Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4340/UBND-KGVX
V/v tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải;
- Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội;
- Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội;
- UBND các quận, huyện, thị xã.

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện ngày 14/5/2020; Công văn số 2808/LĐTBXH-ATLĐ ngày 29/7/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố nói chung, việc nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp nói riêng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đi vào nề nếp và tình hình tai nạn lao động trên địa bàn cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do sức ép tiến độ công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch COVID-19, một phần do người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, chưa chấp hành nghiêm về an toàn, vệ sinh lao động; tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm an toàn, vệ sinh lao động còn xảy ra, đặc biệt trong thi công xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản, gây ra những tác động không tốt đến xã hội.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, UBND các quận, huyện, thị xã, đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Công khai thông báo các vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng, nhà xưởng; các đơn vị quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động; kiên quyết đề nghị khởi tố các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động.

c) Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt đối với các thiết bị có nguy cơ cao về tai nạn lao động, ảnh hưởng lớn đến xã hội và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản như thang máy, cần trục, nồi hơi, bình chứa khí nén ...

d) Hằng năm, xây dựng dự toán kinh phí quản lý an toàn, vệ sinh lao động tập trung nguồn lực cho khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động nói riêng, của người dân nói chung góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

2. Sở Xây dựng

a) Tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm việc quản lý an toàn lao động trong thi công công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách ngăn tường bao che, tường ngăn kích thước lớn theo công văn số 1914/BXD-GĐ ngày 14/8/2019 của Bộ Xây dựng; Kiên quyết đình chỉ thi công các công trình xây dựng không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện ngày 14/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng như cần trục tháp, vận thăng lồng, cần bơm bê tông, hệ thống cốp pha trong các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông.

c) Chỉ đạo phòng Quản lý đô thị các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý công tác xây dựng trên địa bàn; tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường. Kiên quyết tạm đình chỉ các công trình xây dựng tại các nhà tư nhân, nhà dân sát đường giao thông không đảm bảo biện pháp thi công, biện pháp an toàn, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân tham gia giao thông.

3. Sở Giao thông vận tải

a) Tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông; đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực đang thi công. Yêu cầu các đơn vị rà soát khu vực đang thi công phải có các biện pháp đảm bảo an toàn như rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, các hố sâu, hố ga trong mùa mưa bão...; Kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hành lang an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân tham gia giao thông.

b) Tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải như các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên các phương tiện giao thông vận tải.

4. Sở Công Thương

a) Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo an toàn trong các cơ sở kinh doanh xăng dầu, kho tàng hóa chất nguy hiểm, các cơ sở kinh doanh sang chiết nạp gas, cửa hàng kinh doanh gas, đặc biệt các cơ sở quản lý vật liệu nổ công nghiệp; an toàn sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và các cơ sở liền kề.

b) Tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù công nghiệp.

5. Đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố

a) Chỉ đạo Công đoàn các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và người lao động.

b) Thường xuyên động viên khen thưởng các gương điển hình, các đơn vị làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn; công khai các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

a) Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về “ Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục triển khai, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thi công xây dựng, trong quản lý sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt là người lao động phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định, khai báo các thiết bị an toàn...

b) Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng nhà dân trên địa bàn theo Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội, đặc biệt lưu ý đối với nhóm lao động, tổ đội có thuê mướn lao động để cải tạo nhà ở; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn lao động.

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực người lao động không có hợp đồng lao động, tăng cường tập huấn, huấn luyện cho người lao động không theo hợp đồng lao động, đặc biệt tập trung vào các đối tượng người lao động không theo hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (thợ hàn, thợ điện, cơ khí, thợ nề....)

UBND Thành phố đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố; yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai, thực hiện; báo cáo kết quả gửi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội trước ngày 30/10/2020 để tổng hợp chung báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và UBND Thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Bộ LĐTB&XH;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
phòng KGVX, NC, TKBT, KT;
- Lưu: VT, KGVX(Ngọc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4340/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 4340/UBND-KGVX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/09/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản