Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5773/CT-TTHT
V/v: Chính sách thuế

Thành ph Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 2019

 

Kính gửi: CN Cty TNHH Toyotsu Safety & Automotive Components VN tại TP
Địa chỉ: Lô C5/II-C6/II, Đ. số 2E, KCN Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, H. Bình Chánh
Mã số thuế: 3701713942-001

Trả lời văn bản ngày 15/03/2019 của Công ty về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Tiết c, Tiết d, Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế:

“c. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.

d. Trường hợp người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì:

Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất.

Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc, số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Trường hợp tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc do người nộp thuế xác định theo nguyên tắc nêu trên lớn hơn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính thì người nộp thuế tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc như sau: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm do cơ sở trực thuộc sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp. Nếu người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì người nộp thuế không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

Người nộp thuế phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư này cùng với hồ sơ khai thuế, tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới các cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ sở sản xuất trực thuộc.

Căn cứ số thuế giá trị gia tăng được phân bổ giữa địa phương nơi đóng trụ sở chính của người nộp thuế và các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.

…”

Căn cứ Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT):

“Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.”

Trường hợp Công ty trụ sở tại Bình Dương có thành lập Chi nhánh - hạch toán phụ thuộc tại TP. Hồ Chí Minh để kinh doanh sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe. Theo trình bày, Chi nhánh trực tiếp bán hàng, phát sinh doanh thu, có tài khoản ngân hàng, sổ sách kế toán, con dấu riêng, thực hiện kê khai và nộp thuế GTGT tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ ngày 01/04/2019, do thay đổi cơ cấu hoạt động nên Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh không bán hàng mà chỉ hoạt động sản xuất, nguyên liệu được nhận từ Công ty mẹ và thành phẩm được chuyển về Công ty mẹ để xuất bán thì về nguyên tắc, Chi nhánh liên hệ Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố để điều chỉnh giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi chức năng hoạt động thành cơ sở sản xuất.

1) Trường hợp cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại TP. Hồ Chí Minh (nơi sản xuất), khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hóa đơn GTGT làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại TP. Hồ Chí Minh.

2) Trường hợp cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì Chi nhánh có công văn gửi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thông báo về việc Chi nhánh không tiếp tục nộp tờ khai thuế GTGT hàng quý do Chi nhánh đã chuyển đổi thành cơ sở sản xuất chỉ có chức năng sản xuất, không trực tiếp bán hàng.

Công ty mẹ tại Bình Dương thực hiện khai thuế GTGT tại trụ sở chính và nộp thuế cho cơ quan thuế tại TP. Hồ Chí Minh nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất theo hướng dẫn tại Khoản 1.d Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên. Các hóa đơn mua vào mang tên, mã số thuế của Chi nhánh được thực hiện kê khai khấu trừ khi xác định thuế GTGT phải nộp của Công ty mẹ.

Trường hợp Chi nhánh không tiếp tục sử dụng hóa đơn thì Chi nhánh thực hiện thủ tục hủy hóa đơn đã thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý Chi nhánh.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- P. NVDTPC;
- Phòng TTKT7;
- Lưu: VT, TTHT
828-9119385 (16/05/2019)
nttlan

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Nam Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5773/CT-TTHT năm 2019 về thuế giá trị gia tăng do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 5773/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/06/2019
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Nam Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản