Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4344/BTTTT-VP
V/v trả lời chất vấn của ĐBQH Phan Viết Lượng

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi:

- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào lúc 8h00 ngày 10/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước như sau:

“Thời gian qua quản lý SIM rác còn nhiều hạn chế, bất cập, là một trong những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên lĩnh vực an ninh mạng. Quản lý thông tin trên Internet, mạng xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người dân ở mức độ nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, trân trọng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề cao trách nhiệm, có biện pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tương xứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nắm tình hình, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh hơn nữa trong thời gian tới.”

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có ý kiến trả lời như sau:

1. Quản lý SIM rác còn nhiều hạn chế, bất cập, là một trong những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trên lĩnh vực an ninh mạng

Trong thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý triệt để tình trạng SIM thuê bao di động có thông tin đăng ký không đúng quy định (mà xã hội hay gọi là “SIM rác”), Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai nhiều biện pháp kinh tế, kỹ thuật, tổ chức thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm1,… các biện pháp này đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Tại thời điểm tháng 9/2021, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông còn hơn 7 triệu SIM có thông tin thuê bao có dấu hiệu chưa đúng quy định, thì đến tháng 6/2022 số SIM chưa khai báo đầy đủ thông tin đã được xử lý triệt để (cập nhật lại thông tin, chặn, khoá, hủy các trường hợp không tuân thủ), bảo đảm 100% (tương ứng gần 125 triệu SIM thuê bao) có đầy đủ thông tin thuê bao.

Tuy nhiên, do vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng SIM thuê bao có thông tin chính xác, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về mua bán SIM thuê bao (mua bán mà không thực hiện chuyển quyền, sang tên theo quy định), dẫn đến một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ, trong đó có sử dụng SIM có thông tin không chính danh, chính chủ để có các hành vi phạm pháp như Đại biểu có nêu.

Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 01/6/2022 (Thông báo kết luận số 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022) về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác... Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2022.

Ngoài ra, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ.

2. Các giải pháp quản lý nội dung, thông tin mạng

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã giao các đơn vị chức năng tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin không đúng sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời tiến hành chủ động xử lý, ngăn chặn gỡ bỏ và đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới:

- Trường hợp xác định được nhân thân: Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh- Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Điển hình là trường hợp vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (7,500,000 đồng) và bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử.

- Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook, Tiktok... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc dân tộc...

- Thường xuyên rà quét và yêu cầu các trang mạng xã hội trong nước, các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nước ta.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ biện pháp về pháp lý, ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật... để đấu tranh quyết liệt với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, Tiktok... buộc các doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; buộc phải triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên các mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Bộ TT&TT.

- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, để từng người sử dụng cho các hành xử phù hợp, không cung cấp, sử dụng các nội dung không lành mạnh nêu trên. Bộ Quy tắc đưa ra những quy tắc chung trong ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có “Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật”.

Kết quả từ 01/01/2022 đến 30/6/2022:

Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.374 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 91%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em như Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử...

Google đã gỡ 5.363 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 95%). Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, Youtube đã ngăn chặn 05 kênh Youtube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (khoảng 1.500 video).

Tiktok đã chặn, gỡ: 182 videos vi phạm (tỷ lệ 90%). Ngoài ra, Tiktok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.

- Sử dụng hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát Không gian mạng quốc gia để giám sát, rà quét liên tục 24/7 trên không gian mạng, nhờ đó phát hiện và cảnh báo kịp thời cho 63 tỉnh/thành phố các tin giả, thông tin xấu độc liên quan đến từng địa phương để nhanh chóng xử lý.

- Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã ban hành 02 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xúc phạm uy tín, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội với tổng số tiền phạt 27,500,000 đồng; Các Sở TT&TT đã ban hành 93 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền 1,084,000,000 đồng.

Hiện nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn thông tin trên mạng xã hội.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông, trân trọng gửi tới đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước;
- Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (VPQH);
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thanh tra Bộ;
- Các Cục: Viễn thông; PTTH&TTĐT;
- Cổng TTĐT của Bộ (để đăng tin);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 



1 Năm 2019, Bộ đã tổ chức thanh tra, xử phạt 03 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) 309 triệu do vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Năm 2020 đã xử phạt 04 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile) 360 triệu đồng. Các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh với tổng số tiền là 190.300.000 đồng, xử phạt 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 226.950.000 đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4344/BTTTT-VP năm 2022 về Quản lý SIM rác và giải pháp quản lý nội dung, thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4344/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản