Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53154/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi: Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia.
(Địa chỉ: 18 Trần Nguyên Hãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
M
ST: 0102743068)

Trả lời công văn số 1262/EVNNPT-TCKT ngày 12/04/2018 và công văn bổ sung thông tin, tài liệu số 1530/EVNNPT-TCKT ngày 08/05/2018 của Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (sau đây gọi tắt là Đơn vị) hỏi về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với lãi tiền vay, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

+ Tại Điều 1 hướng dẫn đối tượng áp dụng:

“Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương 1):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu...”

- Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập.

+ Tại Điều 1 quy định phạm vi áp dụng:

Hiệp định này được áp dụng cho các đối tượng là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai Nước ký kết.”

+ Tại khoản 3 và 4 Điều 11 (Lãi từ tiền cho vay) quy định:

“3. Mặc dù đã có những quy định tại Khoản 2, lãi từ tiền cho vay phát sinh tại một Nước ký kết và do Chính phủ của Nước ký kết kia, cơ quan chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương của Nước ký kết kia hoặc bất kỳ một tổ chức tài chính nào hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ đó nhận được, hoặc tiền lãi đó cho bất kỳ đối tượng cư trú nào của Nước ký kết kia nhận được liên quan đến những Khoản nợ được Chính phủ của Nước ký kết kia, cơ quan chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương của Nước ký kết kia hoặc bất kỳ tổ chức nào hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ đó bảo lãnh, bảo hiểm hoặc tài trợ gián tiếp sẽ được miễn thuế tại nước ký kết thứ nhất.

4. Theo nội dung của Khoản 3, thuật ngữ “ngân hàng trung ương” và “tổ chức tài chính hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ đó” nghĩa là:

a. ...

b. trong trường hợp của Nhật Bản: (i) Ngân hàng Nhật Bản; (ii) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nhật Bản; (iii) Quỹ hợp tác Kinh tế Hải ngoại; (iv) Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản và (v) Tổ chức hợp tác khác như vậy mà vốn của chúng hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Nhật Bản được thỏa thuận trong từng thời gian giữa hai Chính phủ của hai Nước ký kết ”

- Căn cứ Tiết b.2, Khoản 3, Điều 20 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ quy định hồ sơ thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định:

“b.2) Hồ sơ Thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định:

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ khác thì thực hiện thêm các thủ tục sau:

Mười lăm ngày trước thời hạn khai thuế, bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập cho Nhà thầu nước ngoài gửi Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định. Hồ sơ gồm:

- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được hợp pháp hóa lãnh sự.../)

- Căn cứ Công hàm trao đổi ngày 26/11/2015 giữa Việt Nam và Nhật Bản về việc áp dụng Hiệp định đối với NEXI quy định:

Liên quan đến Khoản 4 của Điều 11 của Hiệp định, được hiểu rằng Cơ quan Bảo hiểm Xuất khẩu và Đầu tư Nhật Bản (NEXI) sẽ được coi như là một tổ chức tài chính được đề cập tại Khoản 4(b)(v) của Điều 11 của Hiệp định”

- Căn cứ công văn số 5182/TCT-HTQT ngày 07/12/2015 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc miễn thuế theo Hiệp định đối với lãi từ tiền vay của NEXI

Căn cứ các quy định nêu trên, lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam vào ngày hoặc sau ngày 26/11/2015, do Đơn vị trả cho bất kỳ đối tượng cư trú nào của Nhật Bản liên quan đến khoản nợ được Cơ quan Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản (NEXI) bảo lãnh, bảo hiểm hoặc tài trợ gián tiếp thì được miễn thuế tại Việt Nam theo khoản 3, khoản 4 Điều 11 Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập. Đơn vị phải lập hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định đến cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Tiết b.2, Khoản 3, Điều 22 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính nêu trên.

Trường hợp còn vướng mắc đề nghị Đơn vị liên hệ với P. Kiểm tra thuế số 2 để được hướng dẫn.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Đơn vị được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm tra thuế số 2;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 53154/CT-TTHT năm 2018 về áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với lãi tiền vay do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 53154/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/07/2018
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản