Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3882/TCHQ-GSQL
V/v thủ tục hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2012

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Nhằm tăng cường quản lý về hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện đúng các quy định hiện hành tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010, Thông tư số 222/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009 của Bộ Tài chính và Quyết định số 209/QĐ-TCHQ ngày 29/01/2011 của Tổng cục Hải quan đồng thời thực hiện một số nội dung sau:

1. Lập Biên bản bàn giao hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất

Đối với trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất làm thủ tục đăng ký tờ khai tái xuất tại cửa khẩu tạm nhập nhưng hàng hóa được tái xuất qua cửa khẩu khác thì Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập lập Biên bản bàn giao hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo đúng quy định tại điểm c.2.2 khoản 2, Điều 37 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Khi lập Biên bản phải ghi đầy đủ các nội dung yêu cầu theo mẫu 03/BBBG-TNTX/2010 ban hành kèm theo Phụ lục III Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cách thức giao nhận như sau:

a. Hải quan cửa khẩu tạm nhập

+ Lập 02 Biên bản bàn giao, ký tên, đóng dấu công chức; yêu cầu người khai hải quan cùng ký và ghi rõ họ tên; đóng dấu nghiệp vụ của Chi cục (Mẫu dấu số 02) lên góc phải của Biên bản bàn giao;

+ Niêm phong tờ khai hải quan tái xuất (bản lưu người khai hải quan) và bản sao tờ khai tạm nhập giao cho người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất. Biên bản bàn giao hàng hóa không niêm phong để làm chứng từ đi đường;

+ Trước 08 giờ sáng hàng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập tổng hợp danh sách các tờ khai tái xuất và Biên bản bàn giao theo từng cửa khẩu tái xuất, fax và gửi thư điện cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất để chủ động theo dõi và làm thủ tục tiếp theo. Lãnh đạo Chi cục phân công công chức theo dõi hàng chuyển cửa khẩu quản lý, thực hiện trao đổi và chịu trách nhiệm về các thông tin trao đổi liên quan đến Biên bản bàn giao hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất.

+ Lưu một (01) Biên bản bàn giao (bản chính);

+ Lưu Bảng thống kê Biên bản bàn giao và Danh sách các tờ khai tái xuất đã có xác nhận “hàng đã xuất khẩu” do Chi cục Hải quan cửa khẩu tái xuất hàng hồi báo theo tháng để tiện cho việc tra cứu, đối chiếu khi cần thiết.

+ Niêm phong hàng hóa giao người khai hải quan vận chuyển đến cửa khẩu tái xuất. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được chứa trong container hoặc trong phương tiện vận tải đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan theo quy định tại điểm 2 Điều 13 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ.

b. Hải quan cửa khẩu tái xuất

+ Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra niêm phong hồ sơ hải quan, niêm phong hàng hóa. Kiểm tra đối chiếu các thông tin trên Biên bản bàn giao với tình trạng lô hàng…

+ Lãnh đạo Chi cục phân công công chức/ bộ phận chuyên theo dõi hàng chuyển cửa khẩu để quản lý và thực hiện trao đổi, chịu trách nhiệm về các thông tin trao đổi liên quan đến Biên bản bàn giao hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Trước 08 giờ sáng hàng ngày, công chức được phân công theo dõi hàng chuyển cửa khẩu có trách nhiệm trả lời xác nhận về việc đã nhận được Bảng thống kê Biên bản bàn giao cho Hải quan cửa khẩu tạm nhập; đồng thời tổng hợp Danh sách các tờ khai tái xuất đã có xác nhận “hàng đã xuất khẩu” và Biên bản bàn giao theo từng cửa khẩu tạm nhập, fax và gửi thư điện tử hồi báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập biết để chủ động theo dõi và thanh khoản tờ khai theo quy định;

+ Ký tên trên Biên bản bàn giao; ghi ngày/tháng/năm, ký xác nhận hàng đã xuất khẩu và đóng dấu công chức trên tờ khai hải quan;

+ Fax và gửi thư điện tử Bảng thống kê Biên bản bàn giao và Danh sách các tờ khai tái xuất có xác nhận “Hàng đã xuất khẩu” hồi đáp cho từng Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập vào thứ 3 hàng tuần theo đúng quy định tại Quy trình quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-TCHQ ngày 29/1/2011 của Tổng cục Hải quan;

+ Lưu Biên bản bàn giao;

+ Lập biên bản để xử lý (nếu phát hiện vi phạm) theo quy định; Thông báo cho Hải quan cửa khẩu tạm nhập biết.

2. Xác nhận hàng hóa đã xuất khẩu:

Đối với hàng tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng chuyển tải, công chức Hải quan kiểm tra, xác nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010, Điều 26 Thông tư số 222/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009 của Bộ Tài chính và công văn số 1454/TCHQ-GSQL ngày 05/4/2011 của Tổng cục Hải quan. Lãnh đạo Chi cục kiểm tra, ký tên và đóng dấu Chi cục bên cạnh chữ ký và đóng dấu công chức của công chức thừa hành”.

3. Việc gia hạn thời hạn tạm nhập - tái xuất đối với trường hợp hàng hóa đã hoàn thành thủ tục tái xuất mà chưa xuất hết trong tám (08) giờ làm việc: Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính. Trong thời gian gia hạn, hàng hóa phải lưu giữ tại khu vực cửa khẩu, người khai hải quan, người kinh doanh kho bãi… phải đảm bảo tính nguyên trạng hàng hóa, hải quan cửa khẩu xuất phải giám sát chặt chẽ hàng hóa cho đến khi tái xuất hết, không để hàng hóa thẩm lậu vào nội địa.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý) để được hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục ĐTCBL (để p/h);
- Thanh tra Tổng cục (để p/h);
- LĐTC (để b/c);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3882/TCHQ-GSQL về thủ tục hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất

  • Số hiệu: 3882/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/07/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản