Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 6482/SLĐTBXH-LĐ
V/v hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu và xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng tại doanh nghiệp

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 12 năm 2007

 

Kính gửi

- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế,
- Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

 

Căn cứ Nghị định số 166/2007/NĐ-CP , 167/2007/NĐ-CP , 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu áp dụng trong các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế; Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ về tiền lương.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố tạm thời hướng dẫn bổ sung về tiền lương tối thiểu áp dụng trên địa bàn thành phố và việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố như sau:

I. VỀ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU THEO VÙNG ÁP DỤNG TỪ NGÀY 01/01/2008:

1. Quy định chung:

Mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động như sau:

a. Đối với các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

- Mức 1.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận nội thành.

- Mức 900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện ngoại thành.

b. Đối với các doanh nghiệp khác:

- Mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với công ty hoạt động trên địa bàn các quận nội thành

- Mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với công ty hoạt động trên địa bàn các huyện ngoại thành

- Mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định trên đây được dùng để tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.

2. Các lưu ý khi áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng:

- Đối với công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn vùng nào áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn đó.

- Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp cao hơn mức lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ quy định.

- Doanh nghiệp không sử dụng mức lương tối thiểu theo vùng để trả công cho người lao động thực hiện công việc đòi hỏi qua đào tạo, học nghề (kể cả đào tạo, học nghề tại doanh nghiệp); lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại.

- Căn cứ mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, doanh nghiệp điều chỉnh lại tiền lương trong hợp đồng lao động phù hợp. Đối với các doanh nghiệp đang áp dụng mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp chưa đảm bảo các quy định về mức và điều kiện áp dụng tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định trên đây cần tiến hành điều chỉnh ngay, đảm bảo việc áp dụng mức điều chỉnh tiền lương phù hợp từ ngày 01/01/2008. Đối với doanh nghiệp đã thực hiện mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động cần chủ động thỏa thuận điều chỉnh tiền lương đối với người lao động nhằm đảm bảo hài hòa quan hệ tiền lương trong doanh nghiệp, phù hợp với mặt bằng tiền công trên thị trường, ổn định quan hệ lao động tại đơn vị.

Đối với các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng doanh nghiệp đã thỏa thuận, ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế trả lương, trả thưởng của doanh nghiệp thì thực hiện theo các thỏa thuận hoặc quy định đó. Doanh nghiệp không được tự ý cắt bỏ, giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng vì lý do Chính phủ tăng mức tiền lương tối thiểu.

II. VỀ HỆ THỐNG THANG LƯƠNG, BẢNG LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG:

Các doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ, Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, công văn số 638/LĐTBXH-LĐ ngày 23/2/2005, của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương theo phân cấp, cần chú ý một số nội dung sau:

1. Về phương pháp xây dựng:

a. Doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương pháp xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng tại doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP, đồng thời cần lưu ý:

- Việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương cần căn cứ vào tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc trong doanh nghiệp.

- Chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất bằng 5%.

- Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua đào tạo, học nghề (bao gồm cả học nghề tại doanh nghiệp) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

- Mức tiền lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm thì phải cao hơn ít nhất bằng 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường.

b. Các khoản phụ cấp lương hoặc chế độ phụ cấp lương do doanh nghiệp chủ động xây dựng, áp dụng và tiến hành đăng ký với cơ quan lao động địa phương.

2. Về việc đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương:

a. Doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với cơ quan lao động địa phương theo phân cấp trước khi công bố áp dụng tại doanh nghiệp, trong đó:

+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập sau ngày Thông tư 28/2007/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương;

+ Đối với doanh nghiệp đang hoạt động đã xây dựng thang lương, bảng lương nhưng chưa thực hiện đăng ký hoặc đã đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương nhưng thang lương, bảng lương xây dựng chưa đúng với quy định Thông tư 28/2007/TT-BLĐTBXH thì trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định.

b. Về hồ sơ đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp lương, doanh nghiệp cần cung cấp 03 bộ hồ sơ bao gồm các văn bản sau:

+ Công văn đề nghị đăng ký trong đó xác định rõ Thời gian dự kiến áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương áp dụng trong doanh nghiệp và địa bàn áp dụng.

+ Hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung (theo biểu mẫu quy định tại công văn 638/LĐTBXH-LĐ ngày 23/2/2005 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội);

+ Bản quy định chi tiết các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc trong thang lương, bảng lương;

+ Ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp (được thể hiện bằng văn bản riêng) trong đó nêu rõ các ý kiến thống nhất, các ý kiến không thống nhất đối với hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do doanh nghiệp xây dựng, đề nghị đăng ký và các ý kiến đề xuất điều chỉnh hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (nếu có).

c. Khi doanh nghiệp có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một trong các nội dung hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đã đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương thì cần tiến hành đăng ký lại theo quy định.

Các nội dung hướng dẫn xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương tại công văn số 638/LĐTBXH-LĐ ngày 23/2/2005, của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố trái với các hướng dẫn tại công văn này không còn hiệu lực áp dụng.

Quá trình thực hiện gặp vướng mắc, đề nghị Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, các doanh nghiệp, người lao động thông báo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố (Địa chỉ: 159 Pasteur phường 6 quận 3, điện thoại: 8 222 409) hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện để được hướng dẫn giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TTUBNDTP; VP UBNDTP (để báo cáo)
- Bộ LĐTBXH (để báo cáo)
- Sở, Ban, Ngành, UBND quận huyện (để phối hợp chỉ đạo thực hiện)
- Phòng LĐTBXH quận, huyện (để phổ biến đến DN trên địa bàn)
- Liên đoàn LĐTP, LĐLĐ Quận, Huyện } để phối hợp;
- Ban Quản lý các KCX-KCN TP (để phối hợp);
- Các DN thuộc các thành phần kinh tế
trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (để thực hiện);
- Lưu: VT, P.LĐ-TL-TC.

GIÁM ĐỐC




Lê Thành Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 6482/SLĐTBXH-LĐ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu và xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng tại doanh nghiệp do Sở Lao động thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 6482/SLĐTBXH-LĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/12/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thành Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản