Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4910/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU LĨNH VỰC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Giao thông Đường thủy nội địa Việt Nam năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông Đường thủy nội địa năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Tái cơ cấu lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể ngành Giao thông vận tải theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.
- Tái cơ cấu đầu tư công kết hợp huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, nâng cao năng lực, thị phần vận tải thủy nội địa. Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các cảng đầu mối, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn bằng hệ thống giao thông đồng bộ; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tại các vùng miền để phát triển kinh tế.
- Phát triển vận tải thủy nội địa kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; chú trọng khai thác tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của mạng lưới sông, kênh, rạch trên khắp đất nước, đặc biệt là tiềm năng vận tải ven biển tạo sự kết nối vận tải thủy nội địa giữa các vùng, miền trong cả nước.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, nhằm tăng thị phần vận tải thủy nội địa, giảm bớt gánh nặng cho vận tải đường bộ.
- Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quan trọng, cấp bách với các mục tiêu cơ bản, dài hạn theo hướng phát triển bền vững; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có kết hợp đầu tư mới để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
- Tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng; đổi mới toàn diện, triệt để và nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 theo hướng bền vững, hiệu quả và đáp ứng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Phát huy lợi thế của giao thông đường thủy nội địa, chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (khoáng sản, xi măng, vật liệu xây dựng...), vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải thủy nội địa, vận tải sông pha biển.
- Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy nội địa đạt khoảng 32,38%, giai đoạn 2015 - 2017 phấn đấu đạt khoảng 17,8% đến 19%, từ năm 2018 đến 2019 đạt từ 19% đến 27%, từ năm 2019 đến năm 2020 đạt 32,38%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn Ngành, trong đó, từ năm 2015 đến 2018 phấn đấu đạt khoảng 0,15%, từ năm 2018 đến 2020 đạt 0,17%.
- Phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý: đội tàu lai dắt chiếm khoảng 30%, đội tàu tự hành chiếm khoảng 70% trong tổng số phương tiện thủy nội địa; ưu tiên phát triển đội tàu chở công - ten - nơ.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình. Tăng cường hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
- Tách bạch rõ công tác quản lý nhà nước, quản lý hạ tầng của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và công tác sản xuất, duy tu, bảo trì đường thủy nội địa của các doanh nghiệp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.
- Tái cơ cấu tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa.
II. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
1. Phát triển vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, bền vững; phát huy lợi thế của vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển vận tải đường thủy nội địa theo hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn, bao gồm than, khoáng sản khác, xi măng, cát, sỏi, đá, hàng nông sản, lương thực; vận tải hàng siêu trường, siêu trọng; tăng thị phần vận tải thủy nội địa và vận tải sông pha biển.
- Kết nối với các cảng biển, các trung tâm sản xuất công nghiệp và dịch vụ theo các tuyến đường thủy nội địa chính; phát huy tối đa tiềm năng của các tuyến ven biển và bảo đảm an toàn giao thông.
- Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các cảng thủy nội địa đầu mối, đặc biệt là nâng cao năng lực xếp, dỡ hàng hóa và dịch vụ hậu cần vận tải công - ten - nơ bằng đường thủy nội địa.
- Tổ chức vận tải khoa học, nâng cao tỷ lệ phương tiện chở hàng hai chiều, tăng hiệu quả kinh doanh.
- Tạo điều kiện, thúc đẩy thành lập các đơn vị vận tải có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao.
- Cập nhật, đề xuất điều chỉnh Hiệp định vận tải qua biên giới Việt Nam - Campuchia, tháo gỡ những rào cản, tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới; đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Trung Quốc về Hiệp định vận tải và quy tắc tàu thuyền tự do đi lại khu vực cửa sông Bắc Luân.
- Thực hiện Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển vận tải thủy nội địa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải thủy phát triển bền vững.
2. Phát triển phương tiện vận tải đường thủy nội địa
- Phát triển phương tiện đường thủy nội địa đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Phát triển, lựa chọn đội hình phương tiện phù hợp với từng tuyến vận tải, ưu tiên phương tiện vận tải công - ten - nơ, sông pha biển.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa
- Phấn đấu đến năm 2015: Hoàn thành 253 km hành lang đường thủy qua đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên; 148 km hành lang duyên hải phía Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành 250 km hành lang đường thủy Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống; 180 km hành lang đường thủy qua sông Ninh Cơ.
- Tăng cường đưa các tuyến sông, kênh có khai thác vận tải thủy nội địa (chưa được quản lý) vào quản lý. Hoàn thành nâng cấp các tuyến vận tải thủy chính đạt cấp kỹ thuật đảm bảo chạy tàu an toàn.
- Phối hợp với địa phương trong công tác quản lý các tuyến đường thủy nội địa địa phương.
4. Quản lý khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa
- Quản lý mạng lưới đường thủy nội địa theo hướng hiện đại hóa, có hệ thống; hoàn chỉnh hệ thống thông tin, dữ liệu.
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong quản lý hành lang đường thủy nội địa, ngăn chặn và kiểm soát các vi phạm về hành lang. Phối hợp với các địa phương quản lý quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng đảm bảo hành lang đường thủy nội địa.
- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; tổ chức giao thông hợp lý nâng cao điều kiện khai thác.
5. Công tác duy tu, bảo trì đường thủy nội địa theo hướng tiên tiến, khoa học và hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội, đảm bảo an toàn giao thông
- Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực cho quản lý bảo trì đường thủy nội địa, phấn đấu tăng kinh phí duy tu, bảo trì hàng năm; Tập trung bảo trì duy tu kịp thời các đoạn cạn.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để quản lý đồng bộ, thống nhất đối với các phương thức vận tải để tăng cường năng lực từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải đường thủy nội địa.
6. Công tác an toàn giao thông
- Tổ chức giao thông hợp lý và an toàn; tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông.
- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ người lái, phương tiện thủy nội địa và an toàn trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
- Phấn đấu thực hiện giảm tai nạn giao thông về số vụ, số người chết và số người bị thương từ 5% đến 10% trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
7. Tổ chức bộ máy của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
- Trên cơ sở Quyết định số 4409/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2013, tổ chức lại các phòng tham mưu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới; phân định rõ ràng nhiệm vụ của mỗi phòng, không chồng chéo, không bỏ trống nhiệm vụ.
- Trước mắt duy trì 02 Chi cục Đường thủy nội địa; Phân công nhiệm vụ và địa bàn trách nhiệm đối với hai Chi cục; Tổ chức thực hiện công tác duy tu, bảo trì đường thủy nội địa sau khi các Đoạn Quản lý chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần.
- Tổ chức các đội Thanh tra trực thuộc hai Chi cục trong Quý I năm 2015 theo quy định.
- Trường Cao đẳng Nghề Giao thông vận tải đường thủy nội địa 1 và Trường Cao đẳng Nghề Giao thông vận tải đường thủy nội địa 2 sắp xếp hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
- Củng cố nâng cao năng lực Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa để quản lý các dự án do Cục làm chủ đầu tư.
- Nghiên cứu phương án chuyển Tạp chí chuyên ngành đường thủy nội địa về một đầu mối do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý.
III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH CHÍNH SÁCH CHỦ YẾU
1. Đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, nghiên cứu sửa đổi nhũng quy định không còn phù hợp với thực tế, ban hành văn bản mới điều chỉnh những hoạt động thực tiễn nảy sinh chưa có trong hệ thống pháp luật, đảm bảo chất lượng, có tính định hướng, dự báo cao, đột phá về quản lý và cơ chế.
- Hạn chế phát sinh thủ tục hành chính; tháo gỡ vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia khai thác giao thông vận tải thủy nội địa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ vận tải từ nhiều nguồn trong xã hội; bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.
- Tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đến năm 2015, hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, lưu ý đến quy định về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đường thủy nội địa.
- Rà soát các văn bản quy định về phí, lệ phí, các quy định về giá cước vận tải thủy nội địa, phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, cản trở phát triển vận tải thủy nội địa; nghiên cứu chính sách ưu đãi tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải để thực hiện trong các năm 2015, 2016.
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, trước mắt cần thực hiện nghiêm túc bộ thủ tục đã được công bố, đồng thời tiếp tục cập nhật, rà soát để rút ngắn được thủ tục, trình tự phấn đấu đến năm 2020 xem xét giảm khoảng 25 đến 30 thủ tục so với hiện nay (89 thủ tục).
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung phổ biến các văn bản mới ban hành. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đúng đối tượng và bằng các phương pháp dễ nhớ, dễ hiểu để thực hiện, nhất là đối với cán bộ, công chức trong ngành, cán bộ chính quyền địa phương cơ sở.
2. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển đường thủy nội địa
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc đồng thời định kỳ rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng, địa phương phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
- Tổ chức triển khai thực hiện tốt và hiệu quả các chiến lược, quy hoạch đã duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao tính khả thi của quy hoạch.
- Tăng cường phối, kết hợp giữa các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, địa phương trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch. Đến 2015, rà soát và điều chỉnh xong quy hoạch các tuyến, các cảng thủy nội địa; năm 2016, các địa phương xây dựng và điều chỉnh quy hoạch đường thủy nội địa địa phương và bến thủy nội địa. Rà soát những tuyến đường thủy nội địa quốc gia có thể chuyển thành tuyến đường thủy địa phương.
3. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư
- Tập trung đầu tư các công trình trọng yếu theo định hướng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược phát triển Giao thông vận tải Việt Nam và các quy hoạch được duyệt; chống đầu tư dàn trải. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ để bố trí vốn tập trung, nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư các dự án đường thủy nội địa; Phấn đấu nâng cao kinh phí bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa hàng năm từ 25%-30%.
- Tập trung đầu tư các tuyến chính theo quy hoạch tại Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến sông Tiền, sông hậu, sông Hồng, sông Thái Bình trong giai đoạn 2015 đến năm 2017; đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa và nạo vét luồng, chủ yếu huy động vốn xã hội hóa; tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng các cảng đầu mối, trong đó có cảng Phù Đổng trên sông Đuống, phấn đấu triển khai trong năm 2016.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuộc các dự án WB5, dự án WB6 bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng.
- Tăng cường thu hút vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn quản lý bảo trì. Nghiên cứu phương thức xã hội hóa quản lý bảo trì, khai thác các dịch vụ từ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
4. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách
a) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, huy động vốn, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả, đồng thời đảm bảo lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
b) Triển khai thực hiện Đề án “Huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa”, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
- Tạo nguồn lực to lớn đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa các tuyến vận tải thủy, giữa các vùng kinh tế trọng điểm, giữa các vùng miền và kết nối với các phương thức vận tải khác.
- Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng và bảo trì công trình đường thủy nội địa (do các tuyến đường thủy nội địa đã thực hiện dự án xã hội hóa).
5. Khai thác, quản lý có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
- Xây dựng, ban hành các văn bản: Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 75/2011/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn lập và quản lý giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
- Tăng cường thực hiện “Đề án Đánh giá thực trạng công tác vận tải thủy nội địa và các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa” đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 4120/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2013.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh hệ thống định mức, đơn giá, quy trình quản lý bảo trì đường thủy nội địa.
- Tổ chức thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa nhằm bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường năng lực vận tải, khắc phục kịp thời các điểm cạn.
- Tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy và công tác quản lý, bảo trì; lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu, bảo đảm độ sâu chạy tàu, chiều cao tĩnh không, bề rộng khoang thông thuyền để vận tải thông suốt, an toàn.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
- Tích cực nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
- Tăng cường khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác, chú trọng phát triển dịch vụ logistics.
- Rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện, phòng học, thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy, thực hành.
- Về công tác quản lý, bảo trì: Xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu hoặc đặt hàng việc bảo trì, duy tu luồng tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu thanh toán công tác sửa chữa, bảo trì đường thủy nội địa; xây dựng dự toán thu chi ngân sách hàng năm cho công tác quản lý luồng tuyến.
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế
- Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành công trình; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì đường thủy nội địa.
- Hiện đại hóa, phát triển đội tàu theo hướng đa dạng, có cơ cấu hợp lý đội tàu ven biển có mớn nước nông để có thể vào sâu trong nội địa, tàu chở công - ten - nơ, tàu tự hành, tàu đẩy, kéo: các đoàn kéo đẩy (800-1.000) tấn, tàu tự hành (400-600) tấn, tàu sông pha biển (1.000-3.000) tấn, tàu chở công - ten - nơ 16,24 và 32 TEU áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; hiện đại hóa thiết bị xếp dỡ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục thu hút mạnh các nguồn vốn ODA; Đầu tư có trọng điểm cho công tác học tập, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ.
- Xây dựng Đề án Quản lý công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký phương tiện, thực hiện trong năm 2016; Xây dựng phần mềm tin học quản lý phương tiện hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa, hoàn thành trong năm 2016.
- Hoàn thành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực vận tải và phát triển dịch vụ logistics” trong năm 2015.
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng và chi phí hợp lý.
7. Phát triển nguồn nhân lực
- Đối với lực lượng thuyền viên, người lái phương tiện: Nghiên cứu đổi mới giáo trình đào tạo; đào tạo lại, cập nhật những kiến thức mới đưa vào giảng dạy, tăng thời gian thực hành, tập huấn kỹ năng xử lý tình huống.
- Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Rà soát, xác định rõ vị trí việc làm, đảm bảo yêu cầu số lượng, chất lượng; có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng về nhận thức tư tưởng, nghiệp vụ chuyên môn, tác phong làm việc và kỹ năng ứng xử.
- Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình; người được tuyển dụng, bổ nhiệm phải đủ kiến thức để thực hiện nhiệm vụ, có đạo đức, tâm huyết phục vụ cơ quan, ngành.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cảng vụ viên có nghiệp vụ vững vàng, không gây phiền hà đối với chủ cảng, bến, chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện.
- Đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của cán bộ, công chức, người lao động; kịp thời động viên, khuyến khích những điển hình tiên tiến đồng thời nêu cao kỷ cương trong cơ quan, đơn vị.
8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm hoặc đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hoạt động vận tải hành khách và hoạt động khai thác cát, sỏi, nạo vét tận thu, công tác điều tiết, chống va trôi.
- Phối hợp với Cục Cảnh sát đường thủy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình điểm về lập lại trật tự, an toàn giao thông tại sông Hàn, sông Phi Liệt để rút kinh nghiệm làm cơ sở tiếp tục triển khai.
- Xử phạt nghiêm, triệt để, đúng thẩm quyền các vi phạm, đặc biệt là những hành vi như đưa phương tiện vào hoạt động không bảo đảm chất lượng, chở quá số người; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển theo quy định.
- Tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
1. Các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải
- Tham mưu, đề xuất để Lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách mới; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa.
- Phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan có liên quan triển khai bảo đảm các yêu cầu về nội dung, tiến độ Đề án.
- Trưởng Tiểu ban chỉ đạo Tái cơ cấu của Bộ theo nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các nội dung Đề án.
2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
- Khẩn trương hoàn thành Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các đơn vị hành chính thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Đề án Vị trí việc làm, số người làm việc theo vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh, nghề nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Thời gian thực hiện trong năm 2014.
- Xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa sau khi cổ phần hóa các đoạn quản lý đường thủy nội địa.
- Tổ chức lại các đội thanh tra đường thủy nội địa hiện nay phù hợp với quy định tại Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành GTVT.
- Chủ trì triển khai thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC VĂN BẢN, ĐỀ ÁN CẦN ĐIỀU CHỈNH, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BAN HÀNH MỚI
(Kèm theo Quyết định số 4910/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
TT | Nội dung | Cơ quan chủ trì soạn thảo | Cơ quan chủ trì trình | Thời gian hoàn thành dự kiến |
I. Nghị định | ||||
1 | Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. | Cục ĐTNĐVN | Vụ Pháp chế | 2015 |
II. Thông tư | ||||
1 | Thông tư quy định tổ chức, hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa | Cục ĐTNĐVN | Vụ TCCB | 2015 |
2 | Thông tư quy định định mức sửa chữa phương tiện chuyên dùng quản lý, bảo trì đường thủy nội địa | Cục ĐTNĐVN | Vụ KCHTGT | 2015 |
3 | Thông tư quy định danh mục đường thủy nội địa quốc gia, thay thế Quyết định số 970/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT | Cục ĐTNĐVN | Vụ KCHTGT | 2015 |
III. Đề án | ||||
1 | Huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong lĩnh vực đường thủy nội địa | Cục ĐTNĐVN | Ban PPP | 2014 |
2 | Hiện đại hóa công tác điều hành vận tải đường thủy nội địa. | Cục ĐTNĐVN | Vụ Vận tải | 2015 |
3 | Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các đơn vị hành chính thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam | Cục ĐTNĐVN hoàn thành 2014 | Vụ TCCB thẩm định Quý I/2015 |
|
4 | Vị trí việc làm, số người làm việc theo vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh, nghề nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam | Cục ĐTNĐVN hoàn thành 2014 | Vụ TCCB thẩm định Quý I/2015 |
|
6 | Nâng cao năng lực vận tải và phát triển dịch vụ logistics trên các tuyến vận tải thủy nội địa chính khu vực đồng bằng sông Hồng | Cục ĐTNĐVN | Vụ Vận tải | 2014 |
7 | Nâng cao năng lực vận tải và phát triển dịch vụ logistics trên các tuyến vận tải thủy nội địa chính khu vực đồng bằng sông Cửu Long | Cục ĐTNĐVN | Vụ Vận tải | 2014 |
8 | Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải bằng đường thủy nội địa | Cục ĐTNĐVN | Vụ Vận tải | Quý I/2015 |
9 | Phần mềm quản lý đăng ký phương tiện thủy nội địa | Cục ĐTNĐVN | Vụ KHCN | 2016 |
10 | Phương án vận tải hàng công - ten - nơ bằng thủy nội địa từ Hải Phòng đến Việt Trì | Cục ĐTNĐVN | Vụ Vận tải | 2014 |
- 1Circular No. 80/2014/TT-BGTVT dated December 30, 2014, stipulating the inland waterway transportation of passengers, luggage and checked baggage
- 2Law No. 48/2014/QH13 dated June 17, 2014, amending and supplementing a number of articles of Law on inland waterway transport
- 3Decree No. 93/2013/ND-CP of August 20, 2013, on sanction of administrative violation in the field of maritime and inland waterway transport
- 4Decree No. 107/2012/ND-CP of December 20, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the ministry of transport
- 5Recolution No. 13-NQ/TW of January 16, 2012, on constructing system of synchronous infrastructure aiming to our country become a modern-oriented industrial country in 2020
- 6Resolution No. 11/NQ-CP of February 24, 2011, on solutions mainly focusing on containing inflation, stabilizing the macro economy, guaranteeing the social security
- 7Law No. 23/2004/QH11 of June 15, 2004 on inland waterway navigation
Decision No. 4910/QD-BGTVT dated December 24, 2014, on approving plan on restructuring inland waterways by 2020
- Số hiệu: 4910/QD-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/12/2014
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra