Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5691/BHXH-CSXH
V/v hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân - Bộ Công an;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

 

Trong quá trình thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, theo phản ánh của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố còn có vướng mắc. Để đảm bảo thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và đúng quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn như sau:

1. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 của cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân và công an nhân dân để tính hưởng BHXH, đề nghị thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 18 khoản 9 Điều 1 Thông tư số 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và điểm 1.7 khoản 1 công văn số 1188/BHXH-CSXH ngày 06/4/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Người có thời gian phục vụ trong quân đội, đã phục viên xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, sau đó được đổi quyết định chuyển ngành đi học theo đúng thời hạn quy định (không quá 6 tháng) tại quyết định số 281/CP ngày 01/9/1980 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) và sau khi học xong được tiếp tục làm việc trong cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác trong quân đội, thời gian phục viên xuất ngũ về địa phương, thời gian đi học (trước ngày 01/01/1995) được cộng với thời gian làm việc có đóng BHXH sau khi học xong để hưởng BHXH.

3. Đối với việc giải quyết chế độ tử tuất, Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ (theo phân cấp) có trách nhiệm phổ biến nội dung chế độ tử tuất, thủ tục hồ sơ, quy trình giải quyết và hướng dẫn thân nhân người lao động đang làm việc hoặc thân nhân người đang hưởng chế độ BHXH hàng tháng, phải kê khai đầy đủ các thông tin làm căn cứ xem xét giải quyết chế độ tử tuất trước khi tiếp nhận hồ sơ, đồng thời yêu cầu người có trách nhiệm đại diện cho các thân nhân kê khai (mẫu 09 A - HSB kèm theo quyết định số 777/QĐ-BHXH) phải thông báo cho các thân nhân có tên trong tờ khai nắm được đầy đủ và thống nhất với các nội dung đã kê khai. Căn cứ để xem xét giải quyết trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc 1 lần là tờ khai hoàn cảnh gia đình có khai đầy đủ các thông tin, có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đối chiếu với quy định của chính sách để giải quyết, trường hợp có nội dung chưa rõ thì tiến hành kiểm tra, xác minh trước khi giải quyết và lưu biên bản xác minh vào hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất.

4. Trong khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về khám, chữa bệnh ngoại trú đối với người tham gia BHXH, thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 11/TTLT-BYT-BHXH ngày 22/6/1999 của Liên Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

5. Đối với người bảo lưu thời gian tham gia BHXH, người chờ đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí có nhu cầu đi giám định khả năng lao động để hưởng lương hưu trước tuổi thì hồ sơ giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo mẫu quy định tại khoản 3 Điều 5 Chương II Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế, gồm có:

+ Giấy giới thiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 do Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố cấp;

+ Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2;

+ Tóm tắt hồ sơ của người lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3.

(Không yêu cầu người lao động cung cấp hồ sơ điều trị bệnh tật như giấy ra viện, bệnh án …)

- Đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội: phải niêm yết công khai, minh bạch thủ tục hồ sơ nêu trên tại nơi tiếp nhận hồ sơ theo phân cấp; hướng dẫn người lao động kê khai đúng mẫu quy định nêu trên, khi tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra đối chiếu giữa tờ khai với chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ cá nhân hợp pháp khác của người lao động và ký xác nhận vào bản khai của người lao động theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 6520/BYT-KCB ngày 28/9/2010 của Bộ Y tế.

- Đối với người lao động: có trách nhiệm kê khai đầy đủ theo đúng hướng dẫn và nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Giấy đề nghị giám định khả năng lao động (theo mẫu phụ lục số 2), bản kê khai tóm tắt hồ sơ (theo mẫu phụ lục số 03 kèm theo Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế), số BHXH, xuất trình Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân hợp pháp chứng minh về thân nhân để đối chiếu.

6. Về thủ tục hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động, trong trường hợp không có Biên bản tai nạn giao thông (quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật BHXH) thì được thay thế bằng “bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông” (theo quy định tại công văn số 2874/LĐTBXH-BHXH ngày 20/8/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

7. Chưa giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp người đang tham gia BHXH, người đang chờ hưởng chế độ BHXH, người bảo lưu thời gian đóng BHXH và người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bị phạt tù giam mà bị chết trong thời gian chấp hành hình phạt tù giam.

8. Trường hợp người lao động đang làm việc hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bị kết án tù trước ngày 01/01/1995 thì việc giải quyết chế độ BHXH thực hiện theo các văn bản quy định của chính sách trước năm 1995.

9. Đối với hồ sơ di chuyển (kể cả hồ sơ do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ di chuyển): trước khi lập thủ tục hồ sơ di chuyển, Bảo hiểm xã hội nơi chuyển đi có trách nhiệm kiểm tra, nếu hồ sơ không thống nhất về họ, tên, tên đệm, ngày tháng năm sinh giữa các giấy tờ trong cùng một hồ sơ, giữa hồ sơ hưởng BHXH với Giấy khai sinh, Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu thì làm văn bản xác nhận để đưa vào hồ sơ di chuyển (quy định tại khoản 1 Điều 28 quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH ban hành kèm theo quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam); trường hợp hồ sơ đã chuyển đi nhưng Bảo hiểm xã hội nơi chuyển đi chưa xác nhận theo quy định nêu trên thì Bảo hiểm xã hội nơi chuyển đến tiếp nhận hồ sơ, đồng thời có văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội nơi lập thủ tục chuyển đi xác nhận về các nội dung không thống nhất nêu trên để lưu cùng hồ sơ và thực hiện chi trả lương hưu hoặc trợ cấp BHXH đối với người lao động theo quy định.

Để đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ bảo hiểm xã hội cho người tham gia BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ quy định của pháp luật về BHXH và các văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TGĐ (để báo cáo);
- Các Phó TGĐ;
- Các đơn vị thuộc BHXHVN;
- Lưu VT, CSXH.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5691/BHXH-CSXH hướng dẫn chính sách bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 5691/BHXH-CSXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/12/2010
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Thị Xuân Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản