Hệ thống pháp luật

 BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Số: 470/LĐTBXH-BTXH
V/v thực hiện cứu trợ xã hội thường xuyên và đột xuất

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2005      

 

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 470/LĐTBXH-BTXH NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2005 VỀ VIỆC THỰC HIỆN CỨU TRỢ XÃ HỘI THƯỜNG XUYÊN VÀ ĐỘT XUẤT

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng và những người gặp rủi ro bất hạnh do thiên tai gây ra thông qua các chính sách cứu trợ xã hội.

Theo báo cáo của các địa phương năm 2004 cả nước có 956.920 người thuộc diện đối tượng xã hội, trong đó có 539.902 người thuộc diện đặc biệt khó khăn cần được cứu trợ xã hội. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và đoàn thể nên có 47% đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp cứu trợ thường xuyền tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung (tăng 5% so với năm 2003), với mức từ 45.000 đồng - 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên ở một số địa phương do kinh tế còn nhiều khó khăn trong khi đối tượng xã hội cần sự trợ giúp lại nhiều vì vậy việc hỗ trợ, giúp đỡ còn hạn hẹp. Bão, lũ, mưa lớn đã xảy ra ở 31 tỉnh, thành phố, làm cho 213 người chết, 34 người mất tích, 153 người bị thương; 3.456 nhà bị đổ, trôi, 8.308 nhà hư hỏng; 400 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 104.000 ha mất trắng; thiệt hại ước tính hơn 910 tỷ đồng, có 261.512 hộ với 964.242 khẩu lâm vào cảnh thiếu đói từ 1-3 tháng. Nhà nước đã phải chi 229 tỷ đồng và 2.731 tấn gạo để cứu trợ đột xuất cho những vùng bị thiên tai, trong đó nguồn từ Trung ương hỗ trợ là 196 tỷ đồng và 2.230 tấn gạo. Nhiều địa phương đã hình thành Quỹ cứu trợ xã hội dự phòng ngay tại xã, phường vì vậy khi thiên tai xảy ra đã chủ động, kịp thời cứu trợ cho những gia đình bị nạn sớm ổn định cuộc sống, mọi hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Năm 2005 theo dự báo của khí tượng thuỷ văn tình hình thời Tiết sẽ còn phức tạp và bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, nhất là thời kỳ giáp hạt và ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai. Để thực hiện tốt chính sách cứu trợ xã hội, đồng thời tạo Điều kiện cho các đối tượng xã hội đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban ngành có liên quan thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1 - Thống kê, tổng hợp đối tượng xã hội, trong đó số người cần cứu trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 168/2004/NĐ ngày 20/9/2004 của Chính phủ; bố trí kinh phí để thực hiện chính sách cứu trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội.

2 - Tiến hành rà soát đánh giá thực chất số hộ, số khẩu thiếu đói phải hỗ trợ 01 tháng, 02 tháng, 03 tháng. Trên cơ sở đó xây dựng phương án cứu đói kịp thời cho dân. Mức trợ cấp cứu đói đảm bảo tối thiểu là 10 kg gạo/người/tháng. Trong đó quá trình thực hiện công tác cứu trợ cần ưu tiên quan tâm giải quyết cho các hộ thuộc diện chính sách, các hộ đồng bào dân tộc ít người, các hộ thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng bị lũ lụt, vùng bị hạn hán nặng. Sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo xã hội và dự phòng đã được bố trí trong ngân sách năm 2005, các nguồn huy động khác để thực hiện cứu đói kịp thời, không để trường hợp nào chết vì đói. Nếu nguồn tài chính trên không cân đối đủ thì Uỷ ban nhân dân báo cáo Chính phủ (đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính) đề nghị tăng tiến độ cấp kinh phí năm 2005 hoặc xem xét hỗ trợ.

3 - Ở những vùng xa, vùng sâu, vùng thường xuyên bị thiên tai, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần bố trí một Khoản kinh phí hình thành Quỹ cứu trợ xã hội dự phòng, giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng Mục đích, kịp thời cứu trợ cho nhân dân khi thiên tai xảy ra trong khi nguồn cứu trợ chưa chuyển về kịp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ bannhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt những vấn đề nêu trên đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

 

Đàm Hữu Đắc

(Đã Ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 470/LĐTBXH-BTXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện cứu trợ xã hội thường xuyên và đột xuất

  • Số hiệu: 470/LĐTBXH-BTXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/02/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/02/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản