Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/TCLN-PCTT
V/v phúc đáp văn bản số 7957/TCHQ-GSQL ngày 18/12/2020 của Tổng cục Hải quan

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao xử lý Văn bản số 7957/TCHQ-GSQL ngày 18/12/2020 của Tổng cục Hải quan về việc cấm nhập khẩu động vật hoang dã theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/20120 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến như sau:

1. Về khái niệm “Động vật hoang dã”

Theo pháp luật hiện hành, khái niệm về động vật hoang dã được quy định tại một số văn bản sau:

- Khoản 13 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học năm 2018 quy định: “Loài hoang dã là loài động vật, thực vật, vi sinh vật và nấm sinh sống và phát triển theo quy luật”.

- Khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 234 và 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã của Bộ luật Hình sự, quy định:

“1. Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

2. Động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

3. Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.”

- Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ Quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là Nghị định số 06/2019/NĐ-CP) đã quy định

“4. Phụ lục CITES bao gồm:

a) Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biên và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;

b) Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;

c) Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.”

2. Về quản lý cá Tầm Xibêri (Acipenser baerii)

- Cá Tầm Xibêri (Acipenser baerii) là loài động vật thuộc Phụ lục II - Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (theo điểm d, khoản 3 Điều 33 của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).

- Cá Tầm Xibêri (Acipenser baerii) là loài kinh doanh có điều kiện (theo phụ lục IV quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2020; tại điểm 155, 156 chi tiết như sau: “Xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật từ tự nhiên và mẫu vật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cây nhân tạo của các loài thuộc các Phụ lục của Công ước CITES và danh mục thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm”).

- Cá Tầm Xibêri (Acipenser baerii) khi nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ trình tự, thủ tục cấp giấy phép CITES nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

- Cá Tầm Xibêri (Acipenser baerii) có tên trong Danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại điểm 254 Phụ lục VIII Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

- Cá Tầm đề cập tại Văn bản số 7079/TCHQ-GSQL ngày 04/11/2020 của Tổng cục Hải quan là Cá Tầm Xibêri có tên khoa học là Acipenser baerii đã được Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Trung Quốc cấp giấy phép CITES xuất khẩu là loài động vật hoang dã gây nuôi theo Phụ lục II CITES.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp để Tổng cục Hải quan tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTTT Hà Công Tuấn (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Các đ/c Phó Tổng cục trưởng (để biết);
- Lưu: VT, PCTT.

TUQ. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ THANH TRA




Phan Thị Thanh Hằng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 89/TCLN-PCTT năm 2021 về phúc đáp văn bản 7957/TCHQ-GSQL do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 89/TCLN-PCTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/01/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Phan Thị Thanh Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản