Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3534/TCHQ-TXNK
V/v xử lý thuế doanh nghiệp bỏ trốn

Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1103/HQBN-CBL ngày 15/6/2023 của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh báo cáo và xin ý kiến xử lý đối với doanh nghiệp bỏ trốn mất tích. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ khoản 5 Điều 60 Luật hải quan số 54/2014/QH13 quy định tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu có trách nhiệm thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;

Căn cứ khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định về miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất trong thời hạn nhất định;

Căn cứ khoản 6, khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, SXXK được miễn thuế nhập khẩu. Cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ;

Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định:

“5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”;

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, quy định: “d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, quy định: “d) Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuê bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành”;

Căn cứ quy định tại Điều 52 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định các trường hợp cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 10 Điều 13 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định người nộp thuế chấm dứt hoạt động, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, giải thể, phá sản chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì cơ quan hải quan tính thuế, thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật;

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), điểm b khoản 2 Điều 200 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế có số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

Căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, quy định: “1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự”.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với số hàng hóa tạm nhập khẩu miễn thuế nhưng doanh nghiệp không tái xuất khẩu hàng hóa thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định. Đối với số hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không đưa vào sản xuất và xuất khẩu, không còn lưu giữ tại cơ sở sản xuất và địa điểm lưu giữ nguyên liệu, vật tư đã thông báo với cơ quan hải quan, doanh nghiệp không nộp báo cáo quyết toán nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu thì không đáp ứng điều kiện miễn thuế theo quy định tại Điều 10, Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ. Cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và thu hồi tiền thuế theo quy định.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, người đại diện theo pháp luật đã xuất cảnh, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh thực hiện tính thuế, thông báo thuế để xác định số tiền thuế phải nộp đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Sau khi thông báo thuế đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thuế theo quy định. Đồng thời tiếp tục rà soát toàn bộ hồ sơ, có văn bản trao đổi với cơ quan công an trong đó nêu rõ tình tiết vụ việc để cơ quan công an xem xét xử lý về tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật hình sự.

Về phía trách nhiệm của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh đề nghị kiểm tra lại việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan (nếu có) khi đã không kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý thuế và thu hồi tiền thuế theo quy định của Luật quản lý thuế (doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh từ tháng 3/2020, Giám đốc Công ty đã xuất cảnh từ tháng 11/2020 nhưng đến thời điểm tháng 5/2021, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh mới thực hiện xác minh về doanh nghiệp và chưa thực hiện được biện pháp thông báo thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế).

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TXNK (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3534/TCHQ-TXNK năm 2023 về xử lý thuế doanh nghiệp bỏ trốn do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3534/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/07/2023
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Hoàng Việt Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản