Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4652/TCHQ-KTTT
V/v: vướng mắc về chứng từ thanh toán
và vướng mắc hàng SXXK
 

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2005 

 

Kính gửi  Cục hải quan tỉnh Bình Dương

Trả lời công văn số 507/HQBD-NV ngày 16/7/2004 của Cục Hải quan Bình Dương về một số vướng mắc về chứng từ thanh toán và vướng mắc đối với hàng sản xuất hàng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.2:

- Đối với các trường hợp đến thời hạn 9 tháng (275 ngày) đối tượng nộp thuế không đến cơ quan hải uqan làm thủ tục thanh quyết toán như quy định tại Điểm 2 Mục III phần C Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tiếp theo sẽ không được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày và được tính thuế theo đúng quy định tại Thông tư số 87/2004/TT-BTC .

- Đối với các trường hợp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu quá thời hạn nộp thuế chưa xuất khẩu được sản phẩm nhưng doanh nghiệp đã thực hiện nộp đầy đủ thuế theo quy định đối với lượng nguyên liệu chưa đưa vào sản xuất và xuất khẩu thì các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu để xuất hàng xuất khẩu tiếp theo vẫn được áp dụng thời hạn nộp thuế là 275 ngày.

2) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.3:

- Đối với việc thanh toán hàng xuất khẩu bằng tiền mặt Việt Nam đồng thông qua phiếu thu của các lô hàng xuất khẩu phát sinh trước ngày 1/10/2002 thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 10061 TC/TCT ngày 29/9/2003 của Bộ Tài chính về việc xử lý chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu để xét hoàn thuế nhập khẩu; các lô hàng xuất khẩu phát sinh từ ngày 1/10/2002 trở đi thì việc thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam đồng không được chấp nhận là hình thức thanh toán hợp lệ, vì vậy đề nghị Hải quan Bình Dương thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

- Theo quy định về XNK tại chỗ tại Thông tư số 90/2002/TT-BTC ngày 10/10/2002 một trong những điều kiện được áp dụng chính sách thuế theo Thông tư số 90/2002/TT-BTC là “thương nhân nước ngoài phải thực hiện thanh toán tiền đối với hàng xuất khẩu tại chỗ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng”

Như vậy trường hợp Cục Hải quan Bình Dương nêu không đủ điều kiện để được áp dụng chính sách thuế quy định tại Thông tư số 90/2002/TT-BTC .

3) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.4:

Hiện tại chưa có quy định về việc bắt buộc các doanh nghiệp được thanh toán trả chậm trong vòng bao nhiêu ngày đối với hàng xuất khẩu, việc thanh toán trả chậm phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên mua hàng và bán hàng, cơ quan hải quan không can thiệp vào việc thanh toán này. Đề nghị Cục Hải quan Bình Dương căn cứ vào điều khoản thanh toán trong hợp đồng và quy định tại Điểm 3.1 Mục I Phần E Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 để thực hiện thanh khoản nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp.

4) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.5:

Về vướng mắc thanh toán ba bên (thanh toán hộ), ngày 13/9/2005 Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3727/TCHQ-KTTT hướng dẫn thực hiện, đề nghị Cục Hải quan Bình Dương thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này.

5) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.6:

Đối với trường hợp người mua nước ngoài thanh toán trước khi xuất hàng và thanh toán trước khi ký hợp đồng, trên hợp đồng không thể hiện việc thanh toán trước của người mua, do vậy trên chứng từ thanh toán do doanh nghiệp xuất trình không thể hiện đúng số hợp đồng và số tiền thanh toán của hợp đồng xuất khẩu thì đề nghị Cục Hải quan Bình Dương yêu cầu doanh nghiệp xuất trình văn bản của người mua xác nhận việc thanh toán tiền hàng trước để làm cơ sở xem xét hoàn thuế (không thu thuế) cho doanh nghiệp theo đúng quy định.

Trường hợp có nghi vấn trong việc khai báo về chứng từ thanh toán, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Cục Thuế nơi quản lý doanh nghiệp tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán về tình hình nhập nguyên liệu, xuất kho đưa vào sản xuất và xuất khẩu… để có cơ sở chặt chẽ trong việc xét hoàn thuế (không thu thuế) cho doanh nghiệp.

6) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.7:

Ngày 10/6/2005 Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn việc thanh khoản hàng SXXK của Công ty Chutex gửi Hải quan Bình Dương và Công ty TNHH Quốc tế Chutex đề nghị Cục Hải quan Bình Dương căn cứ nội dung hướng dẫn tại công văn trên để thực hiện.

7) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.8:

Đối với các tờ khai hàng hóa xuất khẩu mà người mua không thanh toán tiền, do đó doanh nghiệp không cung cấp được chứng từ thanh toán cho cơ quan hải quan thì doanh nghiệp phải giải trình rõ lý do kèm theo văn bản chứng minh việc đã giải trình (ví dụ, nếu người mua phá sản thì phải có văn bản tuyên bố phá sản của người mua và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước đó về việc người mua đã phá sản và không có đủ khả năng chi trả tiền) và phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về giải trình trên.

Căn cứ khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan nơi xử lý hoàn thuế chủ trì phối hợp với Cục Thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở thực hiện kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, quá trình nhập khẩu nguyên liệu, xuất kho đưa vào sản xuất và xuất kho sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, kết hợp với xác nhận thực xuất trên tờ khai xuất khẩu để xem xét hoàn thuế theo kê khai của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện sự việc không đúng, thì thu đủ thuế và xử phạt theo đúng quy định.

8) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.9 và 2.10:

Đối với thanh toán theo hình thức bù trừ công nợ giữa Công ty mẹ và Công ty con hoặc giữa Công ty mẹ, Công ty con và người mua phải thực hiện trên hợp đồng xuất khẩu. Trường hợp không thể hiện trên hợp đồng xuất khẩu thì doanh nghiệp xuất khẩu hàng phải xuất trình các văn bản chứng minh sự thay đổi hình thức thanh toán đã thể hiện trong hợp đồng và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chứng minh trên.

Căn cứ khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan nơi xử lý hoàn thuế chủ trì phối hợp với Cục Thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở thực hiện kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán, quá trình nhập khẩu nguyên liệu, xuất kho đưa vào sản xuất và xuất kho sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, kết hợp với xác nhận thực xuất trên tờ khai xuất khẩu để xem xét hoàn thuế theo kê khai của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện sự việc không đúng, thì thu đủ thuế và xử phạt theo đúng quy định.

9) Vướng mắc nêu tại Điểm 2.11:

Thanh toán hàng xuất khẩu từ nội địa vào khu chế xuất: Theo quy định tại văn bản số 606/NHNN-QLNH ngày 13/6/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với các doanh nghiệp chế xuất thì: Việc thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ… giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp ngoài khu chế xuất được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc bằng đồng Việt Nam.

Về hình thức thanh toán hàng xuất khẩu cho Khu chế xuất bằng séc (cheque), đồng tiền thanh toán là USD như nêu tại Điểm 2.11 công văn của Cục Hải quan Bình Dương được chấp nhận là hợp lệ để xét hoàn thuế (không thu thuế) nhập khẩu.

10) Đối với các vướng mắc nêu tại Điểm 2.1, Điểm 3, Điểm 4, Điểm 5 của công văn 507/HQBD-NV ngày 16/7/2004 Tổng cục đang nghiên cứu và trình Bộ xử lý. Trong khi chưa có hướng dẫn mới đề nghị Cục Hải quan Bình Dương thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan Bình Dương biết và thực hiện.

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu: VT(2), KTTT (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



 
Đặng Thị Bình An

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4652/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc vướng mắc về chứng từ thanh toán và vướng mắc hàng SXXK

  • Số hiệu: 4652/TCHQ-KTTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/11/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Thị Bình An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/11/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản