành công nghiệp trong nước, được đưa ra trong một thời gian hợp lý trước ngày kết thúc thời hạn, quyết định rằng việc ngừng đánh thuế có khả năng làm cho trợ cấp và tổn hại tiếp diễn hoặc tái diễn[52]. Trong thời gian chờ kết luận của việc xem xét đó, có thể tiếp tục duy trì thuế đối kháng.
21.4 Các quy định của Điều 12 về bằng chứng và thủ tục áp dụng đối với việc rà soát phải được thực hiện theo Điều này. Việc xem xét như vậy sẽ được tiến hành khẩn trương và thông thuờng sẽ được kết luận trong vòng 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu rà soát.
21.5 Các quy định của Điều này sẽ được áp dụng tương thích đối với các cam kết được chấp nhận theo quy định của Điều 18.
Điều 22
Công bố và giải thích kết luận điều tra
22.1 Khi các cơ quan có thẩm quyền thấy rằng có đủ bằng chứng để bắt đầu việc điều tra về trợ cấp theo Điều 11, cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố và thông báo cho (các) Thành viên có sản phẩm là đối tượng của việc điều tra này cũng như thông báo cho các bên quan tâm khác, mà cơ quan có thẩm quyền biết được.
22.2 Công bố về việc bắt đầu tiến hành điều tra hoặc cung cấp dưới hình thức một bản báo cáo riêng[53], phải bao gồm những nội dung chính sau đây:
(i) tên nước xuất khẩu và sản phẩm liên quan;
(ii) ngày bắt đầu tiến hành điều tra ;
(iii) mô tả về trợ cấp sẽ bị điều tra;
(iv) tóm tắt những yếu tố tạo nên cơ sở cho rằng có thiệt hại xảy ra;
(v) địa chỉ giao dịch để liên hệ với người đại diện của Thành viên quan tâm và bên có quan tâm;
(vi) thời hạn cho phép các Thành viên quan tâm hay các bên quan tâm có thể trình bày quan điểm.
22.3 Việc xác định sơ bộ hoặc cuối cùng là có hay không có trợ cấp quyết định chấp nhận cam kết nói tại Điều 18, cũng như việc xác định cam kết hết hiêu lực hay kết thúc việc áp dụng thuế đối kháng, sẽ được thông báo công khai. Thông báo hay bản báo cáo riêng thay thế phải có đủ những chi tiết về kết quả điều tra và kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra về cả vấn đề áp dụng luật lẫn nội dung vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền điều tra coi là quan trọng. Thông báo và báo cáo nói trên sẽ được gửi tới (những) Thành viên có sản phẩm đang được điều tra hay đối tượng trong cam kết cũng như được gửi tới bên liên quan mà cơ quan có thẩm quyền biết.
22.4 Thông báo công bố việc áp dụng các biện pháp tạm thời hoặc nếu không bằng một báo cáo riêng biệt, phải giải thích chi tiết quyết định sơ bộ về sự tồn tại của trợ cấp và tổn hại, và phải đề cập thực chất vấn đề và luật dẫn tới việc chấp nhận hay bác bỏ một lập luận . Bản thông báo hay báo cáo đó sẽ lưu ý đúng mức tới yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật, và phải bao hàm những nội dung cụ thể sau đây:
(i) tên nhà cung cấp hoặc, khi điều này không thực tế, tên nước cung cấp có liên quan;
(ii) mô tả sản phẩm ở nước đáp ứng nội dung khai báo hải quan;
(iii) trị giá trợ cấp đã xác định được và cơ sở đã được dùng để xác định có trợ cấp;
(iv) các cân nhắc có liên quan tới sự xác định có tổn hại như đã nêu tại Điều 15;
(i) những lý do chính đã dẫn tới kết luận.
22.5 Công bố về kết thúc hay đình chỉ điều tra trong trường hợp điều tra đã xác định là có trợ cấp và dẫn tới đánh thuế đối kháng hay chấp nhận cam kết, hoặc nếu không phải là một công bố dưới hình thức một báo cáo riêng biệt, sẽ có mọi thông tin có liên quan về những vấn đề áp dụng luật hoặc nội dung vụ việc và lý do dẫn tới áp dụng biện pháp cuối cùng hay chấp nhận cam kết, có lưu ý đúng mức đến yêu cầu bảo vệ thông tin không phổ biến. Đặc biệt, công bố hay báo cáo sẽ có những thông tin nói tại khoản 4, cũng như lý do dẫn đến chấp nhận hay bác bỏ lập luận hoặc khiếu nại liên quan của các Thành viên quan tâm và của người xuất khẩu và người nhập khẩu.
22.6 Thông báo công khai về việc kết thúc hay đình chỉ điều tra sau khi chấp nhận cam kết theo Điều 18, hoặc dưới hình thức một bản báo cáo riêng biệt, sẽ bao gồm phần nội dung không mang tính chất bí mật của bản cam kết đó.
22.7 Các quy định của Điều này được áp dụng, với những điều chỉnh thích hợp, nếu có, với việc bắt đầu và kết thúc việc rà soát nói tại Điều 21 và đối với những quyết định nói tại Điều 20 về hồi tố đối với thuế đối kháng.
Điều 23
Rà soát tư pháp
Trong trường hợp luật pháp quốc gia của một Thành viên có những quy định về các biện pháp thuế đối kháng thì thành viên đó sẽ duy trì các cơ quan xét xử tư pháp, trọng tài hoặc hành chính nhằm mục đích xem xét lại một cách nhanh chóng các quyết định hành chính liên quan tới việc xác định cuối cùng việc có hay không có trợ cấp hoặc thiệt hại cũng như kết quả xem xét lại việc xác định đó theo Điều 21. Các cơ quan xét xử và thủ tục này phải độc lập với cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đánh giá hay rà soát những vấn đề là đối tượng nói đến ở đây, và sẽ tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan đã tham gia vào thủ tục hành chính và chịu tác động trực tiếp hay đơn lẻ của quyết định hành chính đó, được tham dự vào việc rà soát.
PHẦN VI: CÁC THỂ CHẾ
Điều 24
Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng và các cơ quan trực thuộc
24.1 Nay thành lập Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng gồm đại diện của mỗi Thành viên. Uỷ ban tự bầu ra Chủ tịch và họp ít nhất mỗi năm hai lần ngoài các cuộc họp theo yêu cầu của bất kỳ Thành viên nào theo quy định của Hiệp định này. Uỷ ban sẽ thực hiện những trách nhiệm theo quy định của Hiệp định này hoặc do các Thành viên giao phó, và tạo điều kiện để các Thành viên có cơ hội tham vấn bất kỳ vấn đề gì liên quan tới việc triển khai Hiệp định này và thực hiện các mục tiêu của Hiệp định. Ban Thư ký WTO sẽ là Ban thư ký cho Uỷ ban.
24.2 Uỷ ban có thể thành lập các cơ quan trực thuộc nếu thấy phù hợp.
24.3 Uỷ ban sẽ thành lập một Nhóm các Chuyên gia Thường trực (PGE) gồm năm cá nhân độc lập, có trình độ bậc cao trong lĩnh vực trợ cấp và quan hệ thương mại. Uỷ ban sẽ bầu chọn các chuyên gia và mỗi năm sẽ thay thế một thành viên trong nhóm. Nhóm PGE có thể được yêu cầu hỗ trợ ban hội thẩm, như quy định tại khoản 5 Điều 4. Uỷ ban cũng có thể yêu cầu họ cho ý kiến tư vấn về sự tồn tại hoặc tính chất của bất kỳ trợ cấp nào.
24.4 PGE có thể được bất kỳ Thành viên nào tham vấn và có thể có ý kiến tư vấn về tính chất của bất kỳ loại trợ cấp nào mà một Thành viên dự kiến duy trì hay áp dụng mới. Ý kiến tư vấn đó không được phổ biến và không được sử dụng khi tiến hành thủ tục tố tụng nêu tại Điều 7.
24.5 Khi thực hiện chức năng của mình, Uỷ ban và các cơ quan trực thuộc đều có thể tham vấn và tìm thông tin từ bất kỳ nguồn nào được coi là cần thiết. Tuy nhiên trước khi Uỷ ban hay cơ quan trực thuộc tìm thông tin trong phạm vi thẩm quyền của một Thành viên, Thành viên đó sẽ được thông báo trước.
PHẦN VII : THÔNG BÁO VÀ GIÁM SÁT
25.1 Các Thành viên thoả thuận rằng, không gây ảnh hưởng đến các quy định tại khoản 1 Điều XVI Hiệp định GATT 1994, sẽ nộp thông báo về trợ cấp không chậm hơn ngày 30 tháng 6 hàng năm và sẽ tuân thủ các quy định từ khoản 2 đến khoản 6.
25.2 Các Thành viên sẽ thông báo về mọi khoản trợ cấp nêu tại khoản 1 Điều 1, thuộc loại trợ cấp riêng biệt theo nghĩa của Điều 2, được duy trì hay áp dụng trên lãnh thổ của mình.
25.3 Nội dung thông báo phải đủ chi tiết cụ thể để các Thành viên khác có thể đánh giá tác động thương mại của nó và hiểu về hoạt động của chương trình trợ cấp được thông báo. Về phương diện này và không làm ảnh hưởng đến nội dung và hình thức bản các câu hỏi về trợ cấp[54], các Thành viên sẽ đảm bảo rằng thông báo sẽ gồm những thông tin sau đây:
(i) hình thức trợ cấp (ví dụ như các khoản thu hoặc cấp, cho vay, ưu đãi về thuế);
(ii) trợ cấp tính theo đơn vị hoặc khi không thể tính cụ thể được, là tổng trị giá hay số tiền trợ cấp cả năm ngân sách dành cho trợ cấp (nếu có thể nêu mức trợ cấp trung bình tính theo đơn vị đã thực hiện năm trước);
(iii) mục tiêu hoặc mục đích về mặt chính sách của trợ cấp;
(iv) thời hạn trợ cấp và/ hoặc thời hạn khác gắn liền với trợ cấp;
(v) số liệu thống kê cho phép đánh giá tác động thương mại của trợ cấp.
25.4 Khi các điểm cụ thể nêu tại khoản 3 không được đề cập trong thông báo, thì cần có giải thích lý do ngay trong thông báo đó
25.5 Nếu trợ cấp được áp dụng đối với sản phẩm cụ thể hay một khu vực kinh doanh cụ thể, thì thông báo phải được kết cấu theo sản phẩm hay khu vực đó.
25.6 Thành viên nào thấy rằng trên lãnh thổ của mình không áp dụng các biện pháp nào cần phải thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều XVI GATT 1994 và theo Hiệp định này, sẽ thông báo cho Ban Thư ký bằng văn bản.
25.7 Các Thành viên thừa nhận rằng việc thông báo một biện pháp không làm tổn hại đến tính chất pháp lý của biện pháp đó theo Hiệp định GATT 1994 và theo Hiệp định này, hiệu lực của nó theo Hiệp định này, hay ảnh hưởng đến tính chất của biện pháp đó.
25.8 Bất kỳ lúc nào các Thành viên cũng có thể gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin về tính chất và mức độ của bất kỳ trợ cấp nào được một Thành viên khác áp dụng hay duy trì (kể cả trợ cấp được nêu tại Phần IV), hay yêu cầu giải thích về lý do một biện pháp cụ thể được coi không phải là đối tượng phải thông báo.
25.9 Các Thành viên khi được yêu cầu sẽ cung cấp thông tin được yêu cầu một cách đầy đủ và khẩn trương nhất có thể, và khi được yêu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp bổ sung thông tin cho Thành viên có yêu cầu. Đặc biệt, thông tin sẽ được cung cấp chi tiết đến mức có thể cho phép Thành viên yêu cầu có thể đánh giá được tính phù hợp với nội dung của Hiệp định này. Bất kỳ Thành viên nào thấy rằng những thông tin này chưa được cung cấp thì có thể đưa vấn đề ra trước Uỷ ban.
25.10 Bất kỳ Thành viên nào khi thấy một biện pháp được một Thành viên khác áp dụng có tác động như là trợ cấp nhưng không được thông báo phù hợp với các quy định của khoản 1 Điều XVI Hiệp định GATT 1994 và Điều khoản này, thì có thể nêu vấn đề này với Thành viên đó. Nếu sau đó biện pháp được coi là trợ cấp không được thông báo nhanh chóng, thì Thành viên đã nêu trên có thể đưa vấn đề về biện pháp được cho là trợ cấp đó ra Uỷ ban .
25.11 Các Thành viên sẽ thông báo không chậm trễ cho Uỷ ban về mọi hành động tạm thời hay chính thức được thực hiện liên quan tới thuế đối kháng. Mọi báo cáo sẽ được cung cấp sẵn sàng tại Ban Thư ký để các Thành viên khác kiểm tra. Các Thành viên cũng sẽ nộp báo cáo định kỳ nửa năm, về các biện pháp về thuế đối kháng đã áp dụng trong nửa năm qua. Báo cáo nửa năm sẽ được nộp theo mẫu tiêu chuẩn được thoả thuận trước .
25.12 Mỗi Thành viên sẽ thông báo cho Uỷ ban (a) cơ quan nào của mình có thẩm quyền mở và tiến hành điều tra nêu tại Điều 11 và (b) thủ tục trong nước điều chỉnh việc mở và tiến hành điều tra đó.
Điều 26
Giám sát
26.1 Tại phiên họp đặc biệt định kỳ ba năm một lần, Uỷ ban sẽ xem xét các thông báo mới và đầy đủ nhận được theo quy định tại khoản 1 Điều XVI Hiệp định GATT 1994 và khoản 1 Điều 25 của Hiệp định này. Các thông báo được nộp trong những năm giữa hai phiên họp (thông báo cập nhật) sẽ được xem xét tại mỗi phiên họp thường kỳ.
26.2 Uỷ ban sẽ xem xét các báo cáo đã nộp theo quy định tại khoản 11 Điều 25 tại mỗi phiên họp thường kỳ.
PHẦN VIII : CÁC THÀNH VIÊN ĐANG PHÁT TRIỂN
Điều 27
Đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các thành viên đang phát triển
27.1 Các Thành viên thừa nhận rằng trợ cấp có thể đóng vai trò quan trọng trong các chương trình phát triển của các Thành viên đang phát triển.
27.2 Những quy định cấm tại điểm1 (a) Điều 3 sẽ không áp dụng đối với:
(a) các Thành viên đang phát triển nêu tại phụ lục VII.
(b) các Thành viên đang phát triển khác, trong thời gian tám năm kể từ ngày hiệp định WTO có hiệu lực, tuỳ thuộc vào các quy định tại khoản 4.
27.3 Những quy định cấm tại điểm 1(b) Điều 3 sẽ không áp dụng với các Thành viên đang phát triển trong thời gian năm năm, và sẽ không áp dụng với các Thành viên chậm phát triển nhất trong thời gian tám năm, kể từ ngày hiệp định WTO có hiệu lực.
27.4 Các Thành viên đang phát triển nêu tại điểm 2(b), sẽ loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu trong vòng 8 năm và tốt nhất là nên làm từng bước. Tuy nhiên, một Thành viên đang phát triển sẽ không tăng mức trợ cấp xuất khẩu[55] của mình và sẽ loại bỏ trợ cấp đó trong thời gian ngắn hơn thời hạn nêu tại khoản này nếu việc sử dụng trợ cấp như vậy không phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Nếu một Thành viên đang phát triển thấy cần áp dụng trợ cấp đó vượt quá thời hạn tám năm, thì không chậm hơn một năm trước khi kết thúc thời hạn tám năm đã quy định, thì Thành viên đó sẽ tham vấn cho Uỷ ban, sau khi xem xét mọi nhu cầu kinh tế, tài chính và phát triển liên quan của Thành viên đó, Uỷ ban sẽ xác định việc gia hạn có đủ cơ sở không. Nếu Uỷ ban xác định rằng việc gia hạn là có cơ sở, thì Thành viên đó sẽ tiến hành tham vấn hàng năm với Uỷ ban để xác định tính cần thiết phải duy trì trợ cấp đó. Nếu Uỷ ban không xác định được tính cần thiết, thì Thành viên đó sẽ loại bỏ trợ cấp xuất khẩu vẫn còn áp dụng trong vòng hai năm, kể từ ngày hết thời hạn cho phép.
27.5 Một Thành viên đang phát triển đã đạt được trình độ cạnh tranh trong xuất khẩu với bất kỳ sản phẩm xuất khẩu nào sẽ xoá bỏ dần trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm đó trong thời hạn hai năm. Tuy nhiên, với một Thành viên đang phát triển nêu tại phụ lục VII và đã đạt được tính cạnh tranh trong xuất khẩu một hoặc nhiều sản phẩm, trợ cấp xuất khẩu với sản phẩm đó sẽ được xoá bỏ trong vòng tám năm.
27.6 Được coi là có tính cạnh tranh trong một sản phẩm nếu Thành viên đang phát triển đã xuất khẩu sản phẩm này chiếm ít nhất 3,5% thị phần của thương mại thế giới về sản phẩm đó trong hai năm liên tục. Tính cạnh tranh trong xuất khẩu được coi là đã có (a) trên cơ sở thông báo của Thành viên đang phát triển là họ đã đạt được tính cạnh tranh trong xuất khẩu, hoặc là (b) trên cơ sở tính toán của Ban Thư ký theo yêu cầu của Thành viên khác. Theo khoản này, một sản phẩm được định nghĩa là tương ứng với nhóm hàng theo hệ thống HS. Uỷ ban sẽ xem xét lại việc thực hiện điều khoản này trong năm năm kể từ ngày hiệp định WTO có hiệu lực.
27.7 Các quy định của Điều 4 sẽ không áp dụng đối với các Thành viên đang phát triển trong trường hợp trợ cấp xuất khẩu phù hợp với các quy định từ khoản 2 tới khoản 5. Trong trường hợp đó, sẽ áp dụng các quy định liên quan của Điều 7.
27.8 Một khoản trợ cấp được một nước đang phát triển áp dụng sẽ không bị suy đoán là gây ra thiệt hại nghiêm trọng theo điều kiện của khoản 1 Điều 6, theo định nghĩa của Hiệp định này. Thiệt hại nghiêm trọng nói tại khoản 9 phải có bằng chứng khẳng định theo các quy định của các khoản từ 3 tới 8 Điều 6.
27.9 Đối với những trợ cấp có thể đối kháng được một Thành viên là nước đang phát triển áp dụng hay duy trì, nhưng không thuộc loại được nêu tại khoản 1 Điều 6, thì hành động đối kháng không được phép hay thực hiện theo Điều 7, trừ khi xác định được là do có trợ cấp thuộc loại đó mà làm mất hay giảm hiệu lực của các nhân nhượng về thuế quan hoặc những nghĩa vụ khác theo Hiệp định GATT 1994, đến mức loại bỏ hay ngăn cản việc nhập khẩu một sản phẩm tương tự của một Thành viên khác vào thị trường Thành viên đang phát triển đang trợ cấp trừ khi gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước trên thị trường của Thành viên đang nhập khẩu.
27.10 Bất kỳ việc điều tra thuế đối kháng nào áp dụng đối với sản phẩm có xuất xứ từ một Thành viên đang phát triển sẽ bị chấm dứt ngay khi cơ quan có thẩm quyền liên quan xác định được rằng:
(a) tổng số trợ cấp cho một sản phẩm không vượt quá 2% giá trị của nó tính theo trị giá trên cơ sở đơn vị sản phẩm; hoặc
(b) khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp chỉ chiếm dưới 4% tổng nhập khẩu sản phẩm tương tự vào Thành viên nhập khẩu, trừ khi nhập khẩu từ các Thành viên đang phát triển có thị phần riêng dưới 4% chiếm tổng thị phấn lớn hơn 9% tổng thị phần nhập khẩu sản phẩm tương tự tại Thành viên nhập khẩu.
27.11 Đối với các Thành viên đang phát triển thuộc diện đã nêu tại điểm 2(b) đã xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu trước khi hết thời hạn tám năm kể từ ngày Hiệp định WTO bắt đầu có hiệu lực, và đối với các Thành viên đang phát triển trong phụ lục VII, con số tương ứng nêu tại điểm 10(a) sẽ là 3% thay cho 2%. Quy định này sẽ được áp dụng kể từ ngày việc xoá bỏ trợ cấp được thông báo cho Uỷ ban, và còn được áp dụng chừng nào Thành viên đang phát triển đã thông báo không áp dụng trợ cấp xuất khẩu. Quy định này sẽ hết hiệu lực sau tám năm kể từ ngày Hiệp định WTO bắt đầu có hiệu lực.
27.12 Các quy định của khoản 10 và 11 sẽ điều chỉnh việc xác định trợ cấp thuộc loại không đáng kể hoặc tối thiểu (de minimis) nêu tại khoản 3 Điều 15.
27.13 Các quy định của Phần III sẽ không áp dụng đối với việc xoá nợ trực tiếp, trợ cấp nhằm bù đắp chi phí xã hội, dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả việc miễn thu những khoản phải nộp cho chính phủ và chuyển giao trách nhiệm khi các khoản trợ cấp đó được cấp trong khuôn khổ và gắn liền với một chương trình tư nhân hoá của Thành viên đang phát triển với điều kiện các chương trình đó và những trợ cấp liên quan được áp dụng trong một thời gian hạn chế và được thông báo cho Uỷ ban và chương trình đó cuối cùng đưa đến kết quả tư nhân hoá xí nghiệp liên quan.
27.14 Khi một Thành viên đang phát triển có quan tâm yêu cầu, Uỷ ban sẽ xem xét lại thực tế về một trợ cấp xuất khẩu riêng tại một Thành viên đang phát triển để xác định xem việc trợ cấp đó có phù hợp với nhu cầu phát triển của Thành viên đó hay không.
27.15 Khi một Thành viên đang phát triển có quan tâm yêu cầu, Uỷ ban sẽ xem xét lại một biện pháp đối kháng để xác định việc biện pháp đó có phù hợp với các quy định của khoản 10 và 11 như được áp dụng đối với các Thành viên đang phát triển nêu ở đây hay không.
PHẦN IX: CÁC THOẢ THUẬN CHUYỂN TIẾP
Điều 28
Các chương trình hiện có
28.1 Với các chương trình trợ cấp đã được triển khai trên lãnh thổ một Thành viên trước ngày Thành viên đó ký Hiệp định Thành lập WTO và không phù hợp với các quy định của Hiệp định này sẽ:
(a) được thông báo cho Uỷ ban trong vòng 90 ngày, kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực đối với Thành viên đó; và
(b) được điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của Hiệp định này trong vòng ba năm, kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực đối với Thành viên đó và cho đến khi đó, các chương trình này sẽ không chịu sự điều chỉnh của Phần II.
28.2 Không một Thành viên nào mở rộng phạm vi của những chương trình đó và không một chương trình nào sẽ được gia hạn thêm khi hết hạn.
Điều 29
Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường
29.1 Các Thành viên đang trong thời kỳ chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang một nền kinh tế thị trường, tự do kinh doanh có thể áp dụng những chương trình và biện pháp cần thiết cho quá trình chuyển đổi.
29.2 Đối với các Thành viên nói trên, các chương trình trợ cấp thuộc diện điều chỉnh của Điều 3 và đã được thông báo phù hợp với khoản 3, sẽ được loại bỏ dần và điều chỉnh cho phù hợp với Điều 3 trong vòng 7 năm, kể từ ngày Hiệp định WTO bắt đầu có hiệu lực. Trong trường hợp này Điều 4 sẽ không được áp dụng. Ngoài ra, trong cùng thời gian đó:
(a) các chương trình trợ cấp nêu tại điểm 1(d) Điều 6 sẽ không thuộc diện có thể dẫn tới hành động đối kháng nêu tại Điều 7;
(b) đối với các những trợ cấp có thể dẫn tới hành động đối kháng, các quy định của khoản 9 Điều 27 sẽ được áp dụng.
29.3 Các chương trình thuộc diện nêu tại Điều 3 sẽ được thông báo cho Uỷ ban vào một ngày gần nhất có thể được, sau ngày Hiệp định WTO bắt đầu có hiệu lực. Trợ cấp khác có thể được thông báo hai năm sau ngày Hiệp định WTO có hiệu lực.
29.4 Trong những trường hợp ngoại lệ, Các Thành viên nêu tại khoản 1 có thể được Uỷ ban cho phép vận dụng khác đi trong các chương trình và biện pháp và lịch trình cụ thể của Thành viên đó đã thông báo nếu làm như vậy là cần thiết cho các tiến trình chuyển đổi kinh tế của Thành viên đó.
PHẦN X: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 30
Các quy định của các Điều XXII và XXIII của Hiệp định GATT 1994 đã được chi tiết hoá và vận dụng tại Thoả thuận về giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng cho việc tham vấn và giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, trừ khi Trong Hiệp định này có quy định khác.
PHẦN XI: CÁC QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG
Điều 31
Áp dụng tạm thời
Các quy định của khoản 1 Điều 6 và các quy định của Điều 8 và Điều 9 sẽ được áp dụng trong một thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực. Không chậm hơn 180 ngày trước khi kết thúc thời hạn này,Uỷ ban sẽ xem xét lại tình hình thực thi các quy định đó, nhằm quyết định có gia hạn việc áp dụng chúng hay không, dưới hình thức giữ nguyên nội dung như hiện nay hay có sửa đổi cho một thời kỳ tiếp theo.
Điều 32
Các quy định cuối cùng khác
32.1 Không hành động cụ thể nào được thực hiện chống lại việc trợ cấp của Thành viên khác, trừ khi được áp dụng theo các quy định của Hiệp định GATT 1994, được thể hiện ở Hiệp định này[56].
32.2 Không một bảo lưu về bất kỳ một quy định nào của Hiệp định này được chấp nhận nếu không đạt được sự đồng thuận của tất cả các Thành viên khác.
32.3 Căn cứ vào khoản 4, các quy định của Hiệp định này sẽ được áp dụng cho việc điều tra, rà soát các biện pháp hiện tại được khởi đầu theo đơn được lập vào ngày hoặc sau ngày Hiệp định WTO có hiệu lực đối với một Thành viên của Hiệp định WTO.
32.4 Theo khoản 3 Điều 21, các biện pháp đối kháng hiện tại sẽ được coi là áp dụng vào ngày không chậm hơn ngày Hiệp định WTO có hiệu lực đối với một Thành viên của Hiệp định WTO, trừ trường hợp pháp luật trong nước của Thành viên đó có hiệu lực vào ngày nói trên đã có thuộc loại đã quy định tại khoản 3.
32.5 Mỗi Thành viên kể từ ngày không chậm hơn ngày Hiệp định WTO có hiệu lực sẽ có những bước đi cần thiết, mang tính chất chung hoặc riêng biệt để đảm bảo mọi luật, quy định và thủ tục hành chính của mình phù hợp với các quy định của Hiệp định này, khi được áp dụng cho Thành viên liên quan.
32.6 Mỗi Thành viên sẽ thông báo cho Uỷ ban về bất kỳ sự thay đổi nào trong các luật và quy định liên quan tới Hiệp định này và trong việc thi hành các luật, quy định đó.
32.7 Hàng năm, Uỷ ban sẽ xem xét lại việc thực hiện và hiệu lực của Hiệp định này, có tính đến mục tiêu đã được đề ra tại Hiệp định. Uỷ ban sẽ thông báo hàng năm cho Hội đồng Thương mại Hàng hoá về những tiến triển trong thời kỳ được xem xét nói trên.
32.8 Các phụ lục của Hiệp định này là một bộ phận không tách rời của Hiệp định.
PHỤ LỤC I
DANH MỤC MINH HỌA TRỢ CẤP XUẤT KHẨU
(a) Việc Chính phủ trợ cấp trực tiếp cho một hãng hoặc một ngành sản xuất trong nước tính theo kết quả xuất khẩu.
(b) Các chương trình giữ lại ngoại tệ hoặc việc làm tương tự có thưởng khuyến khích xuất khẩu.
(c) Vận chuyển nội địa và cước phí giao hàng xuất khẩu, được Chính phủ cung cấp hoặc giao quyền cung cấp, với những điều kiện thuận lợi hơn so với giao hàng nội địa.
(d) Chính phủ hoặc cơ quan Chính phủ cung cấp sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu, hoặc sản xuất trong nước sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, trực tiếp hay gián tiếp thông qua các chương trình được phép của Chính phủ, với những điều kiện thuận lợi hơn cung cấp cho các sản phẩm tương tự hoặc sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay dịch vụ để sử dụng trong sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, nếu trong trường hợp là một sản phẩm, các điều kiện điều khoản đó thuận lợi hơn điều kiện thương mại thông thường sẵn có[57] trên thị trường thế giới dành cho nhà xuất khẩu của Thành viên đó.
(e) miễn, hay tạm ngừng thu toàn bộ hoặc một phần các khoản thuế trực thu[58] hay các khoản đóng góp xã hội mà doanh nghiệp sản xuất hay thương mại[59] đã hoặc phải thanh toán, chỉ áp dụng riêng với xuất khẩu,
(f) cho phép miễn giảm trực tiếp liên quan tới xuất khẩu hoặc kết quả xuất khẩu, vượt quá hay cao hơn những miễn giảm dành cho sản xuất để tiêu thụ trong nước, trong cách tính toán cơ sở để thu thuế trực tiếp.
(g) miễn hay hoàn thuế gián thu58 cao hơn mức áp dụng đối với sản xuất hay lưu thông một sản phẩm tương tự tiêu thụ trên thị trường nội địa, đối với sản xuất hay lưu thông xuất khẩu hàng hoá.
(h) miễn, hoàn hay chuyển thuế gián thu58 sang kỳ sau thuộc diện thu gộp cho cả các công khoản trước đây với hàng hoá hay dịch vụ được sử dụng trong sản xuất hàng xuất khẩu vượt quá mức được miễn, giảm hay hoãn thu với các khoản thuế gián thu gộp đánh vào sản phẩm hay dịch vụ thuộc các giai đoạntrước đây tương ứng được tiêu thụ trên thị trường trong nước; tuy nhiên với điều kiện là, các khoản thuế gián thu gộp được miễn, hoàn trả hay chuyển có thể áp dụng đối với hàng đã xuất khẩu mà không áp dụng với sản phẩm tương tự được tiêu thụ trong nước, khi các khoản thuế gián thu gộp được đánh vào vật tư đầu vào tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu (tạo thành hao phí thông thường)[60]. Điểm này có thể được hiểu một cách phù hợp với hướng dẫn về tiêu thụ đầu vào trong tiến trình sản xuất nêu tại Phụ lục II.
(i) hoàn trả hay giảm các khoản thu phí nhập khẩu58 vượt quá số thu đối với hàng nhập khẩu tiêu thụ ở đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu (tạo thành mức hao phí thông thường); tuy nhiên, nếu trong những trường hợp riêng biệt, một hãng có thể sử dụng một số lượng vật tư đầu vào trên thị trường trong nước ngang với hay có cùng chất lượng và đặc điểm như đầu vào nhập khẩu để thay thế đầu vào trong nước đó để có thể được hưởng lợi từ quy định này khi các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu tương ứng cùng phát sinh trong một thời kỳ hợp lý nhưng không quá hai năm. Điểm này có thể được hiểu một cách phù hợp với hướng dẫn về tiêu thụ đầu vào trong quá trình sản xuất nêu tại Phụ lục II và hướng dẫn để xác định xem chế độ giảm thuế áp dụng đối với đầu vào sản phẩm thay thế nhập khẩu như là trợ cấp xuất khẩu nêu tại Phụ lục III.
(j) Chính phủ (hoặc các cơ quan đặc biệt do Chính phủ quản lý) thực hiện các chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, các chương trình bảo hiểm hoặc bảo lãnh nhằm chống lại sự tăng chi phí sản phẩm xuất khẩu hay các chương trình về rủi ro ngoại hối, với phí thu thấp không hợp lý, không đủ để chi trả cho chi phí hoạt động dài hạn hoặc thâm hụt của các chương trình đó.
(k) Chính phủ (hoặc các cơ quan đặc biệt trực thuộc hoặc do Chính phủ quản lý) cấp các khoản tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp hơn mức mà họ thực tế phải trả để có được tiền thực hiện việc này (hay lẽ ra phải trả nếu vay trên thị trường vốn quốc tế để có được tiền với cùng thời hạn và các điều kiện tín dụng, và được tính bằng cùng một đồng tiền của tín dụng xuất khẩu), hoặc các cơ sở đó trả cho toàn bộ hay một phần chi phí phát sinh với nhà xuất khẩu hay với thể chế tài chính để có được tín dụng, trong chừng mực các khoản tín dụng đó được sử dụng để bảo đảm dành cho nhà xuất khẩu những lợi thế đáng kể trong lĩnh vực tín dụng xuất khẩu.
Tuy nhiên, với điều kiện là nếu một Thành viên có tham gia một liên kết quốc tế về tín dụng xuất khẩu mà, tính đến ngày 1 tháng 1 năm 1979, ít nhất mười hai Thành viên sáng lập của Hiệp định này là thành viên của liên kết đó (hay một hình thức kế tục của nó được các Thành viên sáng lập thông qua), hoặc trong thực hành một Thành viên áp dụng các quy định về lãi xuất của liên kết đó, thực hành tín dụng xuất khẩu phù hợp với các quy định đó sẽ không bị coi là trợ cấp xuất khẩu thuộc diện cấm theo Hiệp định này.
(l) Bất kỳ khoản thu nào từ ngân sách nhà nước tạo thành trợ cấp theo nội dung quy định tại Điều XVI GATT 1994.
PHỤ LỤC II
HƯỚNG DẪN VỀ TIÊU THỤ ĐẦU VÀO
TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT[61]
1. Các chương trình giảm thuế gián thu có thể cho phép miễn, hoàn hay chuyển việc thu những khoản thuế gián thu thuộc các giai đoạn trước đánh vào vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu (tính tới hao phí định mức thông thường). Tương tự như vậy, các chương trình giảm thuế có thể cho phép hoàn hay giảm những khoản thu đối với hàng nhập khẩu đánh vào đầu vào được tiêu thụ cho sản xuất hàng xuất khẩu (tính tới hao phí định mức thông thường).
2. Danh mục Minh họa trợ cấp xuất khẩu tại Phụ lục I của Hiệp định này sử dụng thuật ngữ “đầu vào được sử dụng trong sản xuất hàng xuất khẩu” tại điểm (h) và (i). Theo quy định tại điểm (h), các chương trình giảm thuế gián thu có thể tạo thành một trợ cấp xuất khẩu trong chừng mực các chương trình đó dẫn tới việc miễn, hoàn, giảm hay chuyển các khoản thuế gián thu vượt quá mức tương ứng thông thường vẫn đánh vào vật tư đầu vào tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Theo quy định của điểm (i), các chương trình giảm các khoản thu đánh vào hàng nhập khẩu có thể tạo thành một trợ cấp xuất khẩu trong chừng mực các chương trình đó dẫn tới việc hoàn, giảm hay chuyển các khoản thu vượt quá các khoản tương ứng vẫn thường áp dụng với đầu vào tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Cả hai điểm trên đều quy định rằng tỷ lệ hao phí thông thường phải căn cứ vào thực tế tiêu thụ vật tư đầu vào trong sản xuất hàng xuất khẩu. Điểm (i) cũng quy định về những sản phẩm thay thế.
II
Khi xem xét liệu vật tư đầu vào có được tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu hay không có phải là một nội dung điều tra về thuế đối kháng theo Hiệp định này, cơ quan có thẩm quyền điều tra phải tiến hành theo cách thức sau:
1. Trong trường hợp nghi ngờ có một chương trình giảm thuế gián thu hay thoái thu có tính chất trợ cấp do hoàn thuế hay thoái thu quá mức với những khoản đã thu đối với nhập khẩu đầu vào tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền điều tra trước hết phải xác định xem Chính phủ Thành viên đang xuất khẩu hiện có và áp dụng một chương trình hay thủ tục như thế hay không để xác nhận được những vật tư đầu vào nào được tiêu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu và với số lượng bao nhiêu . Khi đã xác định được có tồn tại một hệ thống như vậy, cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ tiếp tục xem xét xem hệ thống đó có hợp lý không, có hiệu lực để đạt mục tiêu đề ra không và có dựa trên những tập quán thương mại vẫn thường được chấp nhận tại nước xuất khẩu không. Cơ quan có thẩm quyền điều tra khi đó có thể thấy cần tiến hành thử nghiệm thực tế, theo đúng các quy định của khoản 6 Điều 12, nhằm xác minh thông tin và đảm bảo rằng một chương trình hay những thủ tục nói trên đang thực sự tồn tại.
2. Khi không tồn tại một chương trình hay thủ tục như vậy, hoặc một chương trình hay thủ tục đó không hợp lý, hoặc một chương trình hay thủ tục như vậy được coi là hợp lý nhưng trong thực tế lại không được áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả, Thành viên xuất khẩu cần tiếp tục tiến hành kiểm tra dựa trên lượng đầu vào thực sự sử dụng và xác định xem có thanh toán trội hơn không. Nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra thấy cần thiết, thì có thể tiếp tục kiểm tra theo quy định tại khoản 1.
3. Các cơ quan có thẩm quyền điều tra phải coi các vật tư đầu vào là một khối thống nhất về mặt vật lý nếu như các vật tư đầu vào này được sử dụng trong quá trình sản xuất và trực tiếp hiện diện trong sản phẩm được xuất khẩu. Các Thành viên ghi nhận rằng nguyên liệu đầu vào không nhất thiết phải hiện diện trong sản phẩm cuối cùng dưới hình thức ban đầu khi tham gia quá trình sản xuất.
4. Khi xác định khối lượng của một loại đầu vào cụ thể được tiêu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, cần tính đến “ tỷ lệ hư hao thông thường”, và mức hư hao đó cũng được tính là đã tiêu dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Thuật ngữ “hư hao” là tỷ lệ một loại đầu vào nhất định, không được sử dụng một cách độc lập trong quá trình sản xuất, không tiêu dùng cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu, (với những lý do như là tính kém hiệu quả) và nhà chế tạo đó không thu hồi lại hoặc không bán được.
5. Việc cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định một định mức hư hao đã đưa ra có được coi là "thông thường" hay không cần tính đến quá trình sản xuất, kinh nghiệm trung bình của ngành sản xuất tại nước xuất khẩu, và các nhân tố kỹ thuật khác, khi thấy thích hợp. cơ quan có thẩm quyền điều tra cần luôn ý thức rằng điều quan trọng là cơ quan có thẩm quyền tại Thành viên xuất khẩu đã tính toán khối lượng hư hao một cách hợp lý chưa, và khi nào khối lượng hư hao đó được tính với ý định bao hàm trong khoản miễn hay hoàn thuế, thoái thu thuế.
PHỤ LỤC III
HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH HỆ THỐNG THOÁI THU
ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THAY THẾ
ĐƯỢC COI LÀ TRỢ CẤP XUẤT KHẨU
I
Hệ thống thoái thu có thể cho phép hoàn trả hoặc thoái thu các khoản thu nhập khẩu đánh vào đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất một sản phẩm khác và khi sản phẩm này được xuất khẩu có mang một hàm lượng đầu vào có nguồn gốc trong nước có cùng chất lượng và đặc điểm của vật tư đầu vào thay thế cho hàng nhập khẩu. Theo quy định của khoản (i) Danh mục minh họa trợ cấp xuất khẩu nêu tại Phụ lục I, Hệ thống thoái thu áp dụng đối với sản phẩm thay thế có thể tạo thành một khoản trợ cấp xuất khẩu trong chừng mực hệ thống đó dẫn tới việc thoái thu vượt quá các khoản thu ban đầu đánh vào đầu vào nhập khẩu được yêu cầu thoái thu.
II
Khi xem xét các hệ thống thoái thu với hàng thay thế với tính cách là một phần của cuộc điều tra về thuế đối kháng theo quy định của Hiệp định này, cơ quan có thẩm quyền điều tra cần tiến hành theo phương pháp sau.
1. Đoạn (i) của Danh mục minh họa quy định rằng đầu vào nguồn trong nước có thể thay thế đầu vào nguồn nhập khẩu trong sản xuất một sản phẩm dành cho xuất khẩu với điều kiện đầu vào từ hai nguồn này được tiêu thụ với số lượng ngang nhau và có cùng chất lượng và tính chất với đầu vào nhập khẩu được thay thế. Sự tồn tại của một hệ thống hay thủ tục kiểm tra là quan trọng bởi vì nó cho phép Chính phủ Thành viên xuất khẩu đảm bảo và chứng minh được rằng số lượng vật tư đầu vào yêu cầu được thoái thu không vượt quá số lượng sản phẩm tương tự đã xuất khẩu, dù dưới hình thức nào, và không có tình trạng thoái thu những khoản phí đánh vào hàng nhập khẩu vượt quá số đã thu ban đầu với hàng nhập khẩu liên quan.
2. Khi có lập luận cho rằng một hệ thống thoái thu dẫn tới một khoản trợ cấp, cơ quan có thẩm quyền điều tra trước hết phải tiến hành xác định xem chính phủ Thành viên xuất khẩu có và đang sử dụng một hệ thống hay thủ tục kiểm tra hay không. Khi đã xác định được có một hệ thống hay thủ tục như vậy đang được áp dụng, cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ tiến hành tiếp xem xét thủ tục kiểm tra có hợp lý, có hữu hiệu với mục tiêu được đặt ra, và có dựa trên những tập quán thương mại thông thường vẫn được chấp nhận tại nước xuất khẩu hay không. Trong chừng mực mà những thủ tục đó được xác định là đáp ứng yêu cầu kiểm tra và thực sự hữu hiệu, thì sẽ được coi là không có tồn tại trợ cấp (xuất khẩu). Cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể tự thấy cần thiết phải tiến hành một số thử nghiệm thực tế, theo quy định tại khoản 6 Điều 12, nhằm kiểm tra thông tin và tự mình đánh giá xem thủ tục kiểm tra có thực sự được áp dụng không.
3. Có thể được coi là trợ cấp, khi không tồn tại thủ tục kiểm tra, hoặc những thủ tục đó không hợp lý, hoặc những thủ tục đó có tồn tại và được coi là hợp lý nhưng trong thực tế được xác định là không được áp dụng hoặc áp dụng một cách không có hiệu quả. Trong những trường hợp đó, Thành viên xuất khẩu cần tiến hành kiểm tra trên cơ sở các giao dịch thực tế liên quan để xác dịnh xem có trả vượt mức không. Nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra thấy cần thiết, thì cần tiếp tục kiểm tra theo quy định tại khoản 2.
4. Sự tồn tại của một quy định về thoái thu đối với hàng thay thế (nhập khẩu) cho phép nhà xuất khẩu lựa chọn những chuyến hàng nhập khẩu và yêu cầu được thoái thu căn cứ vào các chuyến hàng đó chỉ tự nó không được coi là tạo thành một trợ cấp.
5. Thoái thu trội những khoản thu với hàng nhập khẩu theo nội dung khoản (i) được coi là có tồn tại khi một chính phủ thanh toán lãi cho bất kỳ khoản tiền thoái thu nào được trả trong khuôn khổ chương trình đó, với mức độ tương ứng những khoản đã hoặc có thể được thanh toán trội đó.
PHỤ LỤC IV
TÍNH TOÁN GIÁ TRỊ GIA TĂNG TRONG TRỢ CẤP
( ĐIỂM1(A) ĐIỀU 6)[62]
1. Giá trị của trợ cấp theo điểm 1(a) Điều 6 phải được tính theo chi phí mà Chính phủ cấp trợ cấp phải trả.
2. Trừ những quy định từ khoản 3 đến khoản 5, khi xác định xem tổng mức trợ cấp có vượt quá 5% giá trị của sản phẩm hay không, thì giá trị của sản phẩm sẽ được tính toán như là tổng doanh số của công ty nhận trợ cấp[63] trong 12 tháng gần nhất trước thời kỳ trợ cấp[64] được cấp mà trong giai đoạn này số liệu về doanh số là sẵn có.
3. Khi việc trợ cấp được gắn với việc sản xuất hay bán ra một sản phẩm nhất định, giá trị của sản phẩm sẽ được tính toán như là tổng trị giá doanh số bán của sản phẩm đó của công ty nhận trợ cấp trong mười hai tháng gần nhất trước thời kỳ được cấp trợ cấp mà trong thời kỳ này số liệu về doanh số là sẵn có.
4. Nếu công ty tiếp nhận trợ cấp đang trong giai đoạn khởi đầu, tổn hại nghiêm trọng được coi là có tồn tại khi tổng mức trợ cấp vượt quá 15% của tổng vốn đầu tư. Theo khoản này, thời kỳ khởi đầu không được kéo dài quá một năm đầu bắt đầu sản xuất[65].
5. Nếu công ty nhận trợ cấp hoạt động tại một nước có nền kinh tế lạm phát cao, thì trị giá của sản phẩm sẽ được tính toán trên tổng doanh số của công ty nhận trợ cấp (hoặc doanh số của sản phẩm liên quan nếu trợ cấp là ràng buộc với sản phẩm đó) trong năm dương lịch trước đó tính theo mức lạm phát trong mười hai tháng trước khi được trợ cấp.
6. Khi tính tổng mức trợ cấp trong một năm, các khoản trợ cấp theo các chương trình khác nhau từ nguồn của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau trên cùng lãnh thổ sẽ được tính gộp lại.
7. Những trợ cấp được cấp trước ngày Hiệp định WTO có hiệu lực, mà lợi ích có được từ những trợ cấp này thuộc thời kỳ sản xuất trong tương lai, sẽ được tính vào trong tổng mức trợ cấp.
8. Những khoản trợ cấp không dẫn tới hành động đối kháng theo những quy định liên quan trong Hiệp định này sẽ không được tính vào mức trợ cấp theo điểm 1(a) Điều 6.
PHỤ LỤC V
TIẾN TRÌNH THU THẬP THÔNG TIN
VỀ TỔN HẠI NGHIÊM TRỌNG
Mọi Thành viên sẽ hợp tác trong thu thập thông tin về các bằng chứng đưa ra xem xét tại ban hội thẩm trong tiến trình quy định từ khoản 4 đến khoản 6 Điều 7. Các bên tranh chấp hoặc bất kỳ Thành viên thứ ba nào liên quan sẽ thông báo cho Cơ quan giải quyết tranh chấp, ngay khi các quy định của khoản 4 Điều 7 được tham chiếu, về tổ chức chuyên trách cung cấp thông tin này trên lãnh thổ của Thành viên đó và các thủ tục cần tiến hành để được cung cấp thông tin.
1. Trường hợp những vấn đề được đưa ra DSB thuộc nội dung của khoản 4 Điều 7, khi được yêu cầu, DSB sẽ lập tức bắt đầu thủ tục để có được thông tin liên quan do Chính phủ của Thành viên đang áp dụng trợ cấp cung cấp cần thiết để xác định sự tồn tại và mức độ của trợ cấp, giá trị tổng doanh số của công ty được trợ cấp, cũng như những thông tin cần thiết khác để phân tích những tác hại do sản phẩm được trợ cấp gây ra[66]. Tiến trình này có thể bao gồm, nếu thấy cần thiết, đưa ra những câu hỏi cho Chính phủ của Thành viên áp dụng trợ cấp và Chính phủ có khiếu nại để thu thập thông tin, cũng như để làm sáng tỏ và đánh giá về những thông tin mà các bên tranh chấp hiện có thông qua thủ tục thông báo đã nêu tại Phần VII[67].
2. Trong trường hợp gây tác động đến thị trường một nước thứ ba, một bên tranh chấp có thể thu thập thông tin, kể cả thông qua việc đặt ra những câu hỏi với Chính phủ Thành viên thứ ba, cần thiết để phân tích tác động nghịch mà không thể có được từ Thành viên áp dụng trợ cấp hay có khiếu nại. Thủ tục này phải được tiến hành sao cho không tạo nên gánh nặng không cần thiết bất hợp lý cho Thành viên thứ ba đó, nhất là khi Thành viên đó không có ý định tiến hành phân tích thị trường hay giá cả vì mục tiêu điều tra. Việc cung cấp thông tin chỉ dừng lại ở những thông tin sẵn có, hoặc Thành viên đó có thể có ngay được (ví dụ như những thông tin gần nhất hiện có đã được tập hợp bởi các cơ quan thống kê liên quan nhưng chưa được công bố, số liệu hải quan về nhập khẩu, giá trị đã khai báo của sản phẩm liên quan v. v. ). Tuy nhiên, nếu một bên trong tranh chấp tự chịu chi phí để tiến hành phân tích thị trường chi tiết, Thành viên thứ ba đó sẽ tạo thuận lợi cho cá nhân hay hãng nhận tiến hành phân tích đó và cá nhân đó hay hãng đó sẽ được phép tiếp cận mọi thông tin thông thường không thuộc diện được Chính phủ coi là thông tin bí mật.
3. DSB sẽ chỉ định một đại diện có chức năng tạo thuân lợi cho việc thu thập thông tin. Mục đích duy nhất của đại diện là đảm bảo thu thập đúng hạn thông tin cần thiết để tạo thuân lợi cho việc xem xét trong khuôn khổ đa biên vấn đề tranh chấp. Đặc biệt, đại diện có thể gợi ý cách thức hiệu quả nhất có được thông tin cần thiết cũng như khích lệ các bên hợp tác cung cấp thông tin.
4. Tiến trình thu thập thông tin nêu từ khoản 2 đến khoản 4 sẽ được hoàn thành trong vòng 60 ngày kể từ ngày vấn đề được đưa ra DSB theo khoản 4 Điều 7, thông tin có được trong tiến trình đó sẽ được cung cấp cho ban hội thẩm, do DSB thành lập theo quy định tại Phần X. Thông tin đã nêu sẽ bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, số liệu về tổng trợ cấp liên quan, (và khi có điều kiện thích hợp, gồm cả giá trị tổng doanh số của công ty được trợ cấp), giá cả sản phẩm được trợ cấp, giá cả của sản phẩm không được trợ cấp, giá cả của các nhà cung cấp khác trên thị trường, thay đổi về khả năng cung của sản phẩm được trợ cấp trên thị trường liên quan và thay đổi thị phần. Thông tin đó cũng cần nêu rõ các bằng chứng biện giải, cũng như các thông tin bổ sung mà ban hội thẩm thấy liên quan trong quá trình đi đến một kết luận.
5. Nếu một Thành viên đã áp dụng trợ cấp hay một nước thứ ba không hợp tác trong việc thu thập thông tin nói trên, thì Thành viên đang khiếu nại sẽ trình bày lập luận của mình về sự tồn tại của một tổn hại nghiêm trọng dựa vào những nhân tố chứng minh có được cũng như sự việc và tình trạng bất hợp tác của Thành viên đang áp dụng trợ cấp hay của Thành viên thứ ba. Trong trường hợp thông tin không sẵn có vì các Thành viên này bất hợp tác, ban hội thẩm có thể hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu dựa vào những thông tin có được từ các nguồn khác.
6. Khi có quyết định về việc xác định, ban hội thẩm phải loại trừ ảnh hưởng của việc suy diễn bất lợi do sự bất hợp tác của một bên tham dự trong tiến trình thu thập thông tin.
7. Khi xác định là cần phải sử dụng thông tin tốt nhất có được hay những suy diễn về trường hợp bất hợp tác, ban hội thẩm sẽ lấy ý kiến của đại diện DSB đã được chỉ định theo khoản 4 về tính chất hợp lý của yêu cầu cung cấp thông tin và những cố gắng đã có của các bên nhằm trả lời một cách kịp thời và trên tinh thần hợp tác.
8. Không có quy định nào về việc thu thập thông tin hạn chế khả năng của ban hội thẩm trong việc tìm kiếm thông tin bổ sung được cho là thiết yếu cho việc giải quyết tranh chấp một cách thoả đáng và là những thông tin chưa được yêu cầu hay chưa thu thập được một cách đầy đủ. Tuy nhiên, thông thường ban hội thẩm không nên yêu cầu những thông tin bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ trong trường hợp những thông tin đó tăng cường vị trí cho một bên cụ thể và việc không có thông tin là kết quả của sự bất hợp tác phi lý của bên đó trong việc thu thập thông tin.
PHỤ LỤC VI
THỦ TỤC ĐIỀU TRA TẠI CHỖ
THEO QUY ĐỊNH CỦA KHOẢN 6 ĐIỀU 12
1. Ngay khi bắt đầu một cuộc Điều tra, cơ quan có thẩm quyền của Thành viên xuất khẩu và các doanh nghiệp rõ ràng có liên quan sẽ phải được thông báo về ý định tiến hành điều tra tại chỗ.
2. Trong những trường hợp ngoại lệ, nếu có dự kiến đưa các chuyên gia không thuộc Chính phủ tham gia vào nhóm điều tra viên, các doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền của Thành viên xuất khẩu phải được thông báo. Các chuyên gia này phải thực sự chịu trách nhiệm nếu vi phạm yêu cầu không tiết lộ thông tin.
3. Tập quán thông thường là phải được sự đồng ý rõ ràng của các doanh nghiệp liên quan của Thành viên xuất khẩu trước khi định ngày tới thăm và thu thập thông tin.
4. Cơ quan có thẩm quyền điều tra, ngay khi nhận được sự chấp nhận của các doanh nghiệp liên quan, phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Thành viên xuất khẩu biết tên và địa chỉ của các doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin kể cả ngày dự kiến đã định.
5. Các doanh nghiệp liên quan phải được báo trước một thời gian hợp lý.
6. Việc gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp để làm rõ các câu hỏi chỉ được tiến hành khi được các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu. Trong trường hợp đó, cơ quan có thẩm quyền điều tra có thể sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp đó, buổi gặp chỉ được tiến hành khi (a) cơ quan có thẩm quyền của Thành viên nhập khẩu đã thông báo cho đại diện chính quyền của Thành viên liên quan về việc đó, và (b) chính quyền Thành viên liên quan không phản đối.
7. Vì mục tiêu chính của cuộc điều tra tại chỗ là nhằm kiểm tra thông tin đã được cung cấp hoặc tìm kiếm thông tin chi tiết hơn, nên cuộc điều tra này chỉ được tiến hành sau khi đã nhận được các câu trả lời về các câu hỏi đã đặt ra, trừ khi doanh nghiệp chấp nhận khác , và nếu chính quyền của Thành viên xuất khẩu đã được cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm điều tra thông báo trước về cuộc gặp hoặc cuộc điều tra và đã không phản đối; ngoài ra tập quán thực hành thông thường yêu cầu là trước khi đến doanh nghiệp, phải thông báo cho họ biết tính chất chung của thông tin cần kiểm tra và cần được cung cấp, nhưng điều đó không hạn chế việc yêu cầu những chi tiết bổ sung cho những thông tin có được khi làm việc tại chỗ.
8. Các câu hỏi hay yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và các doanh nghiệp của Thành viên xuất khẩu cần thiết cho việc tiến hành điều tra tại chỗ phải được biết vào bất cứ khi nào có thể trước khi tiến hành cuộc gặp .
PHỤ LỤC VII
CÁC THÀNH VIÊN ĐANG PHÁT TRIỂN NÊU TẠI KHOẢN 2 ĐIỀU 27
Các Thành viên đang phát triển không chịu sự Điều chỉnh của các quy định tại điểm 1 (a) Điều 3 theo các điều kiện quy định tại khoản 2 (a) Điều 27 gồm những nước sau đây:
a) Các nước chậm phát triển theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc là Thành viên WTO.
b) Từng nước đang phát triển dưới đây là Thành viên WTO sẽ chịu sự điều chỉnh áp dụng đối với những Thành viên đang phát triển khác theo khoản 2 Điều 27 khi thu nhập quốc dân tính theo đầu[68] người đạt mức 1000 USD mỗi năm: Bolivia, Cameroon, Congo, Bờ biển Ngà (Côte d’ Ivoire), Cộng hoà Dominica, Hy lạp, Ghana, Guyana, Ấn độ, Indonesia, Kenya, Ma-rốc, Nicaragua, Nigeria, Pakistan, Phillipines, Senegal, Sri Lanca, và Zimbabue.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
[1] Phù hợp với các quy định của Điều XVI GATT 1994 ( Ghi chú Điều XVI) và các quy định của Phụ lục từ I đến III thuộc Hiệp định này, việc miễn thuế xuất khẩu hay các loại thuế khác cho các sản phẩm tương tự tiêu dùng trong nước, hoặc thoái thu thuế xuất khẩu hay thuế khác không vượt qúa các khoản đã nộp, sẽ không bị coi là trợ cấp.
[2] Các tiêu chí và điều kiện khách quan nêu ở đây là những tiêu chí và điều kiện tự nhiên, không ưu ái cho một số doanh nghiệp hơn một số doanh nghiệp khác, là những biện pháp mang tính chất kinh tế, áp dụng chung như số lượng nhân viên hay quy mô doanh nghiệp.
[3] Về vấn đề này, cần tính đến các thông tin về mức độ thường xuyên một trợ cấp được chấp nhận hay từ chối và lý do của quyết định đó.
[4] Tiêu chuẩn này được đáp ứng khi thực tế cho thấy rằng việc cấp trợ cấp, dù không được áp dụng theo luật dựa trên kết quả xuất khẩu, nhưng lại gắn với tình hình xuất khẩu hiện tại hoặc trong tương lai hay những thu nhập về xuất khẩu. Thực tế là việc trợ cấp được cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu không vì thế mà có thể bị coi là trợ cấp xuất khẩu hiểu theo nghĩa của Điều này.
[5] Các biện pháp nêu tại Phụ lục I không thuộc loại trợ cấp xuất khẩu sẽ không bị cấm theo quy định này hay bất kỳ quy định nào của Hiệp định này.
[6] Mọi thời hạn nêu tại Điều này có thể được gia hạn nếu được các bên thoả thuận.
[7] Như quy định tại Điều 24.
[8] Nếu cuộc họp của DSB không không tổ chức trong thời gian này, thì cuộc họp như vậy sẽ tổ chức.
[9] Cách diễn đạt này không nhằm cho phép áp dụng các biện pháp đối kháng không tương xứng với thực tế nội dung trợ cấp bị cấm theo các quy định này.
[10] Cách diễn đạt này không nhằm cho phép áp dụng các biện pháp đối kháng không tương xứng với thực tế nội dung trợ cấp bị cấm theo các quy định này.
[11] Thuật ngữ “gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước” được sử dụng ở đây có cùng nghĩa như quy định tại Phần V.
[12] Thuật ngữ ‘làm suy giảm hoặc vô hiệu’ được sử dụng trong Hiệp định này có cùng nghĩa như các quy định liên quan của Hiệp định GATT 1994, và sự tồn tại của những “suy giảm hoặc vô hiệu” như vậy sẽ được định rõ phù hợp với việc thi hành các quy định này.
[13] Thuật ngữ “tổn hại nghiêm trọng tới quyền lợi của một Thành viên khác” được sử dụng trong Hiệp định này có cùng nghĩa như quy định tại khoản 1 Điều XVI của GATT 1994, và kể cả mối đe doạ tổn hại nghiêm trọng.
[14] Tổng trị giá trợ cấp sẽ được tính toán phù hợp với các quy định của Phụ lục IV.
[15] Vì biết trước rằng máy bay dân dụng sẽ được điều chỉnh theo quy định riêng thuộc hệ thống đa biên giới hạn này không áp dụng với máy bay dân dụng.
[16] Các Thành viên thừa nhận rằng khi trợ cấp trên cơ sở phí trả định kỳ cho chương trình về máy bay dân dụng không được hoàn trả hết do mức bán ra hiện tại thấp hơn mức dã dự kiến, thì việc này tự nó không tạo ra thiệt hại nghiêm trọng nêu tại điểm này.
[17] Trừ khi có thoả thuận đa biên về các quy tắc cụ thể áp dụng đối với sản phẩm hay hàng hoá đã nêu ra.
[18] Việc khoản này đề cập đến một số tình huống nhất định không tự nó tạo nên nâng lực pháp lý dù theo GATT 1994 hay theo Hiệp định này. Những tình huống đó không mang tính chất đơn lẻ, nhất thời hay phi ý nghĩa theo một cách khác.
[19] Trong trường hợp yêu cầu liên quan tới một trợ cấp được coi là dẫn đến tổn thất nghiêm trọng hiểu theo nghĩa của khoản 1 Điều 6, thì tính sẵn có của bằng chứng gây ra tổn hại nghiêm trọng có thể chỉ giới hạn ở những bằng chứng về việc có đáp ứng được những điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 6 hay không.
[20] Bất kỳ thời hạn nào nêu tại Điều này cũng có thể được gia hạn nếu được các bên cùng chấp nhận.
[21] Nếu cuộc họp của DSB không được tổ chức trong thời gian này, một cuộc họp như vậy sẽ được tổ chức.
[22] Nếu cuộc họp của DSB không được tổ chức trong thời gian này, một cuộc họp như vậy sẽ được tổ chức.
[23] Thừa nhận rằng các Thành viên thực hiện một cách rộng rãi sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm những mục đích khác nhau và rằng sự hỗ trợ thuần tuý như vậy có thể không được coi là trợ cấp không dẫn tới hành động đối kháng theo các quy định của Điều này không hạn chế khả năng của các Thành viên áp dụng những hỗ trợ đó.
[24] Vì biết trước rằng máy bay dân dụng được điều chỉnh theo quy định riêng thuộc hệ thống đa biên , giới hạn này không áp dụng đối với máy bay dân dụng.
[25] Không chậm hơn 18 tháng, kể từ ngày hiệp định WTO có hiệu lực, Uỷ ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng quy định tại Điều 24 (trong Hiệp định này gọi tắt là “Uỷ ban’) phải xem xét việc thi hành các quy định của điểm 2(a) nhằm có những sửa đổi cần thiết để các quy định này thi hành tốt hơn. Khi xem xét sửa đổi , Uỷ ban sẽ cân nhắc cẩn thận những gì đã được xác định thuộc loại nêu trong khoản này dựa trên những kinh nghiệm của các Thành viên khi thực thi các chương trình nghiên cứu và công việc của các tổ chức quốc tế liên quan.
[26] Các quy định của Hiệp định này không áp dụng đối với các hoạt động nghiên cứu cơ bản do hệ thống giáo dục cao cấp hay các thiết chế (cơ quan chuyên nghiên cứu) tiến hành độc lập. Thuật ngữ nghiên cứu cơ bản mang ý nghĩa mở rộng hiểu biết về khoa học và kỹ thuật/ công nghệ chung không gắn với mục tiêu công nghiệp và thương mại.
[27] Mức cho phép với những hỗ trợ không đối kháng nêu tại điểm này sẽ được tính trên cơ sở tham khảo tổng chi phí phát sinh trong thời gian tiến hành từng dự án.
[28] Thuật ngữ "nghiên cứu công nghiệp" là việc tìm kiếm những kiến thức mới nhằm sử dụng hữu ích trong phát triển những sản phẩm mới, quy trình hay dịch vụ mới, hoặc cải tiến đáng kể sản phẩm mới, quy trình hay dịch vụ mới.
[29] Thuật ngữ “ các hoạt động phát triển sản phẩm tiền cạnh tranh” nghĩa là việc chuyển kết quả nghiên cứu công nghiệp thành kế hoạch, bản thiết kế, bản vẽ của những sản phẩm, quy trình hay dịch vụ, mới được điều chỉnh cải tiến, dù là nhằm mục đích bán ra hay để sử dụng, kể cả việc bản vẽ mẫu ban đầu, không có tính chất sử dụng thương mại. Ở đây có thể bao gồm cả việc hình thành ý tưởng, thiết kế sản phẩm, quy trình hay dịch vụ, sự thể hiện hay đề án thử nghiệm hay trung gian hay, miễn là chính những đề án vẫn giữ nguyên như vậy không được chuyển đổi trực tiếp hay sử dụng cho ứng dụng công nghiệp hay khai thác thương mại. Ở đây không bao gồm những công việc sửa đổi điều chỉnh thường nhật hay định kỳ đối với sản phẩm hiện có, những dây chuyền sản xuất, quy trình chế tác, dịch vụ hay những hoạt động đang được thực hiện dù rằng những sửa đổi điều chỉnh này có thể là những cải tiến.
[30] Đối với những chương trình bao gồm cả nghiên cứu công nghiệp và phát triển sản phẩm tiền cạnh tranh, mức cho phép trợ giúp không dẫn đến khởi kiện không cao hơn mức cho phép trợ giúp không dẫn tới khởi kiện trung bình áp dụng cho hai chủng loại nêu trên, tính trên cơ sở mọi chi phí tương ứng như nêu tại điểm (i) đến điểm (v) của khoản này.
[31] Một "chương trình chung phát triển vùng" có nghĩa là những chương trình trợ cấp vùng là bộ phận của một chính sách phát triển vùng đồng bộ từ bản thân chính sách và được áp dụng chung, và là trợ cấp phát triển vùng không được cấp cho một địa điểm địa lý riêng biệt không đem lại hay về thực chất không đem lại tác động đến sự phát triển của vùng.
[32] “Các tiêu chí trung lập và khách quan” nghĩa là những tiêu chí không ưu đãi một vùng nhất định quá mức thích hợp để loại trừ hay giảm bớt sự khác biệt giữa các vùng trong khuôn khổ chính sách phát triển vùng. Về vấn đề này, các chương trình trợ cấp vùng sẽ bao gồm những giới hạn tối đa về giá trị trợ giúp có thể được cấp cho mỗi dự án được trợ cấp. Các giới hạn tối đa đó phải khác nhau căn cứ vào trình độ phát triển khác biệt giữa các vùng được trợ cấp và được thể hiện theo chi phí đầu tư hay chi phí tạo việc làm. Trong phạm vi của những giới hạn đó, sự phân bổ trợ giúp sẽ phải đủ mức rộng và đồng đều để tránh việc chỉ một số doanh nghiệp nhất định sử dụng chủ yếu trợ cấp hoặc việc cấp một cách thiên lệch những khoản lớn trợ cấp cho một số doanh nghiệp như quy định tại Điều 2.
[33] Thuật ngữ “những điều kiện hạ tầng hiện có” nghĩa là những điều kiện hạ tầng đã hoạt động được ít nhất hai năm trước khi những yêu cầu về môi trường được áp dụng.
[34] Thừa nhận rằng không có gì trong các quy định về thông báo yêu cầu phải cung cấp thông tin không phỏ biến, kể cả những thông tin về kinh doanh.
[35] Các quy định của Phần II hay Phần III có thể được áp dụng cùng với những quy định tại Phần V; tuy nhiên, với những tác động của một trợ cấp nhất định trên thị trường trong nước của Thành viên nhập khẩu, chỉ được vận dụng một hình thức tu chỉnh (hoặc là thuế đối kháng nếu đáp ứng được những yêu cầu của phần V, hoặc là biện pháp đối kháng được quy định tại Điều 4 hoặc 7). Các quy định của Phần III và V sẽ không được áp dụng đối với những biện pháp được coi là không thể đối kháng theo quy định tại Phần IV. Tuy nhiên những biện pháp nêu tại điểm 1(a) Điều 8 cũng có thể được điều tra để xác định xem chúng có mang tính chất riêng biệt theo quy định của Điều 2. Ngoài ra trong trường hợp trợ cấp nêu tại khoản 2 Điều 8 được áp dụng theo một chương trình chưa được thông báo theo khoản 3 Điều 8, có thể áp dụng các quy định của các Phần từ III đến V, nhưng những trợ cấp đó sẽ được xem như là không thể đối kháng nếu chúng phù hợp với những tiêu chuẩn nêu tại khoản 2 Điều 8.
[36] Thuật ngữ "thuế đối kháng" được hiểu là một khoản thuế riêng biệt áp dụng nhằm mục đích triệt tiêu trợ cấp dành trực tiếp hay gián tiếp cho việc chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu bất kỳ sản phẩm hàng hoá, như quy định tại khoản 3 Điều VI GATT 1994.
[37] Thuật ngữ "bắt đầu" như được sử dụng kể từ khoản này trở đi nghĩa là những thủ tục mà một Thành viên khởi đầu việc điều tra nêu tại Điều 11.
[38] Đối với những ngành sản xuất trong nước phân tán bao gồm một số lượng lớn bất thường những nhà sản xuất, thì Cơ quan có thẩm quyền có thể xác định tiếng nói ủng hộ hay phản đối căn cứ vào kỹ thuật lấy mẫu thống kê có hiệu lực.
[39] Các Thành viên ý thức rằng trên lãnh thổ của một số Thành viên, nhân viên của các nhà sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự hoặc đại diện của những nhân viên này có thể đưa ra hay ủng hộ một đề nghị điều tra theo khoản 1.
[40] Quy tắc chung là, giới hạn thời gian đối với nhà xuất khẩu sẽ được tính từ khi nhận được danh mục các câu hỏi, và thời điểm nhận được sẽ được tính là sau một tuần, kể từ ngày được gửi cho người nhận hoặc kể từ ngày danh mục đó được chuyển cho đại diện ngoại giao thích hợp của Thành viên xuất khẩu, hoặc trong trường hợp liên quan tới một lãnh thổ thuế quan Thành viên WTO, thì kể từ ngày được chuyển cho đại diện của lãnh thổ đang xuất khẩu.
[41] Hiểu rằng, khi số lượng các nhà xuất khẩu quá lớn, nội dung đầy đủ của bản đề nghị sẽ chỉ được chuyển tới cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc các tổ chức xuất khẩu liên quan và họ sẽ phải chuyển tiếp bản sao cho những nhà xuất khẩu liên quan.
[42] Các Thành viên cũng ý thức rằng trên lãnh thổ của những Thành viên nhất định việc phổ biến thông tin có thể phải tuân thủ những quy định bảo hộ thông tin chặt chẽ.
[43] Các Thành viên nhất trí rằng yêu cầu bảo đảm không tiết lộ thông tin không thể bị gạt bỏ một cách độc đoán, các Thành viên cũng nhất trí rằng cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra có thể yêu cầu bỏ tính không tiết lộ thông tin chỉ đối với những thông tin liên quan đến việc điều tra.
[44] Căn cứ theo các quy định của khoản này, vấn đề đặc biệt quan trọng là khi chưa tạo cơ hội tham vấn hợp lý, không thể có sự xác định khẳng định dù có là xác định sơ bộ hay xác định cuối cùng. Những tham vấn như vậy có thể tạo ra cơ sở để tiến hành theo các quy định của Phần II, III, X.
[45] Theo Hiệp định này, thuật ngữ “tổn hại”, nếu không có quy định gì khác, sẽ được hiểu là tổn hại vật chất gây ra cho ngành sản xuất trong nước, đe doạ gây tổn hại vật chất cho ngành sản xuất trong nước hoặc gây chậm trễ thực sự cho việc thiết lập một ngành sản xuất trong nước và sẽ được hiểu phù hợp với các quy định của Điều này.
[46] Trong toàn bộ Hiệp định này, thuật ngữ "sản phẩm tương tự" được hiểu là một sản phẩm giống hệt ví dụ như giống hệt sản phẩm đang được xem xét về mọi mặt hoặc nếu không tồn tại một sản phẩm như vậy, một sản phẩm khác dù không tương đồng về mọi mặt, nhưng có những đặc điểm tính chất rất giống sản phẩm đang được xem xét.
[47] Như đã nêu tại khoản 2 và 4.
[48] Theo khoản này, nhà sản xuất sẽ được coi là có liên quan đến những nhà xuất khẩu hay nhập khẩu nếu (a) một trong hai kiểm soát bên còn lại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; (b) của hai cùng chịu sự kiểm soát của một bên thứ ba một cách trực tiếp hay gián tiếp; hoặc (c) cả hai cùng kiểm soát một bên thứ ba một cách trực tiếp hay gián tiếp và có cơ sở để cho rằng hoặc nghi ngờ rằng mối liên hệ đó có tác động dẫn đến nguyên nhân nhà sản xuất liên quan ứng xử khác so với những nhà sản xuất không có mối liên hệ. Theo khoản này, một người/hãng được coi là kiểm soát hãng khác khi người/ hãng đó ở vị trí pháp lý hay trong hoạt động có thể hạn chế hay chỉ đạo với người/hãng kia.
[49] Thuật ngữ “có thể” sẽ được hiểu là cho phép tiếp tục đồng thời những tiến trình triển khai cam kết, trừ những quy định tại khoản 4.
[50] Theo khoản này, thuật ngữ “các bên trong nước quan tâm” sẽ bao gồm cả những người tiêu dùng, người sử dụng trong công nghiệp sản phẩm nhập khẩu đang bị điều tra.
[51] Khi sử dụng trong Hiệp định này, thuật ngữ ‘đánh thuế’ sẽ được hiểu là sự đánh giá về pháp lý đã xác định hoặc cuối cùng việc thu các khoản thuế hải quan, thuế nội địa hoặc các khoản khác.
[52] Khi giá trị thuế đối kháng được đánh giá trên cơ sở hồi tố, kết quả trong cuộc điều tra gần nhất là không dánh thuế đối kháng (duty) tự nó không là yêu cầu đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền chấm dứt áp dụng thuế chính thức.
[53] Khi cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin và giải thích theo quy định của Điều này tại một báo cáo riêng, họ sẽ đảm bảo rằng báo cáo đó sẽ sẵn sàng được cung cấp cho công chúng.
[54] Uỷ ban sẽ lập ra một Nhóm công tác để xem xét nội dung và hình thức danh mục câu hỏi như thuộc nội dung bản BISD -194.
[55] Đối với một Thành viên đang phát triển hoặc không có trợ cấp xuất khẩu vào thời điểm Hiệp định WTO có hiệu lực, khoản này sẽ áp dụng trên cơ sở mức áp dụng trợ cấp vào năm 1986.
[56] Khoản này không nhằm ngăn cản các hành động theo những quy định khác của Hiệp định GATT 1994, khi thích hợp.
[57] Thuật ngữ “thương mại thông thường sẵn có” nghĩa là sự lựa chọn giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu không bị hạn chế và chỉ dựa vào sự xem xét thuần tuý thương mại.
[58] Theo Hiệp định này:
· thuật ngữ "thuế trực thu" là thuế đánh vào tiền lương, lợi nhuận, lãi tiền vay, , tiền thu được từ việc cho thuê, thuế tài nguyên, và mọi hình thức thu nhập khác và các khoản thuế đánh vào quyền sở hữu bất động sản;
· thuật ngữ “khoản thu đối với hàng nhập khẩu” là thuế quan, thuế và các khoản thu về thuế nội địa, phí khác không nêu rõ tại những mục khác trong mục giải thích này được đánh vào hàng nhập khẩu.
· thuật ngữ “thuế gián thu” là các loại thuế bán hàng, thuế hàng hoá, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế đại lý mượn danh, lệ phí , chuyển tiền, thuế với hàng dự trữ trong kho và thiết bị, phí tại biên giới và mọi loại thu khác không phải là thuế trực thu hay khoản thu với hàng nhập khẩu;
· thuế gián thu “công đoạn trước ” là thuế đánh vào sản phẩm hay dịch vụ được sử dụng trực tiếp hay gián tiếp trong chế tạo sản phẩm.
· thuế gián thu “gộp” là thuế trong nhiều công đoạn được đánh khi không có công cụ để tách thuế riêng biệt khi hàng hoá hoặc dịch vụ chịu thuế tại một giai đoạn sản xuất được sử dụng cho những công đoạn liên tiếp trong sản xuất;
· "thoái thu thuế" là hoàn trả hoặc giảm một phần thuế;
· "thoái thu hoặc hoàn thuế" bao gồm cả miễn toàn bộ hay một phần hoặc cho lui việc nộp những khoản thu khi nhập khẩu;
[59] Các Thành viên thừa nhận rằng việc cho lùi thời gian nộp thuế không nhất thiết sẽ dẫn đến trợ cấp xuất khẩu, ví dụ trong trường hợp có thu lãi xuất với số tiến chậm trả. Các Thành viên khẳng định nguyên tắc rằng giá cả hàng hoá trong giao dịch giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và người mua nước ngoài dưới sự kiểm soát của họ hay dưới cùng một sự kiểm soát sẽ là, nhằm mục đích thu thuế, giá giao dịch giữa những doanh nghiệp độc lập trong diện thường giao dịch. Bất kỳ Thành viên nào cũng có thể lưu ý một Thành viên khác trước những hành vi hành chính hay hành vi khác có thể đi ngược lại nguyên tắc này và có thể dẫn đến kết quả là giảm thuế trực thu với giao dịch xuất khẩu. Trong những trường hợp đó các Thành viên thông thường cố gắng giải quyết sự khác biệt đó bằng cách khai thác cơ chế hiện có trong các hiệp ước song biên hay các cơ chế quốc tế riêng, không tổn hại đến quyền và nghĩa vụ Thành viên của GATT 1994, kể cả quyền tham vấn có được trong quy định của câu trước câu này.
Điểm (e) không có ý định hạn chế một Thành viên áp dụng những biện pháp để tránh đánh thuế hai lần những khoản thu nhập từ nước ngoài của các doanh nghiệp của nước mình hay của một Thành viên khác.
[60] Điểm (h) không áp dụng với thuế trị giá gia tăng và điều chỉnh thuế biên tại cửa khẩu, vấn đề thoái thu phần vượt trội thuế trị giá gia tăng chỉ chịu sự điều chỉnh của điểm (g).
[61] Đầu vào tiêu thụ trong quá trình sản xuất là những đầu vào thống nhất về mặt vật lý, như năng lượng, chất đốt, dầu sử dụng cho công đoạn sản xuất và những chất xúc tác trong quá trình được sử dụng để có được sản phẩm đã xuất khẩu.
[62] Khi cần thiết giữa các Thành viên cần có sự thông cảm về những vấn đề không được quy định trong Phụ lục này hoặc những vấn đề cần được làm sáng tỏ nhằm mục đích nêu tại điểm 1(a) Điều 6.
[63] Công ty tiếp nhận trợ cấp là một công ty nằm trên lãnh thổ của Thành viên áp dụng trợ cấp.
[64] Trong trường hợp trợ cấp liên quan tới thuế, giá trị của sản phẩm sẽ được tính toán như là tổng trị giá doanh số của công ty tiếp nhận trợ cấp trong năm tài chính có được biện pháp liên quan đến thuế đó.
[65] Tình huống mới bắt đầu kinh doanh bao gồm những công đoạncó cam kết tài chính để phát triển sản phẩm hay xây dựng điều kiện hạ tầng để chế biến sản phẩm được hưởng trợ cấp, dù là sản xuất chưa bắt đầu.
[66] Trong trường hợp cần chứng minh có sự tổn hại nghiêm trọng.
[67] Khi tiến hành thu thập thông tin, DSB sẽ tính đến nhu cầu bảo vệ thông tin không phổ biến hay được một Thành viên liên quan tới tiến trình cung cấp trên cơ sở không được tiết lộ.
[68] Việc đưa một Thành viên đang phát triển vào danh sách nêu tại khoản (b ) dựa phải trên số liệu gần nhất của Ngân hàng Thế giới về thu nhập quốc dân trên đầu người.
- 1Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994
- 2Hiệp định nông nghiệp
- 3Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng
- 4Hiệp định số 207/WTO/VB về các biện pháp tự vệ
- 5Hiệp định số 213/WTO/VB về Nông nghiệp
- 6Tuyên bố số 253/WTO/VB về Giải quyết Tranh chấp theo Hiệp định về Thực hiện Điều VI của GATT 1994 hoặc Phần V của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng
- 7Hiệp định số 261/WTO/VB về Chống bán phá giá -Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT 1994
- 8Hiến pháp năm 1992
Hiệp định 217/WTO/VB về trợ cấp và các biện pháp đối kháng
- Số hiệu: 217/WTO/VB
- Loại văn bản: WTO_Văn bản
- Ngày ban hành: 15/04/1994
- Nơi ban hành: WTO
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1900
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực