Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4529/BGDĐT-CSVCTBTH
V/v hướng dẫn mua sắm, tự làm, sử dụng và bảo quản ĐD, ĐC, TBDH tối thiểu cho giáo dục mầm non năm học 2010-2011

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2010

 

Kính gửi:  Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015 và Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục mầm non; để việc mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho Giáo dục mầm non ở các nhóm, lớp, đặc biệt là ở lớp mẫu giáo 5 tuổi có hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo mua sắm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, cụ thể như sau:

I/ CÁC CĂN CỨ

Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015;

Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục mầm non;

Thông số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non;

Thông tư liên tịch số 125/2008/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 22/12/2008 của liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;

Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”;

Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hoá; Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá;

Quyết định số 3141/QĐ-BGDĐT ngày 30/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non.

II/ LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC MUA SẮM

1. Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức rà soát các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học hiện có; căn cứ Danh mục tối thiểu, số nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo; số trẻ và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có để lập kế hoạch mua sắm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học.

2. Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu; trên cơ sở kế hoạch mua sắm đã được lập, các cơ sở giáo dục mầm non đề xuất việc mua sắm, tự làm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học đảm bảo số lượng, chất lượng, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, cụ thể như sau:

1.1. Về số lượng: Đảm bảo mỗi nhóm lớp đủ số lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; ưu tiên mỗi lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ 01 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu (kể cả ngoài công lập);

1.2. Về chất lượng: Việc mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phải đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước, trong đó cần lưu ý:

+ Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học sản xuất trong nước: trên sản phẩm phải ghi rõ xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo...) và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em của sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

+ Đối với các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhập khẩu: trên sản phẩm phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ (địa chỉ nơi sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn lắp đặt, sử dụng; cảnh báo...); đơn vị nhập khẩu và chứng nhận hợp qui, công bố hợp qui và gắn dấu hợp qui theo Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

2. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã trang bị đủ yêu cầu tối thiểu, căn cứ tình hình thực tế về cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ giáo viên, có thể mua sắm thêm các đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học tiên tiến khác (ngoài Danh mục Đồ dùng - Đồ chơi - Thiết bị dạy học tối thiểu) nhưng phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng (tại mục 1.2.). Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non, cần tổ chức tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

3. Việc tổ chức mua sắm thiết bị dạy học cần thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đấu thầu xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 16/6/2009 của Quốc hội và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

4. Hiệu trưởng các trường mầm non phải tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và hiệu quả sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tại đơn vị mình.

5. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo mua sắm, bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp tiến độ phục vụ cho năm học mới.

III/ TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN - SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN ĐỒ DÙNG, ĐỒ CHƠI VÀ THIẾT BỊ DẠY HỌC

1. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố.

Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, tổ chức tập huấn việc nghiệm thu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và bồi dưỡng để giáo viên ở các nhóm lớp sử dụng và bảo quản được đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.

Trong quá trình tập huấn, nghiệm thu, cần bố trí đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo Danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để giáo viên biết sử dụng, bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo quy định.

2. Sử dụng và bảo quản

Để việc bảo quản và khai thác sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học có hiệu quả, các sở giáo dục và đào tạo cần tổ chức thực hiện các công việc sau:

2.1. Tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố để chỉ đạo sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư từ Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời tập trung huy động các nguồn kinh phí khác để xây mới, sửa chữa, bổ sung đủ phòng học, cơ sở vật chất cho các trường mẫu giáo, đặc biệt là lớp mẫu giáo 5 tuổi để bảo quản và triển khai sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học phục vụ tốt các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non.

2.2. Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, hướng dẫn và giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch, tổ chức mua sắm, tự làm, bảo quản và triển khai sử dụng có hiệu quả đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học đã trang bị, tránh lãng phí.

IV/ CÔNG TÁC KIỂM TRA, THANH TRA

1. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; các văn bản quy định về chất lượng, qui chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Nhà nước ban hành và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục mầm non, sở giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành chức năng chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc mua sắm, tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học về số lượng, chất lượng, tiến độ và công tác tập huấn, bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục mầm non.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra, đánh giá công tác thiết bị dạy học của các địa phương trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện.

V/ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của địa phương cho giáo dục mầm non; kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học mầm non được lấy từ nguồn thu của cơ sở giáo dục mầm non đó và cân đối từ nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phổ biến đến các Trưởng phòng giáo dục và đào tạo; Hiệu trưởng các trường mầm non và các đơn vị liên quan để thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở giáo dục và đào tạo báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Bộ Tài chính;
- UBND các tỉnh/thành phố;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Vụ Vụ GDMN, Cục CSVCTBTH, Vụ KHCNMT, Vụ KHTC, Vụ TCCB, Cục NGCBQLGD, T.tra và các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan;
- Website của Bộ GD&ĐT;
- Hiệp hội TBGD Việt Nam;
- Lưu: VT, Cục CSVCTBTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4529/BGDĐT-CSVCTBTH hướng dẫn mua sắm, tự làm, sử dụng và bảo quản đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non năm học 2010-2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 4529/BGDĐT-CSVCTBTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/07/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản