Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 623/BNV-CQĐP | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2013 |
Kính gửi: | Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nam, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Nam Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Sơn La, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái. |
Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố nêu trên gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với nội dung:
"Đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ theo hướng: Quy định hợp lý hơn về tiêu chuẩn, số lượng, đối với cán bộ, công chức cấp xã. Không nên quy định số lượng gắn với chức vụ, chức danh cán bộ, công chức ở cấp xã; điều chỉnh mức phụ cấp và có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; nghiên cứu, ban hành chính sách lương hưu đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đã có từ 20 năm công tác trở lên và đến tuổi nghỉ hưu; sửa đổi quy định những người thuộc diện hưởng phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung thì phải có trình độ chuyên môn là trung cấp trở lên; bổ sung chế độ phụ cấp theo loại xã đối với công chức cấp xã; sửa quy định trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%, sẽ không khuyến khích được cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, không giảm được số lượng cán bộ xã; đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã chưa có bằng cấp được hưởng chế độ trách nhiệm: bổ sung quy định đối với những trường hợp đã nghỉ hưu khi tham gia đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại xã, phường, thị trấn thì được hưởng phụ cấp lãnh đạo; có chính sách tạo điều kiện cho cán bộ cấp xã có bằng trung cấp lý luận chính trị được tính làm căn cứ để xếp lương".
Về các kiến nghị của cử tri đề nghị sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 nêu trên, Bộ Nội vụ có ý kiến như sau:
1. Về tiêu chuẩn, số lượng cán bộ, công chức cấp xã
a) Về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã
Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã đã được thực hiện từ năm 2004 theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Đến nay, căn cứ vào quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì cần phải có sửa đổi cho phù hợp. Theo đó: Đối với cán bộ cấp xã, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức áp dụng đối với cán bộ (trong đó có cán bộ cấp xã). Đối với công chức cấp xã đã được quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư hướng dẫn số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ.
b) Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Việc quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Do vậy, khi các quy định nêu trên được sửa đổi, bổ sung thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
2. Về điều chỉnh mức phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí và chế độ bảo hiểm y tế đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
a) Về điều chỉnh mức phụ cấp
Căn cứ Kết luận số 23-KL/TW ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI về "Một số vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020" và theo phân công của Chính phủ, hiện nay Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP nêu trên theo hướng xử lý một số bất hợp lý của chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Khi Chính phủ ban hành Nghị định này sẽ gửi đến các địa phương triển khai thực hiện.
b) Về chế độ bảo hiểm xã hội
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu còn trong độ tuổi lao động thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (khoản 5 Điều 2 của Luật này). Theo đó, chế độ hưu trí với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (trong đó có những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) được thực hiện theo quy định tại mục 1 chương IV của Luật Bảo hiểm xã hội và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Về chế độ bảo hiểm y tế
Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 thì người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (trong đó có thôn, tổ dân phố) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (khoản 4 Điều 1), trước năm 2010 có quyền tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế (khoản 2 Điều 2), từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu (điểm c khoản 2 Điều 3), trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế do Ủy ban nhân dân cấp xã và đối tượng đóng, Trong đó Ủy ban nhân dân cấp xã đóng 2/3 và đối tượng đóng 1/3 mức đóng (khoản 2 Điều 4).
3. Về phụ cấp và xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã
a) Về phụ cấp chức vụ lãnh đạo và xếp lương đối với người nghỉ hưu tham gia làm cán bộ cấp xã;
- Theo quy định của chế độ tiền lương hiện hành thì đối với những người xếp lương chức vụ (trong đó có cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc không có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ), do yếu tố lãnh đạo đã tính vào mức lương chức vụ nên không quy định có phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Việc quy định cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc không có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tiếp tục được xếp lương chức vụ 2 bậc như đã thực hiện từ năm 2004, không xếp lương theo ngạch, bậc công chức và hưởng phụ cấp chức vụ vì: Nếu xếp lương theo ngạch, bậc công chức thì những người không có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chỉ được xếp vào ngạch nhân viên phục vụ (bậc 1 có hệ số lương là 1,0); người có trình độ sơ cấp chỉ được xếp vào ngạch nhân viên văn thư (bậc 1 có hệ số lương là 1,35). Theo đó, nếu cộng cả phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cán bộ cấp xã (phụ cấp chức vụ, có hệ số từ 0,15 đến 0,3) thì thấp hơn nhiều mức lương chức vụ đã được hưởng trước khi có Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
- Đối với những người nghỉ hưu tham gia làm cán bộ cấp xã: Tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì cán bộ, công chức cấp xã là những người trong biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo đó không khuyến khích những người nghỉ hưu tham gia làm cán bộ cấp xã (trừ chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh theo điều lệ của Hội). Tuy nhiên, trong thực tế đội ngũ cán bộ cấp xã vẫn có những người nghỉ hưu, vì vậy tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã quy định những người nghỉ hưu tham gia làm cán bộ cấp xã được hưởng 90% mức lương bậc 1 của cùng chức danh cán bộ cấp xã trong biên chế nhà nước và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
b) Về phụ cấp thâm niên vượt khung.
Theo quy định của chế độ tiền lương hiện hành thì chỉ những người xếp lương theo ngạch, bậc công chức mới có quy định chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung. Theo đó, những người xếp lương chức vụ (trong đó có cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc không có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ) không quy định về chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.
c) Về phụ cấp theo phân loại xã đối với công chức cấp xã
Hiện nay cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều thực hiện phân loại, công chức làm việc ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh đến cấp xã không hưởng chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính.
d) Về phụ cấp kiêm nhiệm
Chế độ tiền lương hiện hành quy định chế độ phụ cấp kiêm nhiệm (kể cả kiêm nhiệm nhiều chức danh) của cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên bằng 10%, riêng cán bộ cấp xã bằng 20% là đã tính đến đặc thù ở cấp xã khác so với cấp huyện trở lên.
đ) Về xếp lương đối với cán bộ cấp xã có bằng trung cấp lý luận chính trị:
Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản số 3692-CV/BTCTW ngày 31 tháng 10 năm 2012 về việc xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ cấp xã có trình độ lý luận chính trị (kèm theo). Như vậy, kiến nghị của cử tri về vấn đề này đã được giải quyết.
Tóm lại, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã) đã được thực hiện gần 10 năm (từ năm 2004), đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, việc sửa đổi toàn diện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP nêu trên phải đồng bộ với cải cách cơ bản chế độ tiền lương hiện hành. Theo đó, Bộ Nội vụ xin ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét trong lần cải cách tiền lương sắp tới.
Bộ Nội vụ báo cáo để Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên và Ban Dân nguyện Ủy ban thường vụ Quốc hội được rõ.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 602/BNN-CB trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, và tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, An Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Bình Thuận, Cần Thơ, Hà Nam, Bến Tre, Ninh Thuận, Thanh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 3217/BNN-CN trả lời kiến nghị của cử tri về thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 12781/BCT-KH trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Bộ Công thương ban hành
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 04/2004/QĐ-BNV Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 4Luật bảo hiểm y tế 2008
- 5Luật cán bộ, công chức 2008
- 6Nghị định 62/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế
- 7Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
- 8Nghị định 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn
- 9Công văn 602/BNN-CB trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, và tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, An Giang, Đồng Nai, Thái Bình, Bình Thuận, Cần Thơ, Hà Nam, Bến Tre, Ninh Thuận, Thanh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Công văn 3217/BNN-CN trả lời kiến nghị của cử tri về thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Kết luận 23-KL/TW về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Thông tư 06/2012/TT-BNV hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 13Công văn 12781/BCT-KH trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Bộ Công thương ban hành
- 14Công văn 3692-CV/BTCTW năm 2012 về xếp ngạch, bậc lương đối với cán bộ cấp xã có trình độ lý luận chính trị do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
Công văn 623/BNV-CQĐP năm 2013 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII về sửa đổi Nghị định 92/2009/NĐ-CP do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 623/BNV-CQĐP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/02/2013
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Nguyễn Thái Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/02/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra