Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6185/BTNMT-TNN
V/v thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch theo Chỉ thị số 34/CT-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND tỉnh, thành phố) đã chủ động chỉ đạo các Sở, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn các lưu vực sông và các tỉnh, trong đó có việc bảo vệ các nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước các sông, suối, tầng chứa nước đặc biệt là các nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 về tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, thực hiện một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Tổ chức lập, công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP, kinh phí cắm mốc hành lang (trừ hành lang bảo vệ hồ chứa do chủ hồ thực hiện) do ngân sách nhà nước đảm bảo, bao gồm ngân sách địa phương, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và được bổ sung từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trường hợp ngân sách địa phương không bố trí đủ để thực hiện nội dung nêu trên, đề nghị UBND tỉnh, thành phố tính toán, rà soát, có văn bản đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách.

2. Lập, phê duyệt, thông báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân, đặc biệt là các nguồn nước có sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nước sạch.

3. Ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh theo quy định của Luật tài nguyên nước và trên cơ sở Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11 tháng 8 năm 2020.

4. Để nâng cao hiệu quả bảo đảm chất lượng các nguồn nước, nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, một trong những biện pháp quan trọng đó là quản lý, kiểm soát được các hoạt động khai thác, sử dụng nước và hoạt động xả nước thải vào nguồn nước thông qua hoạt động cấp giấy phép tài nguyên nước. Trong thời gian qua, kể từ khi Luật tài nguyên nước được ban hành, nhiều tổ chức và cá nhân khai thác nước cho các mục đích phát điện, cấp nước, sản xuất.... và xả nước thải đã nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh, thành phố cấp giấy phép và giám sát việc chấp hành theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình hiện nay chưa được cấp giấy phép tài nguyên nước, trong đó các công trình hồ chứa, đập, cống, trạm bơm thủy lợi, nhất là các hồ chứa, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu có phục vụ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt. Việc các công trình này chưa được cấp phép ngoài việc không tuân thủ pháp luật, không đảm bảo việc kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn, chất lượng nước mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước do không tính, phê duyệt và thu được tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa có giấy phép tài nguyên nước nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, báo cáo việc triển khai, thực hiện các nội dung nêu trên và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12/2020 để tổng hợp, gửi Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kính gửi quý Ủy ban để chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- PTTg.CP. Trịnh Đình Dũng (để báo cáo);
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Các Bộ: TC, XD, CT, NN&PTNT;
- Sở TNMT các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Các Tổng cục: KTTV, MT;
- Lưu: VT, TNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Công Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6185/BTNMT-TNN năm 2020 về thực hiện giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch theo Chỉ thị 34/CT-TTg do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 6185/BTNMT-TNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Lê Công Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản