- 1Luật Đấu thầu 2005
- 2Luật Nhà ở 2005
- 3Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Quyết định 76/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà
- 7Nghị định 46/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng
- 8Nghị định 180/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1537/BXD-VP | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008 |
Kính gửi: Sở Xây dựng Bạc Liêu.
Bộ Xây dựng nhận được của Sở Xây dựng Bạc Liêu Báo cáo số 60/BC-SXD ngày 03/7/2008 về khó khăn, vướng mắc trong việc lập "Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020" và Báo cáo số 62/BC-SXD ngày 04/7/2008 về một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
I. VỀ THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ LĨNH VỰC THANH TRA, KIỂM TRA:
1. Về những nội dung liên quan đến Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà:
Những nội dung liên quan đến Nghị định số 126/2004/NĐ-CP mà Sở Xây dựng Bạc Liêu nêu như: Mức xử phạt bằng tiền quá thấp, chưa đủ sức răn đe; thiếu các biện pháp chế tài kèm theo khi đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền v.v… Bộ Xây dựng đã kiến nghị sửa đổi bổ sung. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2004/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2008. Trong Nghị định sửa đổi bổ sung sẽ điều chỉnh mức xử phạt bằng tiền, thêm các biện pháp chế tài và bổ sung thêm các quy định xử lý đối với một số hành vi vi phạm cụ thể.
Đối với những hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 đã quy định biện pháp xử lý, trình tự cưỡng chế nhằm đảm bảo thực hiện triệt để quyết định xử lý vi phạm.
Về việc thiếu một số hành vi vi phạm :
- Hành vi vi phạm trong công tác quy hoạch: Sẽ được bổ sung trong Nghị định mới thay thế Nghị định 126/2004/NĐ-CP.
- Hành vi chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung giấy phép như xây dựng có quy mô nhỏ hơn thiết kế được duyệt: nếu không vi phạm quy hoạch xây dựng; không vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; xây dựng số tầng ít hơn số tầng quy định trong giấy phép thì không xử phạt.
- Chủ đầu tư tự thi công xây dựng nếu vi phạm các quy định về điều kiện năng lực thì xử phạt như đối với nhà thầu thi công xây dựng.
- Chủ đầu tư không lập Ban quản lý dự án: nếu chủ đầu tư đủ điều kiện năng lực thì được tự thực hiện, nếu chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực nhưng vẫn tự thực hiện thì xử phạt như đối với trường hợp chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án không đủ điều kiện năng lực theo quy định.
2. Về công tác kiểm tra: Kiểm tra là một trong những chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm tra là nhiệm vụ, quyền hạn và là việc làm thường xuyên của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất ở các lĩnh vực, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Để công tác kiểm tra thường xuyên có kết quả, trước khi kiểm tra cần xây dựng chương trình, kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, làm căn cứ để xác định chính xác nhiệm vụ của từng bộ phận, cá nhân trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của nhà nước có thể đề nghị thanh tra hoặc đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra theo trình tự pháp luật quy định.
Đối với công tác kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần có nội dung, đề cương kiểm tra chi tiết được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước duyệt trước khi tiến hành kiểm tra để kết quả kiểm tra đảm bảo tính khoa học, khách quan, trung thực.
3. Về kiến nghị đánh giá hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Tại mục 3, Điều 16 của Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã giao: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định này theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết; chỉ đạo ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết năm và tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đã có văn bản số 307/TTr-TH ngày 08/7/2008 gửi Sở Xây dựng thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh về việc sơ kết một năm thực hiện Quyết định 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2008 và chuẩn bị để tổng kết, đánh giá hiệu qủa thực hiện Quyết định này vào cuối năm 2009.
4. Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế của Chánh thanh tra Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP:
Khoản 2, Điều 114 và Mục c, khoản 1, Điều 115 của Luật Xây dựng quy định Thanh tra Xây dựng có nhiệm vụ: “Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng” và Thanh tra Xây dựng có quyền “áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật”.
Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ về thẩm quyền xử lý vi phạm trật tư xây dựng đô thị của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng: “Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với những công trình do Sở Xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp phép xây dựng trong trường hợp UBND cấp huyện buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định kịp thời”.
Như vậy, Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ về thẩm quyền xử lý vi phạm trật tư xây dựng đô thị của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền và phạm vi áp dụng thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị căn cứ vào các quy định của Luật Xây dựng. Vì vậy Nghị định này không trái với Luật Xây dựng.
Về nội dung Nghị định số 46/2005/NĐ-CP bãi bỏ các quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 (thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở) mâu thuẫn với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Thông tư liên tịch số 10 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 46/2005/NĐ-CP: Vấn đề này, Bộ Xây dựng đang kiến nghị sửa đổi bổ sung. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2004/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm. Trong Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở, thêm các biện pháp chế tài và bổ sung thêm các quy định xử lý đối với một số hành vi vi phạm cụ thể.
5. Về việc áp dụng Luật Đấu thầu:
Các tổ chức, cá nhân có dự án (không sử dụng vốn ngân sách) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu chọn áp dụng Luật Đấu thầu. Đối với các dự án này thì khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ được xử lý như sau:
+ Nếu áp dụng Luật Đấu thầu thì tranh chấp giữa các bên sẽ được xử lý theo Hợp đồng và Luật Đấu thầu.
+ Nếu không áp dụng Luật Đấu thầu thì việc tranh chấp giữa các bên sẽ được xử lý theo Hợp đồng do hai bên ký kết theo pháp luật hiện hành.
6. Về cơ chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm: Sở Xây dựng là cơ quan giúp việc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật.
Cơ chế phối hợp để đảm bảo hiệu quả hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm trong các lĩnh vực nêu trên là trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Xây dựng. Sở Xây dựng cần chủ động và linh hoạt trong cơ chế phối hợp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
II. VỀ XÂY DỰNG "CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020":
1. Về xây dựng chương trình phát triển nhà:
Theo quy định của pháp luật về Nhà ở và thực hiện Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải xây dựng Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân thông qua. Tại văn bản số 976/BXD-QLN ngày 30/6/2004 Bộ Xây dựng đã hướng dẫn việc thực hiện xây dựng Chương trình phát triển nhà ở cho các địa phương. Do vậy, việc xây dựng Chương trình phát triển nhà của tỉnh là theo quy định của pháp luật, trong khi chưa xây dựng xong Chương trình phát triển nhà ở chung của tỉnh, các địa phương có thể xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công vụ trên địa bàn. Trong quá trình xây dựng các Chương trình và Đề án trên, nếu có khó khăn vướng mắc, Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu liên hệ với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.
2. Về tiêu chuẩn thiết kế và loại nhà ở xã hội:
Điều 47 Luật Nhà ở đã quy định, tại đô thị loại đặc biệt thì nhà ở xã hội phải là nhà chung cư năm hoặc sáu tầng; tại các đô thị từ loại 5 đến đô thị loại 1 nhà xã hội phải là nhà chung cư không quá 6 tầng; ngoài các khu vực trên nhà ở xã hội có thể là nhà ở riêng lẻ; mỗi căn hộ có diện tích từ 30 m2 đến 60m2. Quy định này nhằm đảm bảo việc sử dụng đất tại các khu vực đô thị có hiệu quả, đảm bảo tiền thuê và chi phí quản lý sử dụng nhà ở hàng tháng phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp. Việc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu kiến nghị xin được áp dụng loại hình nhà ở liên kế để xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công vụ mà thuộc các khu vực đô thị từ loại 5 trở lên thì chưa phù hợp với quy định của Luật Nhà ở. Tuy vậy, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đề xuất của địa phương và kiến nghị với Chính phủ xem xét cho áp dụng nhiều loại hình nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
3. Về chính sách hỗ trợ giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội:
Bộ Xây dựng đồng tình và sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ xem xét quyết định nhưng phải đảm bảo nguyên tắc của Luật Nhà ở là việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không quay lại cơ chế bao cấp về nhà ở như trước đây. Nhà ở xã hội phải được cho thuê, thuê mua với mức giá phù hợp đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có tính đến việc hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Đấu thầu 2005
- 2Luật Nhà ở 2005
- 3Quyết định 89/2007/QĐ-TTg thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Quyết định 76/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà
- 7Nghị định 46/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng
- 8Nghị định 180/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị
- 9Công văn 6182/BTP-VP năm 2013 trả lời kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tư pháp ban hành
Công văn số 1537/BXD-VP về việc trả lời một số vướng mắc, kiến nghị của Sở Xây dựng Bạc Liêu do Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 1537/BXD-VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 31/07/2008
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Văn Liên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/07/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết