Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/ĐA-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

KIỂM SOÁT Ô NHIỄM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG TỈNH NINH BÌNH

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

1. Căn cứ pháp lý

Luật Tổ chức tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”;

Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020;

Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

Thông tư liên tịch số 45/2010/TT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường,

2. Căn cứ thực tiễn

Sau 4 năm thực hiện Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 15/3/2012 của UBND tỉnh Ninh Bình về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường đã có những bước chuyển biến tích cực: Năng lực, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường được củng cố và tăng cường; nhận thức về bảo vệ môi trường được nâng lên; mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã được hạn chế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo vệ môi trường hiện đang đứng trước nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, yêu cầu về xây dựng các dự án phát triển kinh tế tăng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nguy cơ xảy ra suy thoái môi trường, sự cố môi trường ngày càng gia tăng, chất thải công nghiệp thu gom và xử lý chưa đảm bảo an toàn về môi trường đã và đang gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, làm mất cân bằng sinh thái và những thiệt hại khác. Đây là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự phát triển bền vững. Quán triệt các giải pháp chỉ đạo của Đảng, các quy định của pháp luật về Bảo vệ môi trường, coi đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển.

Do vậy, việc xây dựng “Đán về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ” là cần thiết nhằm kiểm soát, hạn chế tác động xấu đến môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng môi trường, Đề án đưa ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các dự án triển khai thực hiện như là công cụ thiết yếu góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh.

II. Thực trạng môi trường tỉnh Ninh Bình

1. Thực trạng môi trường

a) Môi trường nước mặt

- Chất lượng môi trường nước sông Đáy đoạn chảy qua địa phận tỉnh Ninh Bình bị ô nhiễm cục bộ tại một số điểm như: khu vực cầu Khuất, xã Gia Thanh; khu vực cầu Gián Khẩu; khu vực cầu Non Nước, thành phố Ninh Bình và một số địa điểm khác. Nước sông có biểu hiện suy giảm lượng ôxy hòa tan (DO); hầu hết các chỉ tiêu quan trắc tại các điểm đo đều vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép theo QCVN 08:20205/BTNMT, cột A1 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

- Hệ thống các sông, hồ, kênh mương, nhất là khu vực dân cư thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, các thị trấn đang bị ô nhiễm bởi hàm lượng hợp chất hữu cơ, do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi, nước thải từ làng nghề và nước thải khác thải ra.

- Chất lượng nước ven biển có dấu hiệu bị ô nhiễm, nhưng mức độ ô nhiễm biến động theo mùa. Sự ô nhiễm nước biển ven bờ (khu vực Bình Minh - Kim Sơn) chủ yếu do nước sông Đáy, sông Càn gây nên.

- Chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhìn chung chưa bị ô nhiễm về kim loại nặng.

b) Môi trường nước ngầm

Chất lượng môi trường nước ngầm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản đảm bảo được cho mục đích dùng cho sinh hoạt, tuy nhiên chất lượng nước ngầm cục bộ bị ô nhiễm bởi chỉ tiêu coliform và có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hàm lượng arsen tập trung chủ yếu ở khu vực huyện Kim Sơn.

c) Môi trường không khí

- Môi trường không khí thành phố Ninh Bình

Chất lượng môi trường không khí tại thành phố Ninh Bình trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực bị ô nhiễm như: khu vực bến cảng, khu vực bãi thải xỉ than của nhà máy nhiệt điện, khu vực xây dựng và ở các tuyến đường giao thông chính.

- Môi trường không khí khu vực thành phố Tam Điệp

Thành phố Tam Điệp có số lượng cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng lớn, do đó tại các khu vực khai thác và các tuyến đường giao thông đến các khu vực khai thác trên địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều bởi bụi ô nhiễm do quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng. Ngoài ra hoạt động của khu công nghiệp, chăn nuôi, giao thông cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí. Do đó môi trường không khí ở một số thời điểm, tại một số khu vực trên địa bàn đã bị ô nhiễm và có khả năng bị ô nhiễm nặng nếu không có giải pháp hữu hiệu để kìm chế.

- Môi trường không khí khu vực nông thôn

Chất lượng môi trường không khí khu vực nông thôn nhìn chung chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đã bị ô nhiễm ở một số điểm như: khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân; khu vực giáp khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các trục lộ giao thông, khu vực khai thác, chế biến khoáng sản.

d) Môi trường đất

Chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều, vỏ thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom triệt để; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt chưa được bảo đảm nên đây sẽ là nguồn ảnh hưởng xấu đến môi trường.

đ) Môi trường tại các khu công nghiệp

Theo Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, hiện tại tỉnh Ninh Bình có 07 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập trong đó có 05 KCN đã đi vào hoạt động gồm có: KCN Gián Khẩu, KCN Tam Điệp giai đoạn I, KCN sạch Phúc Sơn, KCN Khánh Phú, KCN Khánh Cư. Các KCN chưa đi vào hoạt động gồm: KCN Tam Điệp II và KCN Kim Sơn.

Đến nay đã có 99 Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 53 dự án đi vào hoạt động. Hiện KCN Khánh Phú đã đầu tư, đi vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1; KCN Gián Khẩu đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn các KCN khác chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, riêng KCN Tam Điệp giai đoạn 1 và KCN Phúc Sơn các dự án được chấp thuận đầu tư đều phải tự xử lý nước thải đạt cấp độ A trước khi thải ra môi trường.

Chất thải rắn tại các khu công nghiệp thông thường được các đơn vị thu gom, phân loại, một phần được bán tái chế, phần còn lại các doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị để vận chuyển, xử lý; chất thải nguy hại phát sinh được các doanh nghiệp thu gom, lưu giữ và hầu hết đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

Đối với môi trường không khí trong khu công nghiệp: Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải nhằm xử lý khí thải phát sinh của đơn vị trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đầu xây dựng hệ thống xử lý khí thải nên đã ảnh hưởng đến môi trường phụ cận.

e) Môi trường tại các Cụm công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 07 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm có: CCN Yên Ninh, CCN Ninh Vân, CCN Ninh Phong, CCN Sơn Lai, CCN Phú Sơn, CCN Mai Sơn và CCN Đồng Hướng. Đã thu hút được 167 dự án đầu tư thuộc các ngành nghề sản xuất khác nhau như: sản xuất kim loại, sản xuất cói, chế tác đá và các dịch vụ kinh doanh, giải trí. Trong đó, quy mô sản xuất hộ gia đình chủ yếu hoạt động trong các cụm làng nghề như chế tác đá Ninh Vân và sản xuất gỗ mỹ nghệ Ninh Phong.

Hiện nay các cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nước thải phát sinh được các đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Chất thải rắn phát sinh được các đơn vị thu gom, phân loại ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý. Đối với môi trường không khí tại các cụm công nghiệp hiện nay chủ yếu là ô nhiễm bụi phát sinh từ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, bụi phát sinh từ quá trình đục, cưa...

g) Môi trường trong khai thác tài nguyên khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 đơn vị khai thác khoáng sản theo 70 giấy phép khai thác. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản các đơn vị đã cơ bản thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động như: Xây dựng máng rửa bánh xe, gầm xe; che phủ bạt phương tiện vận chuyển; phun nước tưới ẩm và phối hợp với chính quyền địa phương quét dọn đất, đá rơi vãi trên đường vận chuyển. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển có một số phương tiện chở quá trọng tải, che phủ bạt chưa kín làm vương vãi vật liệu nên gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

h) Thực trạng chất thải rắn

- Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 175.007 tấn/năm, trong đó: Chất thải rắn sinh hoạt khoảng 154.472 tấn/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 88% tổng lượng thải); chất thải rắn công nghiệp khoảng 16.020 tấn/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 9,2% tổng lượng thải); chất thải rắn y tế khoảng 4.515 tấn/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 2,8% tổng lượng thải).

- Đối với chất thải rắn sinh hoạt

Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp do 02 Công ty môi trường chịu trách nhiệm thu gom. Còn chất thải sinh hoạt của 06 thị trấn: Thị trấn Yên Ninh - Yên Khánh; thị trấn Phát Diệm, Bình Minh - Kim Sơn; thị trấn Yên Thịnh - Yên Mô; thị trấn Thiên Tôn - Hoa Lư, thị trấn Nho Quan- Nho Quan chất thải sinh hoạt do các trung tâm vệ sinh môi trường đô thị huyện thu gom và tất cả được chuyển về nhà máy xử lý rác thải tại TP Tam Điệp để xử lý. Riêng thị trấn Me - Gia Viễn rác thải được thu gom về bãi rác thải của huyện để xử lý.

Toàn tỉnh có 121 xã, trong đó có 94 xã đã hình thành được mô hình tô thu gom rác tự quản, đạt khoảng gần 77,68% số xã có mô hình thu gom rác thải. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí để duy trì hoạt động nên còn một số mô hình hoạt động chưa hiệu quả. Hiện các bãi rác thải của các xã chưa đạt tiêu chuẩn do không có thiết kế, không có hệ thống thu gom nước rỉ rác.

- Đối với chất thải công nghiệp

Rác thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất chủ yếu được tận dụng để bán cho những cơ sở có nhu cầu để tái chế hoặc san lấp mặt bằng, lượng còn lại các cơ sở sản xuất ký hợp đồng với Công ty môi trường và dịch vụ đô thị thành phố hoặc các tổ vệ sinh môi trường địa phương thu gom, vận chuyển hoặc các đơn vị có chức năng khác để xử lý.

- Đối với rác thải y tế

Hiện chất thải y tế phát sinh tại các bệnh viện và các trung tâm y tế tuyến huyện đã được thu gom và xử lý, cụ thể như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện sản nhi tỉnh và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã được đầu tư, xây dựng hệ thống lò đốt rác thải y tế để xử lý lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh, đặc biệt bệnh viện đa khoa tỉnh được đầu tư hệ thống lò hấp chất thải. Chất thải sau khi được xử lý thành chất thải thải thông thường được vận chuyển về các nhà máy, khu xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh.

2. Những tồn tại trong công tác quản lý môi trường, nguyên nhân ô nhiễm môi trường

a) Những tồn tại trong công tác quản lý môi trường ở địa phương

- Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn mỏng, trình độ quản lý của cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm.

- Công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của các cấp còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính chưa nhiều.

- Kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Hiệu quả của công tác tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế.

b) Nguyên nhân các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường chưa nhiều; Cơ sở hạ tầng của các KCN, CCN chưa được xây dựng đồng bộ do nguồn vốn ngân sách đầu tư còn hạn chế, nhiều KCN chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đã thu hút các dự án đầu tư; Việc quản lý, sử dụng 1% kinh phí sự nghiệp môi trường còn nhiều đầu mối, hiệu quả sử dụng chưa cao.

- Nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường còn hạn chế. Nhân lực, vật lực trong công tác bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đúng mức.

- Do ý thức, trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa cao; Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành các hệ thống xử lý chất thải của một số đơn vị chưa được thường xuyên, còn mang tính chất đối phó.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu của đề án

1. Mục tiêu chung

Nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm

- 80% chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý.

- 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý.

- 100% chất thải bệnh viện từ tuyến huyện trở lên được thu gom và xử lý.

- 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy được xử lý.

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới xây dựng phải được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.

b) Cải thiện chất lượng môi trường

- 95% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch.

- Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc và chỉ tiêu quan trắc môi trường trên địa bàn toàn tỉnh là cơ sở vững chắc để dự báo diễn biến chất lượng môi trường, đáp ứng yêu cầu kiểm soát ô nhiễm trên toàn tỉnh.

c) Bảo đảm cân bằng sinh thái

- Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 20%.

- Xây dựng quy hoạch đa dạng sinh học, tăng cường kinh phí để quản lý và mở rộng các khu bảo tồn.

II. Nhiệm vụ, chương trình, dự án, kinh phí, giải pháp để thực hiện đề án

1. Nhiệm vụ

a) Phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường như: Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng thói quen, nếp sống và phong trào quần chúng bảo vệ môi trường. Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục. Tạo điều kiện và khuyến khích để người dân thường xuyên nhận được các thông tin về môi trường như một biện pháp cơ bản bảo vệ môi trường. Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường.

b) Tăng cường năng lực quản lý môi trường: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là Chi cục Bảo vệ môi trường.

c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

d) Rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách, các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trên cơ sở lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án đầu tư phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

đ) Đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ quản lý môi trường cho cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ môi trường và các ngành có liên quan.

e) Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; tập trung xử lý nước thải từ các đô thị; xây dựng và vận hành hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung đối với các KCN, CCN, xử lý nước thải, bụi, khí thải làng nghề; ưu tiên nghiên cứu cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ sạch hơn, sử dụng nguyên liệu sạch, ít phát thải tại các cơ sở sản xuất.

g) Xây dựng, thực hiện xã hội hóa chương trình nước sạch nông thôn; xây dựng các dự án đầu tư về nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình cung cấp nước sạch khu vực nông thôn kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới.

h) Triển khai bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

i) Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng.

k) Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đối với cây trồng, con nuôi sau khi sử dụng.

l) Cải tạo, phục hồi và xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn khu vực nông thôn và các hoạt động chăn nuôi tập trung gây ra.

m) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư về bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, đang triển khai tổ chức thực hiện để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đảm bảo hiệu quả; triển khai các chương trình, dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

n) Tổ chức thực hiện tốt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện

a) Nhóm dự án giảm thiểu, khống chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường

- Cải tạo, xử lý chôn lấp rác thải tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp.

- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cụm Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh bằng công nghệ hấp ướt đặt tại Kim Sơn.

- Đánh giá hiện trạng môi trường lưu vực sông.

b) Nhóm dự án giữ gìn, bảo vệ và tái tạo môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học

Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

c) Nhóm dự án nâng cao năng lực tổ chức, quản lý bảo vệ môi trường

- Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc và chỉ tiêu quan trắc môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư trang thiết bị cho trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Ninh Bình.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân; phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Công tác tuyên truyền; thanh tra về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Kiểm tra, xử lý hậu đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Kiểm tra, kiểm soát, đo đạc, quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường; xử lý khắc phục.

- Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, giám sát chất lượng khí thải, nước thải tại 02 khu công nghiệp: Khánh Phú, Tam Điệp và 02 bệnh viện: đa khoa tỉnh, sản nhi tỉnh.

(Chi tiết phụ lục đính kèm)

3. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự án giai đoạn 2016 - 2020 là 76,3 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương là 40,5 tỷ đồng; Ngân sách cấp tỉnh là 21,9 tỷ đồng (nguồn đầu tư phát triển 1,9 tỷ đồng, nguồn sự nghiệp môi trường 20 tỷ đồng), Ngân sách cấp huyện là 3,9 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 10 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm ngân sách cấp tỉnh bố trí khoảng 5,5 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án của Đề án, nguồn vốn còn lại từ nguồn ODA, vốn sự nghiệp môi trường Trung ương, nguồn ngân sách cấp huyện, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư theo chính sách xã hội hóa.

4. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về cơ chế chính sách

- Cơ chế chính sách đất đai, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường: Bố trí đảm bảo quỹ đất cho các dự án về môi trường; áp dụng ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.

- Cơ cấu chính sách thuế: Xây dựng cơ chế ưu đãi thuế cho các nhà máy, chương trình, dự án xây dựng các nhà máy thân thiện môi trường hoặc các nhà máy xử lý chất thải ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ mới, các công nghệ sản xuất sạch hơn, các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, phù hợp với Việt Nam, kể cả nhập khẩu công nghệ.

b) Giải pháp về quản lý

- Tổ chức lập, thực hiện các quy hoạch phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn phải thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường như: Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp.

- Lập, triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường để nâng cao việc chấp hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Phát hiện kịp thời các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh để có biện pháp xử lý, khắc phục.

- Tăng cường năng lực quản lý và nguồn lực về bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, trong đó quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo số lượng cán bộ, trang thiết bị cần thiết đáp ứng được công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

c) Giải pháp tài chính

Bố trí đảm bảo nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố môi trường kịp thời (không dưới 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường) và các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản khác. Tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ từ nguồn vốn của Trung ương, đồng thời đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường bằng những chính sách, phương thức đầu tư phù hợp.

5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến hết năm 2020.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các chương trình, dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các chương trình, dự án báo cáo UBND tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc và các chỉ tiêu quan trắc môi trường tỉnh Ninh Bình.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xã hội hóa trên lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cộng đồng về vấn đề môi trường.

d) Là cơ quan đầu mối thẩm định nội dung, tổng hợp chương trình, dự án, nhiệm vụ chi sự nghiệp môi trường của UBND các huyện, thành phố các sở, ban, ngành để Sở Tài chính bố trí dự toán ngân sách hàng năm theo quy định.

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan và Sở Tài chính kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhằm bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích có hiệu quả.

e) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường theo định kỳ về UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì rà soát tổng thể các Chương trình, dự án đang triển khai hoặc đang có chủ trương xây dựng, đề xuất việc lồng ghép, bố trí vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phương án và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển trong năm 2016 và các năm tiếp theo cho các dự án xử lý ô nhiễm triệt để. Phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố lập kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại Đề án.

3. Sở Tài chính

a) Báo cáo UBND tỉnh, trình Hội đồng nhân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, đảm bảo chi đúng các nội dung chi và sử dụng có hiệu quả kinh phí chi sự nghiệp môi trường cho các cơ quan chuyên môn của tỉnh để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, đồng thời cơ cấu lại cách phân bổ kinh phí nhằm đáp ứng được nhu cầu của công tác bảo vệ môi trường.

b) Chủ trì kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, việc quản lý sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường, nhằm đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

c) Hàng năm căn cứ vào tổng mức kinh phí bố trí cho sự nghiệp môi trường, xem xét, tổng hợp dự toán chi sự nghiệp môi trường trong toàn tỉnh của UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường gửi, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước, báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

4. Công an tỉnh

Thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm để bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; sẵn sàng tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố môi trường theo chức năng, nhiệm vụ và theo yêu cầu huy động lực lượng của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với các ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, trong quản lý, sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nông nghiệp, quản lý giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gen và sản phẩm của chúng và trong hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản; Quản lý bảo vệ rừng, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý hoạt động chăn nuôi, thú y, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

b) Thực hiện tốt các giải pháp về bảo vệ môi trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

c) Theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Sở Công thương

a) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

b) Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

c) Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (trừ hoạt động nhập khẩu phế liệu) của các doanh nghiệp ngành công thương, cụm công nghiệp. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Chủ trì xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

đ) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chí các cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

e) Chủ trì hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc lĩnh vực công thương áp dụng các hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001; theo dõi, giám sát việc thực hiện, báo cáo chỉ tiêu về tỷ lệ các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.

7. Sở Xây dựng

a) Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và khu dân cư nông thôn tập trung, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ tập trung.

b) Triển khai thực hiện Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

c) Theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh gồm: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn; tỷ lệ đô thị được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải và các chỉ tiêu môi trường khác trong lĩnh vực xây dựng.

8. Sở Giao thông vận tải

a) Phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đối với hoạt động giao thông vận tải, có kế hoạch xử lý các phương tiện gây ô nhiễm môi trường, bao gồm cả các phương tiện giao thông đường thuỷ.

c) Đề xuất phương án nâng cấp, cải tạo, làm mới các tuyến đường giao thông, nhất là các tuyến đường khu vực vận chuyển vật liệu xây dựng và các tuyến đường có mật độ xe cộ đi lại lớn.

9. Sở Y tế

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý và xử lý chất thải y tế ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; Quản lý, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sức khoẻ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; Đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quy hoạch, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, không xâm hại đến di sản, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo

Hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường cho học sinh các cấp học; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho học sinh, tổ chức phát động và triển khai các chiến dịch học sinh với sự nghiệp phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải.

12. Sở Khoa học và Công nghệ

Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ứng dụng công nghệ sạch để phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, chế biến nông lâm thủy sản. Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm bảo vệ các vùng đất ngập mặn, vùng cửa sông ven biển, phòng tránh các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu của tỉnh.

13. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó: Rà soát lại bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường; tham mưu, đề xuất các biện pháp tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo, thu hút nhân lực về lĩnh vực môi trường.

14. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan báo chí và cơ quan thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

15. Cục Hải quan Hà Nam Ninh

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi xuất - nhập khẩu phế liệu, chất thải trái quy định về bảo vệ môi trường.

16. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

a) Tuân thủ đúng quy hoạch, bố trí các phân khu chức năng đã được phê duyệt trong khu công nghiệp, trước khi triển khai xây dựng các khu công nghiệp phải lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Pháp luật.

b) Bố trí các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường ở các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

c) Chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

d) Phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi quản lý.

17. Đài phát thanh truyền hình, Báo Ninh Bình

Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác bảo vệ môi trường, đưa tin về các gương tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ môi trường, phê phán các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường.

19. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Hàng năm, căn cứ nội dung chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đủ biên chế làm công tác bảo vệ môi trường.

c) Chủ trì và phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 trên địa bàn, trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch xử lý các bãi rác thải đến thời hạn đóng cửa và bãi rác thải tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn; triển khai nhanh quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành khác liên quan triển khai thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

đ) Chủ trì giải quyết các trường hợp khiếu kiện, phản ánh của nhân dân về việc ô nhiễm môi trường liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý có quy mô hoạt động theo thẩm quyền phân cấp, nhất là cơ sở chăn nuôi tự phát trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường.

e) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn quản lý.

g) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý và xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời bảo đảm đủ kinh phí cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như kinh phí đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

II. Kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra và định kỳ sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Đề án; tổ chức tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Đề án vào cuối năm 2020, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

III. Điều chỉnh, bổ sung đề án

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, đề xuất biện pháp giải quyết, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PH
Ó CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thạch

 

BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

(Kèm theo Đề án số 24/ĐA-UBND ngày 18/11/2016 của UBND tỉnh)

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Tên nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Dự kiến kinh phí thực hiện

Phân theo nguồn vốn

Thời gian thực hiện

Ghi chú

Vốn ODA, vốn TW

Ngân sách tỉnh

Ngân sách huyện, xã

Các nguồn vốn khác

Nguồn đầu tư phát triển

Nguồn sự nghiệp môi trường

Nguồn đầu tư phát triển

Nguồn sự nghiệp môi trường

 

Tổng cộng

 

 

76.300

40.500

1.900

20.000

 

3.900

10.000

 

 

 

Các chương trình, dự án mới thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020

 

 

 

I

Các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường

 

 

51.500

40.500

 

1.000

 

 

10.000

 

 

1

Cải tạo, xử lý chôn lấp rác thải tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp

UBND TP Tam Điệp

các Sở: XD, TNMT, KHĐT, TC

40.500

40.500

 

 

 

 

 

2018

Tổng kinh phí thực hiện là 122,700 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 40,5 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng công ích (đang xin nguồn vốn)

2

Xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cụm Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh bằng công nghệ hấp ướt đặt tại Kim Sơn

Sở Y tế

Các sở: XD, KH&ĐT, Tài chính, TNMT; UBND huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh

10.000

 

 

 

 

 

10.000

2018

Từ nguồn tài trợ quốc tế chương trình phát triển liên hợp quốc và quỹ môi trường toàn cầu thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường

3

Đánh giá hiện trạng môi trường lưu vực sông

Sở TNMT

Sở Tài chính, UBND cấp huyện

1.000

 

 

1.000

 

 

 

2018

Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

II

Các dự án gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học

 

2.000

 

 

2.000

 

 

 

 

 

 

1

Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030

Sở TNMT

Các sở: KH&ĐT, Tài chính, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan

2.000

 

 

2.000

 

 

 

2017 - 2018

QĐ số 74/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình công tác năm 2015

III

Chi phí hoạt động và nâng cao năng lực quản lý

 

 

22.800

 

1.900

17.000

 

3.900

 

 

Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020

1

Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh

Sở TNMT

Sở TC, UBND các huyện, TP; các đơn vị có liên quan

5.000

 

 

5.000

 

 

 

2017 - 2020

Theo hàng năm đã cấp từ nguồn sự nghiệp môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)

2

Đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường NB

Sở TNMT

Các sở: KH&ĐT, Tài chính

2.000

 

 

2.000

 

 

 

2017-2020

Nâng cao năng lực của Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường

3

Giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT; phổ biến kiến thức về BVMT, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về BVMT

Sở TNMT; UBND các huyện; các đơn vị có liên quan

UBND cấp huyện, TP; các Sở, ngành đơn vị có liên quan

3.900

 

 

2.500

 

1.400

 

2017-2020

Theo Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

4

Công tác tuyên truyền, thanh tra,... trong lĩnh vực nông nghiệp

Sở NN&PT NT; UBND cấp huyện

UBND các huyện, TP; các Sở, ngành, đơn vị có liên quan

1.000

 

 

1.000

 

 

 

2017-2020

 

5

Kiểm tra, xử lý hậu đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường

Sở TNMT; UBND cấp huyện

UBND các huyện, TP; các Sở, ngành, đơn vị có liên quan

3.000

 

 

2.000

 

1.000

 

2017-2020

 

6

Kiểm tra, kiểm soát, đo đạc, quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường; xử lý khắc phục

Sở TNMT; UBND cấp huyện

UBND các huyện, TP; các Sở, ngành, đơn vị có liên quan

4.000

 

 

2.500

 

1.500

 

2017-2020

 

7

Lắp đặt hệ thống quan trắc giám sát chất lượng khí thải, nước thải tại KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp và 02 bệnh viện: đa khoa tỉnh, sản nhi tỉnh

Sở TNMT; UBND TP NB, TP TĐ; các đơn vị có liên quan

UBND TP NB, TP TĐ; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan

3.900

 

1.900

2.000

 

 

 

2018-2020

Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Đề án 24/ĐA-UBND năm 2016 kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 24/ĐA-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản