Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5603/VPCP-QHĐP
V/v xử lý kiến nghị của các địa phương

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Về các kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 02 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các địa phương (bảng tổng hợp kèm theo), có văn bản trả lời địa phương và đồng gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 09 năm 2020 để báo cáo lãnh đạo Chính phủ. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Quý Bộ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các Phó TTgCP (để b/c);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: CN, NN, KTTH, KGVX, QHQT, NC, TCCV, PL, ĐMDN, V.I, TH; Cục KSTTHC; Cổng TTĐTCP;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Đ.Minh.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

BỘ TÀI CHÍNH

(Kèm theo Công văn số: 5603/VPCP-QHĐP ngày 10 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ)

STT

 

ĐỊA PHƯƠNG

KIẾN NGHỊ

1

An Giang

Tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 151/2006/NĐ-CP của chính phủ ngày 20/12/2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước quy định: “2. Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ sau đầu tư”. Tuy nhiên theo quy định của Thủ tướng chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách thì không có nội dung chi cấp bù chênh lệch lãi suất và hỗ trợ sau đầu tư. Do đó để giảm áp lực chi thường xuyên, kiến nghị Chính phủ có quy định cụ thể về cơ chế bố trí từ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện đối với nội dung cấp bù chênh lệch lãi suất và hỗ trợ sau đầu tư.

2

Bạc Liêu

Về phát triển lĩnh vực trồng thủy sản: Thời gian gần đây, tuy giá đầu ra của tôm nguyên liệu bị sụt giảm khá sâu, song các yếu tố đầu vào, nhất là giá thức ăn nuôi tôm tăng khá cao. Điều này tạo thêm áp lực, khó khăn đối với người nuôi tôm. → Kiến nghị đưa mặt hàng Thức ăn nuôi tôm vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, vì hiện nay theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có Phân bón, Thuốc bảo vệ thực vật và vắc-xin phòng bệnh là thuộc danh mục này.

3

Bắc Giang

Đề nghị, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai được tiếp tục sử dụng số vốn kết dư của Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần 2, vay vốn ADB và gia hạn thời gian Hiệp định vay vốn ADB để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ADB.

4

Bắc Kạn

Trung ương nên xem xét tăng hạn mức dư nợ vay đối với với các địa phương có số thu cân đối ngân sách trên địa bàn thấp nhằm đảm bảo phù hợp, công bằng, tạo đà phát triển cho các địa phương, cụ thể: Nâng hạn mức dư nợ vay lên 50% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp đối với địa phương có số thu ngân sách thấp và giảm tỷ lệ cho vay lại xuống còn 10% vốn vay ODA.

5

Bắc Kạn

Đề nghị Trung ương sớm xây dựng các chương trình MTQG của giai đoạn 2021-2025 và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ngay từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện.

6

Bến Tre

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép Bến Tre chuyển vị trí Khu công nghiệp Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (nằm gần khu đô thị trung tâm của tỉnh) sang huyện Thạnh Phú (huyện biển), nhằm tạo quỹ đất sạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần phát triển mạnh kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công Thương sớm bàn giao Trung tâm Dừa Đồng Gò cho Bến Tre quản lý để đầu tư phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn diện ngành dừa Quốc gia, nhằm phục vụ thiết thực hơn cho sự phát triển chung của ngành dừa tại địa phương, khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, các tỉnh Duyên hải miền Trung và là mô hình phát triển ngành dừa kiểu mẫu, điển hình cho cả nước.

7

Đà Nẵng

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

8

Đồng Nai

Về cơ bản, số thu theo dự toán năm 2020 chỉ đảm bảo cho các nội dung chi ở mức tối thiểu trong năm của tỉnh, chưa thể đảm bảo bố trí thực hiện một số nhiệm vụ chi cần thiết mà tỉnh đã chủ động giảm, giãn từ các năm trước và kinh phí phát sinh mới như thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid 19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Do vậy, để tạo điều kiện cho tỉnh Đồng Nai cân đối được ngân sách đảm bảo cho một số nhiệm vụ chi của tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ ngân sách cho tỉnh Đồng Nai số tiền 1.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, các khoản giảm, giãn từ các năm trước, các nhiệm vụ phát sinh cần thiết và cấp bách trong năm 2020.

9

Đồng Nai

Phân cấp mạnh hơn nữa về quản lý kinh tế và quản lý ngân sách để các tỉnh trong vùng có nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển; đồng thời, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho các địa phương có điều tiết lớn về ngân sách trung ương (theo hướng mức để lại cho địa phương cao hơn mức chi ngân sách nhà nước bình quân đầu người so với các địa phương khác vì các địa phương này hàng năm đón nhận số lượng lớn dân số tăng cơ học, và nhu cầu chi đầu tư phát triển rất lớn nhằm giữ vững tốc độ tăng trưởng cao để tăng thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng, giải quyết các công trình an sinh xã hội cấp bách, tái đầu tư để bồi dưỡng nguồn thu).

10

Gia Lai

Về thu thuế bảo vệ môi trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ có bốn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc đối tượng kê khai thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ thực hiện kê khai và nộp thuế tại tỉnh. Riêng các đơn vị đóng trụ sở chính ở các tỉnh khác có phát sinh hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng chưa kê khai thuế bảo vệ môi trường tại địa phương chiếm khoảng 31% cả tỉnh (khoảng 284 tỷ đồng/năm). Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo giao Tổng Cục thuế xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế theo hướng có tiêu chí phân bổ số thu thuế bảo vệ môi trường cho các địa phương.

11

Gia Lai

Các dự án kêu gọi đầu tư hiện nay đang thực hiện bằng hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đang vướng bởi các quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cụ thể:

Hiện nay, đất quy hoạch để thực hiện các dự án kêu gọi đầu tư hầu như có tài sản trên đất. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP thì đất có tài sản trên đất không được đấu thầu dự án mà phải bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, không được thực hiện bán tài sản trên đất rồi sau đó đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án mà phải bán tài sản và quyền sử dụng đất cùng một lúc. Vấn đề này là bất cập, vì chỉ cần bán tài sản để lấy mặt bằng đầu tư dự án, chứ không phải bán tài sản và bán luôn đất cho 01 đối tượng (người cần mua tài sản thì không đủ điều kiện thực hiện dự án; người thực hiện dự án thì không cần mua tài sản). Đề nghị Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh Nghị định này, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư.

12

Gia Lai

Đề nghị Trung ương bổ sung ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh mà nguồn thu từ viện phí không đủ để chi lương. Bố trí kinh phí kết dư từ nguồn quỹ BHYT để đầu tư cho các cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh, tổng kinh phí 177 tỷ đồng (thực hiện theo Quyết định số 07/QĐ-BCĐQG ngày 30/3/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia).

13

Hà Nam

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý theo hướng giao sự chủ động thực hiện cho các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hàng năm báo cáo kết quả bàn giao, tiếp nhận về Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ (chủ động kiểm kê, thống nhất giá trị tài sản, thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản, bỏ qua bước lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định ...).

14

Hà Nội

Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP: Cho phép Thành phố được thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích đối với các đơn vị đang cung ứng dịch vụ công ích từ ngày 01/01/2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu; các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ công ích chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá nhưng cần thiết phải đưa vào vận hành ngay; các lĩnh vực liên quan đến quyền sở hữu tài sản; các nhiệm vụ chính trị, quan trọng, cấp bách của Trung ương giao và của Thành phố.

15

Hưng Yên

Đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ thủ tục về giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

16

Hưng Yên

Đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn về việc không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh mục tiêu từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng nhà ở xã hội.

17

Hưng Yên

Về tháo gỡ thủ tục thực hiện các dự án ODA: Tỉnh Hưng Yên đã có các Công văn số 66/UBND-TH ngày 09/1/2020; số 1284/UBND-TH ngày 01/6/2020 đề nghị cho phép gia hạn thời gian hoàn thành, thời gian giải ngân và sử dụng số vốn ODA còn dư của Dự án phát triển toàn diện kinh tế, xã hội các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng - Hợp phần dự án tại thành phố Hưng Yên; Công văn số 574/UBND-TH ngày 17/3/2020 đề nghị cho phép sử dụng số vốn còn dư của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi huyện Ân Thi (nguồn vốn AFD). Tỉnh Hưng Yên kính đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến chấp thuận để tỉnh triển khai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ODA năm 2020.

18

Kon Tum

Theo dự báo thời gian tới số lượng công dân Việt Nam, chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao và du học sinh từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tăng cao. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài, tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp trên theo đúng quy định.Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, nghiên cứu quy định thu phí cách ly đối với người về từ nước ngoài trong thời gian đến.

19

Lào Cai

Nghiên cứu cơ chế có nguồn lực hỗ trợ cho các mục tiêu sắp xếp ổn định dân cư nông thôn, thôn bản thuộc các xã miền núi, biên giới. Nếu triển khai quyết liệt trong 5 năm 2021-2025, trung ương bố trí 40 - 50 triệu đồng/thôn và địa phương bố trí tương tự, sẽ giải quyết ổn định tất cả các thôn trên địa bàn. Như vậy sẽ quản lý được quy hoạch, sắp xếp được theo cụm, thuận tiện trong công tác đầu tư và suất đầu tư sẽ giảm đi rất nhiều, đem lại hiệu quả to lớn.

20

Nam Định

Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phần còn lại sau khi đã dùng 50% dự phòng ngân sách và 70% quỹ dự phòng tài chính.

21

Nghệ An

Dự kiến kinh phí thực hiện các Nghị quyết đối với tỉnh Nghệ An là 1.115 tỷ đồng, trong đó Nghị quyết 37 là 297,6 tỷ đồng, Nghị quyết 42 là 817,4 tỷ đồng. Trong lúc đó, dự toán của tỉnh Nghệ An được Trung ương giao nguồn dự phòng là 446,95 tỷ đồng. Như vậy kinh phí đảm bảo của địa phương theo cơ chế là 558,5 tỷ đồng, cao hơn cả nguồn dự phòng ngân sách Trung ương giao. Mặt khác dự phòng ngân sách còn phải đảm bảo kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, khắc phục thiên tai, bão lụt,...

Do đó, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thêm cho các địa phương trong đó có Nghệ Anh đang gặp khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí thực hiện.

22

Phú Thọ

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định: số 69/2008/NĐ-CP , số 59/2014/NĐ-CP phù hợp với các Nghị định: số 151/2017/NĐ-CP , số 167/2017/NĐ-CP , đồng thời giao các địa phương xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu thu hút nhà đầu tư khai thác, vận hành các cơ sở xã hội hóa và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

23

Quảng Bình

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thực hiện tự chủ tài chính theo lộ trình của các Bệnh viện không thể thực hiện được. Kính đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có cơ chế hỗ trợ cho ngành y tế nhằm tháo gỡ khó khăn.

24

Quảng Bình

Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan cấp kinh phí thuộc nguồn ngân sách Trung ương để chi trả chế độ phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 37 của Chính phủ.

25

Quảng Trị

Nhằm nối thông toàn tuyến QL15D, kính đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, bố trí ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng đoạn từ đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 34km.

26

Sóc Trăng

Năm 2020, tỉnh Sóc Trăng dự kiến hụt thu ngân sách tỉnh khoảng 277 tỷ đồng, do tỉnh vừa bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn... vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, do đó, kính đề nghị TTg xem xét, hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

27

Sóc Trăng

Phối hợp với Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ, chính sách, mức chi phụ cấp cho công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa. Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa được “nhận lương, phụ cấp, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác (nếu có) tại cơ quan đã cử đến Bộ phận Một cửa”. Hiện nay, căn cứ để thực hiện chế độ, chính sách, mức chi phụ cấp cho công chức làm việc tại Bộ phận một cửa là Thông tư số 172/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo công tác cải cách hành chính đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Thông tư số 26/2019/TT-BTC ngày 10/5/2019 về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo công tác cải cách hành chính kể từ ngày 01/7/2019. Tuy nhiên, nội dung Thông tư số 26/2019/TT-BTC không hướng dẫn về vấn đề này. Do đó, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định căn cứ để tiếp tục chi phụ cấp cho công chức làm việc tại Bộ phận một cửa

28

Thái Bình

Xem xét hỗ trợ địa phương từ nguồn Ngân sách Trung ương để đảm bảo mặt bằng cân đối ngân sách địa phương, đồng thời có nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành năm 2020 sau khi cân đối với nguồn kinh phí Bộ Tài chính bố trí trong cân đối ngân sách địa phương để giảm áp lực hụt thu ngân sách các cấp chính quyền địa phương.

28

Thái Nguyên

Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

30

Thái Nguyên

Đề nghị Chính phủ cho chi những nguồn thu vượt mà Thái Nguyên đã tiết kiệm trong những năm qua để đảm bảo an sinh xã hội và chi đầu tư theo đúng trong danh mục đầu tư công đã được phê duyệt.

31

Thanh Hóa

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến việc thu thuế bảo vệ môi trường theo GGU từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và bảo đảm cân đối ngân sách địa phương năm 2020.

32

Thanh Hóa

Đề nghị Bộ TC xem xét, sớm bổ sung cho tỉnh Thanh Hóa 407 tỷ đồng để đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được chi trà 01 lần theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP

33

Thừa Thiên Huế

Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển du lịch, cụ thể: Cho phép áp dụng miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; Giảm 50% tiền thuê đất năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Giảm/gia hạn tiền thuê mặt nước của Quý I, II/2020 (theo thời hạn được quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP , ngày 08/4/2020 của Chính phủ); Gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp qua quý II/2021.

34

Thừa Thiên Huế

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1: 2938 hộ) đã cơ bản hoàn thành và đang đề nghị di dời 146 hộ khu vực Mang cá nhỏ với tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng. Đến nay ngân sách TW đã bố trí 900 tỷ đồng, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách của địa phương từ phí để lại di tích, quỹ đất bị hạn chế, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí hoặc cho tạm ứng ngân quỹ Kho bạc Nhà nước để thực hiện dự án.

35

Trà Vinh

Tăng mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để đối tượng này yên tâm công tác góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

36

Trà Vinh

Điểm h Điều 6 Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương quy định “Chi hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện theo Thông tư 221/2012/TTLT-BTC-BCT ngày 24/12/2012”, tuy nhiên không quy định cụ thể nội dung và mức chi, nên khó triển khai thực hiện.

37

Trà Vinh

Sớm ban hành định mức để xác định chi phí tư vấn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Vì các dự án đầu tư công hiện nay các chủ đầu tư đều thuê đơn vị tư vấn để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nhưng không có định mức để xác định nên các chủ đầu tư gặp lúng túng khi thực hiện.

38

Trà Vinh

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn về thành phần hồ sơ, thời gian và quy trình thực hiện thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án; dự toán chi phí các công việc chuẩn bị lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Vì các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể.

39

Vĩnh Phúc

Đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách về thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô đảm bảo tính nhất quán, ổn định lâu dài để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh tránh bị động do chính sách của nhà nước thường xuyên thay đổi.

40

Vĩnh Phúc

Đề nghị Chính phủ ban hành chánh sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô như: miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước; có chính sách ưu đãi cho việc phát triển dòng xe chiến lược dung tích nỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường để các doanh nghiệp tập trung nội địa hóa sản phẩm, đầu tư mở rộng, tăng sản lượng giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Khi các chính sách thuế hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được ban hành, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán báo cáo cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu ngân sách nhà nước cho tính đảm bảo phù hợp với khả năng thu của địa phương, tránh giao quá cao dẫn đến tỉnh bị hụt thu ngân sách, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế xã hội. Trường hợp bị hụt thu do nguyên nhân khách quan đề nghị Trung ương cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bù đắp số giảm thu ngân sách.

41

Vĩnh Phúc

Báo cáo với Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô như: miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước; có chính sách ưu đãi để phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường và chỉ đạo Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu thu ngân sách cho tỉnh phù hợp với khả năng thu của địa phương, trường hợp tỉnh bị hụt thu do nguyên nhân khách quan đề nghị Trung ương cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bù đắp số giảm thu ngân sách.

42

Yên Bái

Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5603/VPCP-QHĐP năm 2020 xử lý kiến nghị của các địa phương về phát triển nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 5603/VPCP-QHĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/07/2020
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản