Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 341/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

“Đề nghị xem xét bổ sung 10 nội dung chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan: (1) Mô hình quản lý, di tích, phân cấp quản lý di tích; (2) Về di sản tư liệu, di sản hỗn hợp, công viên địa chất toàn cầu, đô thị di sản/thành phố di sản; (3) Việc tiếp nhận, quản lý tượng, đồ thờ trong di tích; (4) Việc sở hữu hợp pháp di sản văn hóa; (5) Về tiêu chí phân cấp lễ hội; (6) Quy định về việc đặt/treo cờ hội; (7) Về việc lập, thẩm định hồ sơ đưa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố; (8) Về định mức kinh phí công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể; (9) Về chính sách bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, ghi danh, kiểm kê, phân loại; (10) Việc thực hành các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, ghi danh; ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành văn hóa cấp huyện; ban hành hướng dẫn thực hiện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự thảo đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị liên quan và nhân dân. Trong đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có bao gồm các quy định cụ thể sau đây:

(1) Mô hình quản lý, di tích, phân cấp quản lý di tích: Điều 52 trách nhiệm của chủ sở hữu, trực tiếp quản lý di tích, Điều 53 quản lý di tích và Điều 54 mô hình quản lý di tích. Đồng thời, các Điều 140, 141 và 142 đã quy định nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

(2) Về di sản tư liệu, di sản hỗn hợp, công viên địa chất toàn cầu, đô thị di sản/thành phố di sản:

- Nội dung dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bao gồm điểm b, khoản 2, Điều 37 phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và tiêu chí di tích: “Di tích kiến trúc nghệ thuật phải đáp ứng tiêu chí là công trình, nhóm công trình kiến trúc nghệ thuật, quần thể kiến trúc đô thị nông thôn có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật” và các quy định liên quan đến đô thị di sản tại các Điều 40, 46 dự thảo Luật.

- Công viên địa chất toàn cầu: Công viên địa chất là khu vực đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm c, khoản 12 Điều 20, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

(3) Việc tiếp nhận, quản lý tượng, đồ thờ trong di tích: Nội dung dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bao gồm Điều 51 quy định việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích.

(4) Việc sở hữu hợp pháp di sản văn hóa: Nội dung dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã bao gồm Điều 4 sở hữu di sản văn hóa, Điều 11 quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng và cá nhân sở hữu di sản văn hóa, Điều 12 quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa, Điều 52 trách nhiệm của chủ sở hữu, trực tiếp quản lý di tích.

(5) Tiêu chí phân cấp lễ hội: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, tất cả di sản văn hóa phi vật thể được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không xếp hạng hay phân cấp.

(6) Việc đặt/treo cờ hội: Tại Điều 12 Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có quy định liên quan đến việc đặt/treo cờ hội.

(7) Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, huyện, thành phố: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa, tất cả di sản văn hóa phi vật thể được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không xếp hạng hay phân cấp. Ngày 30/6/2010, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo đó quy định các địa phương thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể để đảm bảo di sản có cơ chế được bảo vệ và phát huy giá trị; chỉ có một Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tập hợp các di sản văn hóa phi vật thể đáp ứng tiêu chí quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL để đảm bảo di sản được duy trì và tồn tại lâu dài cần được bảo vệ ở mức độ cao hơn.

(8) Về định mức kinh phí: Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ công nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức thực hành, trình diễn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, dự kiến ban hành trong Quý III/2024.

(9) Về chính sách bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, ghi danh, kiểm kê, phân loại và (10) việc thực hành các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, ghi danh; ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành văn hóa cấp huyện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được hoàn thiện, tiếp thu, giải trình theo ý kiến của các thành viên Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Cục DSVH, Vụ PC, Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, VP (TKBT), PAV (15).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 341/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 341/BVHTTDL-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/01/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản