Hệ thống pháp luật

 

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 166/TCHQ-KTTT
V/v xử lý vướng mắc khi thực hiện chính sách thuế XNK

Hà Nội, ngày 12  tháng 01 năm 2006

 

Kính gửi: Cục hải quan các tỉnh, thành phố

Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo của một số Cục Hải quan địa phương phản ánh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 155/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005, Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Để xử lý các vấn đề trên được thống nhất, đúng quy định, ngày 10/1/2006, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 131/TCHQ-KTTT ngày 10/1/2006 trả lời một số nội dung.

Tiếp theo công văn 131/TCHQ-KTTT trên, để đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, Tổng cục Hải quan trả lời thêm một số vấn đề (kèm theo), đề nghị các đơn vị nghiên cứu, thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về Tổng cục để được hướng dẫn cụ thể./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- LĐTC;
- Lưu VT, KTTT (10)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Thị Bình An

 

BẢNG TỔNG HỢP CÂU HỎI VÀ Ý KIẾN TRẢ LỜI VƯÓNG MẮC
(Kèm theo công văn số 166/TCHQ-KTTT ngày 12/1/2006 của Tổng cục Hải quan)

 

STT

Câu hỏi

Trả lời

1

Một số địa phương cho rằng có thể ưu tiên mới được hưởng ân hạn thuế. Nhưng một số địa phương cho rằng thẻ ưu tiên chỉ là để thực hiện ưu tiên phân luồng kiểm tra hàng hóa. Vậy, đề nghị Tổng cục cho biết điều kiện để ân hạn thuế.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 113/2005/TT-BTC, thì: doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, không có nợ thuế quá hạn, không còn nợ phạt chậm nộp tại thời điểm đăng ký tờ khai thì doanh nghiệp sẽ được ân hạn nộp thuế. Như vậy, để được áp dụng ân thuế theo quy định doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:

- Phải có thẻ ưu tiên;

- Không còn nợ thuế quá hạn, không còn nợ phạt chậm nộp tại thời điểm đăng ký tờ khai.

2

Trường hợp hàng hóa XNK vượt định mức miễn thuế theo quy định phải thu thuế của các đối tượng là cư dân biên giới hành khách xác nhận cảnh và hàng hóa phi mậu dịch khác, các khoản phí, lệ phí làm thủ tục hải quan thì do cơ quan hải quan trực tiếp thu hay đối tượng tự tính, tự khai, tự nộp?

 

 

 

 

Hàng hóa XNK là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho tổ chức Việt Nam thuộc đối tượng xét miễn thuế theo quy định có phải nộp thuế trước khi nhập khẩu vào Việt Nam không?

Theo hướng dẫn tại Thông tư 113/2005/TT-BTC, thì đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế vào Ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về việc tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đủ cơ sở hoặc không tự kê khai, tự tính thuế được thì cơ quan hải quan tính thuế và hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện các thủ tục thuế theo quy định.

 

Lệ phí làm thủ tục hải quan đề nghị thực hiện theo Quyết định số 64/2005/QĐ-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính.

 

Theo hướng dẫn tại Thông tư 113/2005/TT-BTC, thì Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hợp đồng mua bán phải nộp xong thuế trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nếu là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho tổ chức Việt Nam thì cần xác định thuộc đối tượng xét miễn thuế không? Có đủ hồ sơ không?

 

+ Nếu thuộc đối tượng xét miễn thuế, có đủ hồ sơ thì xử lý miễn thuế.

 

Trường hợp thuộc đối tượng xét miễn thuế, nhưng chưa có đủ hồ sơ thì yêu cầu bổ sung hồ sơ để xừ lý miễn thuế (thời hạn để doanh nghiệp bổ sung hồ sơ tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai), không yêu cầu tổ chức đó làm cam kết thực hiện quyết định của cơ quan hải quan trong tường hợp không được miễn thuế. 

 

+ Nếu không thuộc đối tượng xét miễn thuế, thì phải nộp thuế trước khi nhận hàng.

3

Theo hướng dẫn của Tổng cục hải quan thì từ trước đến nay kho bạc nhà nước trực tiếp thu tiền thuế sau khi cơ quan hải quan viết biên lai thu thuế và đóng dấu để thu tiền trên biên lai thu thuế. Nay thực hiện quy định mới, đối tượng nộp thuế tự viết giấy nộp tiền và tự nộp tiền vào kho bạc. Như vậy, sau khi thu tiền, cán bộ kho bạc (kế toán) ký xác nhận trên giấy nộp tiền, đóng dấu đã thu tiền trên giấy nộp tiền, trả lại 01 bản cho đơn vị, chuyển cơ quan hải quan 01 bản để lưu hồ sơ, ngoài ra trên giấy nộp tiền này không có con dấu mang tính pháp lý nào khác, nên dễ bị đối tượng nộp thuế làm giả chứng từ nộp tiền. Chứng từ này có đủ căn cứ pháp lý để quản lý chế độ thu nộp, thanh quyết toán thuế của doanh nghiệp không?

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 1893/TCHQ-KTTT  ngày 17/5/2005, công văn số 3637/TCHQ-KTTT ngày 7/9/2003 và công văn số 5443/TCHQ-KTTT ngày 15/12/2005 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

 

Giấy nộp tiền vào Ngân sách có đủ căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý chế độ thu nộp, thanh quyết toán thuê cho Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ, cơ quan Hải quan trao đổi với Kho bạc Nhà nước nơi pháp hành Giấy nộp tiền hoặc đề nghị Kho bạc xác nhận đối tượng nộp thuế đã nộp thuế vào NSNN. Ngày 10/1/2006 Bộ Tài chính đã có Quyết định số 110/QĐ-BTC ban hành Quy chế hoạt động điểm giao dịch Kho bạc Nhà nước và công văn số 42/KBNN- TCCB ngày 11/1/2006 về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế điểm giao dịch trong đó có quy định sử dụng con dấu của điểm giao dịch.

4

Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai, Doanh nghiệp thỏa mãn các hạn thuế, nhưng sau khi DN chuyển cửa khẩu và kiểm tra hàng hóa thì DN phát sinh nợ thuế quá hạn và bị cưỡng chế hoặc phạt vi phạm hành chính về hải quan, không đủ điều kiện để được xét ưu tiên. Đối với trường hợp này có được thông quan hàng hóa không?

Tại thời điểm đăng ký tờ khai, doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định thì được áp dụng thời hạn nộp thuế và được thông quan hàng hóa theo quy định tại Thông tư 113/2005/TT-BTC (thời điểm xét ưu đãi và ân hạn thuế là thời điểm đăng ký tờ khai).

5

Tại điểm 111, phần C, Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK. Hiện nay, việc cấp thẻ ưu tiên cho các Doanh nghiệp chưa thực hiện xong. Vậy việc áp dụng thời hạn nộp thuế cho các lô hàng của các DN XNK thì căn cứ vào thẻ ưu tiên, hay căn cứ vào các tiêu chí phân loại đối tượng nộp thuế chấp hành pháp luật về thuế.

 

DN chưa được cấp thẻ ưu tiên, nhưng không nợ thuế và chấp hành tốt pháp luật Hải quan có được hưởng thời gian ân hạn thuế không? Cục Hải quan Thanh Hóa.

Theo hướng dẫn tại Thông tư 113/2005/TT-BTC thì để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định, doanh nghiệp vừ aph3i có thẻ ưu tiên vừa không còn nợ phạt chậm nộp thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

 

 

Trường hợp DN chưa được cấp thẻ ưu tiên, thì phải kiểm tra nếu DN đáp ứng đủ các tiêu chí như quy định tại điểm 2.1 phần A- Thông tư số 112/2005/TT-BTC và điểm 2.2 mục III phần C Thông tư 113/2005/TT-BTC, thì cho phép DN được hướng thời gian ân hạn chế theo quy định.

6

Trường hợp DN mới thành lập (tức là có thời gian hoạt động XNK chưa đến 365 ngày), theo quy định tại điểm 2, điều 14, chương III, Nghị định 149/2005/NĐ-CP ngày 6/12/2005 thì không đủ điều kiện để phân loại là đối tượng chấp hành tốt pháp luật về thuế. Vậy đối với các đối tượng này thì áp dụng thời hạn nộp thuế cho các lô hàng XNK như thế nào?

Đối với các đối tượng này thì áp dụng thời hạn nộp thuế theo hướng dẫn tại điểm 2.3, mục II, phần C, Thông tư 113/2005/TT-BTC.

7

Tại điểm 2.3.1, điểm 2, mục II, phần C, Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 quy định: Đối với đối tượng nộp thuế chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế, nếu được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật tổ chức tín dụng về số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo thời hạn bảo lãnh. Vậy trường hợp tại thời điểm mở tờ khai, DN không nợ thuế quá hạn nhưng tại thời điểm làm thủ tục thông quan hàng hóa thì DN lại nợ thuế quá hạn, thì số tiền được bảo lãnh là số tiền phát sinh của lô hàng, hay bao gồm cả số nợ thuế?

Thời điểm áp dụng chính sách thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Do đó, đối với đối tượng nộp thuế chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế, nếu được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật tổ chức tín dụng về số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo thời hạn bảo lãnh. Số tiền được bảo lãnh là số tiền phát sinh của chỉnh lô hàng không bao gồm số nợ thuế.

8

Trường hợp tại thời điểm mở tờ khai, DN không nợ thuế quá hạn, nhưng tại thời điểm làm thủ tục thông quan hàng hóa thì doanh nghiệp lại nợ thuế quá hạn thì số tiền phải nộp là số thuế phát sinh hay bao gồm cả số nợ thuế.

Thời điểm áp dụng chính sách thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hảu quan. Do đó, đối với đối tượng nộp thuế chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế, nếu không được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh về số thuế phải nộp thì phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng.

9

Theo quy trình mới thì cơ quan hải quan không ra thông báo thuế, khi đó trong hồ sơ hải quan không có chứng từ nào để thông báo bằng văn bản cho đối tượng nộp thuế được biết thời hạn nộp thuế thì thực hiện như thế nào?

Theo điều 13 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; phần K Thông tư 113/2005/TT-BTC thì:

 

Đối tượng nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có trách nhiệm kê khai thuế đầy đủ, chính xác, minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai; nộp tờ khai hải quan cho cơ quan hải quan, tính về thuế và nộp thuế phải tự xác định thời hạn nộp thuế. Chứng từ xác định theo dõi thời hạn nộp thuế là tờ khai Hải quan.

 

Trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, Doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế, cơ quan Hải quan phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đối tượng nộp thuế biết ít nhất là 3 ngày trước khi thực hiện cưỡng chế.

10

Tại tiết 1.3.2.1, điểm I, mục I phần B, Thông tư 113/2005/TT-BTC quy định “Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Đối tượng nộp thuế tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Vậy khi cơ quan Hải quan phát hiện xuất xứ hàng hóa khác với Xuất xứ Doanh nghiệp khai báo thì xử lý như thế nào?

Khi cơ quan Hải quan phát hiện xuất xứ hàng hóa khác với xuất xứ hàng hóa theo khai báo của DN thì cơ quan Hải quan sẽ thực hiện việc truy thu thuế và xử phạt theo quy định. Việc truy thu, xử phạt được thực hiện theo hướng dẫn tại Phần G, phần K, Thông tư 113/2005/TT-BTC.

11

Theo quy định từ 1/1/2006 các đối tượng nộp thuế XK, NK nộp trực tiếp vào kho bạc Nhà nước, Hải quan không ra thông báo thuế và biên lai thu tiền. Thực tế địa bàn Hải quan Điện Biên quản lý hầu hết các chi cục hải quan, cửa khẩu ở xa trung tâm; trường hợp đối tượng nộp thuế nộp thuế ngay bằng tiền mặt thì hải quan cửa khẩu, nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu có được trực tiếp thu thuế và viết biên lai thu cho chủ hàng không? Trường hợp chưa có điểm thu của Kho bạc Nhà nước tại nơi làm thủ tục do xa trung tâm có được thu tiền trực tiếp và ra biên lai không?

 

Trường hợp được ân hạn thuế thì cách theo dõi, đôn đốc thu của đối tượng này như thế nào?

Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3637/TCHQ-KTTT ngày 7/9/2005 hướng dẫn Hải quan các địa phương thực hiện (Công văn 3637/TCHQ-KTTT kèm theo). Đồng thời căn cứ Thông tư 80/2003/BTC; Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTC-TCHQ ngày 12/01/2001; Mục 1 phần H Thông tư 113/TT-BTC ngày 15/12/2005 thì trong trường hợp này, cơ quan Hải quan được phép thu thuế bằng tiền mặt, khu thu thuế cơ quan Hải quan phải viết biên lai thu và giao biên lai cho Doanh nghiệp.

 

Trường hợp được áp dụng thời hạn nộp thuế thì thực hiện theo dõi nợ thuế như đã hướng dẫn tại mục II phần K Thông tư 113/TT-BTC ngày 15/12/2005.

12

Doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, chưa cưỡng chế nhưng trên máy lại thể hiện cưỡng chế - Cục Hải quan Hải Phòng. Vậy phải xử lý như thế nào?

Đây có thể do lỗi của hệ thống mạng, đề nghị đơn vị căn cứ vào ngày đăng ký tờ khai để tính thời gian nợ thuế của doanh nghiệp.

13

Công văn 5082/TCHQ ngày 11/9/1999 và công văn 4244/TC/TCT ngày 26/8/1999 của Bộ Tài chính có còn hiệu lực hay không? Cục Hải quan Hải Phòng.

Việc xử lý cưỡng chế đối với các trường hợp nợ thuế quá hạn thực hiện theo điểm 1.4.3, mục II phần K Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Công văn 5082/TCHQ và 4244/TC/TCT không còn hiệu lực.

14

Trường hợp thông tin trên máy tính doanh nghiệp bị cưỡng chế, không được hưởng ân hạn chế và máy tự động phân luồng theo điều kiện này. Tuy nhiên DN xuất trình chứng từ chứng minh đã nộp thuế thì xử lý như thế nào, có cho phép DN được ân hạn chế không? nếu được ân hạn thuế thì không sửa được điều kiện này trong máy tính - Cục Hải quan Hải Phòng.

Tại điểm 2.2 mục II phần C Thông tư 113 quy định: Đối tượng nộp thuế chấp hành tốt pháp luật về thuế là chủ hàng chấp hành tốt pháp luật. Hải quan và không còn nợ thuế quá hạn, không còn nợ tiền phạt chậm nộp thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai.

 

Trường hợp DN xuất trình được chứng từ chứng minh đã nộp thuế thì cơ quan Hải quan cần phải xem xét thêm DN có chấp hành tốt pháp luật Hải quan hay không (theo các tiêu chí quy định tại điểm 2.1 phần A Thông tư 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005) để quyết định DN có được ân hạn thuế hay không. Các vướng mắc về hệ thống QLRR đề nghị liên hệ trực tiếp với Cục CNTT để được hướng dẫn cụ thể.

15

DN có sự thay đổi về tên gọi nhưng vẫn giữ nguyên mã số thuế nên thông tin trên máy về DN với tên gọi mới này có thời gian hoạt động chưa đủ 365 ngày. Tuy nhiên, nếu tính cả thời gian hoạt động trước đó thì thời gian hoạt động của DN là trên 365 ngày thì có được áp dụng điều kiện ân hạn thuế và các điều kiện ưu tiên cho DN không? Cục Hải quan Hải Phòng

Trường hợp này, đề nghị DN xuất trình quyết định cho phép đổi tên của cơ quan chủ quản DN. Nếu đúng cơ quan chủ quản cho phép thay đổi tên cũ sang tên mới và DN vẫn giữ nguyên mã số thuế thì cơ quan Hải quan giữ lại bản sao quyết định và tính thời gian hoạt động từ khi DN mang tên cũ.

16

Trường hợp DN còn nợ thuế quá hạn chưa cưỡng chế theo quy định thì phải nộp thuế ngay hoặc bảo lãnh thuế cho lô hàng đang làm thủ tục nhập khẩu trước khi thông quan. Tuy nhiên, có trường hợp số nợ thuế quá nhỏ (<1 triệu đồng, có trường hợp chỉ vài chục nghìn đồng và số nợ này của các chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu) thì đề nghị vẫn cho phép DN được ân hạn thuế theo quy định - Cục Hải quan Hải Phòng.

Theo các văn bản pháp quy hiện hành thì không có văn bản nào quy định số nợ bao nhiêu coi là không nợ thuế. Do đó, các doanh nghiệp này không được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định. Để được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định. DN phải nộp hết nợ thuế.

17

Theo quy định tại Thông tư số 112/2005/TT-BTC thì một trong những điều kiện để doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật HQ là trong thời gian 365 ngày tính đến ngày làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu nhập khẩu, doanh nghiệp không có nợ thuế quá hạn 90 ngày. Vậy trường hợp đến thời điểm cơ quan hải quan xét cấp thẻ ưu tiên, doanh nghiệp không còn nợ thuế quá hạn 90 ngày nhưng trong thời gian 365 ngày trước đó doanh nghiệp có nợ thuế quá hạn thì doanh nghiệp có được coi là chấp hành tốt pháp luật không?

Tiêu chí để xem Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật phải xét trong cả quá trình 365 ngày và trong 365 đó doanh nghiệp đã vi phạm nợ thuế quá 90 ngày thì không thể coi là chấp hành tốt pháp luật.

18

Doanh nghiệp hiểu biết điểm 1 “Lệ phí làm thủ tục hải quan” trong mục 1 “mức thu phí, lệ phí” của Biểu mức thu, có nghĩa là toàn bộ hàng hóa xuất khẩu không phải nộp lệ phí làm thủ tục hải quan.

Bộ Tài chính đã có Quyết định số 64/2005/QĐ-BTC về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hải quan. Theo Quyết định số 64 thì toàn bộ hàng hóa xuất khẩu không phải nộp lệ phí làm thủ tục hải quan.

19

Hiện nay hầu hết các văn bản quy định “…hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo” (ví dụ như Quyết định số 64/2005/QĐ-BTC), thực tế nhiều văn bản ban hành nhung không thấy đăng Công báo nên rất khó khăn trong việc xác định đúng thời hạn hiệu lực của văn bản; nếu không đăng công báo thì sau bao lâu có hiệu lực thi hành.

Theo quy định, thời hạn hiệu lực thi hành văn bản là 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Quyết định 64/2005/QĐ-BTC về việc quy định chế độ thu, nộ, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong làm việc hải quan đã được đăng tại Công báo số 31+32 ngày 24/10/2005

20

Đề nghị hướng dẫn cụ thể tiền thuế được xác định theo số lượng thực tế (theo cơ quan giám định) hay theo hóa đơn trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có sự chênh lệch về số lượng so với khai báo (hợp đồng) do các yếu tố tự nhiên (thời tiết…), tính chất lý hóa của hàng hóa (độ dãn nở, bay hơi, độ ẩm…).

 

 

Tại mục II phần B thông tư 113 quy định về phương pháp tính thuế; như vậy nếu trong trường hợp số lượng hàng thực tế nhập khẩu tăng lên nhưng hóa đơn thương mại ghi trị giá thực thanh toán cho lô hàng theo khai báo thì số thuế phải nộp có được xác định trên cơ sở giá trị thanh toán trên hóa đơn hay không?

Nội dung này đã được quy định cụ thể tại điếm 1, 2 Mục I phần B Thông tư 113, cụ thể:

 

1) Về xác định lượng hàng thực xuất, thực nhập:

Khi đã thực hiện giám định thì căn cứ kết quả giám định để xác định lượng hàng thực xuất, thực nhập.

 

2) Khi xác định trị giá tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn thương mại và hợp đồng mua bán (điều kiện giao hàng, tỷ lệ dung sai, đặc tính tự nhiên của hàng hóa và điều kiện thanh toán). Trị giá tính thuế không được thấp hơn trị giá thanh toán ghi trên hóa đơn thương mại.

 

Một số ví dụ cụ thể:

a. Khi nhập khẩu lá thuốc lá theo hợp đồng, doanh nghiệp mua 1000 tấn, giá mỗi tấn là 100 USD, thủy phần (± 2%. Hóa đơn thương mại ghi = 1000 tấn x 100USD, trị giá thanh toán là 100.000USD. Khi nhập khẩu cơ quan hải quan kiểm tra qua cân lượng 1020 tấn hoặc 980 tấn thì trị giá thanh toán để tính thuế là 100.000USD.

 

Nếu lượng kiểm tra là 1200 tấn thì lượng hàng hóa thực nhập là 1.200 tấn và trị giá tính thuế được xác định như sau: 1.000 tấn x 199USD + 176 tấn x 100USD (lượng hàng hóa để tính trị giá tính thuế là 1176 tấn = 1200 tấn - (1200 tấn x 2%)).

 

Trường hợp lượng thực nhập ít hơn lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn thương mại thì trị giá tính thuế là trị giá thanh toán ghi trên hóa đơn thương mại.

 

b. Do đặc tính tự nhiên của một số hàng hóa (gỗ cây, phân bón giao rời…) người bán không thể giao chính xác theo một số lượng cố định nên trên hợp đồng mua bán, thu tín dụng L/C cho phép áp dụng dung sai. Ví dụ: dung sai ±10% về số lượng và giá trị đều được chấp nhận. Điều này có nghĩa là số lượng hàng hóa người bán thực giao nhiều đơn hoặc ít hơn 10% so với số lượng đã nêu trong hợp đồng thì vẫn được người mua chấp nhận và ngân hàng trả đủ tiền. Hóa đơn thương mại được phát hành theo hàng thực giao, và trị giá tính thuế được tính theo trị giá phải thanh toán ghi trên hóa đơn.

21

Đề nghị hướng dẫn cụ thể các trường hợp không phải khai tờ khai trị giá.

1. Tất cả các hàng hóa nhập khẩu phải khai báo tờ khai trị giá khi làm thủ tục nhập khẩu, trừ các trường hợp sau:

- Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa;

- Hàng hóa nhập khẩu có hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng mức thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% được nhập khẩu theo điều kiện CIF, C&F, DAF và giá trị trên hóa đơn đã phản ánh toàn bộ tổng số tiền người mua phải trả, đồng thời giữa người mua người bán không có mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng đến trị giá.

2. Hàng xuất khẩu không phải khai tờ khai trị giá.

22

Điều 16 Nghị định 155 đề nghị quy định cụ thể về khoản tiền bắt đầu đủ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, vì nếu việc xác định mang tính chủ quan sẽ gây nhiều thắc mắc trong doanh nghiệp.

Việc xác định khoản bảo đảm theo quy định tại Điều 16 không mang tính chủ quan mà được xác định theo nguyên tắc và phương pháp được quy định cụ thể tại Mục IX Phụ lục 1 Thông tư 113. Yêu cầu Cục Hải quan địa phương nghiên cứu để triển khai thực hiện.

23

Việc trì hoãn xác định trị giá tính thuế thường xuyên xảy ra do rất nhiều lý do cả về phía doanh nghiệp và cơ quan hải quan thì doanh nghiệp có phải nộp khoản tiền bản đảm hay không?

Căn cứ Điều 16 Nghị định 155, việc nộp tiền bảo đảm chỉ được áp dụng trong trường hợp: tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan chưa đủ thông tin để xác định được trị giá tính thuế.

24

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không có giấy chứng nhận xuất xứ thì có được xác định trị giá tính thuế theo GATT không?

Căn cứ Điều 1, Nghị định 155 tất cả các hàng hóa nhập khẩu là đối tượng áp dụng Nghị định (xác định trị giá tính thuế theo nguyên tắc của hiệp định trị giá GATT) mà không phân biệt xuất xứ hay đối tượng nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy giấy chứng nhận xuất xứ là không cần thiết cho mục đích xác định đối tượng áp dụng Nghị định.

25

Khi tham vấn thì cơ quan hải quan có được thu thêm các chứng từ như bản chào giá, bảo hiểm… để phục vụ công tác xác định trị giá không?

Việc cơ quan hải quan có quyền yêu cầu người khai hải quan cung cấp thông tin xác thực và các tài liệu, chứng từ hợp pháp hợp lệ làm căn cứ xác định trị giá tính thuế và người khai hải quan có nghĩa vụ phải thực hiện đã được quy định cụ thể tại Điều 14 khoản 2 điểm b và Điều 15 Khoản 2 Nghị định 155.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 166/TCHQ-KTTT của Tổng Cục Hải quan về việc xử lý vướng mắc khi thực hiện chính sách thuế XNK từ 1/1/2006

  • Số hiệu: 166/TCHQ-KTTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/01/2006
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Thị Bình An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản