Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 953/BVTV-ATTPMT
V/v cập nhật một số nội dung đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật theo Lệnh 248 của Trung Quốc

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi:

Các Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh/thành
Các Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp tỉnh/thành
Các Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Các tổ chức, cá nhân liên quan

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và Công văn số 221/SPS-BNNVN ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam về việc đề nghị triển khai gấp việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cập nhật hướng dẫn mới cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) như sau:

1. Phạm vi đăng ký xuất khẩu qua Trung Quốc được Cục BVTV giới thiệu

1.1. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

- Ngũ cốc dùng làm thực phẩm: đề cập đến các sản phẩm từ hạt, rễ và củ của cây trồng như ngũ cốc và khoai, chủ yếu bao gồm các sản phẩm ăn được từ hạt của các loại loại cây thân thảo sau khi chế biến thô, chẳng hạn như gạo, yến mạch và cao lương;

- Sản phẩm bột ngũ cốc: dùng để chỉ các sản phẩm dạng bột mịn được làm từ việc nghiền và lọc hạt hoặc rễ, củ các loại cây trồng như trái cây, quả hạch, ... thành bột ăn được (trừ các sản phẩm theo phạm vi quản lý của Bộ Công thương - ngũ cốc, khoai như bột mì hoặc bột meslin, bột ngũ cốc, ngô, khoai, sắn, inulin, gluten ...);

- Các loại rau tươi, rau tách nước và đậu khô: các loại rau tươi hoặc các sản phẩm rau khô được chế biến bằng cách giữ tươi, khử nước, sấy khô và các quá trình sấy khô khác và đậu khô;

- Gia vị nguồn gốc tự nhiên: chỉ các sản phẩm thực vật tự nhiên như quả, hạt, hoa, rễ, thân, lá, vỏ hoặc toàn cây, có thể được sử dụng trực tiếp với các chức năng làm thơm, tạo mùi và gia vị;

- Quả hạch và các loại hạt: quả hạch dùng để chỉ hạt của cây thân gỗ có vỏ cứng, bao gồm quả óc chó, hạt dẻ, hạt mơ, hạt hạnh nhân, quả hồ đào, hạt dẻ cười, hạt torreya grandis, hạt mắc-ca và hạt thông, ... Hạt dùng để chỉ hạt của các loại thực vật như dưa, quả, rau bao gồm cả hạt dưa hấu và hạt bí ngô;

- Trái cây đông lạnh;

- Trái cây khô: dùng để chỉ các sản phẩm trái cây tươi được sấy khô bằng quá trình phơi nắng, sấy khô và các quá trình khử nước khác;

- Hạt cà phê và cacao chưa rang.

1.2 Loại hình Doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

PP - Doanh nghiệp sản xuất/chế biến

CS - Doanh nghiệp kho lạnh

DS - Doanh nghiệp kho thường

Lưu ý: Doanh nghiệp thương mại hoặc đại lý xuất khẩu thực phẩm không đăng ký theo hướng dẫn này (không theo Lệnh 248). Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin qua hệ thống quản lý hồ sơ đăng ký và nộp đơn đăng tại website http://ire.customs.gov.cn/. Nếu có vướng mắc, vui lòng liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024.32444150, 024-37344764; email: spsvietnam@mard.gov.vn

2. Thực hiện đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trên Hệ thống đăng ký trực tuyến https://cifer.singlewindow.cn của GACC (gọi tắt là CIFER)

Bước 1: Doanh nghiệp đề nghị cấp/xác nhận tài khoản

Cấp tài khoản: đối với các doanh nghiệp chưa có tài khoản trên CIFER

Xác nhận tài khoản: đối với các doanh nghiệp được cấp nhưng chưa xác nhận hoặc tự mở tài khoản trên CIFER

Doanh nghiệp gửi thông tin để cấp/xác nhận tài khoản về Cục BVTV qua email gồm:

- Đơn đề nghị cấp tài khoản theo Mẫu số 01 của công văn này (dạng file word pdf)

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (dạng file pdf)

Trong trường hợp địa chỉ đăng ký khác với địa chỉ trên giấy đăng ký kinh doanh: doanh nghiệp cung cấp thêm các giấy tờ liên quan để làm rõ.

Lưu ý: Doanh nghiệp kiểm tra kỹ thông tin đăng ký. Thông tin cung cấp phải chính xác theo giấy tờ hợp lệ. Khi tài khoản được tạo thành công, không thể sửa đổi thông tin tên người dùng, quốc gia/ khu vực đặt tài khoản và số đăng ký tại quốc gia/ khu vực.

Bước 2: Cục BVTV cấp/xác nhận tài khoản

Cục BVTV thực hiện việc cấp/xác nhận tài khoản cho doanh nghiệp trên CIFER và thông báo cho doanh nghiệp để cập nhật thông tin về tài khoản.

Bước 3: Doanh nghiệp thực hiện đăng ký/ thay đổi thông tin đăng ký trên CIFER

Doanh nghiệp sử dụng tài khoản đã được cấp/xác nhận để đăng ký xuất khẩu trên CIFER các mặt hàng trong phạm vi nêu tại mục 1.1 của hướng dẫn này. Mỗi một dòng hàng (có thể gồm 1 hoặc nhiều mặt hàng) là 1 lần đăng ký.

Doanh nghiệp chuẩn bị Giấy tờ bắt buộc theo yêu cầu của GACC để đính kèm lên CIFER như sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

2. Bản cam kết của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 của công văn này;

3. Sơ đồ/quy trình sản xuất (bao gồm các điểm kiểm soát tới hạn-CCP và các biện pháp kiểm soát mối nguy đang được thực hiện);

4. Một trong các loại giấy sau cho Cục BVTV để phục vụ việc xác nhận cho doanh nghiệp:

- Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

- Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.

- Giấy chứng nhận Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS).

- Giấy chứng nhận Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC).

- Giấy chứng nhận Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).

- Giấy chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP).

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT.

- Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT.

- hoặc loại giấy chứng nhận tương đương.

Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký (Điều 19, Lệnh 248), doanh nghiệp phải cung cấp cho GACC:

1. Bảng đối chiếu thông tin thay đổi;

2. Các tài liệu chứng minh liên quan đến thông tin thay đổi

Nếu chuyển địa điểm sản xuất, thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi số đăng ký do quốc gia cấp thì phải tiến hành đăng ký mới lại và số đã đăng ký tại Trung Quốc sẽ tự động hết hiệu lực.

Các thao tác đăng ký trên CIFER được hướng dẫn cụ thể trong tài liệu hướng dẫn sử dụng “Single Window User Manual” của GACC (kèm theo công văn này).

Các giấy tờ đưa lên CIFER phải soạn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, nếu là tài liệu gốc thì cần cung cấp bản dịch tiếng Anh/ tiếng Trung và được ký tên, đóng dấu theo quy định.

Bước 4: Cục BVTV gửi thông báo chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp

Sau khi nhận được thông tin đăng ký của doanh nghiệp, CIFER tự động thông báo danh mục các điều kiện và điểm chính để xem xét, kiểm tra đối với đăng ký của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước. Cục BVTV gửi thông báo kèm theo danh mục này cho doanh nghiệp qua email đăng ký trên CIFER để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu của GACC và thông báo của Cục BVTV.

Bước 5: Nộp hồ sơ chính thức

Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bản giấy 01 bộ hồ sơ bản mềm (thành phần hồ sơ nêu tại Bước 3Bước 4) theo yêu cầu của GACC.

- Bản mềm dạng file pdf gửi Cục BVTV qua email qlattpmt.bvtv@mard.gov.vn

- Bản hồ sơ giấy gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ: Cục Bảo vệ thực vật (Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường). Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội.

Hồ sơ được tiếp nhận chính thức khi Cục BVTV nhận được hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

Bước 6. Xác nhận của Cục BVTV

Cục BVTV đối chiếu hồ sơ của doanh nghiệp với yêu cầu của GACC:

- Nếu thông tin khai báo trên CIFER và hồ sơ của của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của GACC, Cục BVTV xác nhận và chuyển hồ sơ của doanh nghiệp sang GACC.

- Nếu thông tin khai báo trên CIFER và hồ sơ cần bổ sung, Cục BVTV thông báo cho doanh nghiệp qua email đăng ký trên hệ thống.

Bước 7: Đánh giá của GACC

GACC đánh giá, rà soát hồ sơ nộp qua CIFER, có thể tổ chức đoàn đánh giá và các hình thức khác hoặc kết hợp để cấp mã số đăng ký xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cuối cùng được GACC thông báo trên CIFER

Doanh nghiệp cập nhật tình trạng xét duyệt hồ sơ và tra cứu kết quả trên CIFER bằng tài khoản doanh nghiệp.

3. Khuyến nghị:

- Để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248).

- Danh sách các loại sinh vật gây hại Trung Quốc quan tâm và các hàng hóa có ký kết thỏa thuận, Nghị định thư xuất khẩu, hiệp định với Trung Quốc tại đường link: https://bit.ly/3JzYIqe

- Các thông tin mới nhất được cập nhật tại website của Cục BVTV https://www.ppd.gov.vn/an-toan-thuc-pham-va-moi-truong.html.

- Trong quá trình thực hiện đăng ký xuất khẩu thực phẩm nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248, nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ:

Phòng An toàn thực phẩm và Môi trường (Cục Bảo vệ thực vật). Điện thoại: 024.3533.4036. Email: qlattpmt.bvtv@mard.gov.vn.

Để tìm hiểu yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc liên hệ: Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật). Điện thoại: 024.3857.0754. Email: htqt.bvtv@mard.gov.vn.

Công văn này thay thế Công văn số 175/BVTV-ATTPMT ngày 20/01/2022 hướng dẫn Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật thực hiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Trần Thanh Nam (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- VP SPS VN (để phối hợp);
- Lưu: VT, ATTPMT.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Huỳnh Tấn Đạt

 

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……………, ngày ...... tháng ..… năm…..

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/XÁC NHẬN TÀI KHOẢN ĐĂNG KÝ XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC

Kính gửi: Cục Bảo vệ thực vật

1. Tên cơ sở sản xuất

Tên tiếng Việt: ………………………………………………………………………………………

Tên tiếng Anh: ………………………………………………………………………………………

2. Địa chỉ nơi đặt trụ sở

Tiếng Việt: ……………………………………………………………………………………………

Tiếng Anh: ……………………………………………………………………………………………

3. Địa chỉ cơ sở sản xuất

Tiếng Việt: ……………………………………………………………………………………………

Tiếng Anh: ……………………………………………………………………………………………

4. Số giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập:

5. Tên người đại diện hợp pháp: ………………………………………………………………

Điện thoại: ………………………Fax: ……………………………Email: ……………………….

6. Tên người liên lạc:

Điện thoại: ………………………Fax: ……………………………Email: ……………………….

7. Mặt hàng sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sang Trung Quốc:

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

8. Loại hình doanh nghiệp:

Cơ sở sản xuất ban đầu □                     Cơ sở thu gom □

Cơ sở sơ chế □                                    Cơ sở chế biến □

Kho thường □                                       Kho lạnh □

Đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp □ / xác nhận □ tài khoản trên Hệ thống đăng ký trực tuyến của GACC.

 

Hồ sơ gửi kèm:

- …….

- …….

ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 02

DECLARATION OF THE MANUFACTURER

Attention to: General Administration of China Customs (GACC)

We hereby declare that the information and related materials submitted by this manufacturer are true and complete, and can meet the relevant regulations of China and Vietnam and the Regulations of the PeopIe’s Republic of China on the Registration and Administration of Overseas Manufacturers of Imported Food.

Name of the manufacturer: …..

Name of the legal representative: ….

Position: ....

 

Signature and seal of the legal representative

Date: …..

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 953/BVTV-ATTPMT năm 2022 về cập nhật nội dung đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật theo Lệnh 248 của Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật ban hành

  • Số hiệu: 953/BVTV-ATTPMT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/04/2022
  • Nơi ban hành: Cục Bảo vệ thực vật
  • Người ký: Huỳnh Tấn Đạt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản