Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8084/CT-BNN-TT | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG SẢN XUẤT CÂY SẦU RIÊNG, CHANH LEO
Trong những năm gần đây sản xuất sầu riêng, chanh leo nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Một số địa phương trọng điểm sản xuất sầu riêng, chanh leo đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân; đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành hàng rau quả nói chung và sầu riêng, chanh leo Việt Nam nói riêng trên thị trường thế giới.
Từ tháng 7 năm 2022 quả sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất.
Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như:
- Nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…;
- Công tác quản lý chất lượng cây giống, đặc biệt là việc quản lý một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo cần tiếp tục được cải thiện; nhiều hộ nông dân, vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững;
- Tác động của biến đổi khí hậu, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (xâm nhập mặn), Tây Nguyên (hạn hán) đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất sầu riêng, chanh leo nói riêng;
- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế;
- Diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.
Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu:
1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp nội dung của Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai;
b) Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Qu ốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích;
c) Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng;
d) Quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, thực hiện kiểm tra một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo trước khi xuất vườn;
đ) Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo.
e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
g) Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn.
2. Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Tiếp tục chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng, chanh leo: Tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
Định hướng cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sầu riêng, chanh leo để gia tăng giá trị và hạn chế tác động bởi các quy định về kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu quả tươi.
3. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT
a) Cục Trồng trọt
- Chủ trì hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô phù hợp theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022);
- Chủ trì tổ chức liên kết vùng, liên kết các địa phương rải vụ thu hoạch sầu riêng có hiệu quả;
- Rà soát, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây giống sầu riêng, chanh leo; vườn ươm nhân giống chanh leo sạch bệnh.
b) Cục Bảo vệ thực vật
- Tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT các giải pháp thúc đẩy nhanh việc phê duyệt số từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoặc từ các cơ quan kiểm dịch thực vật nước nhập khẩu khác.
- Chủ trì tổng hợp, hướng dẫn các địa phương công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp;
- Rà soát, hướng dẫn danh mục thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất sử dụng trong sản xuất, sau thu hoạch sầu riêng, chanh leo; kịp thời cập nhật, phổ biến danh mục hoạt chất cấm sử dụng của các thị trường nhập khẩu;
- Thúc đẩy đàm phán ký kết các Hiệp định về kiểm dịch thực vật, mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nhất là các thị trường lớn, tiềm năng.
c) Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản
- Đầu mối nghiên cứu, phổ biến rộng rãi các FTA đã ký kết, thông tin về an toàn thực phẩm theo quy định của SPS; phối hợp các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổng hợp thông tin thị trường, chính sách về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật... để hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo;
- Rà soát, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm sầu riêng, chanh leo sơ chế, chế biến; điều kiện cơ sở sơ chế, chế biến sầu riêng, chanh leo.
d) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng và chanh leo; trong đó tập trung liên kết giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói được cấp mã số.
đ) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
Ưu tiên xây dựng, thực hiện các đề tài khoa học công nghệ về chọn tạo, cải tiến giống sầu riêng, chanh leo có năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, chống chịu sinh vật gây hại nguy hiểm và thích ứng biến đổi khí hậu; các đề tài nghiên cứu đối tượng sinh vật gây hại và biện pháp phòng trừ hiệu quả trên cây sầu riêng, chanh leo.
e) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
- Xây dựng, triển khai thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, nông dân sản xuất sầu riêng, chanh leo về tổ chức liên kết sản xuất vùng nguyên liệu lớn, các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình canh tác tiết kiệm vật tư đầu vào, nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó biến đổi khí hậu;
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về thực hành GAP, hữu cơ, đặc biệt là các quy định mới trong xuất khẩu sầu riêng, chanh leo chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
g) Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Tổng hợp kết quả các đề tài nghiên cứu, dự án liên quan, phối hợp các địa phương xây dựng, trình Bộ ban hành các quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng, chanh leo hàng hóa cho từng vùng sản xuất tập trung.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức, thực hiện các nội dung nêu trên; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Trồng trọt) trước ngày 30/11 hàng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thời để Bộ hỗ trợ, xử lý./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 5233/BNN-TT năm 2022 về hỗ trợ xây dựng Trung tâm nghiên cứu bình tuyển, chọn lọc, bảo tồn, phát triển, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bản địa của tỉnh Lào Cai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 4081/QĐ-BNN-TT năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 7673/BNN-TCTS năm 2022 về đề nghị duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Công văn 5233/BNN-TT năm 2022 về hỗ trợ xây dựng Trung tâm nghiên cứu bình tuyển, chọn lọc, bảo tồn, phát triển, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bản địa của tỉnh Lào Cai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 4085/QĐ-BNN-TT năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 4081/QĐ-BNN-TT năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn 7673/BNN-TCTS năm 2022 về đề nghị duy trì, phát triển ổn định nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT năm 2022 về phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 8084/CT-BNN-TT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 30/11/2022
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Lê Minh Hoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/11/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra