TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2555/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 1999 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2555/TCHQ-GSQL NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ VIỆC BỔ SUNG QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ HẢI QUAN
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Trong khi đang nghiên cứu xây dựng quy trình thủ tục hải quan mới để thay thế các quy trình thủ tục hải quan hiện hành cho phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục và Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ, Tổng cục tạm thời quy định bổ sung quy trình hành thủ được ban hành theo Quyết định số 383/1998/QĐ-TCHQ ngày 17/11/1998 như sau:
1. Trách nhiệm của người làm thủ tục hải quan (gọi tắt là chủ hàng)
- Chuẩn bị các loại chứng từ hợp lệ, hợp pháp của lô hàng theo đúng quy định và các điều kiện có liên quan khác để hoàn chỉnh việc khai báo hải quan trước khi đến cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá.
- Tự kê khai hàng hoá đầy đủ, chính xác hàng hoá thực tế vào tờ khai hải quan, tự xác định mã số hàng hoá phù hợp với từng loại hàng khai báo trong tờ khai hải quan.
- Tự tính thuế, tự xác định giá tính thuế, thuế suất, tỷ giá, xuất xứ hàng hoá cho từng hàng hoá; tự xác định chính xác tổng số tiền thuế của từng loại thuế phải nộp.
- Tự nộp hồ sơ vào nơi quy định theo tiêu chí phân luồng hàng hoá.
- Đăng ký thời gian và địa điểm kiểm hoá hàng hoá với nhân viên hải quan tiếp nhận hồ sơ.
- Phát hiện và phản ánh kịp thời, chính xác những việc làm không đúng quy định, nhũng nhiễu, tiêu cực của hải quan.
2. Trách nhiệm nhân viên hải quan tiếp nhận hồ sơ và đăng ký tờ khai hải quan
- Nắm vững đối tượng làm thủ tục hải quan, các loại hình xuất nhập khẩu và các chính sách, chế độ, các quy định của pháp luật có liên quan với từng loại đối tượng làm thủ tục và từng loại hình xuất nhập khẩu.
- Nắm vững các vụ việc, các trường hợp là đối tượng trọng điểm cần phải theo dõi hàng ngày; xác định thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc việc tiếp nhận bộ hồ sơ và đăng ký tờ khai. Thực hiện việc cưỡng chế, không làm thủ tục đối với doanh nghiệp có trong danh sách cưỡng chế thuế.
- Kiểm tra về tính hợp lệ, hợp pháp và sự đồng bộ của bộ hồ sơ chủ hàng nộp, xuất trình.
- Kiểm tra sơ bộ nội dung kê khai của người khai báo hải quan, đặc biệt về mã số hàng hoá, giá tính thuế, thuế suất, tỷ giá.
- Chuyển bộ hồ sơ sang luồng hàng khác khi chủ hàng xác định tiêu chí phân luồng hàng hoá không đúng.
- Xác định bộ hồ sơ đã đầy đủ điều kiện theo quy định để quy định việc đóng dấu tiếp nhận.
- Tiến hành đăng ký tờ khai theo thủ tục quy định.
- Cán bộ thuế viết thông báo thuế và giao thông báo thuế cho chủ hàng tại bàn tiếp nhận hồ sơ.
- Nhập số liệu thống kê vào máy vi tính theo quy định.
- Kiểm tra lại lần cuối cùng về bộ hồ sơ trước khi chuyển giao cho bộ phận kiểm hoá.
Lưu ý:
* Trường hợp bộ hồ sơ không đủ điều kiện để tiếp nhận, phải hướng dẫn chủ hàng bổ sung, thay đổi, sửa đổi cho đúng quy định hiện hành và báo cáo lãnh đạo cấp đội xem xét quyết định.
* Nếu chủ hàng xác định tiêu chí phân luồng hàng hoá không đúng; những phần việc vượt thẩm quyền giải quyết; phát hiện có mẫu thuẫn nghi vấn có gian lận thương mại; thuộc đối tượng trọng điểm phải theo dõi thường xuyên thì lãnh đạo cấp đội phải báo cáo ngay với trưởng hải quan cửa khẩu hoặc cấp tương đương xin ý kiến.
3. Trách nhiệm nhân viên hải quan kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu (nhân viên kiểm hoá)
- Nắm vững nguyên tắc phân loại hàng hoá theo danh mục HS, danh mục biểu thuế xuất nhập khẩu và danh sách đối tượng kiểm tra trọng điểm.
- Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về việc kiểm hoá lô hàng (nếu có).
- Chuẩn bị đầy đủ các Điều kiện cần thiết cho công tác kiểm hoá; xác định phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành kiểm hoá lô hàng.
- Xem kỹ nội dung bộ hồ sơ và việc phân luồng hàng hoá trước đó của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và đăng ký tờ khai.
- Xác định lại hàng, kiện hàng cần chú ý hơn khi kiểm tra đối chiếu thực tế.
- Chấp nhận việc phân luồng hàng hoá của bộ phận tiếp nhận hồ sơ hay báo cáo lãnh đạo phê duyệt cho chuyển đổi phân luồng hàng hoá khác.
- Kiểm tra tình trạng bên ngoài của container hoặc của kiện hàng và kiểm tra tình trạng niêm phong trước khi mở kiểm tra đối chiếu thực tế.
- Xác định chính xác tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng hàng và kiểm tra việc chủ hàng áp mã số hàng hoá theo danh mục HS, danh mục biểu thuế xuất nhập khẩu; xác định xuất xứ hàng hoá, chất lượng hàng hoá, hàng đổ vỡ, hư hỏng do quá trình vận chuyển.
- Xác định các hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm tại chỗ (nếu có).
- Ghi kết quả kiểm hoá tại chỗ và xác định mã số hàng hoá đối với những loại hàng hoá đã được ghi ở kết quả kiểm hóa.
- Tiến hành thủ tục chuyển giao bộ hồ sơ cho bộ phận kiểm tra việc tính thuế, thu thuế theo quy định (nếu hàng thuộc loại có thuế hoặc hàng hoá thuộc luồng vàng và luồng đỏ).
Lưu ý:
* Những trường hợp vi phạm nhưng thuộc thẩm quyền xử lý của Trưởng hải quan cửa khẩu thì giải quyết xử lý tại chỗ. Những trường hợp vi phạm ngoài thẩm quyền của Trưởng hải quan cửa khẩu thì hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển ngay cho phòng xử lý thuộc cơ quan hải quan tỉnh, thành phố.
* Đối với loại hàng bộ phận tiếp nhận hồ sơ xác định luồng xanh, bộ phận kiểm hoá sau khi nghiên cứu, xem xét trực tiếp và cùng xác định là hàng thuộc luồng xanh thì sau khi ghi kết quả kiểm hoá, báo cáo lãnh đạo cho giải phóng ngay theo đúng thời gian quy định đối với hàng thuộc luồng xanh.
* Việc không chấp nhận kết quả giám định, việc lấy mẫu hàng phải do lãnh đạo hải quan cửa khẩu quyết định.
* Các vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình và vụ việc đó thuộc cấp nào thì báo cáo cấp đó giải quyết đúng thẩm quyền và thời hạn quy định.
4. Trách nhiệm nhân viên hải quan kiểm tra việc tính thuế, thu thuế
- Nắm vững giá tính thuế, thuế suất, tỷ giá, xuất xứ hàng hoá để kiểm tra đối chiếu với nội dung chủ hàng tự kê khai, tự tính thuế, kiểm tra việc áp mã số hàng hoá, kết quả kiểm hoá do nhân viên kiểm hoá ghi trong tờ khai.
- Ra quyết định truy thu trên cơ sở những hành vi vi phạm có liên quan theo biên bản vi phạm do nhân viên kiểm hoá lập chuyển đến theo bộ hồ sơ.
- Điều chỉnh thuế trong các trường hợp đã có ý kiến của lãnh đạo hải quan cấp có thẩm quyền và có quyết định của Bộ Tài chính.
- Kiểm tra sau khi giải phóng hàng: chủ yếu tập trung kiểm tra phúc tập bộ hồ sơ hải quan về việc áp dụng thuế suất, áp giá của chủ hàng đúng sai? Những trường hợp phát hiện có buôn lậu, gian lận thương mại thì Trưởng hải quan cửa khẩu phải kịp thời báo cáo cho Cụ trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức, chỉ đạo kiểm tra các tài liệu có liên quan ở xí nghiệp, doanh nghiệp để xác định sai phạm.
5. Trách nhiệm Cục trưởng trong việc quản lý điều hành
Để thực hiện các quy định nêu trên, kết hợp với các quy định hiện hành không trái với quy định tại văn bản này, yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
- Chỉ đạo, rà soát lại về mọi mặt (phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, kết quả làm công tác kiểm hoá trong những năm qua, ý thức tổ chức kỷ luật...) của lực lượng đang làm công tác kiểm hoá hàng hoá xuất nhập khẩu hiện nay để chuyển làm việc khác ngay đối với những cán bộ nhân viên không đảm bảo được nhiệm vụ kiểm hoá; đồng thời căn cứ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cán bộ và quá trình thử thách rèn luyện trong thực tế để lựa chọn trong số biên chế hiện có những cán bộ nhân viên có đủ khả năng, trình độ phẩm chất đạo đức đảm nhiệm tốt công tác kiểm hoá nhằm bổ sung, tăng cường cho lực lượng kiểm hoá hiện nay.
Những cán bộ lãnh đạo cấp đội (đội kiểm hoá, đội thủ tục đăng ký tờ khai) cũng cần phải được xem xét kỹ quá trình chỉ đạo trực tiếp. Nếu anh em trong đội có nhiều người vi phạm và tái vi phạm, có nhiều thông tin về thái độ, tác phong, tư cách không tốt hoặc có những thông tin phản ánh có hiện tượng tiêu cực thì cần phải thay đổi lãnh đạo cấp đội trước hết là đội trưởng.
- Tổ chức nghiên cứu danh mục HS, liên hệ với những hàng hoá thường hay xuất nhập qua cửa khẩu và thực tế về những khó khăn, vướng mắc trong cách nhận biết hàng hoá theo danh mục HS của cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm hoá lâu nay để xác định những chương, mục trong danh mục HS cần được nghiên cứu kỹ nhằm mở các lớp bồi dưỡng và từng bước chuyên sâu về lĩnh vực này.
- Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm hoá về cách nhận biết hàng hoá theo mô tả của danh mục HS, biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và kiến thức về thương phẩm học nhằm phục vụ cho công tác kiểm hoá được chính xác, bảo đảm phản ánh đúng thực trạng của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ Điểm 4 tại tiêu thức 41 - phần II ban hành kèm theo Quyết định số 388/1998/QĐ-TCHQ ngày 20-11-1998 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành mẫu tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu và thay thế các trình tự quy trình thủ tục ban hành kèm theo Quyết định số 383/1998/QĐ-TCHQ ngày 17-11-1998 của Tổng cục Hải quan.
| Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
Công văn về việc bổ sung quy trình nghiệp vụ hải quan
- Số hiệu: 2555/TCHQ-GSQL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/05/1999
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Phan Văn Dĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/05/1999
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực