Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2011

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải đều bị xử lý theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam cũng bị xử lý theo quy định tại Nghị định này; trong trường hợp điều ước quốc tế mà cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 7 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh).

Điều 3. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

1. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hàng hải do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Hành vi vi phạm hành chính được quy định trong Nghị định này gồm:

a) Vi phạm trong hoạt động xây dựng và khai thác cảng biển;

b) Vi phạm trong hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại cảng biển;

c) Vi phạm trong hoạt động đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên;

d) Vi phạm trong hoạt động hoa tiêu hàng hải;

đ) Vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải;

e) Vi phạm trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải tại cảng biển;

g) Vi phạm trong hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển;

h) Vi phạm trong hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải tại cảng biển.

3. Các hành vi vi phạm được quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g và Điểm h, Khoản 2 Điều này xảy ra ở ngoài cảng biển sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

4. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải không được quy định tại Nghị định này sẽ được áp dụng theo các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được áp dụng theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải do người có thẩm quyền thực hiện được quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Nghị định này.

3. Không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ và các trường hợp bất khả kháng khác để bảo đảm an toàn sinh mạng con người, bảo đảm an toàn, an ninh cho tàu thuyền, hàng hóa và công trình giao thông hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng

1. Tình tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực hàng hải được áp dụng theo quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh.

2. Tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực hàng hải được áp dụng theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh.

Điều 6. Thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển và công trình hàng hải; môi trường; xuất cảnh, nhập cảnh của tàu thuyền, thuyền viên và hành khách, thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên, hành vi vi phạm không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 4, Điều 7 Nghị định này.

2. Đối với hành vi vi phạm của cá nhân khi có dấu hiệu vi phạm hành vi trong lĩnh vực hàng hải sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định này nếu cá nhân vi phạm đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó lại có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ việc.

3. Không áp dụng thời hiệu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nếu trong thời hạn được quy định tại các khoản đó mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm mới trong cùng lĩnh vực trước đây đã vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

4. Cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm.

Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực hàng hải

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây đối với mỗi hành vi vi phạm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm đến dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể được tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

3. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn hoặc không có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này; cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại;

đ) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II của Nghị định này.

Chương 2.

HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI

MỤC 1. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC CẢNG BIỂN

Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự trong hoạt động khai thác cảng biển

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vào, rời vừng đất cảng hoặc lên tàu thuyền không được phép hoặc không tuân theo chỉ dẫn của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng người lao động không có bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép theo quy định;

b) Vi phạm quy định về báo hiệu ban ngày và đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm đối với giới hạn cầu cảng cho tàu cập cầu bảo đảm an toàn;

c) Để các vật trên cầu cảng hoặc chiếm dụng không gian phía trên cầu cảng gây trở ngại cho việc cập, rời cầu cảng an toàn của tàu hoặc gây trở ngại cho các hoạt động khác tại cảng;

d) Không báo cáo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải về các sự cố, tai nạn có liên quan đến an toàn, an ninh và ô nhiễm môi trường tại cảng;

đ) Không bố trí người buộc cởi dây cho tàu thuyền theo quy định;

e) Không thông báo kế hoạch điều động tàu thuyền vào, rời cảng cho Cảng vụ hàng hải theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho tàu thuyền vào cảng hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

b) Tự ý bốc, dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành thủ tục vào cảng theo quy định;

c) Hệ thống đệm chống va, bích buộc tàu của cầu cảng không đủ hoặc không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu;

d) Không có giấy chứng nhận an ninh bến cảng hoặc không thực hiện kế hoạch an ninh bến cảng theo quy định.

đ) Không có cán bộ an ninh cảng biển theo quy định;

e) Bố trí cầu cảng cho tàu thuyền vào, rời không bảo đảm thời gian hoặc không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác cảng không đúng với chức năng của cảng đã được công bố;

b) Cho tàu thuyền cập cầu cảng khi cầu cảng chưa được phép đưa vào khai thác sử dụng theo quy định.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tạm thời không cho phép tiếp nhận tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế vào cảng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm d, đ và e, Khoản 3 Điều này;

b) Không được cho tàu thuyền tiếp tục neo đậu tại cảng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 4 Điều này;

c) Buộc phải bổ sung giấy tờ, trang thiết bị, lực lượng phù hợp theo quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về ký, mã hiệu, bốc dỡ, lưu kho hàng hóa

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Đánh dấu ký hiệu, mã hiệu hàng hóa không theo quy định;

b) Bốc dỡ và lưu kho các loại hàng hóa không theo quy định;

c) Chất xếp hàng hóa trên cầu cảng quá tải trọng cho phép.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này đối với hàng hóa nguy hiểm.

3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung ký, mã hiệu và bốc dỡ, lưu kho hàng hóa theo quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có bảng nội quy, biển báo hoặc chỉ dẫn cảnh báo cần thiết ở những nơi dễ cháy, nổ;

b) Sử dụng các trang thiết bị cứu hỏa chuyên dùng vào các mục đích khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Các trang thiết bị cứu hỏa không phù hợp hoặc không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động theo quy định;

b) Không đặt đúng nơi quy định hoặc không bố trí các thiết bị phòng, chống cháy, nổ thích hợp với loại hàng hóa đang vận chuyển, bốc dỡ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có đủ hệ thống phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

b) Không báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về các sự cố, tai nạn cháy, nổ;

c) Sử dụng người lao động không được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ hoặc không được huấn luyện về phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

d) Vi phạm hành chính về phòng, chống cháy, nổ khác được áp dụng theo quy định của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung trang thiết bị, biển báo, bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp theo quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp cảng biển hoặc khi xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị khác ảnh hưởng đến an toàn hàng hải tại vùng nước cảng biển

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Trang thiết bị cứu sinh không phù hợp theo quy định;

b) Không thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết về việc xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển;

c) Không lắp đặt đầy đủ báo hiệu hoặc báo hiệu sai lệch khu vực đang thi công công trình;

d) Tàu công trình, tàu phục vụ thi công công trình neo đậu ngoài vùng giới hạn cho phép gây cản trở giao thông hàng hải trên luồng cảng biển;

đ) Đổ vật liệu thi công không có chất độc hại xuống vùng nước cảng biển;

e) Đóng đăng, đáy hoặc đặt các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng vị trí hoặc thời gian đã được chấp thuận.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình khi chưa có đủ giấy phép hoặc sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền;

b) Thi công sai vị trí được phép;

c) Thi công quá thời gian quy định ghi trong giấy phép thi công;

d) Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng để khảo sát, nạo vét luồng, thả báo hiệu hàng hải và tiến hành các hoạt động khác trong vùng nước cảng biển khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải;

đ) Không thu dọn, thanh thải chướng ngại vật thi công sau khi công trình đã hoàn thành.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và để xảy ra tai nạn;

b) Thi công sai vị trí được phép và để xảy ra tai nạn;

c) Thi công công trình gây ô nhiễm môi trường.

4. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điểm e, Khoản 1 và Điểm d, Khoản 2 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điểm a và Điểm d, Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 2 và Điểm b, Khoản 3 Điều này;

c) Buộc thu dọn, thanh thải đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm đ, Khoản 2 Điều này;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật do hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường do hoạt động khai thác cảng biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi để hoặc đổ nước bẩn chảy ra làm mất vệ sinh cầu cảng, vùng nước cảng biển.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Xả rác, chất thải khác xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển;

b) Xả nước có cặn bẩn xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển;

c) Không có kế hoạch ứng cứu sự cố dầu tràn theo quy định đối với cảng xăng dầu.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xả nước hoặc chất thải có lẫn dầu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xả nước hoặc chất thải có lẫn hóa chất độc hại xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung kế hoạch ứng cứu sự cố dầu tràn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật do hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều này gây ra.

MỤC 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI CỦA TÀU THUYỀN TẠI CẢNG BIỂN

Điều 13. Vi phạm quy định về thủ tục đến cảng biển hoặc quá cảnh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Tàu thuyền đến cảng hoặc quá cảnh không thực hiện việc thông báo, xác báo theo quy định;

b) Tàu thuyền đến vị trí đón, trả hoa tiêu để vào cảng hoặc quá cảnh chậm hơn thời gian đã xác báo;

c) Tàu thuyền đến cảng không thực hiện khai báo an ninh tàu biển cho Cảng vụ hàng hải theo quy định.

2. Đối với hành vi tàu thuyền đến cầu, bến cảng hoặc quá cảnh mà không làm thủ tục theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn thành thủ tục theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a và Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về thủ tục vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo không đủ hoặc sai một trong các thông tin trong thông báo, xác báo tàu đến, rời cảng hoặc bản khai chung.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh chậm hơn thời gian quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Thiếu một trong các giấy tờ khi làm thủ tục vào, rời cảng hoặc quá cảnh theo quy định;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ về hàng hóa nguy hiểm được vận chuyển trên tàu theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho thuyền viên, hành khách hoặc những người không có nhiệm vụ lên tàu trước khi tàu làm xong thủ tục nhập cảnh hoặc rời tàu sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh theo quy định.

5. Đối với hành vi không có giấy phép rời cảng cuối cùng theo quy định hoặc cố tình rời cảng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn đến sáu tháng hoặc không có thời hạn nếu có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.

7. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung giấy tờ và hoàn thành thủ tục theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về an toàn, an ninh, trật tự, vệ sinh đối với các hoạt động liên quan đến tàu thuyền

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Kéo còi hoặc dùng loa điện để thông tin cho trường hợp không phải là cấp cứu hoặc báo động khẩn cấp theo quy định;

b) Tàu thuyền nước ngoài treo cờ lễ, cờ tang mà không thông báo trước cho Cảng vụ hàng hải;

c) Treo cờ hiệu không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không treo hoặc treo Quốc kỳ Việt Nam không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Xả muội ống khói khi tàu thuyền đang neo đậu trong vùng nước cảng;

b) Gõ rỉ, sơn tàu thuyền khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

c) Để các trang thiết bị, tài sản của tàu thuyền hoặc của thuyền viên trên mặt cầu cảng không đúng nơi quy định;

d) Tiến hành sửa chữa, thử máy, thử còi khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

đ) Bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong cảng;

e) Không trực kênh VHF hoặc sử dụng kênh VHF sai quy định;

g) Tiến hành hun chuột, khử trừng không đúng nơi quy định;

h) Không có dụng cụ chắn chuột hoặc sử dụng dụng cụ chắn chuột không đúng quy định;

i) Sử dụng xuồng, phao bè của tàu khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

k) Không thực hiện chế độ trực ca theo quy định;

l) Không bố trí hoặc bố trí sĩ quan an ninh tàu biển không đúng quy định;

m) Không có trang thiết bị hàng hải trên buồng lái theo quy định;

n) Thông báo hoặc phát báo động an ninh không đúng với tình trạng an ninh thực tế của tàu biển.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều động tàu thuyền vào, rời cảng biển hoặc cập, rời cầu cảng mà thuyền trưởng không có mặt ở buồng lái;

b) Không tuân theo quy định khi tàu thuyền hành trình, tránh, vượt nhau trên luồng hàng hải;

c) Tiến hành các hoạt động mò, lặn hoặc các công việc khác ngầm dưới nước tại vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải hoặc tiến hành các công việc đó không có báo hiệu cảnh báo theo quy định;

d) Tổ chức thi đấu thể thao hoặc các hoạt động tập trung nhiều phương tiện trong vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

đ) Sử dụng tàu thuyền thể thao, du lịch hoạt động trong vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

e) Không sử dụng hoặc sử dụng không phù hợp các báo hiệu theo quy định;

g) Không thông báo cho Cảng vụ hàng hải về sự cố, tai nạn hàng hải do tàu mình gây ra hoặc vi phạm quy định khác về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải;

h) Tàu thuyền không được ghi rõ tên, số IMO, cảng đăng ký theo quy định;

i) Trang thiết bị cứu sinh của tàu thuyền không đúng quy định.

5. Đối với hành vi tàu thuyền hoạt động không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn hàng hải.

7. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc di chuyển chướng ngại vật do vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm theo quy định tại Điểm h, Khoản 4 Điều này;

c) Buộc phải bổ sung giấy tờ, trang thiết bị và thực hiện quy định của pháp luật đối với hành vi được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này.

Điều 16. Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ đối với tàu thuyền

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc đối với các hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ;

b) Không có sơ đồ hệ thống cứu hỏa, bảng phân công cứu hỏa hoặc bảng chỉ dẫn thao tác ở những vị trí trên tàu theo quy định;

c) Trang thiết bị cứu hỏa đặt không đúng vị trí quy định trên tàu thuyền;

d) Không thực hiện đúng quy trình bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị phòng chống cháy, nổ;

đ) Thuyền viên trên tàu sử dụng không thành thạo các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

b) Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ không sử dụng được;

c) Không có kế hoạch ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp;

d) Tiến hành các công việc có phát ra tia lửa ở trên boong, hầm hàng, buồng máy khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

đ) Sử dụng phương tiện chuyên dùng chữa cháy vào mục đích khác;

e) Trang thiết bị cứu hỏa không phù hợp hoặc không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện chậm trễ hoặc không thực hiện mệnh lệnh của Cảng vụ hàng hải về tham gia cứu hỏa ở cầu cảng, vùng nước cảng biển.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung, lắp đặt dấu hiệu, kế hoạch, sơ đồ, trang thiết bị theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại các Điểm a, b và c, Khoản 2, Điểm a, b và c, Khoản 3 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu thuyền gây ra

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không ghi nhật ký bơm nước la canh buồng máy hoặc nhật ký dầu, nhật ký thải, đổ rác theo quy định;

b) Vứt, đổ rác hoặc các đồ vật khác từ tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí hoặc bố trí người trực không đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận nhiên liệu trên tàu.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Bơm, xả các loại rác hoặc nước dằn tàu, nước có cặn bẩn từ tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển;

b) Tiến hành bơm chuyển nhiên liệu giữa tàu thuyền và phương tiện khác khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

c) Không có đủ các trang thiết bị phân ly dầu nước theo quy định hoặc có trang thiết bị nhưng không sử dụng được;

d) Để xảy ra rò rỉ nước thải có lẫn dầu từ trên tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển;

đ) Không có kế hoạch ứng phó sự cố dầu tràn theo quy định.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về bơm, xả nước hoặc chất thải có lẫn dầu từ trên tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về bơm, xả nước hoặc chất thải có lẫn hóa chất độc hại từ trên tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển.

6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bổ sung giấy tờ, trang thiết bị, nhân lực theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Khoản 2, các Điểm b, c và đ, Khoản 3 Điều này;

b) Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 và các Khoản 3, 4 và Khoản 5 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định về an toàn sinh mạng trên tàu thuyền

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp tại các vị trí cần thiết hoặc bảng quy định đã bị hư hỏng;

b) Không có các bảng chỉ dẫn thao tác các thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng tàu hoặc các bảng chỉ dẫn đã bị hư hỏng;

c) Không có phiếu trách nhiệm cá nhân khi báo động ở những nơi quy định trên tàu hoặc phiếu trách nhiệm cá nhân không phù hợp với thuyền bộ của tàu;

d) Thuyền viên không sử dụng thành thạo các trang thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, cứu thủng của tàu.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Cầu thang mạn không có lưới bảo hiểm hoặc đèn chiếu sáng theo quy định;

b) Sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu thủng của tàu không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu hoặc vượt quá mức cho phép của trang thiết bị cứu sinh trên tàu theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng vượt dưới 5% so với trọng tải cho phép.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng vượt từ 5% đến dưới 10% so với trọng tải cho phép.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng vượt từ 10% trở lên so với trọng tải cho phép.

7. Đối với hành vi chở khách quá số lượng quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt dưới 5 người so với số lượng cho phép;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt từ 6 đến 10 người so với số lượng cho phép;

c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt trên 10 người so với số lượng cho phép.

8. Đối với hành vi chở khách vượt quá số lượng quy định của tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến 3.000 GT sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt đến 10 người so với số lượng cho phép;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt từ 11 người đến 20 người so với số lượng cho phép;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt trên 20 người so với số lượng cho phép.

9. Đối với hành vi chở khách vượt quá số lượng quy định của tàu thuyền có tổng dung tích trên 3.000 GT sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt đến 20 người so với số lượng cho phép;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt từ 21 người đến 30 người so với số lượng cho phép;

c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi chở khách vượt trên 30 người so với số lượng cho phép.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 5 và 6; Điểm b và c, Khoản 7; Điểm b và c, Khoản 8 và Điểm b và c, Khoản 9 Điều này.

11. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải bổ sung trang thiết bị, giấy tờ, bố trí lực lượng, phương tiện theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

b) Buộc cho rời tàu thuyền số người hoặc dỡ lên khỏi tàu thuyền số lượng hàng hóa chuyên chở vượt quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 4, 5, 6, 7, 8 và Khoản 9 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về neo đậu, cập cầu, cập mạn, lai dắt của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Neo đậu, cập cầu, cập mạn, di chuyển vị trí hoặc tiến hành các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

b) Không bố trí đủ đèn chiếu sáng, tín hiệu, báo hiệu theo quy định khi tàu làm hàng, neo đậu, cập cầu, cập mạn, di chuyển vị trí;

c) Không có đệm chống va theo quy định;

d) Không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải về sự sai lệch, hư hỏng của các báo hiệu hàng hải được phát hiện khi hoạt động tại vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hoặc thực hiện sai lệnh điều động của Cảng vụ hàng hải;

b) Buộc tàu thuyền vào các báo hiệu hàng hải hoặc các kết cấu khác không dùng để buộc tàu theo quy định;

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng tàu lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng theo quy định.

4. Đối với hành vi tàu thuyền vào neo đậu, làm hàng, đón trả hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải khác tại vị trí chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng đến ba tháng đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải bổ sung trang thiết bị, giấy tờ, bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc tàu thuyền phải rời khỏi vị trí đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điểm b, Khoản 2 và Khoản 4 Điều này.

MỤC 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ, ĐĂNG KIỂM TÀU THUYỀN VÀ BỐ TRÍ THUYỀN VIÊN, SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN, SỐ THUYỀN VIÊN, HỘ CHIẾU THUYỀN VIÊN

Điều 20. Vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Đăng ký tàu thuyền không đúng thời hạn theo quy định;

b) Thiếu một trong các loại tài liệu của tàu thuyền hoặc một trong các loại tài liệu đó hết giá trị sử dụng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác tàu thuyền khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

b) Không thực hiện đăng ký thay đổi chủ tàu thuyền theo quy định khi tàu thuyền đã được mua, bán, chuyển quyền sở hữu.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn một trong các giấy chứng nhận của tàu thuyền;

b) Sử dụng một trong các giấy chứng nhận của tàu thuyền khác; giấy chứng nhận bị tẩy xóa, sửa chữa sai lệch nội dung; giấy chứng nhận giả;

c) Cố tình khai báo sai lệnh thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của tàu thuyền.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng không thời hạn đối với các giấy chứng nhận quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều này.

6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung giấy tờ theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định vế bố trí thuyền viên, cấp và sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Bố trí thuyền viên làm việc trên tàu thuyền không có đủ chứng chỉ chuyên môn hoặc bố trí chức danh thuyền viên không phù hợp với chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên;

b) Giao nhiệm vụ cho thuyền viên làm việc trên tàu thuyền không phù hợp với chức danh trong sổ thuyền viên khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn các chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên giả mạo hoặc đã bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung;

b) Cố tình khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng không thời hạn đối với chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn có thời hạn đến một năm đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung thuyền viên theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Điểm a, Khoản 3 Điều này.

MỤC 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 22. Vi phạm quy định về sử dụng hoa tiêu hàng hải của tàu thuyền

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tàu thuyền không treo cờ hiệu chữ G khi xin hoa tiêu hàng hải hoặc không treo cờ hiệu chữ H khi hoa tiêu hàng hải có mặt trên tàu thuyền.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo hoặc thông báo không chính xác cho hoa tiêu hàng hải biết về đặc điểm và tính năng điều động của tàu thuyền;

b) Không có thang hoa tiêu hoặc thang hoa tiêu được bố trí tại nơi không phù hợp hoặc không có các biện pháp bảo đảm an toàn khác cho hoa tiêu lên, rời tàu.

3. Đối với hành vi điều khiển tàu vào, rời cảng mà không sử dụng hoa tiêu hàng hải theo quy định sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 1.000 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 1.000 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung hoa tiêu hàng hải, dấu hiệu, trang thiết bị, thông tin theo quy định đối với hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 23. Vi phạm quy định về điều động và bố trí hoa tiêu hàng hải của tổ chức hoa tiêu

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Gửi kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu hàng ngày chậm hơn thời gian quy định hoặc không thông báo về sự thay đổi đột xuất kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu cho Cảng vụ hàng hải;

b) Bố trí hoa tiêu không đúng với kế hoạch mà không báo trước cho Cảng vụ hàng hải biết.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu không phù hợp với Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc Giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải;

b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao mà không có lý do chính đáng.

3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung kế hoạch bố trí hoa tiêu, bố trí đúng hoa tiêu hàng hải có Giấy chứng nhận phù hợp và phải cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu theo quy định đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định trong khi dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây của hoa tiêu:

a) Phát hiện tai nạn, sự cố hay những thay đổi của luồng và báo hiệu hàng hải trong thời gian dẫn tàu mà không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải;

b) Không thông báo, xác báo cho Cảng vụ hàng hải về thời gian, địa điểm lên tàu, rời tàu hoặc tình hình dẫn tàu theo quy định;

c) Lên tàu chậm hơn thời gian hoặc không đúng địa điểm quy định mà không có lý do chính đáng;

d) Dẫn tàu vào, rời cảng hoặc di chuyển không đúng theo kế hoạch điều động tàu của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng với tàu được phân công dẫn mà không có lý do chính đáng;

đ) Tự ý rời tàu khi chưa có sự đồng ý của thuyền trưởng;

e) Không sử dụng trang phục hoa tiêu theo quy định khi dẫn tàu.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Hoa tiêu hàng hải dẫn tàu vào neo đậu, cập cầu hoặc di chuyển trong vùng nước cảng khi chưa có lệnh điều động hoặc sai vị trí chỉ định của Cảng vụ hàng hải;

b) Từ chối dẫn tàu mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải hoặc tổ chức hoa tiêu hàng hải về việc từ chối dẫn tàu;

c) Hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải nghiêm trọng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy phép vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải có thời hạn đến 06 (sáu) tháng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy phép vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải có thời hạn đến 12 (mười hai) tháng đối với hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 4 Điều này.

MỤC 5. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN VÀ DỊCH VỤ HÀNG HẢI

Điều 25. Vi phạm quy định về sử dụng giấy phép và điều kiện kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức và dịch vụ hàng hải

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh vận tải đa phương thức không có hoặc không đúng giấy phép;

b) Kinh doanh dịch vụ vận tải biển không đủ điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo giấy phép;

b) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu giấy phép sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này;

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải bổ sung giấy phép, điều kiện kinh doanh theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

MỤC 6. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG HẢI

Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phát tín hiệu cấp cứu giả.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải;

b) Thực hiện chậm trễ lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng.

3. Đối với hành vi không thực hiện lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.

MỤC 7. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRỤC VỚT TÀI SẢN CHÌM ĐẮM TẠI CẢNG BIỂN

Điều 27. Vi phạm quy định về trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo, báo cáo hoặc thông báo, báo cáo không đúng theo quy định về tài sản chìm đắm tại cảng biển.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không lắp đặt hoặc lắp đặt không kịp thời báo hiệu phù hợp với vị trí tài sản bị chìm đắm;

b) Thực hiện việc trục vớt hoặc kết thúc việc trục vớt tài sản bị chìm đắm không đúng thời gian quy định;

c) Trục vớt tài sản chìm đắm khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;

d) Không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ tài sản chìm đắm ngẫu nhiên trục vớt được theo quy định;

đ) Không thanh toán các chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không trục vớt tài sản chìm đắm không gây nguy hiểm.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều này.

6. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc lắp đặt báo hiệu vị trí tài sản bị chìm đắm được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này;

b) Buộc phải trục vớt, bàn giao, xử lý tài sản chìm đắm theo quy định đối với hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này;

c) Buộc bồi hoàn chi phí trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.

MỤC 8. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI TẠI CẢNG BIỂN

Điều 28. Vi phạm quy định về bảo đảm bảo an toàn hàng hải

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không công bố kịp thời thông báo hàng hải hoặc thông báo hàng hải không đúng thực tế;

b) Làm che khuất, làm nhiễu hoặc làm suy giảm hiệu lực của báo hiệu hàng hải.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Đặt báo hiệu hàng hải sai vị trí quy định;

b) Không đặt báo hiệu hàng hải hoặc đặt không kịp thời khi có chướng ngại vật gây nguy hiểm;

c) Không kịp thời sửa chữa, khôi phục lại các báo hiệu hàng hải bị hư hỏng hoặc bị trôi dạt;

d) Làm dịch chuyển hoặc hư hỏng báo hiệu hàng hải;

đ) Làm mất hiệu lực hoặc thay đổi đặc tính báo hiệu hàng hải.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi đổ bùn đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải công bố kịp thời, chính xác nội dung của thông báo hàng hải theo quy định đối với hành vi vi phạm được quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này;

b) Buộc lắp đặt, sửa chữa báo hiệu và công bố thông báo hàng hải theo quy định đối với hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm được quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này gây ra.

Chương 3.

TUYÊN TRUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

MỤC 1. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

1. Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

đ) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

e) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy xác nhận trình độ chuyên môn, giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cấp có thời hạn đến sáu tháng hoặc không có thời hạn. Trong trường hợp các loại giấy tờ nêu trên không phải do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cấp thì ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng có thời hạn đến sáu tháng hoặc không có thời hạn;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

3. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng có thời hạn đến sáu tháng hoặc không có thời hạn giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy xác nhận trình độ chuyên môn, giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cấp. Trong trường hợp các loại giấy tờ nêu trên không phải do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cấp thì ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng có thời hạn đến sáu tháng hoặc không có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

e) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

Điều 30. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải xảy ra trong phạm vi quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện theo quy định tại các Điều 28, 29 và Điều 30 của Pháp lệnh.

2. Trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có quyền đề nghị cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn đó ra quyết định thu hồi.

Điều 31. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.

2. Trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, cơ quan đầu tiên thụ lý vụ việc có thẩm quyền thực hiện.

3. Các nguyên tắc khác để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh.

MỤC 2. THỦ TỤC XỬ PHẠT VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT

Điều 32. Thủ tục áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

2. Trường hợp xử phạt hành vi vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản được quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh.

3. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền trên 500.000 đồng, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh. Trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, biên bản và các hồ sơ có liên quan của vụ việc phải được gửi kịp thời đến người có thẩm quyền theo quy định để ra quyết định xử phạt.

4. Thời hạn ra quyết định xử phạt được quy định như sau:

a) Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm, trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt.

b) Đối với vụ việc vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp, tang vật, phương tiện cần được giám định, xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác, thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày, kể từ ngày lập biên bản.

c) Trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ trước khi ra quyết định xử phạt, chậm nhất là mười ngày, trước khi hết thời hạn quy định tại Điểm b, Khoản 4 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn chỉ được thực hiện một lần, bằng văn bản; thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày.

d) Quá thời hạn quy định tại các Điểm a, b và Điểm c, Khoản 4 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt. Trường hợp không ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền vẫn ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này.

5. Khi xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu áp dụng hình thức xử phạt tiền, mức phạt chung được cộng gộp từ các mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.

6. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định có quy định cụ thể ngày có hiệu lực. Quyết định có hiệu lực phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

7. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt tại nơi mà quyết định xử phạt đã quy định và được nhận biên lai thu tiền phạt.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết về thủ tục thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

8. Đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định mức xử phạt theo dung tích của tàu thuyền thì tổng dung tích (GT) là dung tích được đo theo quy định của Công ước quốc tế về đo dung tích tàu 1969, được ghi trong giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm. Trường hợp giấy chứng nhận của tàu thuyền không ghi dung tích, dung tích của tàu thuyền được tính quy đổi như sau:

a) Tàu thuyền chở hàng: 1,5 tấn trọng tải đăng ký tính bằng 01 GT;

b) Tàu kéo, tàu đẩy: 01HP tính bằng 0,5 GT;

c) Sà lan: 01 tấn trọng tải đăng ký bằng 01 GT.

Điều 33. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép

Thủ tục tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh.

Điều 34. Thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính

1. Khi áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản và thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh.

2. Việc xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh.

Điều 35. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt trừ trường hợp được ghi rõ trong quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp.

2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 66 của Pháp lệnh.

Điều 36. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 67 của Pháp lệnh.

Điều 37. Biên bản và Quyết định xử phạt

Ban hành kèm theo Nghị định này 07 Phụ lục các mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Chương 4.

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 38. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp buộc tháo dỡ công trình xây dựng.

2. Mọi công dân có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

3. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 39. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng và chống vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu trong lĩnh vực hàng hải để trích thưởng.

Điều 40. Xử lý vi phạm

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng hải mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2011.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Điều 42. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

MẪU BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of Viet Nam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 01/XPVPHC
From 01/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:……/BB-VPHC
No

BIÊN BẢN

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
The Minutes of administrative violations in maritime sector

Hôm nay, hồi……giờ…….ngày……….tháng……….năm … Tại địa điểm:
Today      at        hour       date           month            year          place

Chúng tôi gồm:
We consist of:

A. Đại diện Cảng vụ Hàng hải................................................................... (Thanh tra viên):
Representative(s) of The Maritime Administration of                                       (Inspectors)

1. Ông (bà)............................................................................................. ; Chức vụ:................
Mr (Mrs)                                                                                                           Designation

2. Ông (bà)............................................................................................. ; Chức vụ:................
Mr (Mrs)                                                                                                           Designation

B. Người làm chứng (nếu có):
Witness (if any)

1. Ông (bà).............................................................................. ; Nghề nghiệp/Chức vụ:…........
Mr(Mrs)                                                                                              Occupation/Designation

Địa chỉ:....................................................................................................................................
Address

2. Ông (bà)............................................................................... ; Nghề nghiệp/Chức vụ:…........
Mr(Mrs)                                                                                              Occupation/Designation

Địa chỉ:....................................................................................................................................
Address

I. Lập biên bản vi phạm hành chính đối với cá nhân/tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải:
To minute administrative violations in maritime sector of individual/Organization:

Đối với cá nhân:
Individual

Ông (bà)............................................................................... ; Nghề nghiệp (chức vụ): ........…
Mr (Mrs)                                                                                        Occupation/Designation

Địa chỉ:....................................................................................................................................
Address

GCMND (hộ chiếu) số:.............. ; Ngày cấp: ...................,............. Nơi cấp: ..................................
ID card No.(passport No.)            Date of issue                              Place of issue

Đối với tổ chức:
Organization

Ông (bà)............................................................................... ; Nghề nghiệp (chức vụ): ........…
Mr (Mrs)                                                                                       Occupation/Designation

GCMND (hộ chiếu) số:.............. ; Ngày cấp: ......................., Nơi cấp: ............................................
ID card No.(passport No.)            Date of issue                   Place of issue

Đại diện cho tổ chức:............................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

Vào lúc............... ngày............/........../....................... tại địa điểm.........................................
At time               date                                                      place

Ông (bà)/tổ chức:................................. đã có hành vi vi phạm hành chính như sau:
Mr (Mrs)/organization                              has administrative violated in maritime sector as below:

(ghi rõ nội dung vi phạm; nếu điều khiển phương tiện thì phải ghi rõ tên, loài tàu và số IMO):
(The violations are to be clearly stated; In case of controlling ship, the ship’s name, type and IMO number is to be specified)

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Các hành vi trên đã vi phạm quy định tại các Điểm, Khoản, Điều sau đây của Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải:
The above - mentioned violations have broken the following Paragraph, Item, Article of The Decree No. 48/2011/ND-CP date 21/6/2011 which stipulates sanctions against administrative violations in maritime sector:

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có):
The status of exhibits and vehicles which are to be in custody (if any)

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và bảo đảm cho việc xử phạt (nếu có):
(Measures to be taken to prevent administrative violations and ensure for punishments (if any):

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

II. Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người hoặc tổ chức bị thiệt hại, người làm chứng (nếu có):
Statement of violator or representative of violating organization person or organization affected, witnesses (if any)

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Yêu cầu ông (bà) hoặc đại diện tổ chức vi phạm:
To request Mr (Mrs) or representative of violating organization

có mặt tại……...lúc………giờ……..ngày……/…../…….để giải quyết vụ việc vi phạm.
to be present     at           hour        date                           to solve the violation.

Biên bản được lập thành 02 bản có nội dung và giá trị như nhau, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; 01 bản được lưu trong hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính. Biên bản này đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, nhất trí cùng ký tên.
This minutes is made in 02 copies of equal validity. 01 copy is delivered to the violator or representative of violating organization; 01 copy is on file of the agency who handle the violation. This Minutes is read for approval and signature of all persons concerned.

 

Người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm
Violator or representative of violating organization

(Ký và ghi rõ họ tên)
Signature and full name

Người chứng kiến
The witness

(Ký và ghi rõ họ tên)
Signature and full name

Người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại
Violator or representative of violating organization

(Ký và ghi rõ họ tên)
Signature and full name

Người lập biên bản
The minutes made by

(Ký và ghi rõ họ tên)
Signature and full name

 

PHỤ LỤC II

MẪU QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI BẰNG HÌNH THỨC CẢNH CÁO
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of Viet Nam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 02/XPVPHC
From 02/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:…/QĐ-XPVPHC
No.

(3)……..,ngày……..tháng…….năm ...........
 Date           month       year

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải bằng hình thức cảnh cáo
The Decision on sanction against administrative violations in maritime sector in the form of warnings

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung;
Pursuant to the Ordinance on Handling Administrative Violations 2002 and its Protocols 2008;

Căn cứ Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
Pursuant to Decree No. 48/2011/ND-CP dated 21/6/2011 of the Government which stipulates sanctions against administrative violators in maritime sector;

Xét hành vi vi phạm hành chính do ông (bà)/tổ chức thực hiện:……………………………..
To examine the acts of violations done by Mr (Mrs)/Organization:

và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (nếu có):…………………………………………..
and aggravating/extenuating circumstances (if any)

.............................................................................................................................................

Tôi:……………………………………………….Chức vụ:..................………………………………….
I am                                                                 Designation

Đơn vị công tác:………………………………………………………………………………....................
working for

QUYẾT ĐỊNH:
Hereby decide

Điều 1. Xử phạt cảnh cáo đối với:
To sanction against administrative violation in the form of warning:

Ông (bà):................................................... ; Chức vụ:............................................ .................
Mr (Mrs)                                                          Designation

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

GCMND (HC) số: ………………………. Cấp ngày…../……./……. Nơi cấp:………......................
ID card No.(passport No.)                     Date of issue                  Place of issue

Đại diện cho tổ chức: .............................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

Lý do: Đã có hành vi vi phạm (nêu rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm)……..........................
Reason for: Having had administrative violated action (The violated action, time and the place to be specified)

.............................................................................................................................................

.............................................................................................................................................

Các hành vi trên đã vi phạm quy định của Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải tại Điểm … Khoản … Điều ……;
The above - mentioned violated actions have broken in the Provisions stipulated in the Paragraph …… Article……….of Decree No. 48/2011/ND-CP dated 21/6/2011 of Government which stipulates sanctions against administrative violations in maritime sector.

Các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có):...........................................................................
Measure to be taken to overcome consequences (if any)

.............................................................................................................................................

Điều 2. Ông (bà) hoặc đại diện tổ chức có tên nêu tại Điều 1 có trách nhiệm chấp hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, 01 bản giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, 01 bản lưu hồ sơ cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
Article 2. The person of representative of concerned organization named in Article is to implement this Decision. This Decision shall come into effect on the date of signature and is made in 02 copies of equal validity. 01 copy is delivered to the violator of representative of violating organization; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

 

Nơi nhận:
Reciplent
- Như Điều 2;
As stated in Article 2;
- Lưu:…
On file:

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH
The Decision made by

(Ký và ghi rõ họ, tên)
Signature and full name

 

PHỤ LỤC III

MẪU QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of VietNam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 03/XPVPHC
From 03/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:…/QĐ-XPVPHC
No.

(3)……..,ngày……..tháng…….năm...
          Date          month           year

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
Decision on sanction against administrative violations in maritime sector

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008;
Pursuant to the Ordinance on Handling Administrative Violations 2002 and its Protocols 2008;

Căn cứ Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
Pursuant to Decree No. 48/2011/ND-CP dated 21/6/2011 of the Government which stipulates sanctions against administrative violators in maritime sector;

Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số:………/BB-VPHC lập ngày …./…/…
Pursuant to the Minutes of administrative violations No…../BB-VPHC made on…/…/…

Xét hành vi vi phạm hành chính do ông (bà)/tổ chức thực hiện:……………………………..
To examine the acts of violations done by Mr (Mrs)/Organization:

và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (nếu có):…………………………………………..
and aggravating/extenuating circumstances (if any)

Tôi:……………………………………………….Chức vụ:……………………………....................…….
I am                                                                Designation

Đơn vị công tác:…………………...................…………………………………………………………….
working for

QUYẾT ĐỊNH:
Hereby decide

Điều 1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với:
To sanction against administrative violation of

Ông (bà):................................................... ; Chức vụ:...........................................................
Mr (Mrs)                                                        Designation

Địa chỉ:..................................................................................................................................
Address

GCMND (HC) số…………………………….Cấp ngày…../……./…….Nơi cấp:……….....................
ID card No.(passport No.)                         Date of issue                  Place of issue

Đại diện cho tổ chức: ............................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ: .................................................................................................................................
Address

Với các hình thức sau:
In the forms of:

1. Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền đối với
In the main form of: A fine of

Hành vi:..................................................................................................................................
Action

vi phạm vào Điểm……… Khoản ……… Điều ……………, mức tiền phạt……….........….. đồng;
which broke the Paragraph…… Item……… Article…….at amount of .................………VNĐ

Hành vi:..................................................................................................................................
Action

vi phạm vào Điểm……… Khoản ……… Điều ……………, mức tiền phạt……….........….. đồng;
which broke the Paragraph…… Item……… Article…….at amount of .................………VNĐ

Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/20211 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
In accordance with Decree No. 48/2011/NĐ-CP dated 21/6/2011 of Government which stipulates sanctions against the administrative violations in maritime sector;

Tổng mức tiền phạt;............................................... (bằng chữ):..........................................
Total amount of                                                            in writing

2. Hình thức xử phạt bổ sung (nếu có):...............................................................................
Added form of (if any)

.........................................................................................................................................

3. Biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có):...........................................................................
Measure to be taken to overcome consequences (if any)

.........................................................................................................................................

Điều 2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày được giao Quyết định xử phạt, ông (bà) hoặc tổ chức có tên nêu tại Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản số: ……. của Kho bạc Nhà nước ……………………. hoặc nộp tại Cảng vụ Hàng hải ……… (đối với trường hợp thu hộ hoặc được ủy quyền thu hộ)………………, trừ trường hợp được hoãn chấp hành theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn nêu trên, nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Within 10 (ten) days from the date when such decision is delivered, Mr (Mrs) or Organization named in Article 1 shall have to deposit the fine amount into the account number……..of the State budget or deposit at the Maritime Administration of………(in case of collection or authorized collection)……… unless the execution of this decision is legally postponed. The individual or organization who, according to the law and regulations, fails to voluntarily obey by that time shall be enforced upon fulfilling.

Ông (bà) hoặc tổ chức vi phạm có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính này theo quy định của pháp luật.
The violator or organization / Mr (Mrs) or Organization may lodge complaints or initiate lawsuits against this decision in accordance with the law.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…./…/….. và được lập thành 03 bản có nội dung và giá trị như nhau, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, 01 bản giao cho Kho bạc nhà nước nơi thu tiền phạt, 01 bản được lưu trong hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
This Decision shall come into effect on the date of…/…/….and is made in 03 copies of equal validity: 01 copy is delivered to the violator or representative of violating organization. 01 copy is delivered to the State Treasury where the fine is deposited; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

Quyết định này đã giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm lúc…..ngày…/…/…
The Decision is delivered to violator or Representative of violating organization at…date…/…/.........

(Người nhận ký, ghi rõ họ và tên)
Recipient must sign and specify full name

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH
The Decision made by

(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ, tên)
Sign, stamp and full name

(1)- Tên cơ quan cấp trên (The name of superior organization).

(2)- Tên cơ quan ra QĐ xử phạt (the name of organization to issue the sanction Decision).

(3)- Địa danh tỉnh, thành phố (Name-place (province, city).

 

PHỤ LỤC IV

MẪU QUYẾT ĐỊNH TẠM GIỮ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of VietNam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 04/XPVPHC
From 04/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:…/QĐ-XPVPHC
No.

(3)……..,ngày……..tháng…….năm...
          Date          month           year

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
The Decision to temporarily seizure exhibits and vehicles involved in administrative violations in maritime sector

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008;
Pursuant to the Ordinance on Handling Administrative Violations 2002 and its Protocols 2008;

Căn cứ Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
Pursuant to Decree No. 48/2011/ND-CP dated 21/6/2011 of the Government which stipulates sanctions against administrative violators in maritime sector;

Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số:…………BB-VPHC lập ngày…./…/…
Pursuant to the Minutes of administrative violations No…../BB-VPHC made on…/…/…

Tôi:……………………………………………….Chức vụ:…………………………………..................
I am                                                                 Designation

Đơn vị:………………………………………………………………………………...................................
working for

QUYẾT ĐỊNH:
Hereby decide

Điều 1. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của:
To temporarily seizure exhibits and vehicles involved in the administrative violation of

Ông (bà):................................................... ; Chức vụ:...........................................................
Mr (Mrs)                                                            Designation

Địa chỉ:..................................................................................................................................
Address

GCMND (HC) số…………………………….Cấp ngày…../……./…….Nơi cấp:……........................
ID card No. (passport No.)                         Date of issue                  Place of issue

Đại diện cho tổ chức: ............................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ: .................................................................................................................................
Address

Các tang vật, phương tiện tạm giữ gồm (tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện):
Exhibits and vehicles detained include (name, quantity, type of exhibits and vehicles)

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Có Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính kèm theo.
Enclosed herewith the Minutes of temporary seizure of exhibits and vehicles involved in the administrative violations

Điều 2. Tang vật, phương tiện nêu trên được tạm giữ tại:....................................................
The above mentioned exhibits and vehicles are temporary seized at:

.........................................................................................................................................

Điều 3. Thời hạn tạm giữ là … ngày, kể từ ngày …/…/…. đến hết ngày…………
For the duration of                                   day, from (date)                             to date

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được lập thành 03 bản có nội dung và giá trị như nhau, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; 01 bản được giao cho người có trách nhiệm bảo quản; 01 bản được lưu trong hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
This Decision shall come into effect on the date of signing and is made in 03 copies of equal validity: 01 copy is delivered to the violating person or representative of violating organization; 01 copy is delivered to the person who is responsible for the seizure of the exhibits and vehicles; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

Ý kiến của thủ trưởng của
người ra quyết định tạm giữ
Comment of decision-maker’s superior

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH
The Decision made by

(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ, tên)
Sign, stamp and full name)

Quyết định này đã giao cho người (hoặc đại diện tổ chức) vi phạm lúc …. Ngày …/…/...
This Decision is delivered to the violator (or representative of violating organization) at … on …/…/…

Quyết định này đã giao cho người (hoặc đại diện tổ chức) có trách nhiệm bảo quản lúc … ngày …/…/…
This decision is delivered to the person (or representative of organization) who is responsible for the seizure of exhibits and vehicles at … on …/…/…

(Người nhận bảo quản ký, ghi rõ họ và tên)
The person who is responsible for the seizure of the exhibits and vehicles signs with full name

(1)- Tên cơ quan cấp trên (The name of superior organization).

(2)- Tên cơ quan ra QĐ xử phạt (the name of organization to issue the sanction Decision).

(3)- Địa danh (tỉnh, thành phố) (Name-place (province, city).

 

PHỤ LỤC V

MẪU BIÊN BẢN TẠM GIỮ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of VietNam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 05/XPVPHC
From 05/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:……/QĐ-XPVPHC
No.

BIÊN BẢN

Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
The Minutes of temporarily seizure exhibits and vehicles involved in the administrative violations in maritime sector

Hôm nay, hồi……………..giờ……ngày……..tháng……..năm……………….
Today,     At                   hour        date         month          year

Tại:....................................................................................................................................
At

Tôi: ........................................................; Chức vụ:...........................................................
I am                                                      Designation

Đơn vị:..............................................................................................................................
working for

Lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với cá nhân/Đại diện tổ chức vi phạm:
To minute temporary seizure of exhibits and vehicles involved in the administrative violation made by person/representative of organization

Đối với cá nhân:
For individual

Ông (bà):................................................... ; Nghề nghiệp (chức vụ):......................................
Mr (Mrs)                                                             Occupation/designation

Địa chỉ:..................................................................................................................................
Address

GCMND (hộ chiếu) số:…………………………; Ngày cấp: .........................., Nơi cấp:………..........
ID card No.(passport No.)                                  Date of issue                        Place of issue

Đối với tổ chức:
Organization

Ông (bà):................................................... ; Nghề nghiệp (chức vụ):......................................
Mr (Mrs)                                                             Occupation/designation

GCMND (hộ chiếu) số:…………………………; Ngày cấp: .........................., Nơi cấp:………..........
ID card No.(passport No.)                                  Date of issue                        Place of issue

Đại diện cho tổ chức: ...........................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ:..................................................................................................................................
Address

SỐ LƯỢNG VÀ TÌNH TRẠNG TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TẠM GIỮ
Quantity and status of exhibits and vehicles to be detained

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Biên bản được lập thành 03 bản có nội dung và giá trị như nhau và đã được đọc lại cho mọi người cùng nghe, không ai có ý kiến gì khác và cùng ký tên dưới đây, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, 01 bản được giao cho người bảo quản hoặc đại diện tổ chức bảo quản, 01 bản được lưu trong hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
The Minutes is made in 03 copies of equal validity, and read for all people concerned. No other comments are made and everyone agreed to sign; 01 copy is delivered to the violating person or representative of violating organization; 01 copy is delivered to the person or representative of the organization who is responsible for the seizure; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

NGƯỜI VI PHẠM HOẶC
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC VI PHẠM

Violator or representative of violating organization

(Ký, ghi rõ họ và tên)
Signature and full name

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
The Minutes made by

(Ký, ghi rõ họ và tên)
Signature and full name

(1)- Tên cơ quan cấp trên (the name of superior organization).

(2)- Tên cơ quan lập biên bản (the agency who handle the violation)

(3)- Địa danh (tỉnh, thành phố) (name-place (province, city).

 

PHỤ LỤC VI

MẪU QUYẾT ĐỊNH TỊCH THU TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of VietNam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 04/XPVPHC
From 04/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:…/QĐ-XPVPHC
No.

(3)……..,ngày……..tháng…….năm...
          Date          month           year

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
The Decision to confiscate exhibits and vehicles involved in administrative violations in maritime sector

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung năm 2008;
Pursuant to the Ordinance on Handling Administrative Violations 2002 and its Protocols 2008;

Căn cứ Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải;
Pursuant to Decree No. 48/2011/ND-CP dated 21/6/2011 of the Government which stipulates sanctions against administrative violators in maritime sector;

Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số: ………… BB-VPHC lập ngày…./…/…
Pursuant to the Minutes of administrative violations No…../BB-VPHC made on…/…/…

Tôi:........................................................ ; Chức vụ:...........................................................
I am                                                      Designation

Đơn vị:..............................................................................................................................
working for

QUYẾT ĐỊNH:
Hereby decide

Điều 1. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của:
To confiscate exhibits and vehicles involved in the administrative violations of

Ông (bà):................................................... ; Chức vụ:...........................................................
Mr (Mrs)                                                         Designation

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

GCMND (HC) số……………………………. Cấp ngày…../……./…….Nơi cấp:………..................
ID card No.(passport No.)                         Date of issue                  Place of issue

Đại diện cho tổ chức: ...........................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

Các tang vật, phương tiện tịch thu gồm (tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện):
Exhibits and vehicles confiscated include (Name, quantity, type of exhibits and vehicles)

.........................................................................................................................................

.........................................................................................................................................

Có Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính kèm theo.
Enclosed herewith the minutes of confiscation exhibits and vehicles involved in the administrative violations

Điều 2. Tang vật, phương tiện nêu trên được tịch thu tại:.....................................................
The above mentioned exhibits and vehicles are confiscated at the place of:

.........................................................................................................................................

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và được lập thành 03 bản có nội dung và giá trị như nhau, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; 01 bản được giao cho người có trách nhiệm bảo quản; 01 bản được lưu trong hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
This Decision shall come into effect on the date of signing and is made in 03 copies of equal validity: 01 copy is delivered to the violating person or representative of violating organization; 01 copy is delivered to the person who is responsible for the seizure of the exhibits and vehicles; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

Ý kiến của thủ trưởng của
người ra quyết định tịch thu
Comment of Decision maker’s superior

NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH
The Decision made by

(Ký, đóng dấu và ghi rõ họ, tên)
Sign, stamp and full name

Quyết định này đã giao cho người (hoặc đại diện tổ chức) vi phạm lúc….ngày…/…/...
This Decision is delivered to the violator (or representative of violating organization) at … on …/…/…

Quyết định này đã giao cho người (hoặc đại diện tổ chức) có trách nhiệm bảo quản lúc … ngày …/…/…
This Decision is delivered to the person (or representative of organization) who is responsible for the seizure of exhibits and vehicles at … on…/…/…

(Người nhận bảo quản ký, ghi rõ họ và tên)
(the person who is responsible for the seizure of the exhibits and vehicles signs with full name

(1)- Tên cơ quan cấp trên (The name of superior organization).

(2)- Tên cơ quan ra QĐ xử phạt (the name of organization to issue the sanction Decision).

(3)- Địa danh (tỉnh, thành phố) (Name-place (province, city).

 

PHỤ LỤC VII

MẪU BIÊN BẢN TỊCH THU TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải)

(1)…………
(2)…………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -  Tự do -  Hạnh phúc
Socialist Republic of VietNam
Independence – Freedom - Happiness

Mẫu 05/XPVPHC
From 05/XPVPHC
Quyển số:…
Book No.

Số:……/QĐ-XPVPHC
No.

BIÊN BẢN

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải
The Minutes of confiscations of exhibits and vehicles involved in the administrative violations in maritime sector

Hôm nay, hồi……………..giờ……ngày……..tháng……..năm……………….
Today,      At                    hour      date         month          year

Tại:....................................................................................................................................
At

Tôi:.......................................................... ; Chức vụ:.........................................................
I am                                                      Designation

Đơn vị:..............................................................................................................................
working for

Lập biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với cá nhân/Đại diện tổ chức vi phạm:
To minute confiscation of exhibits and vehicles involved in the administrative violator/representative of organization

Đối với cá nhân:
For individual

Ông (bà):................................................... ; Nghề nghiệp/chức vụ:.......................................
Mr (Mrs)                                                            Occupation/designation

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

GCMND (hộ chiếu) số: …………………………; Ngày cấp: ........................., Nơi cấp: ...................
ID card No. (passport No.)                                 Date of issue                  Place of issue

Đối với tổ chức:
Organization

Ông (bà):................................................... ; Nghề nghiệp/chức vụ:.......................................
Mr (Mrs)                                                            Occupation/designation

GCMND (hộ chiếu) số: …………………………; Ngày cấp: ........................., Nơi cấp: ...................
ID card No. (passport No.)                                 Date of issue                  Place of issue

Đại diện cho tổ chức: ...........................................................................................................
Representative of organization

Địa chỉ:.................................................................................................................................
Address

SỐ LƯỢNG VÀ TÌNH TRẠNG TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TỊCH THU
Quantity and status of exhibits and vehicles to be confiscated

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Biên bản được lập thành 03 bản có nội dung và giá trị như nhau và đã được đọc lại cho mọi người cùng nghe, không ai có ý kiến gì khác và cùng ký tên dưới đây, 01 bản được giao cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, 01 bản được giao cho người bảo quản hoặc đại diện tổ chức bảo quản, 01 bản được lưu hồ sơ của cơ quan xử lý vi phạm hành chính.
The Minutes is made in 03 copies of equal validity, and read for all people concerned. No other comments are made and everyone agreed to sign; 01 copy is delivered to the violating person or representative of violating organization; 01 copy is delivered to the person or representative of the organization who is responsible for the seizure; 01 copy is on file of the agency who handle the violation.

 

NGƯỜI VI PHẠM HOẶC
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC VI PHẠM

Violator or representative of violating organization

(Ký, ghi rõ họ và tên)
Signature and full name

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
The Minutes made by

(Ký, ghi rõ họ và tên)
Signature and full name

(1)- Tên cơ quan cấp trên (The name of superior organization).

(2)- Tên cơ quan lập biên bản (the agency who handle the violation)

(3)- Địa danh tỉnh, thành phố (Name-place (province, city).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 48/2011/ND-CP of June 21, 2011, stipulating on sanction of administrative violations in the maritime sector

  • Số hiệu: 48/2011/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/06/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản