Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4327/TCHQ-KTTT
V/v: vướng mắc chứng từ thanh toán

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2005 

 

Kính gửi  

Công ty LG Electronics Việt Nam
(Tầng 14, Tòa nhà Văn phòng trung tâm, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

Trả lời công văn số 050712/LG-NK ngày 4/8/2005 của Công ty TNHH LG ELECTRONIC Việt Nam về một số vướng mắc về chứng từ thanh toán, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì khi làm thủ tục hoàn thuế (không thu thuế) nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu doanh nghiệp phải xuất trình chứng từ thanh toán lô hàng xuất khẩu trong bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế (không thu thuế).

1) Chứng từ thanh toán của ngân hàng phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu gửi cho doanh nghiệp phải có chữ ký, con dấu nơi phát hành và thể hiện được các nội dung chính như: Tên người thanh toán; Tên người thụ hưởng; Số tiền thanh toán và phải phù hợp với thỏa thuận ghi trong Hợp đồng mua bán hoặc phụ lục Hợp đồng.

Trường hợp chứng từ thanh toán không có dấu và chữ ký của ngân hàng phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu, thì doanh nghiệp phải đề nghị ngân hàng đó xác nhận về giao dịch thanh toán liên quan tới yêu cầu hoàn thuế, bao gồm các yếu tố: tên người thanh toán, tên người thụ hưởng, số tiền thanh toán, số hợp đồng xuất khẩu, kèm dấu và chứ ký của ngân hàng phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu. Việc xác nhận có thể thực hiện bằng cách ngân hàng đó ký tên và đóng dấu trên chứng từ thanh toán của mỗi giao dịch thanh toán, hoặc ngân hàng đó ký tên và đóng dấu trên bảng liệt kê các chứng từ thanh toán giao dịch nếu có nhiều giao dịch thanh toán liên quan tới một Hợp đồng yêu cầu hoàn thuế.

2) Trường hợp số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán không phù hợp với số tiền phải thanh toán đã thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc phụ lục Hợp đồng nhưng thể hiện đúng tên người phải thanh toán thì xử lý như sau:

- Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán có giá trị nhỏ hơn số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc phụ lục Hợp đồng, thì doanh nghiệp phải có giải trình rõ lý do.

+ Trường hợp số tiền chênh lệch này là phí ngân hàng, thì phải thể hiện trên chứng từ. Trường hợp trên chứng từ không ghi rõ phí ngân hàng, thì doanh nghiệp phải đề nghị ngân hàng phát hành chứng từ có xác nhận về số tiền phí ngân hàng đã thực thu của doanh nghiệp.

+ Trường hợp số tiền chênh lệch này là do hàng kém chất lượng hay do nguyên nhân khác mà hai bên mua, bán có thỏa thuận về việc giảm giá thì phải có văn bản thỏa thuận về việc giảm giá giữa 2 bên.

- Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán có giá trị lớn hơn số tiền phải thanh toán như đã thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc phụ lục Hợp đồng, thì doanh nghiệp phải có giải trình rõ lý do.

Trường hợp số tiền chênh lệch này là do người thanh toán không thanh toán cho từng Hợp đồng mà thanh toán gộp theo tổng các đơn hàng, thanh toán theo hình thức gối đầu.v.v (một chứng từ thanh toán có có thể liên quan tới 2 Hợp đồng xuất khẩu trở lên hoặc hai chứng từ thanh toán có có thể chỉ liên quan tới 1 Hợp đồng xuất khẩu), thì doanh nghiệp phải lập bảng kê nêu rõ số tiền trên chứng từ thanh toán cho Hợp đồng nào, số tiền của từng Hợp đồng.v.v. Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thanh Khoản kiểm tra tính chính xác của việc khai báo trước khi thanh Khoản.

Căn cứ chứng từ thanh toán và hồ sơ đề nghị hoàn thuế do doanh nghiệp cung cấp như hướng dẫn tại Thông tư 172/1998/TT-BTC hoặc Thông tư số 87/2004/TT-BTC ngày 31/8/2004, cơ quan hải quan thực hiện hoàn thuế theo kê khai của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Cục Thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để kiểm tra toàn bộ chứng từ, sổ sách kế toán, quá trình nhập khẩu nguyên liệu, xuất kho nguyên liệu đưa vào sản xuất và xuất kho sản phẩm xuất khẩu đối với những trường hợp phát hiện việc khai báo của doanh nghiệp không đúng và thực hiện truy thu đủ thuế, phạt theo đúng quy định hiện hành.

3) Trường hợp phương thức thanh toán thay đổi so với phương thức đã được thỏa thuận trên Hợp đồng xuất khẩu thì doanh nghiệp phải giải trình và xuất trình văn bản thông báo thay đổi hình thức thanh toán của người mua nước ngoài để cơ quan hải quan xem xét xử lý.

4) Trường hợp Công ty thực hiện thanh toán tiền hàng qua dịch vụ thanh toán netting của Ngân hàng Citybank (như nội dung trình bày tại Điểm 4 công văn số 050712/LG-NK) thì trên chứng từ thanh toán phải thể hiện tên người thanh toán, số tiền thanh toán… Trường hợp trên chứng từ thanh toán không thể hiện tên người thanh toán thì ngân hàng nơi phát hành chứng từ thanh toán phải có xác nhận của ngân hàng về tên người thanh toán, số tiền thanh toán (tương tự như hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên).

5) Đối với các trường hợp vướng mắc khác trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể đề nghị Công ty thực hiện theo quy định hiện hành.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty LG Electronic Việt Nam biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu VT(2), KTTT(3)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



 
Đặng Thị Bình An

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 4327/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc một số vướng mắc về chứng từ thanh toán.

  • Số hiệu: 4327/TCHQ-KTTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/10/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Thị Bình An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản