Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/BKHCN-TĐC
V/v kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án TBT

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2007

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 26 tháng 5 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 444/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (gọi tắt là Đề án TBT) và Quyết định 114/2004/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về TBT. Thực hiện Điều 5 của Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xin báo cáo tình hình thực hiện Đề án TBT và hoạt động của mạng lưới TBT trong thời gian qua như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định TBT và Đề án TBT

Để triển khai 2 Quyết định nói trên, trong sáu tháng cuối năm 2005, Bộ KH&CN đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung và kế hoạch triển khai 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức tọa đàm giới thiệu Hiệp định TBT, Đề án TBT và công tác chuẩn bị của Việt Nam thực thi Hiệp định này trước khi gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Tổng cục TCĐLCL, Văn phòng TBT Việt Nam tổ chức tập huấn về Hiệp định TBT, các cơ hội, thách thức và các biện pháp vượt qua thách thức khi thực thi Hiệp định này ở Việt Nam, sự cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để đáp ứng các nghĩa vụ của Hiệp định TBT.

Kể từ tháng 5 năm 2005 đến nay hàng chục hội nghị phổ biến, tập huấn về Hiệp định TBT đã được tổ chức trong cả nước với sự tham gia của các đại diện cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, giúp nâng cao đáng kể nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về WTO nói chung và vấn đề TBT nói riêng để có những biện pháp phù hợp tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức của việc thực thi cam kết gia nhập WTO trong đó có cam kết thực thi Hiệp định TBT. Công việc này sẽ tiếp tục là công tác trọng tâm trong thời gian tới.

2. Rà soát văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định WTO/TBT

Để triển khai công việc này, Bộ KH&CN đã có công văn số 1702/BKHCN-TĐC ngày 05 tháng 7 năm 2005, hướng dẫn tiêu chí rà soát văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, đa số các văn bản pháp quy kỹ thuật do các Bộ, ngành và địa phương ban hành không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử và cản trở thương mại quá mức cần thiết của Hiệp định TBT của WTO. Riêng nguyên tắc minh bạch hoá, do có những khác biệt trong pháp luật Việt Nam (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật) với quy định của Hiệp định TBT và quyết định, khuyến nghị của Ủy ban TBT và Hội nghị Bộ trưởng WTO về thời gian thông báo dự thảo văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và thời hạn hiệu lực của văn bản pháp quy kỹ thuật, vì vậy các văn bản của các Bộ và địa phương mới chỉ đáp ứng yêu cầu minh bạch của pháp luật Việt Nam mà chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch của WTO.

Ngày 29/06/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Luật này đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TBT của WTO, tạo ra khung pháp lý quan trọng trong việc thực thi Hiệp định này ở nước ta khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản cấp bộ hướng dẫn thi hành Luật này, đảm bảo Luật có thể đi vào cuộc sống kể từ thời điểm Luật có hiệu lực.

Trên cơ sở thực thi Luật TC&QCKT, các văn bản pháp quy kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các quy trình đánh giá hợp quy sẽ được xây dựng đảm bảo tính công khai và minh bạch như Hiệp định TBT yêu cầu.

3. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam

Công việc này đã được chuẩn bị trong năm 2005 và được triển khai từ năm 2006. Theo Luật TC&QCKT kể từ ngày 01/01/2007, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ bao gồm hai cấp thay cho ba cấp như hiện nay: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); cấp tiêu chuẩn ngành (TCN) sẽ không tồn tại.

Hiện nay, 5000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đang được rà soát nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và của sản xuất kinh doanh; đồng thời hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi rà soát, các tiêu chuẩn không cần thiết sẽ được loại bỏ, các tiêu chuẩn lạc hậu với trình độ khoa học và kỹ thuật sẽ được sửa đổi theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn mới cũng được đề xuất xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt các công trình quốc gia và nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng, an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước.

Đối với việc chuyển đổi tiêu chuẩn ngành (TCN), Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để ban hành trong Quý I/2007 các Thông tư hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi theo đúng quy định của Luật TC&QCKT, trong đó các tiêu chuẩn ngành đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người, bảo vệ động thực vật, môi trường, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ được chuyển thành quy chuẩn kỹ thuật; các tiêu chuẩn ngành nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại và đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia sẽ chuyển thành tiêu chuẩn quốc gia; và các tiêu chuẩn ngành còn lại sẽ huỷ bỏ.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (tiêu chuẩn doanh nghiệp) và áp dụng tiêu chuẩn, kể cả tiêu chuẩn quốc gia, nước ngoài, khu vực và quốc tế, đẩy mạnh công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

4. Việc tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước và thúc đẩy thương mại

Căn cứ vào nhiệm vụ đề ra trong Đề án TBT, hiện nay Đề án tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp và Phương án kiểm soát và ngăn chặn hàng kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam đang được Bộ KH&CN khẩn trương soạn thảo và lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành. Việc soạn thảo đề án và phương án này chậm so với yêu cầu đề ra trong Đề án, do phải tiến hành đánh giá, khảo sát để làm căn cứ cho việc đưa ra phương án thích hợp; đồng thời cần đạt được sự đồng thuận của các Bộ hữu quan. Dự kiến các văn bản sẽ được Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong quý I/2007.

Để quản lý tốt hơn chất lượng thiết bị điện, điện tử ở nước ta cũng như trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN về tiêu chuẩn chất lượng, Bộ KH&CN đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tham gia Hiệp định của ASEAN về Quy chế quản lý hài hòa các thiết bị điện, điện tử. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại đối với các sản phẩm này của Việt Nam với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, các Bộ có liên quan đang nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết với các nước thành viên WTO các Hiệp định hoặc Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

5. Thành lập và hoạt động của Ban liên ngành về TBT

Trên cơ sở Quyết định số 444/QĐ-TT, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2788/QĐ-BKHCN ngày 3 tháng 11 năm 2005 về thành viên Ban liên ngành về TBT. Theo Quyết định này Ban liên ngành về TBT bao gồm 19 thành viên là đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đã ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-BKHCN ngày 20/3/2006 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban liên ngành về TBT, làm căn cứ cho hoạt động của Ban này đáp ứng chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 444/QĐ-TTg.

Trong thời gian qua, với chức năng tham mưu, tư vấn và tăng cường sự phối hợp liên tịch để thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam, Ban liên ngành về TBT đã tập trung vào các hoạt động sau:

- Tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về Hiệp định TBT, chức năng, nhiệm vụ và các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2006 đối với các thành viên của Ban liên ngành và Mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp về TBT (gọi tắt là mạng lưới TBT), chuẩn bị đáp ứng các nghĩa vụ thực thi Hiệp định TBT kể từ thời điểm gia nhập WTO;

- Hỗ trợ thành lập và hướng dẫn hoạt động cho các Điểm TBT và Mạng lưới TBT của Bộ và địa phương;

- Tham dự hội nghị của Ủy ban TBT của WTO với tư cách quan sát viên nhằm nắm bắt các diễn biến và xu hướng của diễn đàn này, chuẩn bị cho việc tham dự chính thức của Việt Nam sau này có hiệu quả;

- Tham gia xây dựng chương trình thực hiện Đề án 444 về TBT cho năm 2006 và giai đoạn 2006-2010;

- Tham gia góp ý dự thảo đề án hệ thống tiêu chuẩn và các công cụ quản lý hàng hóa theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, dự thảo Quy định về quy trình thông báo và hỏi đáp của Mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, dự thảo Thông tư hướng dẫn về phí đối với hoạt động hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; phương án xây dựng cổng thông tin về TBT…

6. Thành lập và hoạt động của Mạng lưới cơ quan thông báo và hỏi đáp về TBT (Mạng lưới TBT)

Căn cứ vào Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã có công văn số 2374/BKHCN-TĐC ngày 13 tháng 9 năm 2005 gửi các Bộ có liên quan và các Sở KH&CN hướng dẫn việc thành lập đầu mối TBT tại các Bộ có liên quan và địa phương. Kết quả đến thời điểm hiện nay Điểm TBT đã được hình thành ở tất cả các Bộ nêu trong Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ và 60 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong số 60 tỉnh thành phố đã thành lập điểm TBT thì có 3/4 được thành lập bởi quyết định của Ủy ban nhân dân, số còn lại là của Sở Khoa học và Công nghệ.

Bộ KH&CN đã ban hành “Quy định về quy trình thông báo và hỏi đáp của mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại” kèm theo Quyết định số 09/2006/QĐ-BKHCN ngày 04/05/2006. Quy định này là căn cứ để các Điểm TBT thuộc mạng lưới TBT thực hiện nghĩa vụ thông báo và hỏi đáp theo quy định của Hiệp định TBT.

Nhiều Bộ và Ủy ban nhân dân đã quan tâm bố trí biên chế và kinh phí hoạt động giúp cho hoạt động của các Điểm TBT được thuận lợi.

Trong thời gian qua các Điểm TBT đã tập trung vào các hoạt động chính sau:

- Xây dựng đề án hoạt động hoặc điều lệ tổ chức hoạt động của Điểm TBT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Tham gia xây dựng dự toán kinh phí hoạt động TBT của địa phương, trong đó có hoạt động của Điểm TBT, trong năm 2006 và giai đoạn 2006-2010.

- Tham gia rà soát văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá phù hợp do Bộ hoặc địa phương ban hành theo các quy định của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Hiệp định TBT, trên cơ sở đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

- Ổn định tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật để sớm đi vào hoạt động, bao gồm việc xây dựng hoặc hoàn thiện trang web, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp về TBT, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học…);

- Bước đầu thực hiện việc hỏi đáp về TBT từ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài;

- Tham gia nghiên cứu các biện pháp TBT phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT.

- Một số địa phương (Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…) đã thành lập ban liên ngành về TBT của địa phương với sự tham gia của các sở, ban ngành có liên quan nhằm phối hợp và đẩy mạnh hoạt động TBT của địa phương.

Một số Điểm TBT của các Bộ, địa phương (Bộ GTVT, Bộ BCVT, Bắc Giang, Đồng Nai…)  đã bước đầu đi vào hoạt động, cung cấp thông tin về TBT và trả lời các câu hỏi của các cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng chung nhiều Điểm TBT còn lúng túng trong hoạt động. Nguyên nhân là do một phần vấn đề TBT cũng như các vấn đề WTO khác vẫn còn khá mới, chủ yếu là vừa nghiên cứu vừa thực hành, cán bộ trẻ nhiệt tình song hiểu biết, kinh nghiệm còn hạn chế. Đặc biệt ở một số địa phương (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…) hoạt động của các Điểm TBT gặp khó khăn do chưa đủ căn cứ pháp lý để được phân bổ kinh phí hoạt động.

7. Xây dựng Chương trình hành động thực hiện Đề án TBT và dự toán kinh phí tổng thể thực hiện Đề án

Để có căn cứ thực hiện thống nhất và đồng bộ Đề án TBT, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ hữu quan và các địa phương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Đề án TBT. Chương trình đang được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ và địa phương và sẽ được gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và chỉ đạo.

Căn cứ Điều 3 của Quyết định 444/QĐ-TTg, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ và địa phương xây dựng dự toán kinh phí tổng thể 2005-2010 và năm 2005, 2006 để thực hiện Đề án. Theo đó các Bộ và địa phương phê duyệt nhiệm vụ hàng năm thực hiện Đề án và Bộ KH&CN, Bộ Tài chính cân đối kinh phí thực hiện các nhiệm vụ này trong kinh phí hoạt động KH&CN cho các Bộ và địa phương.

Để hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ và nội dung chi cho các nhiệm vụ này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy định về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010 kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/08/2006 và Quy định về nội dung chi thực hiện Đề án TBT kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BKHCN ngày 04/12/2006.

Bộ KH&CN tích cực phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư hướng dẫn hình thức, mức phí, trình tự thu, nộp và quản lý phí đối với hoạt động hỏi đáp về TBT theo quy định của Điều 5 tại Quyết định 444/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2006. Tuy nhiên, việc xây dựng thông tư này gặp khó khăn như từ trước đến nay chưa có quy định về hình thức cũng như mức phí đối với hoạt động tương tự ở Việt Nam; mặt khác qua tìm hiểu một số nước thành viên WTO như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… không thu phí cho hoạt động này. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho phép chưa ban hành thông tư hướng dẫn về phí hỏi đáp TBT để các điểm TBT thực hiện việc hỏi đáp chủ yếu miễn phí; đồng thời trong trường hợp việc cung cấp thông tin vượt quá khuôn khổ nghĩa vụ của Thành viên WTO (ví dụ như phải dịch tài liệu theo yêu cầu của bên đề nghị khi tài liệu chưa có sẵn bằng tiếng nước ngoài hoặc phải tự nghiên cứu, soạn thảo tài liệu để gửi cho bên đề nghị…), điểm TBT sẽ thực hiện việc cung cấp dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận đôi bên, phù hợp với quy định pháp luật về vấn đề này.

8. Tổ chức hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án TBT

Để kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án TBT, Bộ KH&CN đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp Ban Liên ngành TBT và Mạng lưới TBT. Tại hội nghị các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự phổ biến về các cam kết gia nhập WTO nói chung và thực thi Hiệp định TBT, Hiệp định SPS; Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL trình bày báo cáo thực hiện Đề án TBT trong thời gian qua và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong năm 2007. Đặc biệt các đại biểu tập trung thảo luận về những mặt được và chưa được trong triển khai Đề án; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp nhằm thực thi Đề án một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

9. Đánh giá nhận xét tình hình thực hiện Đề án TBT trong thời gian qua

Hai Quyết định của Thủ tướng về TBT được các Bộ, địa phương nghiêm túc thực hiện. Điều này không chỉ hỗ trợ việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam nói chung mà còn tạo tiền đề cho việc thực thi Hiệp định TBT ở nước ta một cách đầy đủ sau khi gia nhập WTO.

Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với các Bộ và địa phương tổ chức, hướng dẫn đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án TBT.

Các Bộ và địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ KH&CN trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

Nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về cơ hội và thách thức trong thực thi Hiệp định TBT đã được nâng cao một bước, tuy nhiên so với nhu cầu vẫn còn hạn chế.

Việc chuẩn bị thực thi cam kết về minh bạch hóa đối với Hiệp định TBT đã được tiến hành có bài bản, thông qua việc hình thành mạng lưới TBT, việc ban hành các quy định về quy trình, thủ tục và tập huấn nghiệp vụ.

Ban liên ngành về TBT đã bước đầu đi vào hoạt động, chuẩn bị điều kiện để có thể tham mưu tư vấn thực thi toàn bộ nghĩa vụ của Hiệp định TBT trong thời gian tới.

Một số hạn chế trong thực hiện Đề án TBT bao gồm:

- Nhiệm vụ xây dựng một số đề án liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp tiến hành chậm do việc phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt.

- Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh phí thực hiện các nhiệm vụ triển khai tích cực song còn lúng túng, vì tính chất công việc mới, chưa có sẵn các hướng dẫn tương tự. Do đó, một số đơn vị mặc dù có kinh phí song thụ động chờ hướng dẫn các nội dung chi và các mức chi, nên không giải ngân được hoặc chỉ được một phần kế hoạch được duyệt. Trong khi đó một số đơn vị không được bố trí kinh phí thực hiện do còn vướng mắc về tổ chức hoạt động và phê duyệt nhiệm vụ;

- Việc thành lập Điểm TBT ở một số ít địa phương còn gặp khó khăn do việc phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan chức năng;

- Nhiều Điểm TBT còn lúng túng trong triển khai hoạt động tác nghiệp cụ thể do chưa có nhiều yêu cầu từ các bên có liên quan cả trong nước và nước ngoài;

- Năng lực cán bộ còn hạn chế về nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học.

II. CÁC CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2007

1. Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Đề án TBT và trình Thủ tướng Chính phủ các đề án về hoạt động đánh giá sự phù hợp.

2. Các Bộ, địa phương cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động nêu trên, phê duyệt các nội dung kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai các nhiệm vụ kế hoạch được duyệt.

3. Việc xây dựng kế hoạch hàng năm đối với các nhiệm vụ thuộc Đề án cần được tiến hành sớm, phù hợp với tiến độ xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm. Việc ghi kế hoạch kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc Đề án cần được tách bạch làm cơ sở cho việc giao và kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch kinh phí được thuận lợi.

4. Việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT cần được triển khai đồng bộ với việc thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đặc biệt nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và chuyển đổi tiêu chuẩn ngành cần được tiến hành một cách đồng bộ với kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hàng năm.

5. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về TBT và các cam kết gia nhập WTO có liên quan cho các cơ quan, doanh nghiệp.

6. Ban liên ngành về TBT tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT, đề xuất chương trình, kế hoạch triển khai ở Việt Nam.

- Đề xuất các chương trình và biện pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp của Việt Nam đảm bảo tương thích với các quy định và hướng dẫn của WTO về TBT.

- Nghiên cứu quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến TBT, chủ động xử lý các tranh chấp này, nếu có;

- Đề xuất và thực hiện các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai chương trình, kế hoạch về TBT; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương trong thực thi các nhiệm vụ về TBT.

7. Mạng lưới TBT cần nhanh chóng tìm hiểu và nắm vững nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hoá ngay từ thời điểm Việt Nam phải thực thi cam kết gia nhập WTO.

Bộ Khoa học và Công nghệ xin báo cáo và kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTT Phạm Gia Khiêm;
- Ủy ban QGHTKTQT;
- VPCP, các Bộ có liên quan;
- UBND, Sở KH&CN các tỉnh, TP;
- Lưu VT, TĐC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 228/BKHCN-TĐC về việc kiểm điểm tình hình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO (gọi tắt là Đề án TBT) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 228/BKHCN-TĐC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/01/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Quốc Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản