Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4980/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 907/BDN ngày 01/8/2023, nội dung kiến nghị như sau:

Đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ các thông tin xấu, độc hại phát tán trên mạng.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Bộ TTTT đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, xử lý tình trạng trên mạng xã hội, các trang thông tin điện tử đang tồn tại thông tin xấu độc, lừa đảo người dân, như:

(1) Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang vững chắc quản lý hiệu quả thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam: Bộ TTTT đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung các quy định nhằm hạn chế tối đa người dùng mạng xã hội cung cấp, phát tán thông tin, hình ảnh không đúng quy định của pháp luật; bổ sung quy định về xác thực số điện thoại với tài khoản mạng xã hội,... Dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ vào Quý IV/2023.

(2) Triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán hình ảnh, thông tin vi phạm.

(3) Xử lý quyết liệt, mạnh mẽ các trường hợp người dùng trong nước phát tán thông tin vi phạm: Bộ TTTT đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các địa phương chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính)[1]; trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TTTT phối hợp với Công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); (2) Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các địa phương phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

(4) Kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới (như Facebook, Google, TikTok) phải ngăn chặn gỡ bỏ hình ảnh, thông tin không tốt, vi phạm pháp luật Việt Nam[2].

(5) Thực hiện kiểm tra hoạt động của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam: Trong những tháng đầu năm 2023, Bộ TTTT đã phối hợp với 05 bộ, ngành có liên quan tổ chức đoàn liên ngành, kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok, xác lập các hành vi vi phạm, buộc đại diện TikTok tại Việt Nam phải ký các biên bản thừa nhận vi phạm, từ đó làm căn cứ để xử lý và yêu cầu TikTok phải có giải pháp khắc phục căn cơ, hiệu quả, không chỉ chặn gỡ khi có yêu cầu của Bộ như trước đây.

(6) Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyến bài tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, đặc biệt mỗi khi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này được ban hành; đẩy mạnh việc lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng; khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng, qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích. Đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, lan tỏa cộng đồng sống tử tế trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc...

(7) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là trên Facebook, Youtube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh cho môi trường mạng; khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng để pha loãng, cân bằng tiến tới mục tiêu giảm mạnh tỷ lệ thông tin, hình ảnh không tốt, tiêu cực trên mạng xã hội nói riêng và trên môi trường mạng nói chung.

(8) Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, để từng người sử dụng cho các hành xử phù hợp, không cung cấp, sử dụng các nội dung không lành mạnh.

(9) Xây dựng Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả.

(10) Phối hợp với các bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin, chủ động kiểm tra, xử lý, phản bác, cung cấp thông tin cho dư luận; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về truyền thông nâng cao ý thức cho người sử dụng và phương thức xác minh thông tin ở địa phương/phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 



[1] Theo thống kê, đối với xử lý vi phạm lĩnh vực thông tin trên mạng: Năm 2022, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 247 lượt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,9 tỷ đồng, thu hồi 120 triệu đồng tiền thu lợi bất chính. Trong 03 tháng đầu năm 2023, lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 59 lượt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 635 triệu đồng.

[2] Kết quả 6 tháng đầu năm 2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.642 bài viết đăng thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật Việt Nam; khóa 08 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả; gỡ bỏ 04 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn; Google đã gỡ 6.359 video vi phạm trên Youtube; chặn 08 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam, xóa 02 kênh; TikTok đã chặn, gỡ bỏ: 416 tài khoản vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung không tốt.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4980/BTTTT-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4980/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/09/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản