Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 913/BKHĐT-QLĐT
V/v đánh giá khả năng thu xếp vốn thông qua thư cam kết tín dụng của nhà đầu tư trong quá trình sơ tuyển

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 461/VPCP-ĐMDN ngày 16/01/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam liên quan đến nội dung đánh giá khả năng thu xếp vốn thông qua thư cam kết tín dụng của nhà đầu tư trong quá trình sơ tuyển. Sau khi nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có ý kiến như sau:

Theo bảng Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm (Chương III, Mục 2.2) thuộc Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển ban hành kèm theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT ngày 16/12/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư phải cung cấp cam kết huy động vốn vay theo Mẫu NL 02 tại Chương IV - Biểu mẫu dự sơ tuyển. Nhà đầu tư nộp kèm theo văn bản cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đối với phần nghĩa vụ tài chính còn lại (ngoài vốn chủ sở hữu) thuộc trách nhiệm thu xếp của nhà đầu tư. Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển căn cứ tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển. Mục đích của việc cam kết tín dụng để đảm bảo nhà đầu tư đáp ứng được nguồn lực tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trong suốt thời gian hợp đồng dự án.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13, mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Do đó, trường hợp hồ sơ dự sơ tuyển của Quý Công ty được bên mời thầu đánh giá là không đảm bảo tính pháp lý và không có giá trị để làm căn cứ đánh giá về khả năng thu xếp vốn vay (do ngày thành lập liên danh sau ngày có thư cung cấp tín dụng) theo văn bản số 2678/SGTVTXD-PTĐT ngày 24/12/2018 của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai, Quý Công ty làm rõ với bên mời thầu về tính pháp lý của thư cam kết cung cấp tín dụng. Việc xác định hiệu lực pháp lý của thư tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về tín dụng, pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, theo bảng Chỉ dẫn nhà đầu tư (Chương I, Mục 26) thuộc Mẫu hồ sơ mời sơ tuyển ban hành kèm theo Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà đầu tư có quyền gửi đơn kiến nghị về các vấn đề trong quá trình sơ tuyển, kết quả sơ tuyển đến Bên mời thầu, Người có thẩm quyền, Hội đồng tư vấn theo địa chỉ quy định tại bảng dữ liệu. Việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương XII Luật Đấu thầuĐiều 88, 89 và 90 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Đề nghị Quý Công ty nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định hiện hành./.

 


Nơi nhận:
- Như trên (Tầng 03 tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội);
- Cổng TTĐT Chính phủ (VPCP);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);
- Lưu: VT, QLĐT (115).

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU




Nguyễn Đăng Trương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 913/BKHĐT-QLĐT năm 2019 về đánh giá khả năng thu xếp vốn thông qua thư cam kết tín dụng của nhà đầu tư trong quá trình sơ tuyển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 913/BKHĐT-QLĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/02/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Nguyễn Đăng Trương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản