Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/LĐTBXH-LĐTL
V/v trả lời kiến nghị của Tập đoàn Hồng Hải

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2010

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời công văn số 97/BKH-QLKKT ngày 07 tháng 01 năm 2010 của quý Bộ về việc trả lời một số kiến nghị của Tập đoàn Hồng Hải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4487/VPCP-KTTH ngày 02/7/2009 của Văn phòng Chính phủ đề nghị trả lời một số kiến nghị của Tập đoàn Hồng Hải với Trường trực Ban Bí thư, ngày 14/8/2009 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức cuộc gặp và trao đổi trực tiếp với đại diện của Tập đoàn Hồng Hải gồm ông Davy Lo - Giám đốc Phòng Thương vụ tại Việt Nam và ông Trần Hạnh Dân - thành viên Ban chấp hành công đoàn, Trợ lý Phòng Thương vụ tại Việt Nam. Tại cuộc gặp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông tin đầy đủ về:

- Nội dung và giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp nhằm hạn chế tranh chấp lao động và đình công xảy ra;

- Cơ chế, chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và vai trò của doanh nghiệp, của người lao động;

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Qua trao đổi, Tập đoàn Hồng Hải cũng thấy được vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp về những vấn đề nêu trên.

2. Những kiến nghị của Tập đoàn Hồng Hải gửi Thủ tướng Chính phủ

a) Về hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự pháp luật quy định.

Việc xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật quy định là điều các bên không mong muốn, làm ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp, người lao động và môi trường đầu tư chung. Vì vậy, Đảng và Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật lao động, pháp luật công đoàn cho phù hợp với thực tế: thành lập Ủy ban Quan hệ lao động, Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, tăng cường đối thoại xã hội; thúc đẩy thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động; kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn….

b) Về chính sách tiền lương

Luật pháp lao động tôn trọng quyền tự chủ của người lao động và người sử dụng lao động theo nguyên tắc thị trường, cụ thể; trên cơ sở mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố, người sử dụng lao động được quyền xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lương cho từng công việc cụ thể theo nguyên tắc Chính phủ quy định để thỏa thuận và trả lương cho người lao động; các chế độ phúc lợi do hai bên thương lượng, thống nhất và ghi trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động làm căn cứ thực hiện, trong quá trình xây dựng và thực hiện nếu vi phạm thì phải thông qua đối thoại, thương lượng để giải quyết, nếu không thống nhất được thì giải quyết tranh chấp lao động theo quy định hiện hành.

c) Về chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực

Hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với người học nghề và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề như: chính sách tín dụng ưu đãi về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007); chi phí dạy nghề của doanh nghiệp được trừ khi tính thu nhập chịu thuế (khoản 5, Điều 55 Luật Dạy nghề); tín dụng đầu tư (Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006); đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề bằng ngân sách (Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008). Vì vậy, Tập đoàn Hồng Hải có thể áp dụng các quy định trên bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

d) Về vấn đề xuất khẩu lao động

- Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời hạn. Thực tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho phép Tập đoàn Hồng Hải đưa 265 lao động nghề chế tạo khuôn đi thực tập nâng cao tay nghề tại Đài Loan và Trung Quốc với thời hạn 01 năm. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn Hồng Hải rà soát lại việc thực hiện pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề trong Tập đoàn;

- Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp được xem xét, cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Vì vậy, Tập đoàn Hồng Hải không được phép thành lập doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin ghi nhận ý kiến của Tập đoàn Hồng Hải để nghiên cứu, xem xét khi sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trả lời Tập đoàn Hồng Hải.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, Vụ LĐTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Minh Huân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 349/LĐTBXH-LĐTL trả lời kiến nghị của Tập đoàn Hồng Hải do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 349/LĐTBXH-LĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/02/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Phạm Minh Huân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản