Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 752/BTC-PC
V/v xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Ngày 02/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1845/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình THTK, CLP). Tiếp đó, ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2262/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2022. Tại các Chương trình đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ thành lập (sau đây gọi là Bộ, ngành, địa phương, công ty) trong việc chủ động ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình THTK, CLP của Bộ, ngành, địa phương, công ty mình.

Để thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 có hiệu quả, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, công ty tập trung triển khai ngay các nội dung sau:

1. Khẩn trương triển khai xây dựng, ban hành Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của Bộ, ngành, địa phương, công ty mình theo quy định của Luật THTK, CLP năm 2013, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 8/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật THTK, CLP, Thông tư số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP và đảm bảo một số yêu cầu cụ thể sau:

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu nêu tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022. Đồng thời, bảo đảm các chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí (chỉ tiêu tiết kiệm chung) của ngành, lĩnh vực, địa phương, công ty không thấp hơn chỉ tiêu nêu tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP.

b) Đảm bảo bao quát hết các phạm vi, lĩnh vực thuộc phạm vi, địa bàn quản lý; phân công nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức thực hiện, triển khai Chương trình THTK, CLP đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối.

c) Tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra tại Chương trình THTK, CLP của các Bộ, ngành, địa phương, công ty mình để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022.

d) Thực hiện phổ biến Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của các Bộ, ngành, địa phương, công ty đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc và đăng tải công khai trên Cổng/trang thông tin của Bộ, ngành, địa phương, công ty mình; đồng thời gửi Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của đơn vị mình về Bộ Tài chính (Thanh tra Bộ) chậm nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Riêng đối với Chương trình THTK, CLP năm 2022, cần căn cứ vào định hướng tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 của Bộ, ngành, địa phương, công ty mình để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp, xác định rõ những chỉ tiêu nào có thể thực hiện trong năm 2022, chỉ tiêu nào phải thực hiện xuyên suốt trong cả giai đoạn. Trong đó, chú trọng thực hiện các chỉ tiêu cụ thể sau:

- Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên khoảng 28 - 29% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiết kiệm và cắt giảm bình quân 10% dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) so với dự toán năm 2021, riêng các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, mức giảm tối thiểu là 15% dự toán chi thường xuyên (ngoài quỹ lương và các khoản chi cho con người), trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định phân bổ và giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương; trong điều hành, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triệt để tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị...

- Thực hiện bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2022; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

- Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; đẩy mạnh thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công theo quy định.

- Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Sắp xếp, giảm tối đa các ban quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

2. Tổ chức triển khai Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của Bộ, ngành, địa phương, công ty mình bảo đảm tiến độ, có chất lượng, rõ nhiệm vụ đến từng đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.

3. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình THTK, CLP của bộ, ngành, địa phương, công ty mình, trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu về THTK, CLP đặt ra tại Chương trình.

Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc triển khai, thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP và kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, thực hiện Chương trình THTK, CLP tại một số bộ, ngành, địa phương, công ty trong năm 2022 theo kế hoạch được phê duyệt.

4. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP năm 2022 và Chương trình THTK, CLP năm 2022 của Bộ, ngành, địa phương, công ty trong Báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2022 gửi về Bộ Tài chính (Thanh tra Bộ) trước ngày 28/02/2023.

5. Căn cứ Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP, các cơ quan khác ở Trung ương ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình THTK, CLP của cơ quan mình, đảm bảo thực hiện có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (để báo cáo);
- Thanh tra Bộ;
- Lưu: VT. PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 752/BTC-PC năm 2022 về xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 752/BTC-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/01/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản