Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/KHXX | Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1996 |
Kính gửi: các đồng chí chánh áncác toà án nhân dân và toà án quân sự các cấp.
Ngày 8/8/1994 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg "Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo", nhìn chung qua hơn 1 năm kể từ ngày ban hành Chỉ thị này các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và tự giác chấp hành. Nhưng gần đây, một số nơi đã xuất hiện việc nhập lậu pháo nước ngoài, đốt pháo nổ, có người vẫn còn tàng trữ pháo hoặc nguyên liệu làm pháo. Vì vậy, ngày 30/12/1995, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 74444/NC đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo kiên quyết, sát sao, bảo đảm thực hiện chỉ thị 406/TTg đạt kết quả.
Để góp phần có hiệu quả vào việc bảo đảm thực hiện Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao đề nghị các Toà án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Trong trường hợp các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo đã đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngay sau khi vụ án đã được kết thúc điều tra Toà án phải cử Thẩm phán theo dõi để nắm vững nội dung vụ án, khi cần thiết thì nêu ngay yêu cầu để Viện kiểm sát giải quyết, điều tra bổ sung nhằm bảo đảm cho việc đưa vụ án ra xét xử được nhanh chóng, chính xác, nghiêm minh, đúng chính sách và pháp luật.
2. Về các hành vi vi phạm, Chỉ thị 406/TTg đã chỉ rõ:"Các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Do đó, cần phân biệt như sau:
a. Đối với những trường hợp sản xuất, tàng trữ, sử dụng, buôn bán pháo và thuốc pháo đến mức như hướng dẫn tại phần B Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7/1/1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật Hình sự, thì phải bị try cứu trách nhiệm hình sự. (Cụ thể là: thuốc pháo từ 3kg đến 30 kg hoặc với số lượng dưới mức này nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án về tội cố ý , có tính chất chuyên nghiệp hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đối với pháo quả, bánh pháo với số lượng có số lượng thuốc pháo tương đương với mức hướng dẫn trên đây đều phải bị truy cứu trác nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật Hình sự). Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án xét xử họ về một trong các tội "chế tạo", "tàng trữ", "sử dụng", "mua bán trái phép chất nổ, chất cháy"... theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp họ có nhiều hành vi phạm tội, thì xét xử họ về tội danh với tên gọi đầy đủ hành vi phạm tội.
b. Đối với người vận chuyển pháo hoặc thuốc pháo với số lượng đến mức phải bị truy cứu trác nhiệm hình sự (như đã nói tại điểm a trên đây), mà họ biết rõ là hàng họ vận chuyển là pháo hoặc thuốc pháo, thì Toà án xét xử về tội được quy định tại Điều 96 Bộluật hình sự với vai trò là người đồng phạm. Nếu họ không biết hàng mà họ vận chuyển là pháo, thuốc pháo thì không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.
c. Trong những trường hợp sản xuất, tàng trữ vận chuyển, đốt pháo chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không thuộc những trường hợp được hướng dẫn tại điểm a trên đây), nhưng gây cháy nhà, cháy phương tiện vận tải, gây thương tích cho người khác hoặc gây chết người ... thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án có thể xét xử họ về tội "vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân", "tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác" ... Trong những trường hợp này nếu số lượng pháo, thuốc pháo được sử dụng, vận chuyển, buôn bán đã đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Toà án phải xét xử về 2 tội:"Tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng,mua bán trái phép chất nổ, chất cháy ..." và tội tương ứng về hậu quả đã gây ra.
3. Chỉ thị 406/TTg không cấm việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo hoa, nhưng cấm nhập loại thuốc pháo và pháo hoa từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại Quyết định số 864/TTg ngày 30/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996" đã chỉ rõ cấm nhập khẩu "pháo các loại" từ nước ngoài vào Việt Nam. Do đó:
a. Đối với những trường hợp nhập khẩu pháo và thuốc pháo các loại, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Toà án xét xử họ về tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới" theo Điều 97 Bộ luật Hình sự.
b. Đối với những trường hợp buôn bán pháo hoa đã được nhập khẩutrái phép từ nước ngoài vào Việt nam , cần phân biệt 2 trường hợp:
+ Nếu có sự hứa hẹn về sự tiêu thụ pháo hoa với kẻ nhập khẩu , thì phải xét xử về tội "buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hành hoá qua biên giới" với vai trò là người đồng phạm.
+ Nếu không có sự hứa hẹn trước về việc tiêu thụ pháo hoa với kẻ nhập khẩu mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Toà án xét xử họ về tội "buôn bán hàng cấm" theo điều 166 Bộluật hình sự.
4. Đối với trường hợp đốt pháo nổ trong phạm vi gia đình thì không bị xử lý về hình sự, nhưng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với trường hợp đốt pháo nổ ở nơi công cộng, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xét xử họ về tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 198 Bộ luật Hình sự; Nếu có kèm theo việc ném vào người khác gây thương tích, gây chết người, gây thiệt hại về tài sản còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
5. Khi xét xử các vụ án về vi phạm Chỉ thị 406/TTG, các Toà án cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo kết quả xét xử trên các loaị hình báo chí để mọi người biết, đồng thời thông báo ngắn gọn về Toà án nhân dân tối cao. Trong những điều kiện cho phép có thể mở phiên toà lưu động nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng và chống loại hình vi phạm tội này.
| Phạm Hưng (Đã ký)
|
- 1Bộ luật Hình sự 1985
- 2Luật Hình sự sửa đổi 1992
- 3Chỉ thị 406-TTg năm 1994 về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư liên ngành 01/TTLN năm 1995 hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 Bộ luật hình sự do Tòa Án Nhân Dân Tối Cao - Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành
- 5Quyết định 864-TTg năm 1995 về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn về việc thực hiện các quy định về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo
- Số hiệu: 05/KHXX
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/01/1996
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Phạm Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra