Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5858/BNN-PCTT
V/v phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch tỉnh.

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố

Thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, trong đó nội dung quy hoạch tỉnh bao gồm phương án phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch và đê điều, phòng, chống thiên tai; đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lưu ý trong quá trình lập quy hoạch tỉnh một số nội dung như sau:

1. Phân vùng rủi ro thiên tai đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn.

a) Xác định các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, tác động đến từng khu vực trên địa bàn tỉnh/thành phố.

b) Phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai như: lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, bờ suối,…

c) Lựa chọn kịch bản phòng chống thiên tai đảm bảo phù hợp với kịch bản phát triển của tỉnh.

2. Xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

a) Xây dựng các phương án quản lý rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, từng loại hình thiên tai.

b) Xác định cụ thể mức đảm bảo phòng, chống lũ, ngập lụt đối với các đô thị, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng, bảo vệ sản xuất.

c) Xác định cụ thể không gian thoát lũ của tuyến sông trên địa bàn đảm bảo thoát lũ tương ứng mức đảm bảo phòng, chống lũ; không ảnh hưởng đến thoát lũ của tuyến sông liên tỉnh và cả hệ thống sông.

d) Trên cơ sở xác định mức đảm bảo phòng, chống lũ đối với từng khu vực, không gian thoát lũ của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh, đề xuất phương án, giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp công trình, phi công trình, phát triển hệ thống đê điều (nếu có).

đ) Xác định các nội dung phòng chống thiên tai và biện pháp cần lồng ghép vào quy hoạch theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống thiên tai.

3. Xây dựng phương án phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

a) Lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh/thành phố phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy,…); tích hợp các nội dung quy hoạch phòng chống lũ và đê điều của tỉnh/thành phố đã duyệt theo danh mục tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 và Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ; hoặc xây dựng phương án mới trong trường hợp chưa có nội dung.

b) Nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh/thành phố:

- Xác định lũ thiết kế của tuyến sông có đê trên địa bàn, bao gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế cho từng giai đoạn quy hoạch, xác định mực nước báo động để tổ chức hộ đê.

- Xác định các giải pháp kỹ thuật của phương án phòng, chống lũ như: xây dựng hồ chứa nước thượng lưu; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng cây chắn sóng bảo vệ đê; xây dựng tu bổ đê điều; xác định các vùng phân lũ, làm chậm lũ, khả năng phân lũ vào các sông, xác định thứ tự vận hành của các công trình phân lũ, làm chậm lũ; làm thông thoáng dòng chảy; tổ chức quản lý và hộ đê …

- Dự kiến tác động môi trường và đề xuất biện pháp giảm thiểu.

- Các giải pháp tổ chức thực hiện, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn.

c) Nội dung phương án phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh/thành phố:

- Xác định nhiệm vụ, vị trí, các thông số kỹ thuật của tuyến đê (đối với hệ thống đê biển cần xác định những cồn cát tự nhiên ven biển làm nhiệm vụ đê biển).

+ Đê biển phải bảo đảm chống bão, nước biển dâng theo quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế đê biển và phải bao gồm cả diện tích trồng cây chắn sóng.

+ Đối với đê sông, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải bảo đảm an toàn ứng với mực nước lũ thiết kế và có giải pháp để bảo đảm an toàn đê khi xảy ra lũ lịch sử; không ảnh hưởng đến quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông.

+ Phù hợp giữa các địa phương liên quan.

- Xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê.

- Xác định diện tích đất dành cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều.

- Xác định các giải pháp thực hiện.

- Dự kiến những hạng mục ưu tiên thực hiện, nguồn lực thực hiện.

- Dự kiến tác động môi trường và đề xuất biện pháp giảm thiểu.

d) Đối với nội dung quản lý, sử dụng bãi sông trong phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê:

- Xác định không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông, bãi sông nằm giữa 2 tuyến đê.

- Xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực công trình, nhà ở phải di dời.

- Xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ và vị trí, diện tích được sử dụng thêm ở bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, đồng thời xác định phương án bảo vệ đối với các khu dân cư này.

- Xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu vực bãi sông có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới.

- Xác định cụ thể hiện trạng (cao trình các tuyến đê bối hiện có).

đ) Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch cần ưu tiên thực hiện:

- Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, chỉ giới các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ.

- Tu bổ, nâng cấp đê đảm bảo an toàn theo quy hoạch trước khi sử dụng bãi sông cho việc xây dựng công trình, nhà ở mới.

- Tổ chức di dời các công trình, nhà ở theo quy hoạch.

e) Đối với những tỉnh, thành phố chưa có đê, nếu trong quy hoạch tỉnh có xác định giải pháp lên đê để chống lũ thì phải lập nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều.

g) Phương án kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai cần chú ý đến kết cấu hạ tầng phòng chống lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng hệ thống trực canh, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai,…; phương án bố trí quỹ đất nhằm sắp xếp, di dời dân cư sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTg Chính phủ Lê Văn Thành (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở NN&PTNT;
- Chi cục ĐĐ và PCLB/Thủy lợi;
- Lưu: VT, PCTT.(215b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5858/BNN-PCTT năm 2021 về phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5858/BNN-PCTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/09/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản