Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 2901/BTC-PC
V/v thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
- Tổng công ty 91/Tập đoàn.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại công văn số 1074/VPCP-KTTH ngày 20/02/2009 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính xin gửi tới Quý đơn vị Báo cáo tình hình và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008.

Đề nghị các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; các Tổng công ty 91/Tập đoàn căn cứ nội dung báo cáo, đặc biệt là các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2009 để cụ thể hóa thành các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương mình và triển khai thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Công Nghiệp

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2008
(Gửi kèm công văn số 2901/BTC-PC ngày 16 tháng 03 năm 2009)

Bước vào năm 2008, trước những yếu tố biến động phức tạp, khó lường đe dọa các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, vấn đề kiềm chế lạm phát đã được xác định là nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu chung về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng tiền và tài sản nhà nước đã trở thành một biện pháp quan trọng nhằm thắt chặt chi tiêu công để cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát. Vì vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2008, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đẩy mạnh với nhiều biện pháp quyết liệt nên đã đạt được kết quả khả quan và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã được Luật quy định. Đồng thời, vào những tháng cuối năm, việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng đã được triển khai khẩn trương nhằm vừa bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vừa kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Thực hiện Công văn số 1074/VPCP-KTKH ngày 20/02/2009 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo tình hình và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008 như sau:

Phần 1.

VỀ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Bối cảnh lạm phát cuối năm 2007 ở mức cao và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2008 đã đặt ra yêu cầu mới trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khẩn trương, quyết liệt và thiết thực hơn. Nhưng trong những tháng cuối năm, trước nguy cơ suy giảm kinh tế, các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế đã được thực hiện để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của Nhà nước nhằm thực hiện các biện pháp kích cầu. Trước những biến đổi rất nhanh và của tình hình kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm kiềm chế, đẩy lùi lạm phát và thực hiện biện pháp kích cầu. Bao gồm:

Một là, xác định rõ kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là biện pháp quan trọng. Đồng thời, kịp thời có giải pháp kích cầu trên cơ sở thận trọng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có thể để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 4/4/2008 của Bộ Chính trị, ngày 17/4/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm 2008 là kiềm chế lạm phát giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, Nghị quyết đã xác định rõ tiết kiệm là một giải pháp quan trọng. Chính vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trung ương đến địa phương đã được đẩy mạnh trên cơ sở gắn với việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Ngay sau đó, ngày 17/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng, điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, trong đó quy định cụ thể biện pháp giao chỉ tiêu tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) cho các Bộ, ngành, địa phương. Tiếp theo Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP nêu trên, ngày 29/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20/2008/NĐ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X).

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp tiết kiệm đã được chỉ đạo quyết liệt như: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước những tháng còn lại của năm 2008; tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn, sửa chữa lớn trụ sở làm việc; thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu (mức tiết kiệm tối thiểu 10%); không điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư của ngân sách nhà nước năm 2008 đã giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo mặt bằng giá mới; đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch được duyệt, chưa đủ thủ tục theo đúng quy định, còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng; ngừng triển khai các dự án chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả; giãn tiến độ thi công một số dự án đầu tư…

Trước nguy cơ suy giảm kinh tế, ngày 11/12/2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; chính sách tài chính, tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết này, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai một cách tích cực, theo đó, nhiều văn bản quy định liên quan thủ tục đầu tư, đất đai… đã được rà soát để tạo thông thoáng cho các hoạt động kinh tế, các dự án đầu tư cũng được rà soát để đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Hai là, kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi tiêu công.

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/4/2008 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 và giao chỉ tiêu hướng dẫn tiết kiệm cho các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (ngoài số tiết kiệm 10% đã giao ngay từ dự toán đầu năm để tiếp tục thực hiện đề án cải cách tiền lương theo quy định chung). Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát các dự án đầu tư để thực hiện các biện pháp đình hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư phục vụ cho mục tiêu tiết kiệm chi tiêu công.

Đồng thời, để triển khai đồng bộ các biện pháp mới về tiết kiệm nhằm kiềm chế lạm phát, trên cơ sở gắn với việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty/Tập đoàn tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình mới; trong đó đã xác định rõ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà là lâu dài của các cơ quan, tổ chức để có biện pháp quyết liệt và đồng bộ trong xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp tiết kiệm gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp tiết kiệm và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh việc thực hiện giao chỉ tiêu tiết kiệm về kinh phí chi thường xuyên, nhiều nơi đã giao thêm một số chỉ tiêu tiết kiệm trong sử dụng điện, xăng dầu… Chỉ đạo các đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế nội bộ về quản lý, sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… để thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm được giao. Quy định của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản có giá trị lớn khác và việc sửa chữa lớn trụ sở làm việc trong năm 2008 đã được các địa phương quán triệt sâu rộng và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn/Tổng công ty cũng đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập … để tiết kiệm chi tiêu, đồng thời triển khai việc rà soát danh mục dự án đầu tư và tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng, thực hiện cắt giảm, giãn tiến độ, đình hoãn khởi công các dự án theo quy định. Đồng thời, việc rà soát lại các định mức, tiêu chuẩn, chế độ để sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời, đặc biệt là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức để thực hiện đúng chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên những tháng còn lại của năm 2008 theo Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm hơn.

Ba là, kết hợp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Trong năm 2008, cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được triển khai rộng khắp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương và các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước đều gắn cuộc vận động này với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm sớm chuyển từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu góp phần đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người. Qua đó, nhiều sáng kiến, đề xuất về các giải pháp nhằm tiết kiệm, chống lãng phí đã được đề xuất.

Phần 2.

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các biện pháp tiết kiệm nhằm kiềm chế lạm phát nêu trên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí so với thời gian trước đó đã có những tiến bộ, thu được một số kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực chi tiêu công, trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, cụ thể như sau:

1. Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên:

a) Về kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức:

Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quy định của Luật NSNN, từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước đã được thực hiện khá nghiêm túc. Thực hiện chủ trương cắt giảm 10% chi thường xuyên, các cơ quan, đơn vị đã tích cực rà soát các nội dung chi để hạn chế chi tiêu đối với các nội dung chưa thực sự cấp thiết như chi tiếp khách, tổ chức hội nghị, tổng kết, đón nhận danh hiệu…

Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh chống lạm phát, các cơ quan, đơn vị đã chủ động và sáng tạo hơn trong xây dựng các biện pháp mới về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm được giao. Để chia sẻ khó khăn trong việc chống lạm phát, việc giao chỉ tiêu tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc và tương đối kịp thời. Các Bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc với số tiền 700 tỷ đồng. Đối với các địa phương, UBND cấp tỉnh đã ra quyết định giao tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp dưới với số tiền hơn 1.984 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ tiêu giao của cả nước dự kiến đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, bằng khoảng 25% tổng dự phòng NSNN năm 2008. Việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên đã được kiểm soát một cách chặt chẽ. Trong bối cảnh giá cả xăng dầu, vật tư…lạm phát tăng cao, không thực hiện tăng chi ngân sách và phải tiết kiệm thêm chi 10% thể hiện quyết tâm cao của Đảng và hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp chi tiêu hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Khoản kinh phí tiết kiệm được dành để bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách…

(Phụ lục 1 – tổng hợp kết quả giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên)

Trong thực tế sử dụng kinh phí NSNN, do thực hiện nghiêm việc giao chỉ tiêu tiết kiệm nên nhìn chung các cơ quan, đơn vị đã thực hiện gắt gao hơn các biện pháp tiết kiệm kinh phí hoạt động và đã đạt được kết quả thiết thực (Ví dụ tỉnh Thanh Hóa tiết kiệm 9,1 tỷ đồng kinh phí hội nghị; 0,7 tỷ đồng kinh phí chi kỷ niệm, ngày lễ tết; 7,8 tỷ đồng chi tiếp khách. Cơ quan Văn phòng UBND tỉnh Long An tiết kiệm gần 93 triệu đồng chi thường xuyên…) Bên cạnh kết quả quan trọng bước đầu đã đạt được, trong quản lý kinh phí, vẫn còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định mặc dù công tác kiểm soát chi luôn được quan tâm đẩy mạnh; từ tháng 10/2007 đến tháng 8/2008, hệ thống KBNN đã kiểm soát 170.835 tỷ đồng, phát hiện 34.233 khoản chi của 13.545 lượt đơn vị chưa đúng thủ tục, trình tự quy định, từ chối 232 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định. Các trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra còn nhiều; qua 1.097 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 70 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra tài chính 9 tháng đầu năm 2008 đã kiến nghị xử lý giảm dự toán 82 tỷ đồng, giảm cấp phát ngân sách 25 tỷ đồng, cắt giảm thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng 13 tỷ đồng, xử lý khác 326 tỷ đồng.

b) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng điện, xăng dầu:

Trong việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, Chỉ thị 19/2005/CT-TTg ngày 2/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm điện đã được nhiều Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chỉ thị về thực hành tiết kiệm điện; thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện tiết kiệm điện; triển khai các biện pháp tiết kiệm điện và chỉ đạo đưa vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Các biện pháp được nhiều nơi thực hiện có kết quả là: giảm hệ thống đèn quảng cáo, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng ngoài trời; quy định thời gian đóng và ngắt điện; biện pháp tiết kiệm trong sử dụng điều hòa nhiệt độ, sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện. Ví dụ tỉnh Hậu Giang, với các biện pháp cụ thể như giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng ở hành lang, sân, hàng rào… ban hành nội quy về sử dụng điện tại cơ quan đơn vị nên đã đạt chỉ tiêu tiết kiệm ít nhất 10% so với cùng kỳ năm 2007; Bộ Công thương đã triển khai chủ trương tiết kiệm điện đến tất cả các đơn vị trong phạm vi quản lý…

Đối với việc sử dụng xăng dầu, nhiều địa phương đã ban hành định mức cụ thể để áp dựng đối với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Do đó, ý thức tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu đã được nâng lên, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu trong năm có lúc tăng cao (ví dụ Thông tấn xã Việt Nam đã tiết kiệm 339 triệu đồng chi xăng dầu…)

c) Trong quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu; kinh phí nghiên cứu khoa học.

Việc sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học đã cơ bản bảo đảm được mục đích, nội dung của Chương trình và các quy định về tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ và giao dự toán, quyết toán chi ngân sách sự nghiệp (khoa học và công nghệ) đảm bảo thời gian quy định. Đến hết tháng 6/2008, các Bộ, ngành đã thực hiện khoảng 60% dự toán năm, ước thực hiện đến hết tháng 12/2008 đạt 90-95% dự toán năm 2008.

Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính và tổ chức, bộ máy của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó đáng chú ý là việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu khoa học sang mô hình doanh nghiệp theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập cùng với cơ chế khoán chi, đặt hàng đối với các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước đã cho phép chủ nhiệm đề tài được quyết định mức chi trên cơ sở quy chế chi tiêu của từng đề tài nên hiệu quả sử dụng kinh phí đã được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học vẫn còn có một số hạn chế như:

- Đối với các Chương trình mục tiêu: Nội dung chương trình và từng dự án chưa đề cập và xác định đầy đủ đến mối quan hệ, tính đồng bộ và việc lồng ghép giữa các dự án của Chương trình cũng như với các Chương trình có những nội dung tương tự; một số nơi còn lập dự toán cao làm giảm hiệu quả trong bố trí kinh phí chương trình; tiến độ giải ngân đối với kinh phí chương trình ở một số địa phương còn chậm.

- Đối với nghiên cứu khoa học và công nghệ: Hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa rõ nét; khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; các đề tài, dự án KH&CN chưa thực sự gắn với thực tế sản xuất và đời sống; việc thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động KH&CN chưa được quan tâm đúng mức.

d) Về việc thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

Đối với các cơ chế quản lý tài chính nhằm tạo động lực kinh tế cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí của các cơ quan, tổ chức, việc triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006 ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được tiếp tục đẩy mạnh với kết quả tích cực. Cụ thể như sau:

- Về thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP:

Dự toán ngân sách năm 2008, trong số 23 Bộ, cơ quan trung ương gửi báo cáo về Bộ Tài chính đã có 22 cơ quan thực hiện giao chế độ tự chủ cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc. Trong số 55 tỉnh, thành phố có báo cáo thì 44 tỉnh thành phố đã giao thực hiện chế độ tự chủ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh. Đối với cơ quan thuộc cấp huyện, theo báo cáo của 55 địa phương thì có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc TW giao thực hiện chế độ tự chủ cho các cơ quan thuộc cấp huyện; Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác đã và đang triển khai giao thực hiện chế độ tự chủ cho cấp xã. Hầu hết các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ tài chính đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản.

Thực hiện cơ chế này, các cơ quan, tổ chức đã triển khai nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên hiệu quả sử dụng kinh phí được nâng lên và kết quả tiết kiệm khá khả quan cả về kinh phí, biên chế. Ví dụ như tỉnh Hà Tây, Khánh Hòa có cơ quan đạt mức tiết kiệm 37% so với tổng kinh phí được giao; các cơ quan trung ương có số kinh phí tiết kiệm tương đối cao như Bộ Bưu chính viễn thông tiết kiệm đạt 20,91% trên tổng số kinh phí được giao; Văn phòng Chủ tịch nước đạt 11,35%; Thanh tra Chính phủ đạt 10,99%; Bộ Công Thương tiết kiệm được 182 biên chế, số kinh phí tiết kiệm là 8,7 tỷ đồng…

Nhờ tiết kiệm được kinh phí, các cơ quan, đơn vị đã có nguồn để chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, đặc biệt là ở các đơn vị có nhiều biên chế hoặc có nguồn thu thì mức tăng tiết kiệm khá cao (mức tăng thu nhập phổ biến là từ 200.000 đến 300.000 đồng/người/tháng (tương đương với 0,2 đến 0,4 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ). Theo đánh giá chung của các Bộ, ngành, địa phương, cơ chế này đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí, khắc phục tình trạng cấp dưới trông chờ ỷ lại vào cấp trên qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng lãng phí do “chạy” kinh phí cuối năm…

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ quan trung ương và địa phương có số tiết kiệm dưới 10% kinh phí được giao tự chủ, thậm chí có đơn vị còn không tiết kiệm được. Đồng thời, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện một phần do nhận thức, quán triệt chủ trương thực hiện chế độ tự chủ chưa cao; một số văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời, đồng bộ (chưa có văn bản hướng dẫn về tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, sử dụng lao động). Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng quy chế chỉ tiêu nội bộ…

- Về thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP:

Đến nay các bộ, cơ quan trung ương (43/43) đều đã giao quyền tự chủ theo quy định của Nghị định cho các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương đã giao quyền tự chủ về tài chính cho 23.399 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trong đó chủ yếu là các đơn vị thuộc cấp tỉnh còn các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện thì tỷ lệ giao tự chủ còn thấp.

Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ đã chủ động sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ, huy động vốn theo quy định để phát triển hoạt động sự nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và tăng cường tích lũy thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Qua đó, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và khai thác, phát triển nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như: xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị nên nhiều đơn vị tiết kiệm chi thường xuyên khoảng từ 2-5%, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi hoạt động thường xuyên NSNN giao, đã góp phần bảo đảm bù đắp nhu cầu tiền lương tăng thêm, trong đó có số đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (bao gồm cả nhu cầu kinh phí cho tăng lương) đã tăng lên. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, từ kết quả hoạt động sự nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đơn vị sự nghiệp đã tạo nguồn thu tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức. Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ hầu hết đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, công khai chế độ quản lý tài chính và chế độ chi tiêu nội bộ của đơn vị để thúc đẩy hoạt động sự nghiệp, tăng thu, tiết kiệm chi. Tuy vậy, vẫn còn một số đơn vị còn chưa xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, chủ yếu là các đơn vị do cấp huyện quản lý làm cho cơ chế tự chủ chưa đi vào thực tế. Ví dụ như: tỉnh Lâm Đồng mới có 56/147 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh có quy chế chi tiêu nội bộ (bằng 38%), 100% đơn vị cấp huyện chưa xây dựng được quy chế này. Tại tỉnh Nghệ An có 102/117 đơn vị chưa có quy chế (bằng 87,17%), tỉnh An Giang có 114/520 đơn vị (bằng 21%).

Qua triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy mặc dù còn có tồn tại trong tổ chức, triển khai thực hiện, nhất là đối với các đơn vị cơ sở nhưng những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế tự chủ là biện pháp phù hợp và có hiệu quả trong quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

2. Trong quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại:

Thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhiều Bộ, ngành địa phương đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định 170/2006/QĐ-TTg để cụ thể hóa phù hợp với đặc thù và điều kiện của mình.

Tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, việc chấp hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tương đối tốt; biện pháp tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn hoặc sữa chữa lớn trụ sở làm việc đã được thực hiện khá nghiêm túc và đến nay chưa có đơn vị nào vi phạm; nhiều Bộ, ngành địa phương đã có văn bản triển khai về tạm dừng mua xe ô tô phục vụ công tác thay vào đó là tăng cường rà soát, sắp xếp lại số phương tiện hiện có để quản lý, sử dụng hiệu quả. Riêng về mua sắm, sử dụng ô tô, thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg về tạm dừng mua sắm phương tiện đi lại, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm dừng mua sắm 134 xe, đồng thời thực hiện điều chuyển 79 xe ô tô của các Ban quản lý dự án đã kết thúc cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.

3. Trong đầu tư xây dựng cơ bản

Thực hiện Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 390/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2008, thực hiện đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Phạm vi các dự án thực hiện việc đình hoãn đã có sự mở rộng hơn so với những năm trước, bao gồm: Dự án chưa có thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định và chưa triển khai phân bổ vốn; Dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan hành chính nhà nước dự kiến khởi công mới năm 2008; Dự án khởi công mới nhưng đến thời điểm 30/4/2008 chưa triển khai, chưa mở tài khoản thanh toán tại Kho bạc nhà nước; Dự án dở dang kéo dài mà chưa hoàn thành theo thời gian quy định, hoặc kém hiệu quả… Qua đó có nguồn vốn điều chuyển cho các dự án có điều kiện hoàn thành sớm để phát huy hiệu quả ngay. Chính vì vậy, nhiều dự án đã được kịp thời bổ sung vốn nên đã hạn chế tình trạng công trình dở dang chờ bổ sung vốn trong bối cảnh giá vật tư tăng cao.

Nhiều địa phương đã kịp thời ban hành nghị quyết, quyết định cụ thể về việc đình, hoãn thực hiện các dự án đầu tư làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, ví dụ như Thành phố HCM đã điều chỉnh giảm vốn 390 dự án với số vốn 519,15 tỷ đồng, bằng 5,7% kế hoạch vốn đầu tư (trong đó, đình hoãn 275 dự án với số vốn 240,26 tỷ, ngừng triển khai 35 dự án với số vốn 5,33 tỷ, giãn tiến độ 80 dự án với số vốn 273,55 tỷ đồng); Tỉnh Thanh Hóa đã đình hoãn, giãn tiến độ 15 dự án, trong đó đình hoãn 10 dự án với số vốn 11,6 tỷ đồng, giãn tiến độ 5 dự án với số vốn 69,3 tỷ đồng…

Tổng hợp từ báo cáo của 36 Bộ, ngành, 64 tỉnh, thành phố (không bao gồm các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước), tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) hoãn khởi công năm 2008, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỷ đồng, bằng 8,0% kế hoạch năm 2008 (trong đó: Số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 1.203 dự án, với số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 1.881 tỷ đồng; Số dự án giãn tiến độ thực hiện là 765 dự án với tổng số vốn là 4.111 tỷ đồng).

Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Số công trình, dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 51 dự án, với số vốn 177 tỷ đồng.

- Số công trình, dự án giãn tiến độ là 33 dự án với tổng số vốn là 152,6 tỷ đồng.

Đối với các địa phương:

Tổng số dự án rà soát hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ là: 1.884 dự án, chiếm 13,6% tổng số dự án đăng ký theo kế hoạch từ đầu năm của các địa phương (kế hoạch đầu năm là 13.862 dự án), cụ thể:

- Số dự án hoãn khởi công, ngừng triển khai là 1.152 dự án với tổng mức vốn là 1.704 tỷ đồng.

- Số dự án giãn tiến độ đầu tư là 732 dự án với số vốn đầu tư là 3.958 tỷ đồng.

Đối với các Tổng công ty, Tập đoàn:

Theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 55 tập đoàn và tổng công ty, các tập đoàn, tổng công ty đã rà soát cắt giảm, hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 là 1.145 dự án với tổng số vốn đầu tư 31.086 tỷ đồng giảm 12,7% so với chương trình kế hoạch ban đầu, trong đó: đình hoãn khởi công 214 dự án với tổng số vốn là 3.866 tỷ đồng, ngừng triển khai 553 dự án với tổng số vốn đầu tư là 11.648 tỷ đồng; giãn tiến độ thực hiện 378 dự án với tổng giá trị cắt giảm khoảng 15.572 tỷ đồng.

(Phụ lục 2 – Tổng hợp kết quả đình hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản).

Mặc dù kết quả tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã toàn diện hơn, nhưng nhìn chung tình trạng lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn tương đối phổ biến ở tất cả các khâu như: chất lượng quy hoạch, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư còn hạn chế; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, manh mún dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án theo quy định và bố trí vốn vượt quá khả năng cân đối; trong thực hiện các dự án, tình trạng thất thoát vốn đầu tư chưa được ngăn chặn hiệu quả, trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu chưa được phát huy đầy đủ nên vẫn còn tình trạng lãng phí ngay trong khâu thiết kế, cố ý làm sai lệch khối lượng thực tế thi công so với khối lượng nghiệm thu thanh toán; việc giải ngân vốn đầu tư tuy đã được cải thiện do có nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn còn chậm; các quy định trong đầu tư xây dựng còn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc; tình trạng nợ đọng vốn vẫn còn nhiều… Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm, ngoài các nguyên nhân cũ (như chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán chậm), đã xuất hiện các nguyên nhân mới như: nhà thầu thi công cầm chừng do giá nguyên vật liệu tăng hoặc đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa muốn làm thủ tục nghiệm thu để chờ điều chỉnh giá; một số chủ đầu tư trì hoãn thời gian đấu thầu, các nhà thầu khó khăn trong việc xác định giá bỏ thầu do giá vật tư có nhiều biến động… gây chậm trễ đến tiến độ xây dựng công trình.

4. Trong quản lý, sử dụng trụ sở, nhà làm việc, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường

Ngay từ đầu năm 2008, công tác quản lý, khai thác và sử dụng, tài nguyên thiên nhiên đã được đẩy mạnh với các biện pháp đồng bộ hơn, từ khâu quản lý quy hoạch khai thác, cấp và thực hiện giấp phép khai thác, các biện pháp quản lý xuất khẩu tiểu ngạch đến các biện pháp kinh tế như: tăng thuế xuất khẩu khoáng sản, khuyến khích tinh chế, khoáng sản…Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện những biện pháp kiên quyết để lập lại trật tự trong khai thác và xuất khẩu than nên đã thu được kết quả thiết thực. Các ngành và cơ quan chức năng ở địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp. Nhiều địa phương đã tăng cường công tác lập quy hoạch khai thác khoáng sản, tài nguyên nước tạo cơ sở cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở các địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý có nơi còn buông lỏng tình trạng thăm dò, khai thác trái phép khá phổ biến, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa ảnh hưởng tới môi trường nhưng việc khắc phục còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tại tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý 1.032 lượt cửa lò, điểm khai thác và thu gom than trái phép, tịch thu trên 21 vạn tấn than; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính chuyên ngành, kết thúc 8 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị xử phạt hành chính là 881 triệu đồng.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, nhìn chung các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch sử dụng đất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, xã nên đã góp phần khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang và có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn đối với các khu đất trống, chưa sử dụng nhằm khai thác nguồn thu từ quỹ đất. Tính đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng xong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006-2010). Nhiều địa phương đã nghiêm túc thực hiện rà soát, xử lý các trường hợp quy hoạch “treo” bằng các giải pháp kêu gọi dự án đầu tư và đến nay đã triển khai được 259 dự án với tổng diện tích 11.969 ha. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất chậm được khắc phục. Qua kết quả thanh tra kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành (từ đầu năm 2008 đến nay đã tiến hành 14.435 cuộc thanh tra, kết thúc 12.039 cuộc) đã phát hiện 8.052 ha đất có sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi 3.790,4 ha, đã thu hồi được 361,9 ha đất.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên khá phổ biến, có nơi ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng nhưng chậm khắc phục, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp, các lưu vực sông chảy qua nhiều khu công nghiệp, các làng nghề và khu vực khai thác khoáng sản mà điển hình là vụ công ty Vedan, Miwon xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Xét về tổng thể đây cũng là một lĩnh vực đang gây ra lãng phí lớn cần quan tâm có giải pháp khắc phục.

Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc cơ bản đã thực hiện đúng mục đích và định mức, tiêu chuẩn. Các đơn vị đã và đang triển khai rà soát tình hình sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp và tổ chức bán đấu giá hoặc bán thanh lý tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương. Công tác kiểm tra thực tế hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc gắn với việc xây dựng phương án sắp xếp lại đang được thực hiện.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2008, đã thực hiện điều chuyển trụ sở làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu là 8.114 m2 nhà; thanh lý 7.918 m2 nhà với tổng nguyên giá theo sổ sách kế toán là 7.102 triệu đồng. Bao gồm:

- Các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện điều chuyển 8.114 m2 nhà; thanh lý 652 m2 nhà với tổng nguyên giá theo sổ sách kế toán là 1.131 triệu đồng.

- Các địa phương thực hiện thanh lý 7.266 m2 nhà với tổng nguyên giá theo sổ sách kế toán là 5.971 triệu đồng.

Tuy vậy, tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc ở một số nơi chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng sử dụng không hết công năng hoặc sai mục đích như: cho thuê, cho mượn… Nhiều dự án triển khai chậm.

5. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp:

Trong năm 2008, do giá cả các loại nguyên vật liệu, nhiên liệu liên tục tăng cao và lãi suất tín dụng cũng tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đều tăng mạnh, trong khi đó nhiều ngành hàng giá bán không tăng nên đã tạo áp lực lớn buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là chi phí gián tiếp. Các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao, tạm dừng hoặc không tổ chức hội thảo, hội nghị, lễ ký kết không quan trọng, tổ chức hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi phí đi lại…để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ví dụ: 14/17 tập đoàn thuộc Bộ Công thương đã tiết kiệm 1.371 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh; Tập đoàn Than khoáng sản tiết kiệm gần 199 tỷ đồng; Tổng công ty Xi măng tiết kiệm 90 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tiết kiệm gần 27 tỷ đồng; Tổng công ty đường sắt Việt Nam giảm 3 -5 % chi phí nhiên liệu, 5 -10% chi phí quản lý, 10% chi hội thảo…

Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước đã đẩy mạnh rà soát, cắt giảm hoặc đình hoãn các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết, chưa hiệu quả, chậm tiến độ; thực hiện cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây trụ sở mới, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ như: Tập đoàn dầu khí quốc gia đã rà soát, đình hoãn và giãn tiến độ 112 dự án trong năm 2008, với tổng số vốn đầu tư giảm 6.000 tỷ đồng, các đơn vị thành viên tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng...

Tuy nhiên, tình trạng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa cao vẫn chưa được khắc phục. Theo kết quả kiểm toán 2007 đối với 225/385 doanh nghiệp thành viên thuộc 19 tổng công ty nhà nước cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ như Tổng công ty Sông Hồng lỗ hơn 17 tỷ đồng, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn lỗ hơn 40 tỷ đồng … mà ngoài các nguyên nhân chung như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp (bình quân 37%) nên phải vay vốn lớn, chi phí trả lãi cao, thì còn nguyên nhân chủ quan như: công tác quản lý tài chính còn yếu kém, quản lý doanh thu, chi phí chưa chặt chẽ, quản lý tài sản, công nợ còn lỏng lẻo.

Cùng với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp, trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, do lạm phát tăng cao, nhất là giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng nên đã tác động mạnh tới việc tiết kiệm trong tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương, những người hưởng lương hưu và những người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và việc tăng cường tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, việc vận động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể ở địa phương nên ý thức tiết kiệm của nhân dân cũng đã được nâng lên. Theo báo cáo của các địa phương, tình trạng phô trương, lãng phí trong việc tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang đã có chiều hướng giảm. Tuy vậy, ở một số nơi việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội linh đình vẫn còn diễn ra, nhất là ở các khu đô thị, thành phố lớn. Tình trạng phô trương, tiêu dùng quá mức bình thường có chiều hướng gia tăng ở một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự tham gia và phối hợp đồng bộ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhất là ở cơ sở trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, và vận động nhân dân để có sự đồng thuận cao trong thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với khu vực này.

6. Nhận xét, đánh giá về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nhìn chung, so với năm trước, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2008 đã có những chuyển biến khá rõ nét, đặc biệt trong một số lĩnh vực như:

- Trong chi quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên: Do thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm 10% chi thường xuyên, giao thành chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể nên việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có sự chuyển biến từ ý thức và được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai mạnh mẽ với các biện pháp cụ thể và thu được kết quả thiết thực.

- Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc, do thực hiện tạm ngừng xây dựng mới, sửa chữa lớn trụ sở làm việc và rà soát, sắp xếp lại theo tiêu chuẩn, định mức; ngừng mua sắm mới trang thiết bị, phương tiện đi lại nên các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc sắp xếp lại và bố trí sử dụng có hiệu quả hơn.

- Trong đầu tư xây dựng cơ bản: Việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp được thực hiện nghiêm túc nên trong bố trí, sử dụng vốn đầu tư xây dựng đã có hiệu quả hơn và mặc dù các vi phạm dẫn đến lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, nhưng mức độ lãng phí đã có phần được hạn chế.

- Trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Tuy vẫn còn tình trạng lãng phí và các vi phạm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vẫn khá phổ biến, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều biện pháp mạnh và đồng bộ đã được thực hiện nên bước đầu đã thu được kết quả.

- Trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Mặc dù hiệu quả sử dụng vốn ở một số công ty nhà nước còn thấp. Tuy nhiên do đã được cảnh báo từ đầu năm nên tình trạng này đã được chấn chỉnh kịp thời và các công ty nhà nước đã góp phần quan trọng vào kết quả chống lạm phát thời gian vừa qua.

Mặc dù công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008 đã có bước phát triển mới, các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, song vẫn còn một số tồn tại như sau:

- Trong chi quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên: Vẫn còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định về trình tự thủ tục, vượt định mức; việc sử dụng kinh phí của các Chương trình mục tiêu còn những hạn chế, bất cập đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ chưa rõ nét, khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Trong đầu tư xây dựng cơ bản: Tình trạng lãng phí vẫn còn tương đối phổ biến ở các khâu từ quy hoạch đến nghiệm thu công trình; bố trí vốn đầu tư hiện còn dàn trải, trong khi việc kiểm soát, giám sát chưa có hiệu quả nên vẫn còn tình trạng lãng phí ngay trong khâu thiết kế, cố ý làm sai lệch khối lượng thực tế thi công so với khối lượng nghiệm thu thanh toán.

- Trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý trong thăm dò, khai thác tài nguyên; vấn đề về quy hoạch “treo”, dự án “treo”, giải phóng mặt bằng “treo” chưa được khắc phục triệt để nên vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa ảnh hưởng đến môi trường.

- Trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước chưa được khắc phục nhiều; công tác quản lý tài chính còn yếu, quản lý doanh thu, chi phí, tài sản, công nợ còn lỏng lẻo đã dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, một số doanh nghiệp thua lỗ.

Các tồn tại nêu trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Tại một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị chưa thực sự coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm nên chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các biện pháp, chính sách của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến tận cơ sở.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số trường hợp vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.

- Hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong một số lĩnh vực chưa được hoàn thiện đồng bộ; nhiều tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế kỹ thuật trong các lĩnh vực không được kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Công tác giám sát của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có vai trò rất quan trọng nhưng trên thực tế phát huy được nhiều nên hiệu quả chưa cao, một phần là do các Chủ thể thực hiện giám sát chưa thấy hết vai trò của mình, nhưng mặt khác là do việc công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực còn hình thức, một số vụ việc vi phạm, gây lãng phí được phát hiện phản ánh nhưng chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm nên đã hạn chế hiệu quả giám sát của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân.

Phần 3.

MỤC TIÊU VÀ BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2009

Trong năm 2009, nền kinh tế trong nước và thế giới còn tiếp tục có nhiều khó khăn, tiềm ẩn các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện linh hoạt các biện pháp kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, cần thực hiện có kết quả các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được coi là biện pháp thường xuyên, quan trọng, đáp ứng được các mục tiêu trên.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu đặt ra cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vừa phải phòng ngừa nguy cơ lạm phát có thể tái diễn vừa phải kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ tiêu công, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng, duy trì tăng trưởng, dành nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ.

Với mục tiêu đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009 cần tập trung vào các lĩnh vực:

- Quản lý, sử dụng đất đai và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường.

- Quy hoạch, bố trí dự án đầu tư và quản lý, thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản.

- Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí khoa học và công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các biện pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang triển khai năm 2008. Trong đó, cần đổi mới và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp như:

- Cụ thể hóa và tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, giao chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

- Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý, các định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các quy định, định mức, tiêu chuẩn có vai trò hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm gắn với kiềm chế lạm phát.

- Đổi mới và đẩy mạnh thực hiện các cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN nhằm tạo động lực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tiếp tục được tăng cường tại các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến các đơn vị cơ sở thông qua việc ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể; các cơ quan quản lý, ngành, lĩnh vực phải xây dựng các mức tiết kiệm cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý để giao thành chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị trực thuộc thực hiện, đồng thời gắn với cơ chế khen thưởng, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ba là, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành kinh tế, tài chính; kiên định và đẩy mạnh việc thực hiện theo cơ chế thị trường trong quản lý giá các mặt hàng quan trọng mà Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng, dầu, điện, than gắn với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội, xem đây là một biện pháp điều hành vĩ mô quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực đối với cả khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và nhân dân.

Bốn là, sử dụng có hiệu quả các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính và quản lý giám sát thích hợp, nhất là chính sách thuế để định hướng tiêu dùng, tạo động lực kinh tế cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm là, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đã được quy định tại Luật thực hành, tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chi tiêu ngân sách (sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí khoa học và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ bản); đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai, tài sản công. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải xác định công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009.

Sáu là, kết hợp chặt chẽ giữa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo hướng tiếp tục “học tập” và chuyển mạnh sang “làm theo”.

Trên đây là tình hình và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008, mục tiêu, yêu cầu và đề xuất về định hướng biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009./.

BỘ TÀI CHÍNH

 

PHỤ LỤC 1A:

TỔNG HỢP THỰC HIỆN TIẾT KIỆM 10% CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG NĂM 2008

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Tên đơn vị

Chỉ tiêu Bộ Tài chính giao

Số tiết kiệm các Bộ, cơ quan TW thực hiện

So với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao

Ghi chú

A

B

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

642,522

635,224

98.9%

 

I

Các Bộ, cơ quan TW

633,839

627,179

98.9%

 

1

Văn phòng Chủ tịch nước

3,350

3,350

100.0%

 

2

Văn phòng Quốc hội

24,880

25,860

103.9%

 

3

Văn phòng Trung ương Đảng

14,260

14,260

100.0%

 

4

Văn phòng Chính phủ

21,040

21,040

100.0%

 

5

Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng

1,740

1,700

97.7%

 

6

Học viện Chính trị - hành chính quốc gia HCM

4,320

4,320

100.0%

 

7

Tòa án nhân dân tối cao

18,880

18,880

100.0%

 

8

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

16,880

16,880

100.0%

 

9

Bộ Công an

2,180

2,180

100.0%

 

10

Bộ Quốc phòng

5,870

5,870

100.0%

 

11

Bộ Ngoại giao

3,640

3,640

100.0%

 

12

Bộ Nông nghiệp và PTNT

71,790

71,790

100.0%

 

13

Ủy ban sông Mê Kông

550

550

100.0%

 

14

Bộ Giao thông vận tải

27,900

27,900

100.0%

 

15

Bộ Công thương

23,020

23,020

100.0%

 

16

Bộ Xây dựng

11,880

11,880

100.0%

 

17

Bộ Y tế

24,683

24,683

100.0%

 

18

Bộ Giáo dục – Đào tạo

48,540

48,701

100.3%

 

19

Bộ Khoa học công nghệ

25,010

25,010

100.0%

 

20

Bộ Văn hóa, TT và Du Lịch

45,246

45,246

100.0%

 

21

Bộ Lao động – TB và XH

7,970

7,320

91.8%

 

22

Bộ Tài chính

78,140

78,140

100.0%

 

23

Bộ Tư pháp

14,780

14,780

100.0%

 

24

Bộ Kế hoạch và đầu tư

20,520

13,409

65.3%

 

25

Bộ Nội vụ

14,320

14,320

100.0%

 

26

Bộ Tài nguyên-Môi trường

25,210

25,210

100.0%

 

27

Bộ Thông tin và Truyền thông

4,040

4,040

100.0%

 

28

Ủy ban Dân tộc

940

940

100.0%

 

29

Thanh tra Chính phủ

1,900

1,900

100.0%

 

30

Kiểm toán Nhà nước

4,670

4,670

100.0%

 

31

Ban quản lý Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh

2,900

2,900

100.0%

 

32

Thông tấn xã Việt Nam

6,380

6,380

100.0%

 

33

Đài tiếng nói Việt Nam

12,630

12,630

100.0%

 

34

Viện KHCN Việt Nam

8,520

8,520

100.0%

 

35

Viện KHXH Việt Nam

4,960

4,960

100.0%

 

36

Đại học Quốc gia Hà Nội

11,260

11,260

100.0%

 

37

Đại học QG Thành phố HCM

8,560

8,560

100.0%

 

38

UB Trung ương MTTQVN

1,810

1,810

100.0%

 

39

 

 

 

 

 

40

TW Hội liên hiệp phụ nữ VN

1,230

1,230

100.0%

 

41

Hội Nông dân Việt Nam

2,380

2,380

100.0%

 

42

Hội Cựu chiến binh

570

570

100.0%

 

43

Tổng LĐ lao động Việt Nam

1,720

1,720

100.0%

 

44

HĐ TW LM các HTX VN

1,180

1,180

100.0%

 

II

Ban Quản lý, Khu công nghệ, Khu kinh tế

1,300

662

50.9%

 

1

Ban QL Khu CN cao Hòa Lạc

470

470

100.0%

 

2

BQL Làng VH-DL các DTVN

570

192

33.7%

 

3

BQL KKT Bờ Y

260

 

 

 

III

Các tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, xã hội, xã hội-nghề nghiệp

7,383

7,383

100.0%

 

1

Liên hiệp các tổ chức hòa bình

760

760

100.0%

 

2

Tổng hội y học Việt Nam

90

90

100.0%

 

3

Hội Đông y Việt Nam

80

80

100.0%

 

4

Hội Chữ thập đỏ

200

200

100.0%

 

5

Hội nạn nhân chất độc màu da cam VN

70

70

100.0%

 

6

Hội Người mù

180

180

100.0%

 

7

Hội Văn nghệ dân gian

77

77

100.0%

 

8

Hội Nhà văn Việt Nam

330

330

100.0%

 

9

Hội Nghệ sỹ sân khấu

160

160

100.0%

 

10

Hội bảo trợ NTT, TE mồ côi

80

80

100.0%

 

11

Hội người cao tuổi Việt Nam

300

300

100.0%

 

12

Hội Mỹ thuật Việt Nam

118

118

100.0%

 

13

Hội Nhạc sỹ Việt Nam

156

156

100.0%

 

14

Hội Điện ảnh Việt Nam

101

101

100.0%

 

15

Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh

103

103

100.0%

 

16

UB toàn quốc các Hội VHNT

91

91

100.0%

 

17

Hội VHNT các DT thiểu số

46

46

100.0%

 

18

Hội Nhà báo Việt Nam

96

96

100.0%

 

19

Hội Luật gia Việt Nam

100

100

100.0%

 

20

Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam

83

83

100.0%

 

21

Hội Kiến trúc sư Việt Nam

102

102

100.0%

 

22

LH các hội KH và KT VN

2,090

2,090

100.0%

 

23

Hội Xuất bản, in, phát hành sách

50

50

100.0%

 

24

Phòng Thương mại và công nghiệp VN

1,920

1,920

100.0%

 

 

PHỤ LỤC 1B:

TỔNG HỢP THỰC HIỆN TIẾT KIỆM 10% CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2008

Đơn vị: Triệu đồng

Tỉnh, thành phố

Chỉ tiêu tiết kiệm BTC giao

Số địa phương thực hiện

Số địa phương so với số BTC giao

Ghi chú

2

3

4

7

10

TỔNG SỐ

2,799,840

2,004,394.6

71.6

 

MIỀN NÚI PHÍA BẮC

398,140

286,326

71.9

 

HÀ GIANG

30,970

14,696

47.5

 

TUYÊN QUANG

27,720

20,001

72.2

 

CAO BẰNG

32,140

12,882

40.1

 

LẠNG SƠN

28,570

13,609

47.6

 

LÀO CAI

30,280

12,135

40.1

 

YÊN BÁI

22,970

18,563

80.8

 

THÁI NGUYÊN

28,390

28,390

100.0

 

BẮC KẠN

16,390

14,964

91.3

 

PHÚ THỌ

35,400

25,910

73.2

 

BẮC GIANG

36,410

37,082

101.8

 

HÒA BÌNH

28,120

21,183

75.3

 

SƠN LA

35,420

35,500

100.2

 

LAI CHÂU

19,800

21,136

106.7

 

ĐIỆN BIÊN

25,560

10,275

40.2

 

ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

630,830

427,623

67.8

 

HÀ NỘI

165,220

167,571

101.4

 

HẢI PHÒNG

69,540

29,117

41.9

 

QUẢNG NINH

70,670

34,122

48.3

 

HẢI DƯƠNG

63,380

15,069

23.8

 

HƯNG YÊN

29,090

9,327

32.1

 

VĨNH PHÚC

47,710

20,000

41.9

 

BẮC NINH

22,910

17,003

74.2

 

HÀ TÂY

50,660

51,320

101.3

 

HÀ NAM

17,700

13,970

78.9

 

NAM ĐỊNH

35,910

35,910

100.0

 

NINH BÌNH

19,690

14,569

74.0

 

THÁI BÌNH

38,350

19,645

51.2

 

BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI MIỀN NAM TRUNG BỘ

504,880

393,871

78.0

 

THANH HÓA

82,150

82,150

100.0

 

NGHỆ AN

64,180

43,226

67.4

 

HÀ TĨNH

29,740

18,500

62.2

 

QUẢNG BÌNH

21,330

21,330

100.0

 

QUẢNG TRỊ

19,500

11,195

57.4

 

THỪA THIÊN - HUẾ

37,760

24,898

65.9

 

ĐÀ NẴNG

35,840

25,646

71.6

 

QUẢNG NAM

39,950

20,846

52.2

 

QUẢNG NGÃI

32,040

32,573

101.7

 

BÌNH ĐỊNH

38,550

38,550

100.0

 

PHÚ YÊN

24,630

10,706

43.5

 

KHÁNH HÒA

37,470

27,739

74.0

 

NINH THUẬN

17,260

17,300

100.2

 

BÌNH THUẬN

24,480

19,212

78.5

 

TÂY NGUYÊN

239,850

198,370

82.7

 

ĐĂK LĂK

85,910

58,803

68.4

 

ĐĂK NÔNG

26,650

11,825

44.4

 

GIA LAI

53,080

53,532

100.9

 

KON TUM

20,250

20,250

100.0

 

LÂM ĐỒNG

53,960

53,960

100.0

 

ĐÔNG NAM BỘ

545,980

315,581

57.8

 

TP. HỒ CHÍ MINH

314,430

128,404

40.8

 

ĐỒNG NAI

84,820

43,449

51.2

 

BÌNH DƯƠNG

37,060

36,722

99.1

 

BÌNH PHƯỚC

26,950

24,286

90.1

 

TÂY NINH

32,020

32,020

100.0

 

BÀ RỊA – VŨNG TÀU

50,700

50,700

100.0

 

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

480,160

382,623

79.7

 

LONG AN

42,030

26,235

62.4

 

TIỀN GIANG

45,100

28,307

62.8

 

BẾN TRE

30,940

26,242

84.8

 

TRÀ VINH

27,580

19,491

70.7

 

VĨNH LONG

25,180

16,133

64.1

 

CẦN THƠ

37,280

30,420

81.6

 

HẬU GIANG

22,500

22,500

100.0

 

SÓC TRĂNG

36,610

36,610

100.0

 

AN GIANG

54,480

54,648

100.3

 

ĐỒNG THÁP

39,640

40,575

102.4

 

KIÊN GIANG

52,650

33,662

63.9

 

BẠC LIÊU

25,920

7,550

29.1

 

CÀ MAU

40,250

40,250

100.0

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 2901/BTC-PC về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 2901/BTC-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/03/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản