BAN CHỈ ĐẠO 127-TW | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2642/BCĐ-TW | Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2002 |
BÁO CÁO
CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ GIẢI PHÁP TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2002
I- TÌNH HÌNH BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện, thu được một số kết quả, nhưng nhìn chung tình hình chưa chuyển biến rõ rệt và không đồng đều ở các địa phương; thậm chí, có mặt còn nghiêm trọng hơn: Buôn lậu vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến; các mặt hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn; sự chống trả người thi hành công vụ của chúng cũng quyết liệt và trắng trợn hơn.
Tình hình cụ thể trên một số tuyến như sau:
a, Tuyến biên giới Việt - Trung.
Tại Lạng Sơn: Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại diễn ra trên cả đường bộ, đường sắt, các chợ và trung tâm thương mại. Trên Đường bộ: Sau khi vận chuyển qua biên giới, hàng được tập kết ngay đường biên ở phía Việt Nam, sau đó được xét nhỏ, vận chuyển nhiều lần trên các loại xe con, xe khách, xe du lịch; cao điểm, một ngày có tới 300-400 xe và hầu như xe nào cũng có hàng lậu. Trên tuyến đường sắt, ngoài các thủ đoạn thông thường, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng một số quy định bất hợp lý hoặc chủ trương khác nhau giữa các ngành để vận chuyển hàng lậu. Tại các chợ và trung tâm thương mại, hàng lậu bày bán công khai và không tuân thủ Quy chế Ghi nhãn hàng hóa. Đặc biệt, việc không quan tâm đến xuất xứ của hàng hóa, chỉ thu thuế trên khâu lưu thông đã tạo điều kiện cho các đối tượng làm ăn phi pháp dùng hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành để lưu thông hàng nhập lậu trong cả nước sau khi đã qua biên giới, làm thất thu thuế xuất nhập khẩu và hợp thức hóa cho hàng lậu.
Việc tổ chức, chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) chưa kiên quyết và triệt để dẫn đến tình trạng tồn tại đường dây buôn lậu lớn, phạm vi hoạt động rộng, nhiều năm mà chính quyền và các lực lượng liên quan ở địa phương không xử lý, vụ hang Dơi là một điển hình.
Tại Quảng Ninh: Tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp và những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Ngoài các mặt hàng vải, quần áo may sẵn và các mặt hàng tiêu dùng khác, nổi lên việc nhập lậu xi măng Trung Quốc. Ngoài ra, 3 mặt hàng là đường, thuốc lá, dầu DO tạm nhập, tái xuất và chuyển khẩu qua Việt Nam có dấu hiệu được nhập lậu trở lại, đã phát hiện một số trường hợp.
Việc vận chuyển hàng lậu trên biển vẫn tiếp diễn, kết quả ngăn chặn rất hạn chế.
b, Tuyến biên giới Việt - Lào.
Tại Quảng Trị: Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp hơn so với trước, nhất là từ khi Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo đi vào hoạt động. Trước đây, hàng hóa thẩm lậu trên phạm vi tương đối hẹp thì nay với diện tích gần 16.000 ha, dân số khoảng 25.000 người, đa số là nghèo và chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, vì thế, hàng hóa thẩm lậu dễ dàng hơn. Điểm nóng về buôn lậu vẫn là khu vực cửa khẩu Lao Bảo. Lượng thuốc lá nhập lậu ở khu vực này khá lớn nhưng chưa phát hiện, triệt phá được các ổ nhóm và đường dây buôn lậu lớn; UBND tỉnh đang tìm các giải pháp để xử lý vấn đề này.
Tại Quảng Bình: Một số đối tượng buôn lậu trước đây đã bán tàu, thuyền, chuyển nghề khác, nay sắm lại phương tiện để hoạt động, nhưng tình hình buôn lậu được hạn chế nhiều do UBND tỉnh Quảng Bình sớm có kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo 127 của tỉnh đã triển khai hoạt động ngay tại các địa bàn trọng điểm như Thanh Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch... đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện tốt kế hoạch này.
Tại Hà Tĩnh: Tình hình buôn lậu vẫn diễn biến rất phức tạp, các đối tượng buôn lậu không chỉ hoạt động vào ban đêm mà ngay cả ban ngày, “cửu vạn” vẫn cõng hàng qua 2 bên cánh gà cửa khẩu Cầu Treo. Hàng lậu qua tuyến này nổi lên trong thời gian qua là nước giải khát “bò húc”, tivi, tủ lạnh...
Tại Nghệ An: Nhiều đối tượng buôn lậu đã dùng tàu, thuyền tổ chức buôn bán, đưa hàng lậu có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản vào Thị xã Cửa Lò, Huyện Quỳnh Lưu; ngoài ra, chúng còn tổ chức “đón” hàng lậu từ cửa khẩu Cầu Treo đưa qua huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên về TP Vinh để tiêu thụ.
c, Tuyến biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia.
Tại An Giang: Thực hiện kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 4/4/2002 của Ban chỉ đạo 127/ĐP, các ngành, các cấp đã triển khai khẩn trương, có các biện pháp rất cụ thể cho từng địa bàn, điển hình là Kế hoạch số 17/KH-PC15 về triển khai thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 127 tỉnh hay Phương án phối hợp số 84/PA,PC-15 của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh về tổng kiểm tra mặt hàng đường cát ở 4 địa bàn trọng điểm... Quá trình thực hiện bước đầu đã đem lại kết quả tốt, nhờ đó, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu đang tìm cách thay đổi phương thức hoạt động để đưa hàng qua biên giới. Điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn này vẫn là xã Vĩnh Xương, Vĩnh Ngươn và Thị xã Châu Đốc.
Tại Tây Ninh: Nhìn chung buôn lậu giảm nhưng khu vực 3 xã phía Tây huyện Trảng Bàng, nhất là khu vực Y9 - Châu Ó - Phước Chỉ, buôn lậu vẫn không giảm, do khu vực này có nhiều đường mòn qua biên giới. Thủ đoạn hoạt động đáng lưu ý của các đối tượng buôn lậu nơi đây là tổ chức vận chuyển hàng lậu từng đoàn có xe mở đường cản hậu để hộ tống.
Tại Long An: Tình hình buôn lậu giảm như ở An Giang do có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND và Ban chỉ đạo 127 tỉnh.
d, Tuyến biển: Hàng nhập lậu nổi lên trong thời gian qua là phụ tùng ô tô cũ, ngoài ra còn có hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, gạch ốp lát... Phương thức và thủ đoạn chủ yếu vẫn là dùng tàu, thuyền mang hàng ra nước ngoài bán rồi vận chuyển hàng lậu về nước ta, khi cách bờ khoảng 100-140 hải lý chúng sang mạn các tàu nhỏ, lợi dụng đêm tối chuyển hàng vào bờ hoặc bằng nhiều hình thức khác để đưa hàng vào đất liền. Một số đối tượng lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu để nhập lậu với số lượng lớn đã bị lực lượng Hải quan bắt giữ.
đ, Tuyến Hàng Không - Bưu điện: Hàng nhập lậu là các mặt hàng có thuế suất cao như điện thoại di động và linh kiện, hàng điện tử, tân dược, vải... Xuất lậu vẫn là cổ vật, ngoại tệ. Hàng ngàn kiện vải đã đi qua tuyến này. Phương thức hoạt động rất tinh vi và đối tượng vi phạm rất đa dạng, trong đó có cả các Tiếp viên Hàng không Việt Nam, điển hình là việc nhập lậu gần 400 điện thoại di động cùng nhiều linh kiện, gần 7 Kg vàng giấu vào xe chứa suất ăn của hành khách trong tháng 5 vừa qua tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.
e, Trên Tuyến Đường Sắt: Các mặt hàng tiêu dùng nhập lậu vẫn được vận chuyển bằng đường sắt từ biên giới vào trong nội địa, phức tạp nhất vẫn là tuyến Lạng Sơn - Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng Công An QLTT cùng ngành Đường Sắt xử lý được một số vụ việc, tình hình đã dịu xuống.
g, Trên thị trường nội địa: Nhiều mặt hàng nhập lậu vẫn được bày bán công khai, các đối tượng làm ăn phi pháp vẫn dùng mọi phương thức và thủ đoạn để lưu thông và hợp thức hóa hàng lậu. Từ khi triển khai phương án chống vai và thuốc lá ngoại nhập lậu, chúng rút vào hoạt động lén lút, bí mật hơn.
II- CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO VÀ MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC.
1- Tổ chức, chỉ đạo của Ban.
- Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Ban đã có Phương án 0993/BCĐ127 ngày 20/3/2002; Công điện số 13/BCĐ-127TW ngày 3/4/2002, chỉ đạo triển khai đồng bộ chủ trương của Chính phủ; tiếp đó, tổ chức theo dõi, bắt giữ và xử lý các tàu buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam; phát hiện, ngăn chặn và xử lý một số sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc như dược phẩm, xi măng, thịt lợn... Ban chỉ đạo 127 nhiều địa phương đã chỉ đạo kịp thời và có kết quả.
- Đ/c Trưởng Ban đã có Thư gửi Đ/c Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đề nghị các tổ chức đó huy động lực lượng tham gia chống buôn lậu và gian lận thương mại; đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-Xã hội chấn chỉnh hiện tượng một số ít thương binh lợi dụng Thẻ Thương Binh tiếp tay cho buôn lậu, hàng bị bắt giữ thì huy động một số Thương Binh gây áp lực đòi trả hàng, có lúc lên tới vài chục người.
- Cử Đoàn đi các địa bàn trọng điểm và một số Trạm kiểm soát liên hợp để kiểm tra, nắm tình hình và kiến nghị các giải pháp chống buôn lậu; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chống đường nhập lậu tuyến biên giới Tây Nam vào ngày 26/4/2002, tại TP Hồ Chí Minh.
- Triển khai phương án chống buôn lậu một số mặt hàng:
+ Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 4951/VPCP ngày 19/10/2001 của Văn phòng Chính phủ đã triển khai Phương án kiểm tra, kiểm soát vải ngoại tại một số chợ đầu mối tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Bước đầu, đã điều tra, thống kê số hộ kinh doanh vải trên địa bàn; tuyên truyền, phát tờ khuyến cáo “kinh doanh vải nhập lậu là phạm pháp” đến các hộ kinh doanh; phối hợp với các phường, các ban quản lý chợ vận động các hộ kinh doanh ký cam kết “không kinh doanh vải nhập lậu”; chỉ trong một tháng, riêng lực lượng QLTT đã xử lý tịch thu 76.326 mét vải.
+ Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 1259/VPCP-VI ngày 14/3/2002 của Văn phòng Chính phủ; Bước đầu đã thực hiện thí điểm kiểm tra thuốc lá điếu nhập lậu bày bán trên địa bàn Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 18/2002/CT-UB ngày 16/4/2002 về việc kiểm tra, kiểm soát thuốc lá điếu nhập lậu lưu thông trên địa bàn thành phố. Kết quả bước đầu, chỉ riêng lực lượng QLTT đã phát hiện và tịch thu 105.221 bao thuốc lá ngoại các loại, tình trạng bày bán công khai có phần giảm bớt.
- Phối hợp giải quyết một số vụ việc như: Xử lý bộ linh kiện xe ô tô TOYOTA và xe FORT Transit dạng CKD2 nhập khẩu của 2 công ty TOYOTA và FORT Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giải quyết; trình Chính phủ phương án xử lý sản phẩm “Hoa lễ hội tạo vui bằng giấy” do công ty TNHH Vật liệu nhiệt điện lạnh (CSR) nhập khẩu và lưu thông trên thị trường nội địa, đã được Chính phủ đồng ý phương án tịch thu và cho tiêu hủy; trình Chính phủ phương án xử lý mặt hàng “hộp đựng nước nóng” hay “bình pha trà”, được Chính phủ đồng ý giao Tổng cục Hải quan dán tem mặt hàng nhập khẩu này.
2- Tổ chức, chỉ đạo của các Bộ, ngành:
+ Bộ Công an có điện số 117 chỉ đạo lực lượng Công An cả nước thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, Tổng cục CSND có kế hoạch 943 yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong tình hình mới. Nhiều đơn vị trong ngành cũng đã có kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn được phân công.
+ Ngày 21/3/2002, Tổng cục Hải quan có Chỉ thị số 1191/TCHQ-ĐT chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, Tp trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc triển khai gấp một số biện pháp nhằm tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra, còn ban hành một số văn bản khác yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu một số mặt hàng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua như phụ tùng ô tô cũ, đường, nước giải khát, dược phẩm và xi măng kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất... Trong lĩnh vực đấu tranh chống ma tuý, Tổng cục đã có kế hoạch số 1371/TCHQ ngày 3/4/2002.
+ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có Chỉ thị số 29/CT-BTL ngày 15/4/2002 về việc yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh, các đơn vị trực thuộc các tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đồng thời, cùng với Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế phối hợp giữa 2 lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
+ Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có Công văn số 1388 TCT/NV6 ngày 1/4/2002 chỉ đạo Cục Thuế các địa phương phối hợp với các ngành chức năng tham gia chống buôn lậu và gian lận thương mại với các nội dung rất cụ thể. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư liên tịch số 52/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 4/6/2002 nhằm đấu tranh chống gian lận trong việc nâng khống tỷ lệ nội địa hóa để giảm thuế xuất nhập khẩu linh kiện xe gắn máy.
+ Lực lượng QLTT có kế hoạch số 65/QLTT ngày 5/4/2002 yêu cầu Chi cục QLTT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm túc các nội dung và yêu cầu cụ thể trong Phương án hành động số 0993 ngày 20/3/2002 của Ban chỉ đạo 127/TW.
3- Tổ chức, chỉ đạo của các địa phương.
Đến nay, đã có 60/61 tỉnh, thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gửi về Ban chỉ đạo 127/TW (có phụ lục kèm theo). Nhiều tỉnh, các ngành, các cấp của địa phương đã có phương án rất cụ thể để thực hiện kế hoạch như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An... tại Quảng Trị, việc bố trí lực lượng chống lậu tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo còn lúng túng; cá biệt, có địa phương việc triển khai nặng về hình thức, kết quả thực hiện rất hạn chế, tình hình chưa có chuyển biến.
4- Một số kết quả cụ thể.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 15.985 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, với tổng số thu gần 76 tỷ đồng (bao gồm cả các lực lượng chức năng ở địa phương, trong đó có sự phối hợp của cơ quan Thuế), cụ thể từng lực lượng như sau:
- Lực lượng Công An đã bắt giữ, xử lý 1.216 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu giữ 16,25 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 29 vụ, xử lý hành chính 553 vụ, chuyển cơ quan khác 156 vụ (tính đến 20/5/2002); vừa qua, Cục Cảnh sát Kinh tế, Tổng cục Cảnh sát nhân dân đã phát hiện, bắt giữ đường dây buôn lậu lớn nhất ở miền Bắc, tồn tại nhiều năm nay tại hang Dơi, Văn Lãng, Lạng Sơn, thu giữ gần 100 tấn hàng hóa các loại, bắt hàng chục đối tượng; vụ việc đang được Tổng cục Cảnh sát làm rõ.
- Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 1.854 vụ buôn lậu và gian lận thương mại với tổng số hàng hóa vi phạm trên 27 tỷ đồng, trong đó có việc bắt quả tang 3 vụ buôn bán hàng lậu với số lượng gần 1000 tấn dầu Diezel; đáng lưu ý có việc thu giữ 4.614.070 USD, 7 Kg vàng, 48 viên thuốc tân dược cấm nhập khẩu, 400.000 bao thuốc lá ngoại, hàng trăm tấn phụ tùng ô tô đã qua sử dụng...
- Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 497 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, thu giữ 24 tàu, thuyền với tổng trị giá hàng hóa gần 3 tỷ đồng; trong số hàng hóa thu được đáng chú ý có 13.460 viên, 998 ống, 790 bịch thuốc tân dược cấm nhập, 19.034 gói thuốc lá ngoại, 21.340 Kg đường...
- Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 12.418 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, tổng số thu hơn 28 tỷ đồng; trong đó đáng lưu ý là đã thu giữ 275.558 mét vải, 331.394 bao thuốc lá ngoại, 19.397 thùng gạch ốp lát; 18.038 ống, 7.654 chai thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cùng nhiều loại hàng hóa khác. Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đang tập trung xử lý một số đường dây buôn lậu, trốn thuế về vải với số lượng lớn (sẽ có báo cáo sau).
5- Tuy nhiên, như trên đã nói, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là:
- Nhiều địa phương chưa thực sự “vào cuộc”, chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa quyết liệt, thậm chí có nơi, có lúc còn làm ngơ.
- Trong hàng ngũ các lực lượng chống buôn lậu còn không ít biểu hiện tiêu cực.
- Nhiều cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý, tạo nhiều kẽ hở cho buôn lậu, gian lận thương mại.
- Lực lượng còn mỏng, phương tiện rất hạn chế.
III- MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI THỜI GIAN TỚI.
1- Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện 8 giải pháp đã nêu trong báo cáo số 0434/BCĐ-TW ngày 31/1/2002 của Ban, trong đó đặc biệt chú ý đến việc các bộ, ngành và UBND các cấp quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Chính phủ về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chống cục bộ bản vị, quản lý chặt chẽ cư dân biên giới và những người từ nơi khác đến tạm trú, chống làm ngơ cho buôn lậu, chỉ quan tâm đến thu thuế trên khâu lưu thông mà không quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa và thuế xuất nhập khẩu của các loại hàng hóa đó. Có hình thức kỷ luật, nhắc nhở UBND một số tỉnh để buôn lậu gia tăng mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác chống buôn lậu.
2- Tăng cường phối, kết hợp giữa các lực lượng trên địa bàn, ở Trung ương cũng như ở địa phương; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cần có sự chỉ đạo của ngành dọc; làm tốt công tác trinh sát, điều tra, xác minh để triệt phá các ổ nhóm và đường dây buôn lậu lớn; xử lý điển hình một số vụ buôn lậu và “bảo kê” buôn lậu, vụ việc cụ thể Ban sẽ thảo luận và quyết định trong tháng 8/2002. Lực lượng Công an Trung ương và địa phương cần tập trung triệt phá những đường dây buôn lậu lớn ở biên giới, đặc biệt là tuyến biên giới phía Bắc, Lao Bảo - Quảng Trị và Cầu Treo - Hà Tĩnh.
3- Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể và chặt chẽ hơn một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm khắc phục việc hoàn thuế VAT khống ngay trong quý II/2002 và nhanh chóng ban hành các quy định về hóa đơn, chứng từ lưu thông trên thị trường theo hướng vừa thuận lợi cho Thương nhân vừa phải gắn với cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gắn trách nhiệm giữa người mua và người bán, không để tiếp tay cho buôn lậu, đặc biệt là hàng hóa ở các chợ thuộc các tỉnh biên giới.
4- Đề nghị Bộ Thương mại rà soát lại một số mặt hàng cho tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, tránh hiện tượng hàng nhập lậu trở lại như đã nêu.
5- Đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có ý kiến đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số điều của NĐ 34 về quản lý khu vực biên giới vừa bảo đảm an ninh biên giới, vừa hạn chế được một số bà con từ tuyến sau lên mang vác hàng lậu.
6- Phối hợp tổ chức kiểm tra, ngăn chặn một số mặt hàng nhập lậu phát sinh mới hoặc có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây như phụ tùng ô tô cũ, xi măng, tân dược, nước giải khát các loại... kiến nghị các giải pháp xử lý.
7- Đề nghị các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cũng như tố giác các phần từ thoái hóa, biến chất trong các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát; Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có biện pháp cần thiết để ngăn chặn hiện tượng một số Thương binh tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng lậu.
8- Kiến nghị Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có một Chỉ thị đầy đủ về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
9- Kiến nghị Thủ tướng chủ trì một cuộc họp với các địa phương nhằm quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ về chống buôn lậu và gian lận thương mại, thời gian dự kiến vào tháng 8/2002.
| TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 127/TW |
- 1Báo cáo số 5162/BCĐ127TW ngày 10/12/2002 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc một số giải pháp chống buôn lậu gian lận thương mại năm 2003
- 2Công văn 1388TCT/NV6 của Tổng cục Thuế về việc phối hợp với các ngành chức năng chống buôn lậu và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
- 3Thông tư liên tịch 52/2002/TTLT-BTC-BCN sửa đổi Thông tư liên tịch 92/TTLT-BTC-BCN-TCHQ hướng dẫn chế độ chính sách ưu đãi thuế đối với sản xuất xe hai bánh gắn máy và động cơ xe hai bánh gắn máy do Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp ban hành
- 1Báo cáo số 5162/BCĐ127TW ngày 10/12/2002 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc một số giải pháp chống buôn lậu gian lận thương mại năm 2003
- 2Công văn 1388TCT/NV6 của Tổng cục Thuế về việc phối hợp với các ngành chức năng chống buôn lậu và chống thất thu ngân sách Nhà nước.
- 3Thông tư liên tịch 52/2002/TTLT-BTC-BCN sửa đổi Thông tư liên tịch 92/TTLT-BTC-BCN-TCHQ hướng dẫn chế độ chính sách ưu đãi thuế đối với sản xuất xe hai bánh gắn máy và động cơ xe hai bánh gắn máy do Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp ban hành
Báo cáo số 2642/BCĐ-TW ngày 09/07/2002 của Ban Chỉ đạo 127/TW về việc báo cáo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại 6 tháng đầu năm và giải pháp từ nay đến cuối năm 2002
- Số hiệu: 2642/BCĐ-TW
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 09/07/2002
- Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo 127-TW
- Người ký: Vũ Khoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/07/2002
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định