Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6101/SYT-HĐQLCLKCB
V/v khuyến cáo ứng dụng công nghệ thông tin tại khoa khám bệnh của bệnh viện

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Giám đốc các bệnh viện công lập và ngoài công lập

Qua đợt kiểm tra, giám sát chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin tại khoa khám bệnh của bệnh viện trong cải tiến chất lượng phục vụ bệnh nhân, đơn giản thủ tục hành chính, cải tiến chất lượng điều trị và an toàn người bệnh.

Ban Công nghệ Thông tin thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế đã xây dựng nội dung khuyến cáo nhằm cải tiến quy trình và thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đặc biệt tại khoa Khám bệnh. Đây là cơ sở để Ban Công nghệ Thông tin tiến hành kiểm tra, giám sát ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện trong những đợt kiểm tra tiếp theo.

Giám đốc Sở Y tế ban hành Khuyến cáo hoạt động an toàn người bệnh đến Giám đốc các bệnh viện để tổ chức thực hiện (đính kèm nội dung khuyến cáo).

 


Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Chủ tịch HĐQLCLKCB;
- Các Phó CT HĐQLCLKCB;
- Lưu VT, HĐQLCLKCB
(LAT-90b)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Tăng Chí Thượng

 

SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
KHÁM CHỮA BỆNH

 

 

KHUYẾN CÁO TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI KHOA KHÁM CHỮA BỆNH CỦA BỆNH VIỆN

1. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một công cụ không thể thiếu trong hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện nhằm cải tiến quy trình và thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đặc biệt tại khoa khám bệnh. Bệnh viện chủ động đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin tại khoa khám bệnh vào kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện và triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

2. Trong kế hoạch kinh phí hoạt động hằng năm, bệnh viện chủ động bố trí nguồn kinh phí để xây dựng, phát triển và duy trì hoạt động của hệ thống CNTT bao gồm cả nguồn nhân lực chuyên trách, hạ tầng CNTT và phần mềm ứng dụng (Chỉ thị 02/CT-BYT ngày 25/02/2009 của Bộ Y tế).

3. Bệnh viện chủ động có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT, bệnh viện hạng 1 phải có phòng CNTT với cơ cấu nhân sự phù hợp (Quyết định 1191/QĐ-BYT của BYT ngày 14/4/2010). Đội ngũ nhân viên chuyên trách CNTT được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của bệnh viện, và huấn luyện lại cho nhân viên của các khoa phòng tác nghiệp thành thạo trên máy tính đáp ứng yêu cầu hoạt động của bệnh viện.

4. Bệnh viện chủ động có kế hoạch phát triển hạ tầng CNTT phù hợp với yêu cầu ứng dụng. Máy chủ phải đảm bảo đủ công suất để hệ thống hoạt động ổn định. Thiết bị đầu cuối phải đảm bảo phủ toàn bộ các khâu trong quy trình khám bệnh từ khâu đăng ký khám, đến phòng khám, xét nghiệm, nhà thuốc, nơi cấp phát thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Thiết bị chuyển mạch phải ổn định, đáp ứng lưu lượng dữ liệu truyền, không bị tắc nghẽn, làm chậm hệ thống.

5. Bệnh viện chủ động rà soát và củng cố hạ tầng CNTT đảm bảo thời gian hoạt động liên tục, ổn định 24/7. Máy chủ và đường truyền kết nối từ trung tâm mạng ra khoa khám bệnh, giữa các khu vực trong khoa khám bệnh phải đảm bảo nguyên tắc “lớn hơn một” để tránh bị gián đoạn khi có sự cố xảy ra (có máy chủ dự phòng, đường truyền dự phòng, thiết bị chuyển mạch dự phòng). Đảm bảo nguồn điện dự phòng đủ công suất đáp ứng yêu cầu của hệ thống CNTT khi nguồn điện chính gặp sự cố. Xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố và tổ chức diễn tập.

6. Bệnh viện chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu. Dữ liệu cần được lưu trữ trên máy chủ độc lập hoặc thiết bị lưu trữ chuyên dụng, thực hiện sao lưu dữ liệu định kỳ. Đầu tư hệ thống chống sét cho máy chủ và trung tâm dữ liệu, chống sét cho thiết bị chuyển mạch chính đảm bảo hệ thống mạng của khoa khám bệnh hoạt động an toàn.

7. Bệnh viện xây dựng và triển khai những phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh: phần mềm về thông tin của người bệnh; phần mềm về viện phí và chi phí khám chữa bệnh BHYT, phần mềm kê đơn, phần mềm chỉ định xét nghiệm và phần mềm cấp phát thuốc BHYT. Các thông tin trong các phần mềm này phải được thiết kế đảm bảo tính kế thừa và liên thông nhau theo quy trình khám chữa bệnh.

8. Dữ liệu hành chánh của người bệnh trong suốt quá trình khám bệnh, chữa bệnh khi nhập vào hệ thống CNTT phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ và chính xác theo các quy định về hồ sơ bệnh án (Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), danh mục đơn vị hành chánh (Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ), danh mục các dân tộc Việt Nam (Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2/3/1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê), danh mục nghề nghiệp (Quyết định số 114/1998/QĐ-TCTK ngày 24/1/1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê). Các danh mục này phải được cập nhật theo phiên bản mới nhất của Tổng cục thống kê.

9. Xây dựng phần mềm báo cáo thống kê về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo trích xuất được thông tin theo các hệ thống biểu mẫu báo cáo theo quy định (Quyết định 2360/1997/QĐ-BYT, 14/11/1997 của BYT) và các biểu mẫu khác phục vụ cho hoạt động quản lý tại đơn vị. Việc xây dựng phần mềm báo cáo thống kê phải có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất phương pháp thống kê giữa các phòng: phòng kế hoạch tổng hợp, phòng quản lý chất lượng và phòng CNTT hoặc đơn vị cung cấp phần mềm để đảm bảo tính đầy đủ và chính xác của hệ thống các biểu mẫu báo cáo.

10. Bệnh viện không ngừng hoàn thiện phần mềm kê đơn, xây dựng chức năng cảnh báo hỗ trợ kê đơn cho bác sĩ điều trị như: tương tác thuốc, cảnh báo thực phẩm chức năng, cảnh báo chỉ định thuốc theo độ tuổi, cảnh báo chẩn đoán bệnh không đúng với mã ICD10, cảnh báo số lượng thuốc, đơn giá toa thuốc.

11. Từ nguồn dữ liệu sẵn có khi triển khai ứng dụng CNTT tại khoa khám bệnh, bệnh viện chủ động xây dựng và triển khai các phần mềm phục vụ công tác quản lý chất lượng tại khu vực khoa khám bệnh: quản lý kê đơn, quản lý chỉ định xét nghiệm, quản lý nhập viện, quản lý chuyển viện. Ưu tiên hàng đầu là phục vụ hoạt động giám sát sự tuân thủ các quy định, quy chế, thông tư về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành.

12. Xây dựng và hoàn thiện trang thông tin điện tử của bệnh viện, trong đó tăng cường công khai thông tin về hoạt động khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện như: ngày giờ khám của từng chuyên khoa, giá viện phí cho từng dịch vụ kỹ thuật,..., đảm bảo luôn cập nhật và đầy đủ thông tin về hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện.

13. Khuyến khích bệnh viện triển khai ứng dụng CNTT giúp người bệnh có thể tra cứu thông tin về hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện, tra cứu thông tin về người thân đang nằm viện ngay tại khoa khám bệnh của bệnh viện.

14. Khuyến khích bệnh viện triển khai ứng dụng CNTT chủ động khảo sát hài lòng người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện ngay tại khoa khám bệnh của bệnh viện.

 

 

BAN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6101/SYT-HĐQLCLKCB năm 2014 khuyến cáo ứng dụng công nghệ thông tin tại khoa khám bệnh của bệnh viện do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6101/SYT-HĐQLCLKCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Tăng Chí Thượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản