Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 701/NHNN-TD
Về Khoản chào cho vay vốn của các đối tác nước ngoài

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2004

 

Kính gửi:

 

- Chi nhánh NHNN ở các tỉnh, thành phố
- Các tổ chức tín dụng

Trong thời gian vừa qua lợi dụng chủ trương mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta, có một số cá nhân (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) tự xưng là đại diện của một số tổ chức tài chính quốc tế có đến làm việc với một số doanh nghiệp, ngân hàng, các Bộ, Ngành ở trung ương và các địa phương, như Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An... để chào các Khoản cho vay với số tiền lớn, lãi suất thấp và thời hạn dài. Điều kiện tiên quyết của Khoản chào cho vay và những cá nhân, tổ chức này đưa ra là phải có bảo lãnh của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phát hành, hoặc bảo lãnh của các ngân hàng thương mại. Nội dung các mẫu thư bảo lãnh này không rõ ràng, như: Không đề cập đến quyền lợi, nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh, bên vay vốn, bên cho vay, chỉ đề cập đến trách nhiệm của bên phát hành bảo lãnh sẽ phải thanh toán cho người sở hữu bảo lãnh này. Thực chất, nội dung các mẫu thư bảo lãnh là một hối phiếu nhận nợ, có thể sử dụng làm công cụ huy động vốn, mua - bán, chuyển nhượng, chiết khấu... trên thị trường tài chính quốc tế. Cơ quan phát hành bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi Thư bảo lãnh đến hạn, cho dù Khoản vay có được giải ngân hay không. Phương pháp tiếp cận của họ thường dùng ảnh hưởng của những tổ chức, cá nhân có uy tín để gây sức ép buộc các cơ quan phát hành bảo lãnh phải thực hiện nhanh. Mặt khác, trong quá trình giao dịch họ thường sử dụng những loại giấy tờ như thư hứa bảo lãnh, thư uỷ quyền đi vay vốn hoặc thử trả lời của các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh các ngân hàng... hoặc quay phim, chụp ảnh để tiếp tục mời chào các tổ chức khác. Qua làm việc và Điều tra, xác minh Ngân hàng Nhà nước được biết các cá nhân và tổ chức này thực chất chỉ là môi giới, không có khả năng thu xếp và cung cấp các Khoản tài chính lớn cho Việt Nam. Mục tiêu của những cá nhân, tổ chức này là có được các Thư bảo lãnh của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phát hành và thư bảo lãnh do các ngân hàng thương mại phát hành để lừa đảo hoặc tống tiền, chưa có vụ việc nào Ngân hàng Nhà nước xác minh chứng tỏ là Khoản chào cho vay là có thực. Sự việc này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tốn kém tiền của và thời gian của các cơ quan, doanh nghiệp từ trung ương đến các địa phương và có thể gây ra những rủi ro nếu các yêu cầu của các cá nhân này được thoả mãn.

Để tăng cường hiệu quả trong việc tiếp cận các Khoản vay nước ngoài. Thống đốc ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng thực hiện các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý vay và trả nợ nước ngoài; Quy chế bảo lãnh ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 283/2000/QĐ-NHNN14 ngày 25 tháng 8 năm 2000 và các văn bản bổ sung, sửa đổi của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

2. Cần thận trọng trong việc tiếp xúc, trao đổi với các đối tác chào cho vay nước ngoài. Không phát hành các loại giấy tờ như giấy mời, thư hứa bảo lãnh, giấy uỷ quyền vay vốn khi chưa nắm được thông tin về đối tác. Phối hợp với cơ quan an ninh, các văn phòng Luật, đại sứ quán các nước, các ngân hàng đại lý, Vụ Tín dụng ngân hàng Nhà nước, trung tâm thông tin tín dụng... để nắm các thông tin đầy đủ như tư cách pháp nhân, khả năng tài chính... của các đối tác.

3. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Báo cáo và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trên đại bàn thực hiện đúng các quy định về quản lý vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

- Nghiêm cấm phát hành các thư bảo lãnh, thư hứa bảo lãnh hoặc các văn bản tương tự cho các đối tác nước ngoài khi chưa được phép của Thống đốc ngân hàng Nhà nước. Trường hợp đã phát hành, phải báo cáo ngay Thống đốc ngân hàng Nhà nước để có các biện pháp cần thiết và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...

4. Trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, các đơn vị báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) để được hướng dẫn và báo cáo Thống đốc ngân hàng Nhà nước.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Trần Minh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 701/NHNN-TD ngày 01/07/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc khoản chào cho vay vốn của các đối tác nước ngoài

  • Số hiệu: 701/NHNN-TD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/07/2004
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trần Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản