Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7673/BNN-TCTS
V/v đề nghị duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thủy sản

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2022

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Việt Nam là quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, bờ biển dài hơn 3.260 km và diện tích mặt nước sông suối, ao hồ, đầm phá, bãi triều, cửa sông rộng lớn đã tạo nên tiềm năng phong phú để phát triển nuôi trồng thủy sản. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ta không ngừng phát triển, đã tạo được nhiều dấu ấn và có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Nuôi trồng thủy sản đã góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều vùng nông thôn, miền núi, ven biển. Theo công bố mới nhất của FAO (2022), Việt Nam đã trở thành một trong 10 quốc gia có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới và nằm trong nhóm 4 quốc gia trên thế giới có sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm trên 50% tổng sản lượng thủy sản. Nhiều dòng sản phẩm thủy sản nuôi trồng đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 3 trên thế giới. Chín tháng đầu năm 2022, sản xuất nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng sản lượng đạt 3,6 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gần đây đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư phát triển1. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một số tỉnh đã thiếu quan tâm quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản. Thậm chí một số địa phương cho chuyển đổi, di dời, thu hồi các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, khu sơ chế, chế biến thủy sản đã được đầu tư hạ tầng để ưu tiên quy hoạch, xây dựng khu dân cư, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp v.v. gây lãng phí tài sản và gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Những hoạt động này có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu2 của Chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan.

Trước thực trạng trên, để tiếp tục duy trì, phát triển ổn định, bền vững lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo định hướng đã được phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan quan tâm thực hiện một số nội dung như sau:

- Các địa phương khẩn trương xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định. Trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch cần ưu tiên phát triển đối với các vùng nuôi trồng thủy sản có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và đang sản xuất ổn định để tránh lãng phí tài sản của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên tích hợp quy hoạch phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản với phát triển các ngành nghề kinh tế khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại v.v. cho phù hợp.

- Đối với vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản cần ưu tiên đưa vào quy hoạch phát triển chuỗi sản xuất, chế biến thương mại và dịch vụ hậu cần, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương ven biển theo định hướng tại Chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh cần lưu ý tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường, thủy sản và các quy định có liên quan để đảm bảo phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP Phạm Minh Chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, TCTS.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 



1 Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2 Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7,0 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7673/BNN-TCTS năm 2022 về đề nghị duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7673/BNN-TCTS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/11/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản