Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶC XÁ TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 713/TTr-NC

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶC XÁ TRUNG ƯƠNG SỐ 713/TTR-NC NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH ĐẶC XÁ NĂM 1998 CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Ngoại giao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Văn phòng Chủ tịch nước, - Ban Nội chính Trung ương

 

Căn cứ Điều 2 Quyết định số 103/1998/QĐ-CTN ngày 06 tháng 6 năm 1998 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 1998, Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quyết định đặc xá năm 1998 như sau:

1. Đối tượng đặc xá:

Có hai loại: Tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại các trạm giam, trại tạm giam; miễn chấp hành hình phạt còn lại cho những phạm nhân được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù.

2. Điều kiện tiêu chuẩn phạm nhân được hưởng đặc xá:

a) Đối với phạm nhân được xét tha tù phải có đủ các điều kiện sau:

- Phải là người được xác định cải tạo tốt: Thể hiện liên tục chấp hành tốt và không vi phạm nội quy, quy chế trại giam; tích cực học tập, lao động cải tạo trong quá trình chấp hành án và được đánh giá xếp loại cải tạo tốt trong 2 năm 1996 - 1997 và 6 tháng đầu năm 1998. Người được xét tha tù trước thời hạn xét thấy khi được đặc xá không làm phương hại đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; có hướng phấn đấu trở thành công dân lương thiện.

- Về thời gian chấp hành hình phạt tù: Đã chấp hành hình phạt tù ít nhất là 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù có thời hạn; 12 năm đối với tù chung thân; kể cả tù chung thân đã giảm án xuống 20 năm. Thời gian được tính đến ngày 31 tháng 8 năm 1998.

b) Đối với các trường hợp đặc biệt, phạm nhân có đủ điều kiện tại điểm a mục 2 nêu trên đã chấp hành hình phạt tù ít nhất 1/4 thời hạn được xem xét đặc xá, cụ thể là:

- Lập công trong thời gian chấp hành án phạt tù như: Có công phát hiện, tố giác hoặc đấu tranh ngăn chặn người có hành vi phạm tội; phát hiện hoặc bắt được phạm nhân trốn khỏi nơi giam; cứu được người bị nạn đang trong tình thế hiểm nghèo; cứu được tài sản có giá trị của tập thể và nhân dân trong thiên tai, hoả hoạn...;

- Người quá già yếu: Có tuổi đời tròn 70 tuổi trở lên hoặc trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau mất khả năng vận động, thật sự không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

- Người đang mắc một trong các bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, xơ gan cổ chướng, lao nặng ở giai đoạn cuối, bại liệt toàn thân, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS... được bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận.

- Người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như: Phụ nữ có con nhỏ dưới 3 tuổi không có người nuôi dưỡng; bản thân là lao động duy nhất trong gia đình mà gia đình hiện nay đang trong cảnh túng thiếu dưới mức hộ nghèo phải trợ cấp thường xuyên hoặc bị thiên tai, hoả hoạn mất hết tài sản hoặc có bố mẹ, vợ, chồng ốm đau nặng kéo dài không có ai chăm sóc được chính quyền xã, phường xác nhận.

- Bản thân hoặc gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) có công với cách mạng như: Bản thân là thương binh, bệnh binh hoặc người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác được thưởng huân chương; bằng có công với nước;

- Gia đình được tặng danh hiệu cao quý như: Bằng có công với nước, tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; có người ruột thịt trong gia đình là liệt sỹ như: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh chị em ruột, bố mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

- Người chưa thành niên là người khi phạm tội ở lứa tuổi chưa đủ 18 tuổi.

c) Về đặc xá miễn chấp hành hình phạt tù còn lại:

Đối với phạm nhân đang được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù được hưởng đặc xá phải là người đang mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: xơ gan cổ chướng, ung thư, lao nặng ở giai đoạn cuối, bại liệt toàn thân, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS v.v... được bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận hoặc ốm nặng kéo dài, có thái độ ăn năn hối lỗi, không còn khả năng hoạt động phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội.

3. Hồ sơ thủ tục và quy trình xét đặt xá:

a) Hồ sơ của người được xét đặc xá bao gồm:

Hồ sơ cải tạo do cơ quan thi hành án phạt tù quản lý; các loại giấy chứng nhận: giám định bệnh tật (do bệnh viện cấp tỉnh trở lên chứng nhận), giấy chứng nhận quyết định về khen thưởng (người có thành tích và người có công với cách mạng); quyết định khen thưởng của giám thị trại giam và trại tạm giam (đối với người lập công trong quá trình chấp hành án). Nhận xét xếp loại cải tạo của giám thị trại giam và chứng nhận của chính quyền xã, phường về hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

b) Trình tự và thủ tục xét đặc xá:

- Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tư lệnh các Quân khu, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập hội đồng đề nghị xét đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam (do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý). Hội đồng này có nhiệm vụ lập danh sách người trong diện, phổ biến và lấy ý kiến công khai trong tập thể phạm nhân; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cá nhân và đối chiếu tiêu chuẩn, điều kiện đặc xá, lập danh sách đề nghị Hội đồng tư vấn đặc xá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng theo quy định quản lý trại giam hiện hành, trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét duyệt.

Đối với các trường hợp đang được tạm đình chỉ thi hành án nơi nào ra quyết định tạm đình chỉ thì nơi đó làm thủ tục hồ sơ xét duyệt theo trình tự trên.

4. Cùng với việc tiến hành xét đặc xá, các cơ quan công an, toà án, kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ tiến hành xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại cho những phạm nhân đủ điều kiện theo quy định tại các Điều 49, 51 của Bộ luật hình sự và các Điều 237, 238 của Bộ luật tố tụng hình sự.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Công an thành viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương là cơ quan thường trực có nhiệm vụ:

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, các trại giam, trại tạm giam triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn về đặc xá 1998 của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương.

- Lập ban chỉ đạo công tác của Bộ, lập các nhóm chuyên viên theo khu vực, gồm cán bộ của Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ giúp việc cho cơ quan thường trực nghiên cứu, kiểm tra, thẩm định, tổng hợp danh sách các đối tượng được xét đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương.

- Bố trí chương trình và thời gian làm việc của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, lập dự toán chỉ tiêu trình Chủ tịch Hội đồng quyết định.

- Đề xuất với Chủ tịch và Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

- Chuẩn bị nội dung, tài liệu hồ sơ cho các kỳ họp của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương.

- Hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách đặc xá báo cáo Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, trình Chủ tịch nước.

b) Bộ Quốc phòng lập Ban chỉ đạo công tác của Bộ có trách nhiệm chỉ đạo các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý, căn cứ vào Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương lập Hội đồng tư vấn đặc xá ở các Quân khu, chỉ đạo lập hồ sơ, danh sách đối tượng được đề nghị xét đặc xá năm 1998 thống nhất với Bộ Công an cơ quan thường trực, tổng hợp, trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét duyệt.

c) Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn Toà án các cấp căn cứ vào Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương lập hồ sơ, danh sách đối tượng đang được tạm đình chỉ đề nghị miễn chấp hành hình phạt tù còn lại, trình Hội đồng tư vấn đặc xá địa phương xét duyệt và thống nhất với Bộ Công an cơ quan thường trực, tổng hợp, trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét duyệt.

d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Hội đồng tư vấn đặc xá địa phương thành phần gồm: Một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tỉnh, thành phố. Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo chính quyền địa phương, các trại giam, trại tạm giam, các cơ quan liên quan thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương về đặc xá năm 1998, xét duyệt danh sách những người thuộc diện đặc xá trình Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương (chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 1998).

đ) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng của mình đề cao trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các chứng nhận, kết luận có liên quan đến những phạm nhân được đặc xá. Đồng thời có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, tạo điều kiện và giúp đỡ những người được hưởng đặc xá trở về hoà nhập với gia đình và cộng đồng, nhất là tìm công việc làm ổn định đời sống.

e) Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động ngày theo dự toán chi tiêu đã được duyệt.

g) Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu các nội dung Quyết định đặc xá. Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương và những nội dung cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

h) Trong tháng 7 năm 1998 các địa phương và các ngành các cấp phải hoàn thành việc chuẩn bị, ngày 30 tháng 7 năm 1998 lập xong danh sách để từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 8 năm 1998 Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét duyệt trình Chủ tịch nước.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc kịp thời báo cáo về Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương (qua thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương) để có hướng dẫn.

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 713/TTr-NC của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định đặc xã năm 1998 của Chủ tịch nước

  • Số hiệu: 713/TTr-NC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/06/1998
  • Nơi ban hành: Hội đồng Tư vấn Đặc xá Trung ương
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/06/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản