Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5845/BCT-KHCN
Vv hướng dẫn thực hiện Luật ATTP

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2013

 

Kính gửi: Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Trả lời công văn của Sở Công Thương các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm được phân công tại Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương có ý kiến sau:

1. Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ:

- Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP có thời hạn và còn hiệu lực sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận;

- Những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP không quy định cụ thể thời hạn thì sẽ được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ký;

- Những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP không quy định cụ thể thời hạn mà đã quá 3 năm kể từ ngày ký thì chỉ có giá trị đến ngày 30 tháng 6 năm 2013;

Trước thời hạn hết hiệu lực 6 tháng, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đăng ký thủ tục đề nghị được cấp mới theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2012.

2. Trường hợp cơ quan chức năng đã có văn bản thông báo và yêu cầu bổ sung hồ sơ tới cơ sở xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với hồ sơ không hợp lệ nhưng không có phản hồi hay bổ sung theo yêu cầu thì thời gian lưu hồ sơ sẽ thực hiện theo quy định về quy trình xử lý văn bản hành chính của cơ quan chức năng.

3. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và Giấy vẫn còn hiệu lực, nhưng trong thời gian đó cơ sở muốn bổ sung sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm khác thuộc trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương thì cơ sở phải tuân thủ các quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư 29/2012/TT-BCT .

4. Về thành phần Đoàn thẩm định cơ sở đủ điều kiện ATTP:

Thành phần Đoàn gồm cán bộ cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Sở Công Thương), đội ngũ cán bộ công tác tại ngành Y tế, trường Đại học, cao đẳng, Viện Nghiên cứu có chuyên môn liên quan đến ATTP.

5. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm do từ 2 Bộ quản lý trở lên:

Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh cho đối tượng doanh nghiệp này. Trong thời gian Thông tư chưa được ban hành, việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý đề nghị thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công Thương.

6. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm có quy mô vừa do Bộ Công Thương và Sở Công Thương thụ lý hồ sơ: Cơ sở có thể nộp hồ sơ theo phân cấp quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2012 hoặc nộp hồ sơ về Bộ Công Thương thụ lý.

7. Quy định về khám sức khỏe: theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BCT ngày 05 tháng 10 năm 2012 "Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh của cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp theo quy định". Vì vậy, yêu cầu "xét nghiệm phân" sẽ do cơ quan y tế quyết định phụ thuộc vào mùa dịch, vùng dịch.

8. Tiêu chuẩn mẫu nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT.

9. Đối với doanh nghiệp đã thành lập và đang xây dựng dây chuyền sản xuất mới hoặc doanh nghiệp mới thành lập, tùy vào tình hình thực tế doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BCT .

10. Theo quy định tại điểm 2, điều 65 Luật An toàn thực phẩm: các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ban đầu nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp.

11. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc danh sách các cán bộ của cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền được Bộ Công Thương chỉ định cấp theo quy định và có thời hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày cấp.

Trên đây là một số hướng dẫn của Bộ Công Thương triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm được phân công tại Luật An toàn thực phẩm. Đề nghị Sở Công Thương các tỉnh/thành phố thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước của đơn vị./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, KHCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cẩm Tú

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5845/BCT-KHCN năm 2013 hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm do Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 5845/BCT-KHCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Cẩm Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản