Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37026/CT-TTHT
V/v: Thuế nhà thầu đối với dịch vụ cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam

Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH KJTT Việt Nam
(Địa chỉ: tầng M, tòa nhà TTC, số 19 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận
Cầu Giấy, TP Hà Nội; MST:0109013871)

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn không số đề ngày 04/01/2020 của Công ty TNHH KJTT Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế đối với nhà thầu nước ngoài. Ngày 17/01/2020, Cục Thuế TP Hà Nội đã có Thông báo số 2484/TB-CT-TTHT gửi Công ty TNHH KJTT Việt Nam về việc giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu. Tuy nhiên đến ngày 14/5/2020, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được thông tin giải trình, bổ sung tài liệu của Công ty TNHH KJTT Việt Nam.

- Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

+ Tại Điều 1 quy định đối tượng áp dụng:

"Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):

1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu..."

+ Tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 quy định đối tượng không áp dụng:

"3. Tổ chức, cá nhân nước ngoàỉ có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.

Ví dụ 4:

Công ty H của Hongkong cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty A ở Vỉệt Nam. Công ty A phải trả cho Công ty H phí dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong.

Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng Hongkong là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hongkong nên không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.

...4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:

- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;

- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);

…- Xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;

...- Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);

...- Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông; Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam."

+ Tại tiết b khoản 1 Điều 12 quy định về doanh thu chịu thuế GTGT:

“b) Xác định doanh thu tính thuế GTGT đối với một số trường hợp cụ thể:

...b.5) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

b.6) Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Ví dụ 14:

Công ty B (Công ty Việt Nam) cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu phẩm từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Để thực hiện dịch vụ này, Công ty B thanh toán (chia cước) cho Công ty C ở nước ngoài một khoản tiền là x USD. Thuế GTGT của Công ty C được xác định như sau:

+ Đối với dịch vụ chuyển phát từ nước ngoài về Việt Nam (không phân biệt người gửi ở nước ngoài hay người nhận tại Việt Nam trả tiền dịch vụ), khoản tiền x USD Công ty C nhận được không thuộc doanh thu tính thuế GTGT;

+ Đối với dịch vụ chuyển phát từ Việt Nam ra nước ngoài (không phân biệt người gửi tại Việt Nam hay người nhận ở nước ngoài trả tiền dịch vụ), khoản tiền x USD Công ty C nhận được thuộc doanh thu tính thuế GTGT; Công ty B có trách nhiệm khai, khấu trừ, nộp thay thuế GTGT trên số tiền x thanh toán cho Công ty C. ”

+ Tại tiết b khoản 1 Điều 13 quy định về doanh thu chịu thuế TNDN:

”b) Xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với một số trường hợp cụ thể:

...b. 7) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

b.8) Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Ví dụ 23:

Công ty B (Công ty Việt Nam) cung cấp dịch vụ chuyển phát bưu phẩm từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Để thực hiện dịch vụ này, Công ty B thanh toán (chia cước) cho Công ty C ở nước ngoài một khoản tiền là x USD. Thuế TNDN của Công ty C được xác định như sau:

+ Đối với dịch vụ chuyển phát từ nước ngoài về Việt Nam (không phân biệt người gửi ở nước ngoài hay người nhận tại Việt Nam trả tiền dịch vụ), khoản tiền x USD Công ty C nhận được không thuộc thu nhập chịu thuế TNDN;

+ Đối với dịch vụ chuyển phát từ Việt Nam ra nước ngoài (không phân biệt người gửi tại Việt Nam hay người nhận ở nước ngoài trả tiền dịch vụ), khoản tiền x USD Công ty C nhận được thuộc thu nhập chịu thuế TNDN; Công ty B có trách nhiệm khai, khấu trừ, nộp thay thuế TNDN trên số tiền X thanh toán cho Công ty C”

Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn về nguyên tắc như sau:

Trường họp Công ty TNHH KJTT Việt Nam ký hp đồng với tổ chức tại Hàn Quốc (không có cơ sở thường trú ở Việt Nam) để thực hiện các dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hàn Quốc hoặc thực hiện các dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Hàn Quốc về Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải tính thuế nhà thầu theo quy định tại Điều 2, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 103/2014/TT-BTC nếu trên.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị Công ty TNHH KJTT Việt Nam liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 1 để được hướng dẫn cụ thể.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH KJTT Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT1;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 37026/CT-TTHT năm 2020 về thuế nhà thầu đối với dịch vụ cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 37026/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/05/2020
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Tiến Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản