Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3614/TCT-DNK
V/v: Trả lời kiến nghị tại Hội nghị  đối thoại Doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2005 

 

Kính gửi :

Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn
(1099 Trần Hưng Đạo, Quận 5, Tp. HCM)

 

Về Nội Dung Câu Hỏi Của Công Ty Nêu Tại Hội Nghị Đối Thoại Với Doanh Nghiệp Về Lĩnh Vực Thuế và hải quan năm 2005; Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Câu hỏi:

1. Hồ sơ chứng nhận là hàng xuất khẩu có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, cho dù chứng từ thanh toán của ngân hàng nước thứ 3. Nhưng hiện nay một số nước như Nga, các nước Đông Âu, Trung Quốc… việc thanh toán qua ngân hàng rất khó khăn. Do vậy các doanh nghiệp dùng thanh toán ngân hàng qua nước thứ 3 để hợp thức hóa, làm tăng thêm phí kinh doanh. Kiến nghị nên bỏ hẳn chứng từ thanh toán qua ngân hàng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp có xuất khẩu.

2. Công ty chúng tôi là công ty cổ phần có hội đồng quản trị và ban kiểm soát, các thành viên này vừa làm việc trực tiếp tại công ty và cổ đông ngoài, các vị này vừa lĩnh lương làm việc vừa hưởng lương hội đồng. Nhưng khi tính thuế TNDN thì riêng khoản lương của hội đồng và ban kiểm soát không được tính vào chi phí kinh doanh. Như vậy có hợp lý hay không? Đề nghị khoản này cũng được tính vào chi phí kinh doanh.

Trả lời:

1. Theo quy định tại Tiết đ Điểm 1 Mục III Phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng thì: Một trong các điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được khấu trừ (hoặc hoàn) thuế GTGT đầu vào là phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng và phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Đây là quy định bắt buộc nhằm giúp các cơ quan quản lý kiểm soát được doanh thu hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa tránh rủi ro cho doanh nghiệp vừa tránh gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng xuất khẩu. Quy định này đã được sự thống nhất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Kiến nghị của doanh nghiệp về việc bỏ hẳn chứng từ thanh toán qua ngân hàng là chưa phù hợp. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam đàm phán với Ngân hàng nhà nước các nước Đông Âu, Nga, Trung quốc để có phương thức thanh toán hàng xuất khẩu riêng phù hợp với thực tế quan hệ thương mại với doanh nghiệp các nước nói trên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí và tránh rủi ro.

2. Tại Điểm 2 Mục IV Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: Thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng quản trị của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không được tính vào chi phí hợp lý.

Theo quy định trên các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát có trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và được hưởng lương, tiền lương của các thành viên này nằm trong tổng quỹ lương hàng năm của Công ty đã được đăng ký với cơ quan thuế thì khoản tiền lương này được tính vào chi phí hợp lý. Các khoản khác ngoài lương trả cho các thành viên nói trên không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế TP. HCM;
- Vụ Chính sách thuế-BTC;
- Ban PCCS, TTHT;
- Lưu: VT(2b), DNK(2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
 



Phạm Văn Huyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3614/TCT-DNK của Tổng cục Thuế về lĩnh vực thuế và hải quan năm 2005

  • Số hiệu: 3614/TCT-DNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/10/2005
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Văn Huyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản