Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 8497/BGTVT-VT

Hà Nội, ngày 31  tháng 12 năm 2007

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Căn cứ Mục 3, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đồng thời để thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt (dưới đây gọi chung là Kế hoạch) với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a. Tuyên truyền để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ (hoặc ảnh hưởng đến) công trình giao thông và cộng đồng dân cư dọc hai bên đường bộ, đường sắt có nhận thức đầy đủ, rõ ràng các quy định của pháp luật về công tác này. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

b. Các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân dọc hai bên đường bộ, đường sắt biết và thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và các nội dung chính của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu:

a. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đường sắt biết được rõ hơn các quy định của pháp luật và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nắm được nguyên nhân và hậu quả của việc vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông đường bộ, đường sắt; nắm được các công việc, các mốc thời gian cụ thể cần được thực hiện trong Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

b. Tạo được sự thay đổi cơ bản về nhận thức của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông;

c. Nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là đối với các chủ công trình dọc hai bên các công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

II. PHƯƠNG PHÁP TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp tuyên truyền với phương châm: kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp.

2. Chủ động trong việc biên soạn tài liệu và có hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của từng đối tượng có liên quan. Tuyên truyền theo nhiều tuyến, nhiều chiều, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ văn hóa, giáo dục từng khu vực, từng vùng, miền…

3. Gắn công tác tuyên truyền với công tác thực thi pháp luật của lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng Công an và các cấp chính quyền địa phương cũng như công tác chuẩn bị thực hiện giải tỏa vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.

4. Huy động được các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng đoàn thể tham gia phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kết hợp với việc treo các khẩu hiệu tuyên truyền, phương án nô, áp phích… để các đối tượng có liên quan được tiếp nhận nhiều hơn các thông tin về an toàn giao thông, nắm được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN

1. Phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

2. Tuyên truyền về vai trò, tác dụng của hành lang an toàn trong việc bảo vệ sự bền vững của công trình giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế và phòng ngừa tai nạn giao thông.

3. Tuyên truyền về thực trạng công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông; nguyên nhân và hậu quả của việc vi phạm các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

4. Tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của: các cấp chính quyền địa phương; của ngành giao thông vận tải; của các tổ chức, cá nhân khác có khai thác sử dụng (các lợi ích) trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

5. Tuyên truyền các công việc và lộ trình thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, cụ thể như sau:

5.1. Đối với hành lang an toàn đường bộ:

a. Giai đoạn I: Từ nay đến hết quá II năm 2008:

- Từ 01 tháng 01 năm 2008 đến ngày 28 tháng 02 năm 2008: Tổ chức tuyên truyền, vận động các đơn vị, cá nhân tự nguyện tháo dỡ các công trình, lều quán xây dựng trái phép, vi phạm trên đất hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù, xử lý;

- Đến trước ngày 31 tháng 3 năm 2008: các Khu quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù xử lý; thống kê các công trình, lều quán xây dựng trái phép;

- Từ ngày 01 tháng 4 năm 2008 đến ngày 30 tháng 6 năm 2008: Thực hiện cưỡng chế, giải tỏa dứt điểm trong phạm vi từ 5m ÷ 7m đã được đền bù giải tỏa thuộc các đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 được quy định trong Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Thủ tướng Chính phủ.

b. Giai đoạn II: Từ quý III năm 2008 đến năm 2010:

- Đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2008: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào quốc lộ, hệ thống đường gom đến năm 2010, thỏa thuận với Bộ Giao thông;

- Đến trước ngày 31 tháng 3 năm 2009:

+ Thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vị từ 5m ÷ 7m đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ;

+ Ủy ban nhân dân các địa phương lập dự toán kinh phí đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường bộ và các công trình làm mất an toàn giao thông, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

c. Giai đoạn III: Từ năm 2010 đến năm 2020:

- Đền bù, giải tỏa xong hành lang an toàn đường bộ trên toàn quốc theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ;

- Hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ bàn giao cho địa phương quản lý.

5.2. Đối với hành lang an toàn đường sắt:

a. Giai đoạn I: Từ nay đến hết năm 2008:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người hiểu rõ các quy định của pháp luật về đường sắt, đặc biệt là hành lang an toàn đường sắt;

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đề xuất các phương án giải quyết; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt;

- Cải tạo nâng cấp các đường ngang hiện có và bổ sung mới các đường ngang.

b. Giai đoạn II: Từ năm 2009 đến hết năm 2010:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hệ thông đường gom thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải trước ngày 12 năm 2009;

- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương lập dự toán, tổng hợp kinh phí đền bù giải tỏa trong hành lang an toàn đường sắt và các công trình làm mất an toàn giao thông đường sắt;

- Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm;

- Cắm đầy đủ mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến bàn giao cho các địa phương quản lý;

- Xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly an toàn giao thông đường sắt;

- Xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui mới;

- Trong năm 2009, tập trung giải quyết các công việc nêu trên tại các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và tại các địa phương khác có các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông;

- Trong năm 2010 thực hiện đối với các địa phương còn lại.

c. Giai đoạn III: Từ năm 2011 đến năm 2020: xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ:

- Từ năm 2011 đến năm 2015 tập trung cho tuyến đường sắt Bắc – Nam;

- Từ năm 2016 đến năm 2020 tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công tác biên soạn tài liệu: Căn cứ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, các quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ và nội dung Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đồng thời bổ sung thêm những việc làm, kinh nghiệm hay trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được xử lý, cưỡng chế giải tỏa… để biên soạn các tài liệu phục vụ Kế hoạch này.

Các cơ quan được phân công (dưới đây) chủ động phối hợp cùng thực hiện, cụ thể như sau:

a. Tài liệu tuyên truyền về hành lang an toàn đường bộ:

- Cơ quan chủ trì: Cục đường bộ Việt Nam;

- Cơ quan phối hợp: Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ;

- Thời gian: Trước 15 tháng 02 năm 2008;

- Số lượng khoảng trên 20.000 cuốn sách, tờ rơi, khẩu hiệu…

b. Tài liệu tuyên truyền về hành lang an toàn đường sắt:

- Cơ quan chủ trì: Cục Đường sắt Việt Nam;

- Cơ quan phối hợp: Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ;

- Thời gian: Trước 15 tháng 02 năm 2008;

- Số lượng: khoảng trên 10.000 cuốn sách, tờ rơi, khẩu hiệu…

2. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:

Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với các Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam để đề nghị (hoặc ký hợp đồng) với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương mở thêm các chuyên mục và tăng thời lượng thông tin tuyên truyền về bảo vệ hàng lang an toàn đường bộ, đường sắt; các thông tin về quy hoạch giao thông, tổ chức bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu và phê phán những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

3. Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư:

a. Vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư dọc hai bên các tuyến đường bộ nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu giao thông, phát quang hai bên lề đường, phát hiện và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý đường bộ các vi phạm, các điểm gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt;

b. Các Cục quản lý chuyên ngành phối hợp với các Khu quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ, đường sắt về các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt được sử dụng từ nguồn kinh phí bảo đảm an toàn giao thông năm 2008 do ngân sách Nhà nước cấp.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Vận tải có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các cơ quan phối hợp và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt;

2. Văn phòng Bộ căn cứ nội dung tuyên truyền và công việc cần thực hiện của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đề xuất thành lập (có thời hạn) Tổ tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt để: Tổ chức phối hợp thực hiện công tác biên soạn tài liệu, dự toán kinh phí và triển khai thực hiện Kế hoạch; Tổng hợp các vấn đề phát sinh, báo cáo Lãnh đạo Bộ có chỉ đạo kịp thời công tác tuyên truyền được phù hợp với tiến độ thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Thủ tướng Chính phủ.

3. Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện các nội dung cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm bảo đảm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông đường bộ, đường sắt đi vào thực tế và đạt hiệu quả thiết thực.

4. Vụ Pháp chế căn cứ các nội dung của Kế hoạch này để tổng hợp vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Giao thông vận tải năm 2008.

5. Thanh tra Bộ hướng dẫn lực lượng Thanh trao giao thông đường bộ, Thanh tra giao thông đường sắt tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ và các cấp chính quyền địa phương để thực hiện thắng lợi Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

6. Trên cơ sở Kế hoạch tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn công trình giao thông đường bộ, đường sắt của Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện ở địa phương để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: CA, XD, CT, TN&MT, NN&PTNN;
- UBND tỉnh, t. phố trực thuộc TƯ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- TTVP Ủy ban ATGTQG;
- Cục CSGT ĐB-ĐS (đề nghị phối hợp);
- Các Cục: ĐBVN, Đường sắt VN;
- Các Vụ: Pháp chế, Vận tải, Tài chính;
- Văn phòng Bộ;
- Thanh tra Bộ;
- Các Sở GTVT, Sở GTCC;
- Các Khu QLĐB;
- Tổng công ty ĐSVN;
- Lưu: VT, V.tải (8)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch số 8497/BGTVT-VT về tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 8497/BGTVT-VT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Hồng Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản