Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4465/BYT-BH
V/v đấu thầu, thanh toán chi phí thuc tại SY tế tỉnh Bình Dương

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2018

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bộ Y tế nhận được Công văn số 1206/SYT-QLD ngày 06/6/2018, Công văn số 1112/SYT-QLD ngày 29/5/2018, Công văn số 824/SYT-NVD ngày 26/4/2018 của Sở Y tế tỉnh Bình Dương báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế đối với các thuốc trúng thầu tại địa phương.

Theo đó, ngày 26/3/2018, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-SYT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc generic cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập có hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh Bình Dương năm 2018 (đợt 1). Ngày 12/4/2018, Tổ thẩm định đã tiến hành họp thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc generic cho các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập cho hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong tỉnh Bình Dương năm 2018 (đợt 2). Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương có Công văn số 849/BHXH-GĐBHYT ngày 05/4/2018 và Công văn số 930/BHXH-GĐBHYT ngày 18/4/2018 chưa thống nhất thanh toán đối với 111 thuốc theo kết quả trúng thầu đợt 1 và đợt 2 tại Sở Y tế Bình Dương. Trong đó, 83 thuốc với lý do giá trúng thầu cao hơn giá trúng thầu của các tỉnh, thành lân cận và 28 thuốc với lý do thuốc trúng thầu có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao thực hiện chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4837/BYT-BH ngày 07/7/2015. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, nguồn thuốc dự trù tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cạn kiệt, không còn thuốc phục vụ cho người bệnh, nhất là thuốc cấp cứu, dịch truyền và thuốc có hoạt chất không thể thay thế được.

Về vấn đề này, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

1. Về giá thuốc trúng thầu của 111 mặt hàng thuốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương chưa thống nhất thanh toán

Qua rà soát và so sánh thì giá thuốc trúng thầu của các mặt hàng này phù hợp với giá trúng thầu tại các Sở Y tế và Bệnh viện Trung ương trong vòng 12 tháng trước đó được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

Đối với 28 thuốc không được chấp nhận thanh toán với lý do là thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao: Các thuốc đều đã trúng thầu tại nhiều Bệnh viện trực thuộc Bộ và các Sở Y tế. Giá trúng thầu phù hợp khi so sánh với thuốc cùng hàm lượng, cùng tiêu chí kỹ thuật; hoặc thuốc khác hàm lượng, cùng tiêu chí kỹ thuật; hoặc thuốc cùng hàm lượng, khác tiêu chí kỹ thuật. Trong số này, có 8 thuốc là biệt dược gốc, giá thống nhất trên toàn quốc.

2. Về việc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương lấy giá trúng thầu của tỉnh lân cận để so sánh và đề nghị thương thảo giá về mức giá này:

a) Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu: việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu của nhà thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).

b) Tại Công văn số 10445/BKHĐT-QLĐT ngày 25/12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến như sau:

" Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 94) quy định giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để thanh toán cho nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thanh toán theo đúng thời hạn trong hợp đồng thì chịu trách nhiệm trải đối với phần giá trị thanh toán chậm cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng.

Theo đó, trường hợp nhà thầu đã đáp ứng các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đạt yêu cầu về kỹ thuật, có giá đề nghị trúng thầu thấp nhất và không vượt giá gói thầu được duyệt thì nhà thầu được đề nghị trúng thầu và trao hợp đồng. Việc thanh toán cho nhà thầu phải thực hiện theo các điều khoản quy định trong hợp đồng trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thanh toán không căn cứ theo giá hợp đồng là thiếu căn cứ khoa học, không theo bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, việc làm này được coi như là áp đặt mệnh lệnh hành chính, không tuân theo nguyên tắc của thị trường gây ra nhiều bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp dược.

c) Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình lựa chọn nhà thầu:

+ Theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Thông tư số 11/2016/TT-BYT, cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc: “Khi mua thuốc từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cử cán bộ tham gia vào các bước sau đây: a) Lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; b) Lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; c) Đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu”.

+ Tại Công văn số 4837/BYT-BH ngày 07/7/2015, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố: "Tăng cường trách nhiệm trong quá trình tham gia lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của địa phương, giám sát danh mục thuốc, giá thuốc trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kịp thời phát hiện và có ý kiến ngay từ khi đơn vị lập kế hoạch mua sắm các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất với hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình triển khai thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối với các thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao, đề nghị tổng hợp, cung cấp cho Bộ Y tế các thuốc này để rà soát, công bố giá kê khai, kê khai lại''.

Do đó, việc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương không thống nhất thanh toán cho các thuốc thuộc gói thầu đã có sự tham gia của Bảo hiểm xã hội tỉnh là không phù hợp, gây khó khăn quá trình đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

3. Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

a) Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương khẩn trương thực hiện thanh toán chi phí các thuốc đã được đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định tại địa phương. Làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh tỉnh Bình Dương để xác minh làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan; tránh tình trạng có ý kiến về việc thanh toán chi phí thuốc không đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế, gây khó khăn trong quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc của địa phương; có ý kiến ngay từ khi lập và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn xác về chuyên môn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTT Chính phủ Vũ Đức Đam (để b/c);
- PTT Chính phủ Vương Đình Huệ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Vụ KHTC, PC; Cục QLD, KCB;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Các Bệnh viện, viện trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, B11

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Lê Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4465/BYT-BH năm 2018 về đấu thầu, thanh toán chi phí thuốc tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 4465/BYT-BH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/08/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Lê Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản