Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63768/CT-TTHT
V/v giải đáp chính sách thuế

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi: Công ty TNHH Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam (TKEV)
(Đ/c: Số 198 Trường Chinh, P. Khương Thượng, Q. Đống Đa, TP Hà Nội
MST: 0101403862)

Trả lời công văn số 442/17/TKEVN-HN-TCKT ngày 04/8/2017 và công văn bổ sung hồ sơ số 458/17/TKEVN-HN-TCKT ngày 15/8/2017 của Công ty TNHH Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp:

+ Tại Khoản 3 Điều 2 quy định như sau:

“3. Dự phòng nợ phải thu khó đòi: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất của các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa quá hạn nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.”

+ Tại Điều 3 quy định về nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng như sau:

“Điều 3. Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng.

1. Các khoản dự phòng nêu tại điểm 1, 2, 3, 4 Điều 2 Thông tư này được trích trước vào chi phí hoạt động kinh doanh năm báo cáo của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm kế hoạch, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

2. Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính.

4. Doanh nghiệp phải lập Hội đồng để thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng và xử lý tổn thất thực tế của vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định tại Thông tư này và văn bản pháp luật khác có liên quan. Riêng việc trích lập dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp thì thực hiện theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng:

Thành phần Hội đồng gồm: Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc), Kế toán trưởng, các trưởng phòng, ban có liên quan và một số chuyên gia (nếu cần). Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp quyết định thành lập Hội đồng.”

+ Tại Điều 6 hướng dẫn như sau:

"Điều 6. Dự phòng nợ phải thu khó đòi.

1. Điều kiện: là các khoản nợ phải thu khó đòi đảm bảo các điều kiện sau:

- Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ, bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.

Các khoản không đủ căn cứ xác định là nợ phải thu theo quy định này phải xử lý như một khoản tổn thất.

- Có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi:

+ Nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác.

+ Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dụng...) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ; xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

2. Phương pháp lập dự phòng:

Doanh nghiệp phải dự kiến mức tổn thất có thể xảy ra hoặc tuổi nợ quá hạn của các khoản nợ và tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh các khoản nợ khó đòi nói trên. Trong đó:

- Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

+ 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm.

+ 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.

+ 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.

+ 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

- Đối với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết... thì doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.

- Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

…”

- Căn cứ Tiết b Khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ đã được sửa đổi tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Khoản 7a Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về việc người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định về cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn như sau:

“2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

…”

- Tại Khoản 2.10 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập hóa đơn đối với một số trường hợp hướng dẫn như sau:

“2.10. Cơ sở xây dựng có công trình xây dựng, lắp đặt mà thời gian thực hiện dài, việc thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành bàn giao, phải lập hóa đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao. Hóa đơn GTGT phải ghi rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT. Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị công trình XDCB có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán.”

- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.”

- Căn cứ Điều 6 Hợp đồng số 1106-1908/HĐKT/BH-THYSSENKRUPP ngày 04/9/2013 giữa Công ty TNHH Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam và Công ty CP xây dựng thương mại Bắc Hà quy định về điều khoản thanh toán.

Căn cứ các quy định trên, nội dung trình bày tại công văn hỏi và hồ sơ đơn vị cung cấp, trường hợp Công ty ký hợp đồng cung cấp và lắp đặt thang máy cho Công ty CP xây dựng thương mại Bắc Hà thì:

- Công ty có trách nhiệm lập hóa đơn đối với khối lượng lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền tại thời điểm nghiệm thu, bàn giao khối lượng công việc đã hoàn thành.

- Đối với khoản nợ có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi (nợ phải thu đã quá hạn thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết nợ khác) thì Công ty thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính. Khoản dự phòng được trích, lập và sử dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng được xác định là chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN. Đối với khoản nợ phải thu không đáp ứng các điều kiện và căn cứ để xác định là khoản nợ phải thu khó đòi theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính thì Công ty không được trích lập dự phòng. Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với vướng mắc liên quan đến xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả, đề nghị Công ty liên hệ với Vụ chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) để được giải đáp.

Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 1 - Cục Thuế TP Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Thang máy Thyssenkrupp Việt Nam (TKEV) được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KT 1;
- Phòng Pháp Chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 63768/CT-TTHT năm 2017 về chính sách thuế hóa đơn bán hàng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 63768/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/09/2017
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản