Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
TỔ NCXT VÀ ĐIỀU HÀNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2983 TM/KHTK

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2002

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

Tại công văn số 2479/VPCP/KTTH, ngày 13/5/2002, của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: đồng ý tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ Nghiên cứu, xúc tiến và điều hành thị trường trong nước (gọi tắt là Tổ). Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Tổ đã tiếp tục duy trì hoạt động và nay xin gửi tới Thủ tướng bản Báo cáo Tình hình thị trường trong nước 7 tháng đầu năm 2002.

BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2002

I- TỔNG QUAN TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU

1- Xuất khẩu

7 tháng đầu năm: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 10.277 triệu USD, bằng 53,2% kế hoạch năm và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2001. Trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước đạt 8.724 triệu USD, bằng 95,8% cùng kỳ năm 2001 và bằng 52,6% kế hoạch năm.

Các mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản: kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm trên 7% so với cùng kỳ năm 2001; trong đó thủy sản đã vươn lên, kim ngạch tăng 2%, cao su, chè, hạt điều và lạc nhân có sự tăng trưởng khá cao cả về khối lượng lẫn kim ngạch; gạo, cà phê, rau quả vẫn trong tình trạng kim ngạch giảm.

Các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2001; trong đó tăng khá nhất là dệt may, giày dép và thủ công mỹ nghệ. Riêng hàng điện tử và linh kiện máy tính vẫn giảm 26,4%.

Dầu thô giảm 4,4% về khối lượng nhưng do giá vẫn ở mức thấp nên kim ngạch giảm 17,8% (giảm 370 triệu USD);

Nhóm các mặt hàng khác giảm gần 3%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng là: sữa (giảm 42,4%), dầu thực vật (giảm 52%), mỳ ăn liền (giảm 21,2%), đường kính (năm ngoái xuất khẩu 15 triệu USD, nay hầu như không xuất khẩu); các mặt hàng xuất khẩu phi mậu dịch giảm 13,5%.

2- Nhập khẩu

7 tháng đầu năm 2002: kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 11.502 triệu USD, bằng 58,1% kế hoạch năm và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2001. Trong đó: kim ngạch hàng hóa ước đạt 10.167 triệu USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2001 và bằng 58,1% kế hoạch năm.

Phần lớn các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất tăng khối lượng nhập khẩu: sợi tăng 39%, bộ linh kiện ô tô tăng 36,6%, phân bón tăng 34,7%, máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 29,1%, giấy tăng 25,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 20,9%, thép thành phẩm tăng 13,1%, xăng dầu tăng 6,7%...; giảm nhập khẩu có linh kiện xe gắn máy, bông và linh kiện điện tử.

Nhập siêu 7 tháng đầu năm là 1.225 triệu USD, trong đó phần dịch vụ xuất siêu 218 triệu USD và phần hàng hóa nhập siêu 1.443 triệu USD, bằng 16,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

II- TỔNG QUAN VỀ LƯU THÔNG HÀNG HÓA TRONG NƯỚC

1- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

7 tháng, ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2001 (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng khoảng 8,8%); hầu hết các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm 2001, trong đó: TP. Hà Nội, khoảng đạt 16,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14%.

2- Giá cả

Nhìn chung, giá cả trên thị trường nội địa tương đối ổn định, riêng giá nông sản có xu hướng tăng nhanh so với các nhóm hàng khác, vì vậy cánh kéo giá nông sản và hàng công nghiệp thu hẹp hơn so với những tháng cuối năm 2001.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm 0,1% so với tháng 6; tăng 2,8% so với tháng 12 năm 2001 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2001. Trong đó chỉ số giá tiêu dùng ở khu vực nông thôn: giảm 0,2% so với tháng 6, tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2001 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2001.

3- Một số mặt hàng đáng lưu ý

Lương thực: các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch sớm lúa Hè-Thu để tránh lũ, nên nguồn cung thóc, gạo tăng, làm giá cả những ngày đầu tháng 7 giảm. Giá lúa Hè - Thu tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang giảm trung bình từ 50 - 100 đ/kg, xuống còn 1.550 - 1.650 đồng/kg; giá gạo tẻ thường 2.800 - 2.900 đ/kg.

Tại các tỉnh phía Bắc, vụ lúa Đông - Xuân đã thu hoạch xong và đang tập trung vào gieo cấy vụ lúa Mùa. Giá lúa gạo có xu hướng nhích lên, giá thóc tăng 50 - 100 đ/kg, lên 1.950 - 2.300 đ/kg và gạo tẻ thường lên 2.850 - 3.100 đ/kg.

Cà phê: 7 tháng đầu năm giá xuất khẩu ở mức thấp nên giá ở thị trường trong nước tiếp tục đứng ở mức thấp. Đầu tháng 7, giá chào bán cà phê robusta loại 2 của Việt Nam chỉ đạt 455 - 460 USD/tấn, nên tại các tỉnh Lâm Đồng Đắc Lắc, Đồng Nai, giá cà phê loại xô; 5.800 - 6.100 đ/kg; cà phê loại 1: 6.800 - 7.000 đ/kg. Những ngày cuối tháng 7, giá đã tăng 100-200 đ/kg.

Thủy sản: tuy đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng giá cá basa và cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn tăng khoảng 200 - 500 đ/kg so với đầu năm, với mức giá này, các hộ nông dân có lãi khoảng 20-30%. 7 tháng đầu năm sản xuất, kinh doanh thủy sản gặp khó khăn là: tôm chết ở nhiều địa phương (chủ yếu do nuôi không theo đúng hướng dẫn của Bộ Thủy sản), nên thiếu nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu.

Mía đường: sản lượng mía niên vụ 2001-2002 đạt 15,5 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn so với vụ trước; sản xuất được trên 1 triệu tấn đường các loại, tăng 5,2% so với vụ trước; trong đó: sản xuất công nghiệp tiêu thụ 8,5 triệu tấn mía, sản xuất được khoảng 760 ngàn tấn đường; sản xuất thủ công tiêu thụ 6 triệu tấn mía, sản xuất được khoảng 300 ngàn tấn đường.

Giá đường cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 200 - 400 đồng/kg. Hiện nay, phổ biến ở mức 6.300- 6.500 đồng/kg, cao hơn giá thế giới nên đường nhập lậu tiếp tục tràn vào nội địa (tại cửa khẩu, đường Thái Lan 4.600- 4.650 đồng/kg).

Phân bón: khối lượng tiêu thụ giảm 13% so với cùng kỳ năm 2001, chủ yếu do chuyển đổi diện tích trồng cây công nghiệp, sang nuôi trồng thủy sản vượt 40% so với dự kiến (riêng lúa giảm khoảng 30 ngàn ha, so với cuối năm 2001); phù sa bồi đắp nhiều hơn mọi năm, nông dân giảm sử dụng phân.

Giá u rê từ 2.400 - 2.450 đồng/kg giảm còn 2.000 - 2.200 đồng/kg. Tiêu thụ phân bón sản xuất nội địa vẫn rất khó khăn do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Xăng dầu: do giá trên thị trường thế giới biến động, từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, điều chỉnh tăng giá bán dầu hỏa lên 300 đồng/lít và ma zút lên 200 đồng/kg.

7 tháng đầu năm, vấn đề nổi lên là ngoại tệ nhập khẩu rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ/ngành đã có nhiều biện pháp để đảm bảo ngoại tệ cho các doanh nghiệp, từ cuối tháng 6, đã đảm bảo ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu. Nhưng do đủ lực lượng đáp ứng nhu cầu, nên giá bán lẻ các loại xăng dầu tương đối ổn định.

Sắt thép: 7 tháng đầu năm, thị trường trong nước sôi động và tiêu thụ khá tốt, một số nhà máy còn ký được hợp đồng xuất khẩu sang Cămpuchia, như: công ty thép miền Nam, công ty thép Tây Đô, công ty thép Linh Xuân.

Hiện nay, thép tấm phổ biến ở mức 5.000 - 5.500 đ/kg, thép phi 6, 8 liên doanh tại các đại lý vẫn ổn định ở mức 4.650 đ/kg, nhưng trên thị trường phổ biến ở mức 4.900 đ/kg, có nơi bán tới 5.000 đ/kg, nguyên nhân chủ yếu do giá phôi thép trên thế giới tăng và nhu cầu xây dựng tăng.

Xi măng: nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng, Bộ Xây dựng cùng các Bộ/ngành đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng nhập khẩu Clinker, bỏ thu chênh lệch giá Clinker nhập khẩu, chuyển xi măng từ miền Bắc vào miền Nam... nên thị trường ổn định về giá và đủ về lượng, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng.

3- Bán hàng chính sách ở các tỉnh miền núi

Muối iốt: 7 tháng ước bán 33.800 tấn, bằng 45% kế hoạch năm và bằng 95% cùng kỳ năm 2001. Có nhiều tỉnh đã tăng mức bán so với cùng kỳ năm 2001 là: Đắc Lắc, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Gia Lai...

Dầu hỏa: 7 tháng ước bán 11.800 tấn, so với cùng kỳ năm 2001, bằng 54% kế hoạch và tăng 7%. Có nhiều tỉnh mức bán tăng so với cùng kỳ năm 2001 là: Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Gia Lai, Lâm Đồng...

4- Quản lý thị trường

7 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại công điện 1254/VPCP, ngày 14/3/2002 của Văn phòng Chính phủ và phương án số 0993/BCĐ 127, ngày 20/3/2002 của Ban chỉ đạo 127 TW. Mặc dù có đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung tình hình vẫn chưa chuyển biến rõ rệt và không đồng đều ở các địa phương; thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn: buôn lậu vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến; hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn; sự chống trả người thi hành công vụ của chúng cũng trắng trợn và quyết liệt hơn.

Tình trạng đáng lưu ý là: việc chỉ thu thuế hàng hóa khi lưu thông, không quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, nên các thương nhân đã sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính lưu thông hàng nhập khẩu; hàng nhập lậu bày bán công khai tại các trung tâm thương mại, chợ ở khu vực biên giới...

6 tháng đầu năm lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý khoảng 38 ngàn vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất buôn bán hàng giả, kém chất lượng; kinh doanh trái phép...; tổng số tiền thu được 63 tỷ đồng.

III- MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ

1- Một số nhận định

(1) Nhìn chung từ đầu năm đến nay thị trường ổn định, không có biến động lớn, ảnh hưởng xấu tới sản xuất và tiêu dùng. Lưu thông hàng hóa phát triển trên tất cả các địa phương trong cả nước, góp phần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và nâng cao mức sống của dân cư. Sức mua ở khu vực nông thôn sau một thời gian dài không tăng, nay đã tăng (đến tháng 7 đã tăng 4,4%, so với cùng kỳ 2001).

(2) Về khối lượng và tốc độ hàng hóa lưu chuyển trên thị trường: nhiều mặt hàng bán ra tăng hơn cùng kỳ năm 2001 như: thép, xi măng, gạo, thực phẩm, hàng ăn uống giải khát, hàng mỹ phẩm, hàng may mặc, giày, dép..., những mặt hàng năm 2001 chậm tiêu thụ nay cũng đã tiêu thụ được, như: vải, quần áo may sẵn....

(3) Cơ cấu hàng hóa: chủng loại hàng hóa có giá trị lớn như: đất, nhà ở loại kiên cố, ô tô, xe máy... đang tăng dần tỷ trọng quỹ hàng hóa tiêu dùng của dân cư, không còn hạn hẹp như trước đây.

(4) Về giá cả: từ đầu năm 2002 đến nay, giá lương thực và thực phẩm tăng, có lợi cho nông dân và làm cho sức mua 7 tháng đầu năm ở khu vực nông thôn tăng khoảng 4% so với cùng kỳ 2001. Tuy nhiên, việc giá mua gom tăng cũng đang làm xuất khẩu nông sản gặp khó khăn (do giá thị trường thế giới không tăng tương ứng).

(5) Về tổ chức mua gom và bán hàng:

Về mua gom hàng hóa của các doanh nghiệp đã dần hình thành mạng lưới ổn định; nông sản sản xuất ở các vùng tập trung, việc mua gom nhiều nông sản đã bắt đầu thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp người sản xuất chủ động đầu tư, thâm canh nâng cao năng suất, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Riêng việc mua gạo, cà phê cho xuất khẩu, năm nay có tình hình khác với những năm trước: giá xuất khẩu có nhích lên, nhưng giá mua trong nước lại tăng nhanh hơn, nên xuất khẩu gặp khó khăn.

Về bán hàng: các doanh nghiệp ngày càng tổ chức thêm nhiều cửa hàng, điểm bán hàng; mở rộng mạng lưới tiêu thụ thông qua hình thức đại lý... để tiêu thụ sản phẩm. Ở khu vực nông thôn: hình thức đại lý hình thức bán hàng của các doanh nghiệp đã góp phần làm cho thị trường phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tạo điều kiện để phát triển dại lý bán hàng ở nông thôn, do hình thức này phù hợp với quản lý và các điều kiện về bán hàng của người dại lý ở nông thôn (là nông dân, vốn nhỏ bé, cơ sở cửa hàng, địa điểm bán hàng đa dạng...).

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã mở các cửa hàng mẫu để giới thiệu và tiếp cận người tiêu dùng; xây dựng hệ thống cửa hàng, siêu thị (bao gồm cả cửa hàng tự chọn), để tăng khả năng bán hàng, phục vụ tiêu dùng của dân cư.

(6) Thương nghiệp nhà nước chủ động trong việc: tổ chức lưu thông các mặt hàng thiếu yếu; củng cố và phát triển mạng lưới bán lẻ, nhất là ở khu vực miền núi, đảm bảo lưu thông các mặt hàng chính sách tới các cụm xã: đi đầu thực hiện văn minh thương nghiệp và nâng cao chất lượng trong khâu bán lẻ.

(7) Thương nghiệp tư nhân và cá thể, tiếp tục có vị trí chủ yếu trong khâu bán lẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư; là lực lượng quan trọng trong tổ chức tiêu thụ nông sản, mua gom, tạm trữ nông sản xuất khẩu.

(8) Vệ sinh và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Bao bì, nhãn, mác hàng hóa phát triển chưa theo kịp yêu cầu của người tiêu dùng.

(9) Công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức, người tiêu dùng thường không được đảm bảo quyền lợi khi tranh chấp về mua, bán hàng hóa.

2- Một số đề nghị

- Các Bộ/ngành tiếp tục tạo điều kiện để phát triển hình thức mua gom nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân; trong đó Bộ Thương mại chỉ đạo doanh nghiệp tham gia xuất khẩu theo các hợp đồng Chính phủ phải có hợp đồng ký với người sản xuất.

- Đề nghị Bộ Tài chính đến đầu quý III/2002, giải quyết xong các vấn đề kỹ thuật để áp dụng VAT bằng 0% đối với mặt hàng là vật tư, nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

- Đề nghị Chính phủ: giao cho Ngân hàng nghiên cứu, hình thức hỗ trợ cho các đại lý bán hàng, để phát triển hình thức này, nhất là ở khu vực nông thôn (có thể bằng cách cho các đại lý vay vốn với lãi suất ưu đãi để thế chấp, khi nhận làm đại lý); giao Bộ Thương mại phối hợp với các Bộ/ngành xây dựng dự án và tổ chức kinh doanh kho chứa hàng tại các cửa khẩu, chợ nông sản ở khu vực đường biên; chấp nhận ý các kiến nghị của Ban chỉ đạo 127/TW tại báo cáo số 2642/BCĐ-TW, ngày 9/7/2002, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại 6 tháng đầu năm và giải pháp từ nay đến cuối năm 2002./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG, TỔ PHÓ TỔ NCXT VÀ ĐIỀU
HÀNH THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC




Lê Danh Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2983 TM/KHTK ngày 31/07/2002 của Bộ Thương mại về việc duy trì hoạt động của Tổ Nghiên cứu, xúc tiến và điều hành thị trường trong nước

  • Số hiệu: 2983TM/KHTK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/07/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Lê Danh Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản