Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CT-UBND | Bình Dương, ngày 04 tháng 12 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Thời gian qua, công tác An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm thực hiện, bước đầu đã đạt hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: người sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ (chưa huấn luyện kịp thời, đúng, đầy đủ về ATVSLĐ; chưa xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn; không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; công tác giám sát, kiểm tra về ATVSLĐ chưa thực hiện thường xuyên,...); trình độ nhận thức của nhiều người lao động còn thấp (trong quá trình làm việc thường làm theo thói quen, theo kinh nghiệm và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động),...
Do đó, để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động và đảm bảo công tác ATVSLĐ theo quy định; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau đây:
- Tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật ATVSLĐ đến tất cả đối tượng thuộc trách nhiệm quản lý: các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, người lao động thuộc các lĩnh vực, ngành trên địa bàn tỉnh; đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: xây dựng, khai thác khoáng sản, sử dụng điện, hóa chất,...
- Triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nội dung Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm và Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đặc biệt là các lĩnh vực, các ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động.
2. Sở Y tế: hướng dẫn công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh, việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động, đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: căn cứ vào dự toán kinh phí do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các hoạt động sau: Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động thuộc các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh; công tác thanh tra về an toàn, vệ sinh lao động,... theo quy định hiện hành.
4. Sở Công Thương: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác ATVSLĐ trong các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí gas hóa lỏng, hóa chất, điện, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh thuộc ngành quản lý.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường cho các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động, đặc biệt là các ngành, nghề có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như: hóa chất; tái chế, mua bán chất phế thải; cơ khí; sản xuất bột giấy; vật liệu xây dựng; chế biến nước giải khát, cồn, bia, rượu, bánh, mứt, kẹo; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp,...
6. Sở Xây dựng:
- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc ngành quản lý trên địa bàn tỉnh áp dụng đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong thi công công trình xây dựng.
- Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 21/3/2011, Chỉ thị số 01/CT-BXD ngày 02/11/2015, Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 20/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường thực hiện các quy định đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong ngành xây dựng, về việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình, về việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 12/10/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông.
7. Sở Giao thông - Vận tải: phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra về an toàn giao thông tại các công trình giao thông thuộc ngành quản lý, đặc biệt là những công trình giao thông trọng điểm, có quy mô lớn, phức tạp; vận động, tuyên truyền các đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công công trình giao thông có trụ sở trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 32/CT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng cường thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, giám sát và tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chống mối mọt, côn trùng, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, việc sử dụng máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương: phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn về công tác ATVSLĐ trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đặc biệt trong những lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
10. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và Bản Quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore: tăng cường phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
11. Đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động, các phong trào thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về công tác ATVSLĐ.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động ở các khu vực phi kết cấu.
13. Chủ doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh:
- Chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện về ATVSLĐ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động tại đơn vị mình.
- Xây dựng Kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ hàng năm gắn với Kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ.
- Chủ động phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đảm bảo công tác ATVSLĐ tại đơn vị, kiểm soát tốt tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc sự cố mất an toàn lao động có thể xảy ra.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 2Quyết định 30/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 3Công văn 4340/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Chỉ thị 02/CT-BXD năm 2011 về tăng cường thực hiện quy định đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong ngành xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 2Chỉ thị 32/CT-BGTVT năm 2014 tăng cường thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải
- 3Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp vơi khu dân cư; đường giao thông do tỉnh Bình Dương ban hành
- 5Chỉ thị 01/CT-BXD năm 2015 về bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2016 về tăng cường quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 7Chỉ thị 02/CT-BXD năm 2017 về đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành
- 8Quyết định 30/2017/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 9Công văn 4340/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội
Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động do tỉnh Bình Dương ban hành
- Số hiệu: 23/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 04/12/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Trần Thanh Liêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/12/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra