Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 315/BGTVT-VT
V/v: Thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi:

- Cục Đường bộ Việt Nam;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

 

Ngày 27 tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt (sau đây viết tắt là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao các công việc đã quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải thực hiện các công việc cụ thể dưới đây:

1. Các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ:

a) Căn cứ quy định tại Điều 30 của Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGTVT ngày 24 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và báo cáo Bộ trưởng theo quy định, nhằm bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

b) Khẩn trương thực hiện các công việc được giao tại công văn số 8497/BGTVT-VT ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải về Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

2. Cục Đường bộ Việt Nam:

Xem xét thành lập Tổ công tác hoặc bộ phận giúp việc (có đại diện của các Khu Quản lý đường bộ) để thực hiện các công việc sau:

a) Lập Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao đối với hành lang an toàn đường bộ (trong các giai đoạn);

b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ:

- Chủ động thực hiện ngay việc rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, công trình cần giải tỏa trong hành lang an toàn của các đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 thực hiện giải tỏa thí điểm; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác này đối với các tuyến quốc lộ khác để làm cơ sở cho công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trong các giai đoạn tiếp theo;

- Cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương có Quốc lộ 1 đi qua (thuộc 04 đoạn tuyến giải tỏa thí điểm) để chuẩn bị các công việc phục vụ cho việc giải tỏa; thống nhất với các địa phương về kinh phí thực hiện giải tỏa thí điểm 04 đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 (giai đoạn I).

- Khẩn trương lập dự toán kinh phí thực hiện giai đoạn I để báo cáo và đề xuất phương án thực hiện với Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ động phối hợp với Tổ công tác liên ngành, Tổ cưỡng chế của địa phương để tuyên truyền và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo các mốc thời gian quy định của giai đoạn I;

c) Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm việc giải tỏa thí điểm 04 đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 của giai đoạn I; phổ biến kinh nghiệm và đôn đốc các địa phương còn lại thực hiện giải tỏa trên toàn tuyến Quốc lộ 1 cũng như các công việc và lộ trình thực hiện các giai đoạn tiếp theo đã được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

d) Cung cấp số liệu công trình vi phạm, công trình cần giải tỏa trong hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ (do đơn vị quản lý) cho các địa phương để làm cơ sở đền bù giải phóng mặt bằng trong các giai đoạn tiếp theo;

đ) Tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo báo cáo của cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải và các địa phương để báo cáo Bộ Giao thông vận tải; quản lý kinh phí được giao theo đúng quy định.

3. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Lập Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao đối với hành lang an toàn đường sắt (trong các giai đoạn);

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành đường sắt phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm;

c) Khẩn trương lập dự toán kinh phí thực hiện lập lại hành lang an toàn đường sắt giai đoạn I (đối với phần công việc thuộc trách nhiệm của ngành đường sắt) báo cáo và đề xuất phương án thực hiện với Bộ Giao thông vận tải;

d) Tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường sắt theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các địa phương để báo cáo Bộ Giao thông vận tải; quản lý kinh phí được giao theo đúng quy định.

4. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

a) Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đề xuất các phương án giải quyết; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt.

b) Chủ động phối hợp với Tổ công tác liên ngành, Tổ cưỡng chế của địa phương để lập dự toán, tổng hợp kinh phí phải đền bù giải tỏa trong hành lang an toàn đường sắt và các công trình làm mất an toàn giao thông đường sắt; cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm;

c) Lập kế hoạch và triển khai xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly an toàn giao thông đường sắt; xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui mới, cải tạo các đường ngang hiện có; cắm đầy đủ mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến bàn giao cho các địa phương quản lý.

d) Lập dự toán kinh phí thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong các giai đoạn) để báo cáo về Cục Đường sắt Việt Nam; quản lý kinh phí được giao theo đúng quy định.

5. Văn phòng Bộ:

Tiếp tục tổ chức thực hiện và đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các công việc được giao trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tại công văn số 8497/BGTVT-VT ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giao thông vận tải;

6. Thanh tra Bộ hướng dẫn lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải:

a) Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ, các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động các chủ công trình có công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

c) Tham gia thành viên Tổ cưỡng chế (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Tổ trưởng) để cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

7. Vụ Tài chính:

a) Phối hợp với cơ quan tham mưu có liên quan của Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế bố trí, phân bổ kinh phí, chính sách bồi thường, hỗ trợ công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trong quá trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

b) Tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do các cơ quan được giao nhiệm vụ báo cáo để tham mưu cho Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này.

8. Vụ Pháp chế:

Tổng hợp báo cáo, kiến nghị của các Vụ, Cục chức năng về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản các vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản các quy phạm pháp luật của Bộ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan cho phù hợp với yêu cầu về quản lý, bảo vệ và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

9. Giao cho Vụ Vận tải làm đầu mối giúp Bộ trưởng đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải để báo cáo Lãnh đạo Bộ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

10. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới và các cơ quan chức năng của địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan của ngành giao thông vận tải để tổ chức thực hiện các nội dung công việc và mốc thời gian được giao tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp dự toán kinh phí, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gửi về Cục Đường bộ Việt Nam (đối với hành lang an toàn đường bộ), Cục đường sắt Việt Nam (đối với hành lang an toàn đường sắt) để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, CT, XD, CA, TN&MT;
- UBND tỉnh, Tp. trực thuộc TW;
- Các thứ trưởng Bộ GTVT;
- VPTT Ủy ban ATGTQG;
- Các Sở GTVT, Sở GTCC;
- Các Khu QLĐB;
- Lưu: VT, V.tải (10b).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 315/BGTVT-VT về việc thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 315/BGTVT-VT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản