Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 5812/BGDĐT-GDCTHSSV
V/v hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2018

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Thực hiện Chương trình công tác năm 2018; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021, để triển khai công tác phòng, chống bạo lực học đường đạt hiệu quả góp phần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch phòng ngừa các nguy cơ xảy ra bạo lực học đường và phương án ứng phó với bạo lực trên nguyên tắc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của học sinh, cụ thể như sau:

1. Khảo sát, đánh giá tình hình và xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra bạo lực học đường

1.1. Khảo sát, đánh giá tình hình

a. Thành lập các nhóm khảo sát do lãnh đạo nhà trường làm trưởng nhóm.

b. Thời gian khảo sát, đánh giá: Vào đầu mỗi năm học hoặc học kỳ;

c. Đối tượng khảo sát, đánh giá: Học sinh đang học tập tại nhà trường;

d. Nội dung khảo sát, đánh giá, nắm thông tin, chia nhóm học sinh theo:

- Kết quả học tập;

- Hạnh kiểm;

- Có nguy cơ bị bạo lực hoặc nguy cơ gây ra bạo lực (do có đặc điểm đặc biệt, bị kỳ thị ...);

- Hoàn cảnh gia đình (mồ côi, cha mẹ ly hôn, cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ đang trong thời gian thi hành án hoặc cải tạo không giam giữ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế...);

- Thường xuyên sử dụng mạng xã hội, sử dụng điện thoại thông minh;

- Các yếu tố khó khăn khác đối với học sinh.

đ. Tổng hợp, báo cáo

- Tổng hợp kết quả khảo sát các nhóm học sinh theo lớp, khối và toàn trường.

- Báo cáo kết quả khảo sát và đề xuất các biện pháp phòng ngừa

1.2. Xây dựng kế hoạch

Căn cứ báo cáo kết quả khảo sát toàn trường, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo, tổ chức xây dựng Kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường theo học kỳ hoặc năm học gồm:

a. Mục đích, yêu cầu

b. Nhiệm vụ, giải pháp

c. Tổ chức thực hiện

1.3, Xây dựng Quy chế phối hợp

Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân ngoài nhà trường để thực hiện kế hoạch.

a. Mục đích, yêu cầu

b. Nguyên tắc, nội dung phối hợp

c. Phân công nhiệm vụ thực hiện

2. Ngành Giáo dục phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an địa phương và các cơ quan, đoàn thể của địa phương căn cứ quy định tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, hướng dẫn các nhà trường xây dựng và triển khai phương án xử lý các tình huống bạo lực học đường bao gồm:

2.1. Tình huống bạo lực học đường từ ngoài xâm nhập vào trường học

a. Thông tin: Mọi thành viên trong nhà trường, khi phát hiện có đối tượng từ bên ngoài xâm nhập trái phép vào trường học đều có trách nhiệm báo tin ngay cho bộ phận bảo vệ (hoặc cán bộ phụ trách an ninh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường).

b. Bảo vệ (hoặc người được Hiệu trưởng phân công) sau khi nhận tin báo có trách nhiệm báo cáo ngay với Hiệu trưởng và liên hệ với cơ quan công an, nhân viên công tác xã hội địa phương, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ.

c. Các thành viên trong nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp bảo vệ an toàn cho học sinh và cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực.

d. Nhân viên y tế (hoặc phụ trách y tế) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần)

đ. Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên xin ý kiến giải quyết.

e. Phối hợp với chính quyền địa phương, công an và nhân viên công tác xã hội xử lý triệt để vụ việc.

2.2. Tình huống bạo lực học đường xảy ra trong trường học

2.2.1. Tình huống bạo lực học đường từ nhà giáo, nhân viên, người lao động

a. Thông tin: Mọi tổ chức trong nhà trường, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo cáo ngay với Hiệu trưởng nhà trường để xử lý đối với các hành vi bạo lực học đường do nhà giáo, nhân viên, người lao động trong nhà trường gây ra.

b. Các thành viên trong nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực

c. Nhân viên y tế (hoặc phụ trách y tế) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần).

d. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xác minh, mời các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp xử lý vụ việc.

đ. Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên xin ý kiến giải quyết.

2.2.2. Tình huống bạo lực học đường từ học sinh

a. Thông tin: Mọi thành viên trong nhà trường khi phát hiện có hành vi bạo lực học đường trong trường học do học sinh gây ra đều có trách nhiệm báo tin ngay cho bộ phận bảo vệ (hoặc cán bộ phụ trách an ninh, giáo viên) và Hiệu trưởng nhà trường.

b. Bảo vệ (hoặc người được Hiệu trưởng phân công) nhà trường có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan công an, nhân viên công tác xã hội địa phương, tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ.

c. Các thành viên trong trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công bằng mọi biện pháp cô lập, khống chế đối tượng gây ra bạo lực.

đ. Nhân viên y tế (hoặc phụ trách y tế) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân (nếu có) và gọi cấp cứu (nếu cần).

e. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm liên hệ với gia đình học sinh để kịp thời phối hợp xử lý.

g. Hiệu trưởng nhà trường báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp trên.

h. Phối hợp với chính quyền địa phương, công an và nhân viên công tác xã hội xử lý triệt để vụ việc.

2.3. Tình huống bạo lực từ học sinh của nhà trường gây ra ở ngoài trường học

a. Tiếp nhận thông tin: Mọi tổ chức, cá nhân trong nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận và báo cáo ngay với Hiệu trưởng nhà trường để phối hợp xử lý đối với các hành vi bạo lực học đường của học sinh trong nhà trường gây ra ở ngoài trường học.

b. Hiệu trưởng nhà trường xác minh thông tin và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ với gia đình học sinh đã cùng phối hợp xử lý.

c. Phối hợp với chính quyền địa phương, công an, nhân viên công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cùng xử lý vụ việc.

2.4. Các tình huống khác

Nhà trường căn cứ tình hình cụ thể, xây dựng kịch bản cho các tình huống cụ thể nhằm bảo đảm luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống bạo lực, ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực học đường và hạn chế tối đa hậu quả do bạo lực gây ra.

3. Hằng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá công tác phòng, chống bạo lực học đường. Khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị, cá nhân triển khai tốt, hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường; nhân rộng các mô hình làm tốt hiệu quả để các đơn vị khác học tập, tham khảo.

Các sở giáo dục và đào tạo báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội, email: patuan@.moet.gov.vn)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các bộ: Công an, Y tế, LĐTBXH (để p/h chỉ đạo);
- TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (để p/h chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, thành phố (để p/h chỉ đạo);
- Lưu: VT, Vụ GDCTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5812/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2018 hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5812/BGDĐT-GDCTHSSV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/12/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản