Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3703/SGDĐT-KTKĐ
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 10 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Hiệu trưởng các trường mầm non, trường phổ thông;
- Giám đốc trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Căn cứ Công văn số 4742/BGDĐT-QLCL ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023;

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Chuẩn bị chu đáo và thực hiện đúng quy chế các Kỳ thi trong năm học 2022-2023 (Khảo sát vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và các trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” (nếu có), Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023- 2024, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023).

2. Tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; tiếp tục triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế theo kế hoạch; đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; thực hiện các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế theo kế hoạch.

3. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm, KĐCLGD đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc triển khai công tác bảo đảm và KĐCLGD.

4. Tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ.

5. Chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng giáo dục các cấp. Từng bước nâng cao năng lực cho các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý thi, đánh giá chất lượng giáo dục; KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục.

6. Thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; trong việc tổ chức các kỳ thi, các kỳ khảo sát. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.

7. Xây dựng để triển khai phương án dự phòng thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục

1. Đối với Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, khảo sát tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và các trường THCS dạy chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế (nếu có)

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp.

- Quán triệt và vận dụng tốt sự chỉ đạo của các cấp để tổ chức các kỳ thi và công tác tuyển sinh trên địa bàn Thành phố ngày càng có nền nếp, chuyên nghiệp, tăng cường đạo tuyển sinh trục tuyến nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn, đúng quy chế trong tất cả các khâu theo quy định.

- Phối hợp chỉ đạo các đơn vị đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng đánh giá chính xác năng lực, đồng bộ, công bằng để chủ động tham gia các kỳ tuyển sinh đầu cấp.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến công tác thi cho tất cả các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT nhằm giúp học sinh có thể tụ bồi dưỡng kỹ năng tự hướng nghiệp, lựa chọn môn học phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: “Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.”

2. Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

- Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.

- Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Cụ thể:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2023- 2024 đến năm 2025; triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GDĐT;

- Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát;

- Xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức các kỳ thi, hướng dẫn thi theo đúng tiến độ và chỉ đạo của Bộ GDĐT, phù hợp với tình hình địa phương (các văn bản được tập hợp thành tập tài liệu “Hệ thống văn bản thi tốt nghiệp THPT”). Đồng thời, các công văn còn được triển khai đầy đủ trên trang của web Sở GDĐT.

- Biên soạn và triển khai tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ coi thi và nghiệp vụ chấm thi.

- Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi song song với phần mềm thi của Bộ GDĐT; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.

3. Đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế

Tiếp tục phối hợp với phòng chuyên môn chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng, thi chọn học sinh giỏi; tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi đạt hiệu quả cao.

4. Đối với các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia, quốc tế

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị về dữ liệu hiệu trưởng, giáo viên và học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực để tham gia khảo sát chính thức theo các yêu cầu kỹ thuật của quốc tế và của Việt Nam; có các phương án ứng phó với tác động của dịch bệnh trong quá trình triển khai.

II. Công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục

- Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học; Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.

- Khi thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chuẩn quy định tại thông tư nêu trên, cơ sở giáo dục áp dụng theo quy định tại các văn bản hiện hành có liên quan; trường hợp các quy định được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới ban hành đối với các nội dung tương ứng.

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trong công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.

- Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng kế hoạch khả thi, bố trí nguồn kinh phí phù hợp theo quy định tại Thông tư số 56/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động KĐCLGD đối với cơ sở giáo dục thường xuyên để triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm và KĐCLGD trên địa bàn; quan tâm đầu tư cho các cơ sở giáo dục đã đạt chuẩn nhưng hiện tại đang bị xuống cấp, không bảo đảm điều kiện duy trì kết quả và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Xây dựng quy trình quản lý các hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài.

- Tăng cường tập huấn, giám sát, chỉ đạo các trường (công lập và tư thục) thực hiện tốt công tác báo cáo tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài.

- Tổ chức tư vấn cho các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng tự đánh giá, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá.

- Nhân rộng điển hình, chia sẻ kinh nghiệm, tuyên dương, khuyến khích các cá nhân và tập thể làm tốt trong các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

- Tăng cường phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các Phòng giáo dục và đào tạo, các trường Trung học phổ thông, các Trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Công khai kết quả đánh giá ngoài để xã hội biết, quan tâm và ủng hộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chú trọng công tác truyền thông, các hoạt động tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát, củng cố đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài để đáp ứng yêu cầu đánh giá ngoài theo kế hoạch.

- Đưa công tác kiểm định chất lượng giáo dục thành tiêu chí thi đua theo hướng ưu tiên, khuyến khích.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đối với các Phòng giáo dục đào tạo và các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra; tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài, đặc biệt là công tác cải tiến chất lượng sau đánh giá bảo đảm thực chất, hiệu quả; xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong nhà trường. Có các phương án ứng phó với tác động của dịch bệnh trong quá trình triển khai.

- Thực hiện việc sơ kết, đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định; đề xuất kịp thời với Sở GDĐT về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để được hướng dẫn, hỗ trợ.

III. Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ

- Thực hiện tốt việc quản lý văn bằng, chứng chỉ theo Công văn số 1800/BGDĐT-QLCL ngày 05/5/2021 của Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ. Chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ; làm giả văn bằng, chứng chỉ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên địa bàn.

- Phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài trên địa bàn. Thực hiện công tác quản lý văn bằng, công nhận văn bằng chứng chỉ do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam theo thẩm quyền.

- Thực hiện cấp bản sao văn bằng, xác minh văn bằng chứng chỉ theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính. Phối hợp giữa các phòng ban, với bộ phận tiếp dân giải quyết đúng hạn việc cấp bản sao văn bằng, xác minh văn bằng chứng chỉ theo đúng yêu cầu qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.

IV. Công tác thực hiện công khai, phối hợp và báo cáo định kỳ

- Thực hiện công khai chất lượng theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT- BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm không thực hiện công khai theo quy định. Triển khai báo cáo tổng hợp các nội dung thực hiện công khai năm học 2022-2023 và kế hoạch thực hiện công khai năm học 2023-2024 để tổng hợp và báo cáo về Sở GDĐT (qua Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) theo đúng thời gian quy định.

- Thực hiện tốt việc báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 19/2020/TT-BGDĐT ngày 29/6/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn tại Công văn này, căn cứ vào tình hình cụ thể, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023 tại đơn vị và nộp về Sở Giáo dục và Đào tạo (thông qua Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, chuyên viên phụ trách địa bàn bản in, có đóng dấu, ký tên của thủ trưởng đơn vị) trước ngày 15 tháng 10 năm 2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, đề nghị báo cáo về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để kịp thời giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Giám đốc Sở GDĐT;
- Lưu: VP, KTKĐ (M).

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Lê Hoài Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3703/SGDĐT-KTKĐ năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3703/SGDĐT-KTKĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/10/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoài Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản